Chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng áp xe phổi

Áp xe phổi là ổ mủ trong nhu mô phổi do viêm nhiễm hoại tử cấp tính không phải lao, sau khi ộc mủ tạo thành hang. Bị áp xe phổi nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm khuẩn máu, suy tim, suy thận, rồi chết sau vài tuần.

1. Áp xe phổi là gì?

Áp xe phổi là một viêm cấp tính nhu mô phổi không do lao, gây hoại tử và phá huỷ màng phế nang, mao quản, hình thành một hang tân tạo chứa mủ, mủ của áp xe là các chất hoại tử và bạch cầu thoái hoá. Áp xe phổi có thể có một hoặc nhiều ổ. Áp xe phổi mạn tính là tình trạng áp xe khi điều trị nội khoa quá 6 tuần thất bại.

Các tác nhân gây áp xe phổi thường là các vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng (amip). Yếu tố thuận lợi gây áp xe phổi như nghiện rượu, suy giảm miễn dịch do HIV hoặc các thuốc ức chế miễn dịch.

2. Chẩn đoán áp xe phổi

2.1. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân bị áp xe phổi thường có các dấu hiệu:

  • Sốt: 38 độ 5 - 39 độ C hoặc cao hơn, có thể kèm rét run hoặc không.
  • Đau ngực bên tổn thương, có thể có đau bụng ở những bệnh nhân áp xe phổi thuỳ dưới.
  • Ho khạc đờm có mủ, đờm thường có mùi hôi hoặc thối, có thể khạc mủ số lượng nhiều, đôi khi có thể khạc ra mủ lẫn máu hoặc thậm chí có ho máu nhiều. Có thể có trường hợp chỉ ho khan.
  • Khó thở, có thể có biểu hiện suy hô hấp: thở nhanh, tím môi, đầu chi, PaO2 giảm, SaO2 giảm.
  • Khám phổi: có thể thấy ran nổ, ran ẩm, ran ngáy, có khi thấy hội chứng hang, hội chứng đông đặc.

2.2. Cận lâm sàng

  • Công thức máu: thường thấy số lượng bạch cầu > 10 giga/lít, tốc độ máu lắng tăng.
  • Chụp X-quang phổi: hình hang thường có thành tương đối đều với mức nước hơi. Có thể có 1 hay nhiều ổ áp xe, một bên hoặc hai bên.
  • Nhuộm soi trực tiếp và nuôi cấy vi khuẩn từ đờm, dịch phế quản hoặc mủ ổ áp xe. Cấy máu khi sốt > 38,50C. Làm kháng sinh đồ nếu thấy vi khuẩn.

Chụp phim X quang phổi - áp xe phổi
Chụp phim X quang phổi - áp xe phổi

3. Điều trị áp xe phổi

Điều trị áp xe phổi gồm các phương pháp: điều trị nội khoa (kháng sinh) và phẫu thuật.

3.1. Điều trị nội khoa

Kháng sinh:

Nguyên tắc dùng kháng sinh:

  • Phối hợp từ 2 kháng sinh, theo đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
  • Liều cao ngay từ đầu.
  • Sử dụng thuốc ngay sau khi lấy được bệnh phẩm chẩn đoán vi sinh vật.
  • Thay đổi kháng sinh dựa theo diễn biến lâm sàng và kháng sinh đồ nếu có.
  • Thời gian dùng kháng sinh ít nhất 4 tuần (có thể kéo dài đến 6 tuần tùy theo lâm sàng và xquang phổi)

Dẫn lưu ổ áp xe:

  • Dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực: dựa vào phim chụp X-quang phổi thẳng nghiêng hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực chọn tư thế bệnh nhân để dẫn lưu, kết hợp với vỗ rung lồng ngực.
  • Nội soi phế quản ống mềm để hút mủ ở phế quản giúp dẫn lưu ổ áp xe. Soi phế quản ống mềm còn giúp phát hiện các tổn thương gây tắc nghẽn phế quản và gắp bỏ dị vật phế quản nếu có.
  • Chọc dẫn lưu mủ qua thành ngực: áp dụng đối với những ổ áp xe phổi ở ngoại vi, ổ áp xe không thông với phế quản; ổ áp xe ở sát thành ngực hoặc dính với màng phổi.

Ổ áp xe phổi
Ổ áp xe phổi

Các điều trị khác:

  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng
  • Đảm bảo cân bằng nước điện giải, thăng bằng kiềm toan.
  • Giảm đau, hạ sốt.

3.2. Điều trị phẫu thuật

Mổ cắt phân thuỳ phổi hoặc thùy phổi hoặc cả 1 bên phổi tuỳ theo mức độ lan rộng với thể trạng bệnh nhân và chức năng hô hấp trong giới hạn cho phép (FEV1 > 1 lít so với số lý thuyết):

  • Ổ áp xe > 10 cm.
  • Áp xe phổi mạn tính điều trị nội khoa không kết quả.
  • Ho ra máu tái phát hoặc ho máu nặng đe dọa tính mạng.
  • Áp xe phối hợp với giãn phế quản khu trú nặng.
  • Có biến chứng rò phế quản khoang màng phổi

4. Phục hồi chức năng áp xe phổi

Phục hồi chức năng áp xe phổi bằng vật lý trị liệu chỉ áp dụng khi ổ áp xe phổi có đường thông ra khí quản và bệnh nhân hết sốt.

4.1. Mục đích

  • Làm sạch ổ mủ, giúp mủ trong ổ áp xe thoát ra ngoài dễ dàng.
  • Gia tăng chức năng hô hấp.

4.2. Chương trình

  • Thông mủ bằng các phương pháp ho hiệu quả, áp dụng kỹ thuật dẫn lưu tư thế phối hợp vỗ và rung. Các phương pháp này áp dụng tuỳ theo toàn trạng và sức khỏe của bệnh nhân.
  • Tập thở cơ hoành ở các vị thế, chú ý giai đoạn đầu tập vật lý trị liệu không nên thở cơ hoành ở tư thế phổi bệnh nằm bên dưới vì sẽ gây tình trạng ứ khí trong ổ áp xe và không áp dụng thở vào sâu mà chú ý thở ra dài.
  • Nếu bệnh nhân bị áp xe phổi được chỉ định phẫu thuật thì sẽ áp dụng vật lý trị liệu như bệnh nhân trước và sau phẫu thuật lồng ngực.
  • Trước phẫu thuật: bệnh nhân được điều trị tâm lý trị liệu, hướng dẫn cách làm thông thoáng đường thở, gia tăng chức năng hô hấp, ngăn ngừa biến dạng lồng ngực, duy trì tầm vận động các khớp.
  • Sau phẫu thuật: Chương trình tập như những bệnh nhân sau phẫu thuật lồng ngực. Mục đích như trên và phải tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt, phải vận động các chi để tránh huyết khối tĩnh mạch.
  • Trước khi xuất viện:Khuyến khích bệnh nhân tự tập theo các bài tập đã được hướng dẫn.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe