Chẩn đoán giãn đài bể thận bằng siêu âm thực hiện thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Giãn đài bể thận là một trong những căn bệnh có thể để lại biến chứng nghiêm trọng nếu như không được thăm khám và điều trị kịp thời. Hiện nay, siêu âm chẩn đoán giãn đài bể thận thường được bác sĩ chỉ định để xác định, đánh giá đúng tình trạng bệnh, sau đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

1. Bệnh giãn đài bể thận có nguy hiểm không?

Giãn đài bể thận là quá trình giãn nở của đài và bể thận do thận bị ứ nước. Nếu lâu ngày thận giãn sẽ làm biến dạng, phồng to, mỏng, giống như một túi bóng chứa đầy nước và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Bệnh giãn đài bể thận có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tùy theo mức độ khác nhau mà người mắc bệnh xuất hiện các triệu chứng như sau:

  • Thông thường, người có tiền sử mắc bệnh thận đều bị đau ở vùng hông ( 1 hoặc 2 bên).
  • Đau vùng thắt lưng, mạn sườn, có thể lan xuống vùng bụng dưới.
  • Đi tiểu nhiều lần, són tiểu, tiểu buốt và có cảm giác đau.
  • Tiểu máu.
  • Sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn
  • Tăng chỉ số huyết áp một cách đột ngột

Theo đó, nguyên nhân gây bệnh giãn đài bể thận thường gặp nhất là do sỏi tiết niệu, đặc biệt là khi sỏi thận rơi xuống niệu quản làm tắc tại đây, gây ứ nước toàn bộ khu vực từ niệu quản. Ngoài ra, phì đại tuyến tiền liệt, u thận, u niệu quản, sẹo niệu quản, hẹp lỗ niệu quản, chít hẹp cổ bàng quang... cũng có thể làm tắc nghẽn gây giãn đài bể thận.


Tiểu ra máu là một trong những dấu hiệu của bệnh giãn đài bể thận
Tiểu ra máu là một trong những dấu hiệu của bệnh giãn đài bể thận

2. Quy trình thực hiện siêu âm giãn đài bể thận

Siêu âm chẩn đoán giãn đài bể thận là kĩ thuật giúp các bác sĩ có thể sớm phát hiện và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Theo đó, quy trình thực hiện siêu âm giãn đài bể thận được thực hiện theo đúng quy định, dựa vào vị trí thận trong cơ thể mà các bác sĩ có thể chọn mặt cắt tốt nhất trong quá trình siêu âm để có được hình ảnh đứng và ngang của thận.

Siêu âm thận ở người lớn cho kết quả bình thường khi hình ảnh có các đặc điểm sau:

  • Thận có hình dáng giống hạt đậu, có phần rốn ở phía trong
  • Kích thước hai thận thường không giống nhau; đường bờ đều, bên trái có lách đè nên nhu mô thận trái có hình tam giác.
  • Vỏ thận đậm độ âm thấp hơn, hoặc có thể bằng gan và lách.
  • Tháp thận có đậm độ âm hơi thấp hơn phần vỏ.
  • Phần phức hợp xoang thận có đậm độ âm lớn nhất.
  • Hệ thống góp (bể thận, đài thận và cổ đài) bình thường là một khoang hẹp chứa nước tiểu, khó thấy, thấy rõ dưới dạng khoang trống âm ở người có bài niệu tốt.
  • Bể thận cũng có thể xuất hiện từ mức là một cấu trúc trống âm nhỏ trong thận tới cấu trúc trống âm lớn lồi ra khỏi thận.

Hình ảnh siêu âm thận bình thường ở trẻ có sự khác biệt so với siêu âm thận người lớn như sau:

  • Cầu thận tập trung cao hơn ở vỏ nên đậm độ âm cao hơn thận người lớn.
  • Thận ở trẻ nhỏ có rất ít mỡ nên phức hợp xoang thận chỉ có các cấu trúc của hệ thống đài thận.
  • Hệ thống đài thận tương đối căng ở khoảng 75% nên các đài và cổ đài là cấu trúc có chứa dịch.

Hình ảnh siêu âm thận của người lớn
Hình ảnh siêu âm thận của người lớn

Hình ảnh siêu âm giãn đài bể thận được đánh giá qua sự tổn thương giữa bể thận với đài thận và niệu quản, thể hiện qua 3 mức độ:

  • Độ 1: bể thận và các đài thận bị giãn nhẹ.
  • Độ 2: bể thận và các đài thận giãn rõ rệt, chèn ép làm cho nhu mô thận hẹp lại.
  • Độ 3: bể thận và đài thận giãn thành một nang lớn, không phân biệt được các cấu trúc của hệ thống góp. Nhu mô thận rất mỏng.

Ngoài ra, siêu âm giãn đài bể thận còn có thể nhìn thấy vị trí của sỏi niệu quản, teo niệu quản bẩm sinh, lao thận và những nguyên nhân khác gây giãn đài bể thận.

3. Giãn đài bể thận có nguy hiểm không?

Sau khi có kết quả siêu âm chẩn đoán giãn đài bể thận thì bác sĩ sẽ đánh giá mức độ và khả năng phục hồi theo từng giai đoạn bệnh.

  • Giãn đài bể thận độ 1 và độ 2: Ở mức độ 1 và 2 thì giãn đài bể thận tổn thương chưa quá nghiêm trọng, vẫn có khả năng hồi phục.
  • Giãn đài bể thận độ 3: Mức độ 3 là mức độ đặc biệt nguy hiểm, vách thận bị giãn mỏng, mất khả năng đàn hồi, nguy cơ biến chứng rất cao, cần sớm có phương pháp điều trị.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của bệnh giãn đài bể thận thường ít có biểu hiện nên thường bị người bệnh bỏ qua. Vì thế, việc thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các bệnh lý là rất cần thiết, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh giãn đài bể thận như:

  • Nhiễm trùng thận: Nếu nước tiểu tích tụ lâu ngày tại thận sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm, nhiễm trùng kẽ thận, đài thận... Những căn bệnh này thường tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận.

Giãn đài bể thận có khả năng gây suy thận
Giãn đài bể thận có khả năng gây suy thận
  • Vỡ thận: Đây là tai biến nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, khi vách thận giãn mỏng quá mức kết hợp áp lực trong thận tăng cao, khiến thận bị vỡ đột ngột, nếu không cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao.
  • Suy thận: Đây là biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí là “công cụ giết người thầm lặng”. Khi biến chứng này xảy ra sẽ phá hủy các tế bào thận, làm chúng mất đi chức năng lọc máu và loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể. Điều này làm sức khỏe của người bệnh suy kiệt dần, phải chạy thận nhân tạo liên tục hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

4. Điều trị giãn đài bể thận như thế nào?

Bệnh giãn đài bể thận là bệnh lý nguy hiểm nên việc thăm khám và điều trị bệnh sớm sẽ đem lại cơ hội điều trị bệnh cao. Tuy nhiên, việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và cấp độ của bệnh. Mục tiêu điều trị nhằm giảm tải áp lực cho thận, bảo vệ chức năng thận hoạt động tốt hơn và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Một số phương pháp điều trị giãn đài bể thận như sau:

4.1. Đặt ống thông tiểu

Hầu hết các trường hợp giãn đài bể thận do thận ứ nước, thì phương pháp điều trị đầu tiên là đặt ống thông vào trong niệu quản để tạo dòng chảy cho phép nước tiểu lưu thông, giảm áp lực cho thận. Ống thông niệu quản có thể được luồn qua đường niệu đạo hoặc đặt xuôi dòng xuyên qua thận thông qua một vết mổ nhỏ trên da để vào bể thận.


Bệnh nhân giãn đài bể thận cần đặt ống thông tiểu
Bệnh nhân giãn đài bể thận cần đặt ống thông tiểu

4.2. Điều trị nguyên nhân gây bệnh

Khi áp lực lên thận đã được tháo gỡ thì lúc này cần dựa vào nguyên nhân gây tắc nghẽn để điều trị. Thông thường là do sỏi thận, sỏi tiết niệu nên các bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc như: thuốc giãn cơ trơn niệu quản, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc lợi tiểu, muối kali citrat, thuốc giảm nồng độ acid uric... để giúp người bệnh giảm được triệu chứng, tạo điều kiện đào thải sỏi dễ hơn. Hoặc tán sỏi qua da, tán sỏi qua đường nội soi niệu quản ngược dòng,... Tuy nhiên, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây giãn, chức năng của thận và triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân thông qua hình ảnh giãn đài bể thận trên siêu âm.

Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ thì người bệnh cũng cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp và lối sống khoa học, uống nhiều nước và tăng cường luyện tập thể dục hàng ngày. Bệnh giãn đài bể thận là bệnh lý nguy hiểm, nếu như không được phát hiện sớm có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Vì thế việc thực hiện siêu âm, chẩn đoán khi có các triệu chứng bệnh là việc làm vô cùng cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe