Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sinh mổ là một giải pháp phổ biến hiện nay được rất nhiều thai phụ lựa chọn để hạn chế cơn đau và một số biến chứng so với sinh thường. Tuy nhiên, việc chăm sóc vết mổ sau sinh lại cần sự cẩn thận và chu đáo để tránh tình trạng nhiễm trùng.
1. Hướng dẫn chăm sóc vết mổ sau sinh cho mẹ
Dù sinh mổ hay sinh thường thì việc chăm sóc và theo dõi sau sinh đều rất quan trọng, tuy nhiên nếu lựa chọn phương pháp sinh mổ thì mẹ cần chú ý chăm sóc vết mổ sau khi cắt chỉ hơn vì vết mổ này rất dễ bị nhiễm trùng.
1.1 Tuần lễ đầu sau khi sinh
Ở những ngày đầu tiên khi vừa mổ đẻ, mẹ sẽ được các bác sĩ sản khoa chăm sóc cũng như thực hiện các công tác vệ sinh vết mổ hàng ngày. Bên cạnh đó, mẹ cũng sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc co hồi tử cung... nhằm tránh khả năng nhiễm trùng và gây biến chứng sau khi sinh.
Khi trở về nhà từ bệnh viện, mẹ sẽ bắt đầu cảm thấy đau nhức quanh đáy chậu. Cơn đau này có thể kéo dài dai dẳng hoặc chỉ nhói lên một lúc. Khi đó, bạn có thể sử dụng một túi nước đá để chườm vùng quanh vết mổ nhằm giảm sưng đau.
Ở ngày thứ 3, vết mổ có thể mở băng và để khô tự nhiên. Khi tắm, mẹ chỉ nên lau người bằng khăn bông mềm nhúng nước ấm để tránh chạm đến vết mổ. Cũng cần lưu ý rằng, nếu như vết mổ quá đau, bạn cần phải nói với bác sĩ ngay để được kê các loại thuốc giảm đau phù hợp với sản phụ. Ngoài ra, nên chú ý một số lời khuyên trong việc chăm sóc vết mổ sau sinh như sau:
- Sử dụng khăn bông mềm (dùng cho trẻ em) để lau người, đặc biệt là khu vực vừa mổ.
- Lau từ phía trước ra đằng sau để tránh nhiễm trùng.
- Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như Motrin (Ibuprofen) sẽ có thể hỗ trợ làm giảm bớt những khó chịu từ vết mổ.
- Có thể sử dụng thuốc xịt gây tê dành cho các bà mẹ mới sinh.
1.2 Tuần thứ 2 trở đi
Khi bước sang tuần thứ 2, các bác sĩ sẽ chỉ định cắt chỉ (thường là sau 5 ngày đối với mổ đẻ lần đầu tiên và sau 7 – 8 ngày nếu như sinh mổ từ lần thứ 2 trở lên). Đối với các vết mổ được khâu bằng chỉ tự tiêu thì không cần quá trình cắt chỉ này. Nếu như vết mổ ổn định, sản phụ sẽ được trở về nhà để chăm sóc. Vì thế các mẹ sau khi sinh cũng cần nhớ thực hiện chăm sóc vết mổ sau cắt chỉ tại nhà như sau:
- Tắm bằng nước ấm và tránh tắm quá lâu, không nên ngâm cơ thể trong bồn tắm, điều này sẽ làm ướt vết thương.
- Dùng khăn bông có chất liệu mềm, sạch thấm khô vết mổ sau khi tắm, không cần băng kín.
- Luôn giữ và chăm sóc vết mổ sau sinh khô sạch, có thể sử dụng dung dịch betadin hay povidine 10% để thoa, thúc đẩy quá trình phục hồi sẹo và tránh bị nhiễm trùng vết mổ.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Mẹ nên ăn gì để nhanh chóng hồi phục vết thương?
Trong vòng 6 giờ sau khi sinh, người mẹ tuyệt đối không được ăn gì, chỉ được uống nước lọc, ăn cháo loãng... cho đến khi bắt đầu “xì hơi” thì mới được ăn các loại món ăn đặc hơn. Bên cạnh đó cũng cần chú ý:
- Không ăn nhiều đường, bột hoặc các sản phẩm từ đậu tương: dễ gây táo bón, đầy hơi.
- Do ảnh hưởng từ thuốc tê, tình trạng đầy hơi và táo bón có thể tồn tại trong vòng 3 – 5 ngày, do đó hãy uống nhiều nước.
- Từ khoảng ngày thứ 2 trở đi, mẹ có thể ăn uống bình thường, nên ăn nhiều rau xanh, thực phẩm giàu canxi và protein, uống nhiều nước.
- Tránh các thức ăn có tính hàn hoặc những thức ăn có mùi tanh như hải sản... vì chúng có thể gây khó khăn cho việc đông máu tại vết mổ, khiến vết thương lâu hồi phục hơn và tăng khả năng nhiễm trùng.
- Kiêng ăn rau muống, thịt gà, gạo dẻo như gạo nếp, lòng trắng trứng gà... Những thực phẩm nào gây mủ viêm và sẹo lồi sau mổ đẻ.
3. Khi nào cần đến bệnh viện kiểm tra vết mổ sau sinh?
Tuy rằng việc chăm sóc vết mổ sau sinh luôn được các bác sĩ dặn dò cẩn thận nhưng vẫn có khả năng xảy ra rủi ro không mong muốn. Trong trường hợp gặp phải một trong những triệu chứng sau, hãy tìm gặp các bác sĩ ngay:
- Đau dữ dội ở vị trí mổ.
- Xung quanh các mũi khâu đỏ và sưng tấy.
- Nhìn thấy mủ trong hoặc xung quanh vết thương.
- Sốt cao trên 39 độ C.
Để giảm đau và hạn chế biến chứng sau sinh mổ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng phương pháp đẻ không đau đối với các sản phụ sinh mổ. Đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức chuyên nghiệp, các sản phụ sẽ sẽ được gây tê thần kinh bằng máy siêu âm trong điều trị đau sau mổ. Kết quả đánh giá hiệu quả giảm đau gần đây nhất cho thấy: Toàn bộ sản phụ sinh mổ đều không phải sử dụng morphin, tình trạng đau sau sinh khi vận động và sinh hoạt gần như không còn được ghi nhận.
Bác sĩ Phạm Thị Yến đã có 11 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa. Bác sĩ với thế mạnh và hiểu biết sâu sắc trong:
- Khám, tư vấn các thai thường, thai bệnh lý, thai nguy cơ cao
- Khám và điều trị các bệnh lí phụ khoa: viêm cổ tử cung, lộ tuyến cổ tử cung
- Phẫu thuật nội soi các bệnh lý phụ khoa : thai ngoài tử cung, khối u tử cung , khối u buồng trứng
- Phẫu thuật khối u vú, khối u âm hộ , âm đạo, cổ tử cung
- Phẫu thuật sản khoa : phẫu thuật lấy thai, khám
- Điều trị các rối loạn nội tiết phụ nữ ở các lứa tuổi: dậy thì, tuổi sinh sản; tuổi tiền mãn kinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: verywellfamily