Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Hen phế quản nghề nghiệp là một dạng bệnh lý hen phế quản nói chung. Nguyên nhân gây bệnh là toàn bộ hoặc một phần các tác nhân ở nơi làm việc và không do những nguyên nhân ngoài môi trường làm việc. Bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh biến chứng nặng cho người bệnh trong tương lai.
1. Hen phế quản nghề nghiệp là gì?
Hen phế quản nghề nghiệp là bệnh đặc trưng bởi tắc nghẽn lưu lượng thở thay đổi hoặc tăng tính đáp ứng phế quản, viêm do điều kiện môi trường nghề nghiệp đặc biệt dễ gây ra bệnh, không do tác nhân kích thích ở ngoài nơi làm việc gây ra. Chúng ta cần phân biệt rõ ràng khái niệm hen phế quản nghề nghiệp với hen phế quản bùng phát bởi các tác nhân nơi làm việc và các biến thể của hen phế quản như viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan có thể phát triển ở người trước đó có tồn tại hen phế quản hoặc không.
Số lượng người mắc hen phế quản nghề nghiệp chiếm 10-25% số lượng bệnh nhân hen. Trong đó khoảng 5% bệnh nhân mắc hen nghề nghiệp khi tiếp xúc với các tác nhân có trọng lượng phân tử cao, 5-10% còn lại mắc bệnh khi tiếp xúc với các tác nhân có trọng lượng phân tử thấp.
2. Chẩn đoán hen phế quản nghề nghiệp
Bệnh hen phế quản nghề nghiệp được chẩn đoán bằng các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng sau:
Thông qua yếu tố tiếp xúc mà người bệnh được chẩn đoán có phải mắc hen phế quản nghề nghiệp hay không. Người bệnh hít phải các tác nhân gây mẫn cảm hay có kích thích tại môi trường làm việc như bụi, hơi, khí độc... Người bệnh hen phế quản cũng sẽ có các biểu hiện lâm sàng sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh là xuất hiện cơn hen rõ ràng trong quá trình lao động, sản xuất.
Đối với biểu hiện cận lâm sàng, dựa trên các biểu hiện sau, có thể chẩn đoán bị hen phế quản nghề nghiệp:
- Biến đổi chức năng hô hấp: người bệnh có dấu hiệu tắc nghẽn trong cơn hen, đo dung tích sống ( FVC) và thể tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên( FEV1), trong cơn hen lưu lượng giảm dưới 70% và sau cơn hen sẽ tăng dần lên trên 80% giá trị lý thuyết.
- Bằng phương pháp thử nghiệm lẩy da cho kết quả dương tính sau 15- 30 phút thì có thể chẩn đoán hen phế quản nghề nghiệp
- Phương pháp nghiệm pháp gây cơn hen gây phản ứng co thắt phế quản với histamine hoặc methacholin không đặc hiệu gây cơn hen với dị nguyên gây hen ở người bệnh. Đây là nghiệm pháp đặc hiệu và chắc chắn nhất để xác định hen phế quản nghề nghiệp và tác nhân nghề nghiệp gây hen cho người bệnh.
Bằng các phương pháp chẩn đoán nói trên dựa trên cả lâm sàng và cận lâm sàng, người bệnh sẽ được chẩn đoán chính xác tình trạng hen phế quản nghề nghiệp.
3. Điều trị hen phế quản nghề nghiệp
Để điều trị hen phế quản nghề nghiệp, người bệnh cần được giảm mẫn cảm. Phương pháp này tuy có hạn chế nhưng vẫn mang lại tác dụng tốt đối với người không thể hoàn toàn ngừng tiếp xúc với môi trường làm việc có chứa dị nguyên gây hen phế quản.
Đồng thời sử dụng các loại thuốc, trong đó chủ yếu là thuốc giãn phế quản trong cơn hen cấp. Trường hợp người bệnh nặng có thể dùng corticosteroid, thuốc giảm ho, long đờm, vitamin các loại, nâng cao thể trạng.
Bệnh hen phế quản nghề nghiệp tốt nhất nên được dự phòng từ ban đầu để hạn chế, tránh được những nguy cơ nguy hiểm không đáng có cho người bệnh trong quá trình lao động, sản xuất. Bệnh có thể được dự phòng hiệu quả bằng các cách sau:
- Lắp đặt hệ thống thông gió, hút bụi, hơi khí độc tại chỗ và chung của nơi làm việc
- Điều tra tìm ra nguy cơ có thể gây hen phế quản nghề nghiệp cho người lao động, nắm rõ các danh mục loại dị nguyên có thể gây bệnh trong sản xuất
- Tổ chức khám tuyển nhân công, loại những đối tượng có bệnh ngoài da mãn tính, cơ địa dị ứng mẫn cảm, gia đình có tiền sử hen... Bên cạnh đó có thể thử nghiệm da trong quá trình khám tuyển để giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản nghề nghiệp tại nơi làm việc.
- Phát hiện cảm ứng hen phế quản sớm, phát hiện tắc nghẽn phế quản bằng đo thể tích thở trước và sau lao động.
- Cơ giới hóa, tự động hóa, lao động sản xuất khép kín quy trình sản xuất
- Thay thế dần các loại nguyên liệu có nguy cơ cao trở thành dị nguyên gây bệnh cho người lao động
Bệnh Hen phế quản nếu không được chẩn đoán và kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề như những cơn khó thở cấp tính và ác tính, thậm chí là tử vong.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.