Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Lậu là một trong những bệnh lây qua đường tình dục, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng sinh sản của cả nam giới và nữ giới, trong một số trường hợp, người bệnh lậu sẽ có triệu chứng giống với Chlamydia, nấm Candida và viêm sinh dục.
1. Bệnh lậu là gì?
Lậu là một trong những bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi song cầu khuẩn gram âm là Neisseria gonorrhoeae. Đây là một bệnh lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn khá phổ biến. Bệnh có thể phối hợp với một số tác nhân khác gây viêm niệu đạo sinh dục như: Chlamydia trachomatis, nấm, trùng roi, Mycoplasma, Ureaplasma,...
Các triệu chứng bệnh lậu ở nam giới và nữ giới thường khác nhau. Thông thường, bệnh lậu ở nam giới có triệu chứng khá rõ, còn nữ giới không rõ hoặc không có triệu chứng. Triệu chứng thường gặp là:
- Nam giới: Thường bị viêm niệu đạo sinh dục trước với biểu hiện đái buốt và ra mủ màu xanh hoặc vàng xanh, ra mủ nhiều, phù nề, đỏ miệng sáo. Thời gian ủ bệnh từ 1 - 14 ngày, trung bình là 2 - 5 ngày. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể gặp biến chứng tại chỗ như: Viêm niệu đạo sau, viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh và tuyến tiền liệt cấp hoặc mạn tính,...;
- Nữ giới: Thường bị viêm ống tử cung, viêm niệu đạo và các tuyến. Thời gian ủ bệnh lậu khoảng 10 ngày. Các triệu chứng thường thấy là khí hư ra nhiều, tiểu khó, rong kinh, ra máu giữa kỳ kinh nguyệt,... Biến chứng bệnh lậu ở nữ giới rất nghiêm trọng, gồm viêm vòi trứng, viêm tiểu khung, có thể gây vô sinh, mang thai ngoài tử cung,... Phụ nữ mang thai bị lậu dễ gặp biến chứng viêm cấp màng ối rau, sảy thai tự nhiên, vỡ ối sớm, sinh non, viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh, viêm hầu họng,...
Ngoài các biến chứng trên, người bị bệnh lậu bất kể nam hay nữ đều có nguy cơ gặp biến chứng nhiễm lậu toàn thân: Viêm đa khớp, xuất hiện mụn mủ hoại tử đau trên nền da đỏ, đau khớp hoặc viêm gân bao hoạt dịch khớp,... Đôi khi bệnh nhân lậu có thể bị nhiễm trùng máu do lậu, viêm màng não và viêm màng tim do lậu, có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
2. Chẩn đoán phân biệt bệnh lậu với Chlamydia, nấm Candida, viêm sinh dục
2.1 Chẩn đoán xác định bệnh lậu
Bác sĩ sẽ chẩn đoán phân biệt bệnh lậu với bệnh do Chlamydia, bệnh do nấm Candida và viêm sinh dục thông qua tiền sử quan hệ tình dục với người mắc bệnh lậu hoặc dựa trên các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.
Để chắc chắn, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm như:
- Nuôi cấy: Phân lập lậu cầu bằng nuôi cấy để chẩn đoán bệnh. Tỷ lệ dương tính khi nuôi cấy lậu cầu ở nam giới là khoảng 80 - 95% tùy vị trí lấy bệnh phẩm (100% ở niệu đạo nam giới và thấp hơn ở họng, trực tràng do lượng lậu cầu ở đó ít). Tỷ lệ dương tính khi nuôi cấy lậu cầu ở nữ giới cao hơn khi lấy bệnh phẩm ở cổ tử cung (80 - 90%), thấp hơn khi lấy bệnh phẩm ở niệu đạo, các tuyến, họng, hậu môn;
- Nhuộm gram: Khi thấy song cầu gram âm điển hình nằm trong hoặc sát bên bạch cầu đa nhân thì có thể kết luận bệnh nhân dương tính với bệnh lậu. Trong trường hợp chỉ thấy song cầu nằm ngoài bạch cầu hoặc hình thái song cầu không điển hình nằm trong bạch cầu đa nhân thì cần kiểm tra lại;
- PCR (polymerase chain reaction): Là kỹ thuật mới, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, chẩn đoán xác định bệnh lậu khi lậu cầu dương tính.
2.2 Chẩn đoán phân biệt bệnh lậu với Chlamydia, nấm Candida, viêm sinh dục
- Bệnh do Chlamydia Trachomatis
Có nhiều chủng gây bệnh khác nhau gây viêm niệu đạo, cổ tử cung, trực tràng,... Loại vi khuẩn này là nguyên nhân thường gặp nhất trong các bệnh lây qua đường tình dục và có 30% nguy cơ đồng nhiễm với lậu. Bệnh do Chlamydia có biểu hiện gần giống bệnh lậu, gây viêm dưới biểu mô, loét biểu mô và gây sẹo nhưng vi khuẩn Chlamydia Trachomatis ít gây nhiễm trùng toàn thân
Triệu chứng lâm sàng giúp phân biệt bệnh lậu với bệnh do Chlamydia Trachomatis gây ra là: Thời gian ủ bệnh của Chlamydia dài (7 - 21 ngày), trái với bệnh lậu (2 - 5 ngày). Nam giới thường bị nóng rát ở niệu đạo, ra mủ nhầy, mủ màu trắng đục hoặc trong, số lượng ít hoặc có dịch nhầy ở miệng sáo. Bệnh nhân ít bị tiểu buốt, chủ yếu bị ngứa, có cảm giác dấm dứt khó chịu ở niệu đạo. Nữ giới bị nhiễm Chlamydia thường không có biểu hiện, số khác bị tiểu buốt, tiểu rắt và tiết dịch âm đạo.
Để chẩn đoán xác định nhiễm Chlamydia cần làm thêm xét nghiệm như PCR Chlamydia, ELISA tìm IgA, IgG, IgM hoặc test nhanh Chlamydia tìm kháng nguyên vi khuẩn Chlamydia...
- Bệnh do nấm Candida
80% trường hợp mắc bệnh là do Candida albicans; các chủng như C.glabrata, C. tropicalis, C. krusei ít gặp hơn. Phân biệt bệnh lậu với bệnh do nấm Candida chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Cụ thể, nam giới ít gặp viêm niệu đạo do nấm Candida, thường có triệu chứng kín đáo, không rõ ràng, có thể thấy ít dịch nhầy ở miệng sáo, ngứa, viêm quy đầu - bao da quy đầu (biểu hiện là có một hay nhiều vết trợt ở quy đầu và bao da quy đầu, vết trợt là đám hình tròn, màu đỏ tươi, giới hạn rõ, xung quanh có bờ), ngứa; hiếm khi bị tiểu buốt, tiểu rắt, có khi tiểu ra máu; lây bệnh do quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình bị nhiễm nấm âm đạo.
Nữ giới mắc bệnh do nấm Candida có triệu chứng là khí hư ra nhiều, màu trắng như váng sữa, ngứa dữ dội, có cảm giác rát bỏng vùng âm hộ, âm đạo, đặc biệt là trước khi hành kinh, đau khi giao hợp, âm hộ bị đỏ phù toàn bộ hoặc từng đám. Bệnh do nấm nội sinh do các thay đổi tại chỗ hoặc bệnh lý toàn thân gây bệnh (đái tháo đường, có thai, vệ sinh kinh nguyệt không tốt, sau nạo phá thai, sau hút điều hòa kinh nguyệt, thủ thuật tiết niệu - sinh dục, thay đổi PH âm đạo).
Bên cạnh đó, có thể thực hiện các xét nghiệm khác để phân biệt bệnh lậu với bệnh do nấm Candida như: Xét nghiệm soi nấm thấy bào tử nấm + giả sợi hoặc cấy nấm định loại trên môi trường Sabouraud.
- Bệnh viêm sinh dục
Trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis): Thường gây viêm âm đạo với các triệu chứng gồm ngứa ở âm hộ, âm đạo, ra khí hư âm đạo, có dịch mủ vàng hoặc xanh, nặng mùi, âm đạo bị đau như kim châm, sưng tấy, đỏ, có nhiều vị trí bị loét; khám âm đạo thấy nhiều khí hư lỏng, có nhiều bọt nhỏ. Trùng roi cũng có thể gây bệnh viêm niệu đạo sinh dục ở nam giới nhưng triệu chứng kín đáo hơn, chủ yếu là ngứa dương vật, tiểu buốt, tiểu nhiều lần và tiết ít mủ nhầy. Đây là dấu hiệu giúp phân biệt bệnh lậu với bệnh viêm sinh dục. Ngoài ra, có thể phân biệt 2 bệnh bằng cách thực hiện xét nghiệm soi tươi tìm trùng roi;
Bệnh viêm niệu đạo sinh dục do Mycoplasma, Ureaplasma: 2 loại vi khuẩn này thường gây bệnh nhiễm trùng sinh dục, có triệu chứng gần giống nhiễm Chlamydia Trachomatis nên có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng để phân biệt với bệnh lậu. Chúng thuộc nhóm tác nhân gây viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung không do lậu và không do Chlamydia. Một số bệnh viện lớn cũng có thể thực hiện các xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh viêm niệu đạo sinh dục do Mycoplasma và Ureaplasma để chẩn đoán phân biệt với bệnh lậu nhằm có phác đồ điều trị bệnh chính xác nhất.
Bệnh lậu và các bệnh lây qua đường tình dục như Chlamydia, viêm sinh dục, nấm Candida đều có nguy cơ mắc bệnh cao nếu quan hệ tình dục không an toàn. Các triệu chứng của bệnh có nhiều điểm giống và khác nhau, khó xác định chính xác. Vì vậy, khi có dấu hiệu cảnh báo mắc các bệnh trên, bệnh nhân nên đến bệnh viện để kiểm tra, được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp Gói Khám, Sàng lọc các bệnh xã hội giúp cho khách hàng có thể phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Gói khám sàng lọc các bệnh xã hội tại Vinmec dành cho mọi lứa tuổi, cả nam giới và nữ giới.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.