Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nội trú Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác đã có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa với thế mạnh trong khám, tư vấn, điều trị các bệnh lý ở trẻ; Hồi sức cấp cứu, chống độc trẻ sơ sinh và trẻ em.
Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là bệnh khá nguy hiểm, có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ sinh non. Chẩn đoán phát hiện sớm là yếu tố tiên quyết trong việc điều trị suy hô hấp sơ sinh. Việc chẩn đoán bệnh bao gồm chẩn đoán xác định suy hô hấp và chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây suy hô hấp sơ sinh.
1. Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là gì?
Hội chứng suy hô hấp cấp trẻ sơ sinh (bệnh màng trong) là tình trạng rối loạn chức năng phổi (rối loạn khả năng trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch), dẫn đến tình trạng thiếu Oxy, tăng CO2 máu nên không còn khả năng duy trì PaO2, PaCO2 và pH ở mức độ có thể chấp nhận được.
Suy hô hấp cấp là hội chứng thường gặp trong thời kỳ sơ sinh, đặc biệt là vào những ngày đầu sơ sinh. Trẻ sinh non có nguy cơ bị suy hô hấp cấp cao hơn trẻ đủ tháng. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh.
Về nguyên nhân, ở phổi của người bình thường, bên trong phế nang có chất tạo hoạt tính bề mặt (surfactant) làm nhiệm vụ duy trì tính ổn định của các phế nang, giúp phế nang không bị xẹp. Chất này xuất hiện tương đối vào tuần thứ 20, phủ lên vách trong của phế nang và có trong nước ối vào tuần 28 - 36. Ở trẻ sinh non, vì phổi chưa hoàn toàn trưởng thành nên chất hoạt động bề mặt sẽ bị thiếu. Điều này dẫn đến phế nang bị xẹp, giảm bề mặt phế nang dành cho việc trao đổi khí, gây suy hô hấp và thậm chí có thể dẫn đến tử vong ở trẻ sinh non. Ngoài sinh non, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh như: Sinh mổ, gia đình có tiền sử bị suy hô hấp, mang đa thai, người mẹ bị tiểu đường, tổn thương chu sinh (ngạt, xuất huyết trước sinh), lượng máu cung cấp cho thai kỳ bị giảm,...
Nếu trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nhẹ và được điều trị đúng thì sau khoảng 72 giờ, các triệu chứng của bệnh sẽ giảm dần và trẻ có thể được cứu sống. Nếu bệnh nặng, trẻ sẽ bị tím tái, khó thở nặng, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, có thể tử vong sau vài giờ. Tuy nhiên, ở những trẻ được cứu sống, sau khi khỏi bệnh trẻ vẫn có thể gặp phải một số di chứng như thiếu oxy não, xuất huyết não, hạ đường huyết,...
2. Chẩn đoán suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh
2.1 Hỏi tiền sử bệnh
- Tuổi thai: Sinh non, đủ tháng hay già tháng. Các vấn đề về hô hấp thường gặp ở trẻ sinh non như:
- Phổi chưa trưởng thành, thiếu chất surfactant gây bệnh màng trong;
- Sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi;
- Hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh, dễ gặp phải các cơn ngưng thở.
- Cách sinh: Sinh mổ, sinh hút hay sinh thường. Trẻ sinh mổ thường bị chậm hấp thu dịch phế nang, gây ra các cơn thở nhanh thoáng qua;
- Tình trạng trẻ lúc sinh: Gặp các sang chấn sản khoa, ngạt, thực hiện các can thiệp hồi sức sau sinh, da tẩm nhuận phân su, bị lạnh, stress hay các bệnh lý khác,... dễ gặp một số bệnh lý về hô hấp;
- Tình trạng mẹ lúc mang thai: Mẹ bị tiểu đường sẽ làm ảnh hưởng tới sự tổng hợp surfactant, gây bệnh suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh;
Tình trạng mẹ lúc sinh: Mẹ bị sốt trước khi sinh, vỡ ối sớm, dịch ối đục, có mùi hôi,... thì trẻ dễ bị viêm phổi.
2.2 Khám lâm sàng
- Thay đổi nhịp thở: Trẻ thở nhanh trên 60 lần/phút hoặc thở chậm dưới 20 lần/phút; có cơn ngưng thở trên 20 giây hoặc ngưng thở dưới 20 giây kèm nhịp tim giảm dưới 100 lần/phút;
- Dấu hiệu thở gắng sức: Rút lõm ngực, phập phồng cánh mũi, thở rên (thì thở ra);
- Tím tái: Tím quanh môi, đầu chi hoặc toàn thân;
- Tim mạch: Ban đầu nhịp tim nhanh, về sau nhịp tim chậm, cuối cùng có thể bị rối loạn nhịp tim hoặc ngưng tim;
- Thần kinh: Có những biểu hiện từ nhẹ đến nặng về tri giác, đồng tử, cường cơ như vật vã, bỏ bú, giảm trương lực cơ, mất các phản xạ, co giật, li bì, hôn mê,...;
- Thận: Suy thận cấp, thiểu niệu hoặc vô niệu;
- Đo và theo dõi độ bão hòa Oxy trong máu (chỉ số SaO2). Chẩn đoán suy hô hấp khi chỉ số SaO2 dưới 90%.
2.3 Thực hiện các xét nghiệm cần thiết
- Huyết đồ, cấy máu, CRP nếu nghi ngờ nhiễm trùng huyết sơ sinh;
- X-quang tim phổi nhằm phát hiện các bệnh lý đi kèm hoặc nguyên nhân gây suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, viêm phổi, dị vật đường thở, kiểm tra vị trí đặt nội khí quản có đúng không,...;
- Khí máu động mạch áp dụng khi suy hô hấp thất bại với thở Oxy.
2.4 Chẩn đoán xác định suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh được xác định mắc bệnh suy hô hấp cấp khi kết quả khí máu động mạch là: PaO2 < 50 - 60mmHg và/hoặc PaCO2 > 60mmHg và pH < 7.25.
2.5 Chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Chẩn đoán nhanh các bệnh lý nguy hiểm:
- Tràn khí màng phổi: Trẻ có biểu hiện lồng ngực căng phồng một bên kèm phế âm giảm, cần chẩn đoán bằng transilumination và X-quang phổi;
- Tịt mũi sau; Trẻ sơ sinh có triệu chứng khó thở khi bú, khi khóc da hồng, không khóc da tím tái. Chẩn đoán dựa vào việc đặt catheter mũi 2 bên sẽ không đưa vào được;
- Thoát vị hoành: Trẻ có dấu hiệu bụng lõm, phế âm giảm một bên và tim bị đẩy lệch đối bên. Phương pháp chẩn đoán phù hợp là X-quang phổi;
- Teo thực quản kèm dò thực quản - khí quản: Biểu hiện là trẻ sơ sinh bị trào nhiều bọt ở mũi, miệng. Cách chẩn đoán dựa vào dấu hiệu khi đặt catheter miệng - dạ dày không thể đưa vào với độ dài cho trước.
Chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân thường gặp:
- Bệnh màng trong: Trẻ có biểu hiện suy hô hấp cấp sớm sau sinh, hay gặp ở trẻ sinh non, sinh ngạt;
- Hít phân su: Trẻ sơ sinh có biểu hiện lồng ngực căng phồng, nhuộm phân su da, cuống rốn, móng. Tình trạng này hay gặp ở những trẻ có tiền căn sản khoa bị ngạt, nước ối xanh, có phân su trong dịch ối;
- Viêm phổi: Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có biểu hiện lâm sàng là sốt hoặc hạ thân nhiệt, vàng da sớm. Trẻ bị viêm phổi thường do vỡ nước ối sớm, nước ối có mùi hôi hoặc người mẹ mắc bệnh nhiễm trùng;
- Ngạt, viêm phổi do hít phải ối, máu: Trẻ có dấu hiệu suy hô hấp và dấu hiệu thần kinh; thường gặp ở các bé bị ngạt chu sinh và có trường hợp được hỗ trợ hô hấp ngay sau sinh;
- Thở nhanh thoáng qua: Trẻ thở nhanh, rên nhẹ, ít gây suy hô hấp nặng. Tình trạng này hay gặp ở những bé sinh mổ, kẹp rốn trễ;
- Cơn ngưng thở ở trẻ non tháng: Bé xuất hiện cơn ngưng thở kéo dài trên 20 giây kèm mạch chậm dưới 100 lần/phút;
- Tim bẩm sinh: Dấu hiệu lâm sàng là suy hô hấp dưới 4 giờ sau sinh, hiếm khi xảy ra.
Bác sĩ thường chỉ định X-quang phổi để chẩn đoán các nguyên nhân gây suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh trên. Mỗi nguyên nhân có biểu hiện đặc trưng trên phim chụp X-quang, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có phương án điều trị hiệu quả nhất.
Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là bệnh nặng và nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh, phụ huynh cần ngay lập tức đưa trẻ đi thăm khám và điều trị. Đặc biệt, vì nguyên nhân chính của hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là sinh non nên để phòng ngừa bệnh, người mẹ cần cố gắng giảm nguy cơ sinh non, duy trì các thói quen tốt như không uống rượu, hút thuốc lá trong thời gian mang thai, có chế độ dinh dưỡng phù hợp, khám và theo dõi thai kỳ đều đặn.
Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non thường được điều trị bằng kỹ thuật bổ sung hợp chất Surfactant. Như trước đây, y học thường dùng kỹ thuật bơm Surfactant qua nội khí quản và cho trẻ thở máy. Ngày nay, kỹ thuật bơm Surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh ít xâm lấn và ngày càng được sử dụng rộng rãi. Hiện tại có nhiều phương pháp và kỹ thuật bơm surfactant khác nhau, cần cân nhắc tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Kỹ thuật bơm Surfactant điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh đã được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Lợi ích của liệu pháp này là: cải thiện thông khí phổi, tăng cường oxy hóa máu, giảm tần suất dò khí (biến chứng tràn khí màng phổi, ứ khí phế nang...), giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật cho trẻ...
XEM THÊM: