Bài viết được viết bởi BSCK II Phạm Thị Vân Hạnh, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bệnh tay chân miệng là bệnh cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ do nhiễm vi rút đường ruột. Bệnh phát triển theo 4 cấp độ, mỗi cấp độ sẽ có những triệu chứng và cách điều trị khác nhau. Nếu không được xử lý đúng cách, kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho não, hệ hô hấp và tim mạch.
1. Dấu hiệu bệnh nặng cần lưu ý - Tiêu chuẩn nhập viện
1.1 Các dấu hiệu bệnh nặng cần lưu ý
Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng dưới đây là biểu hiện của bệnh đang trở nặng, phụ huynh cần hết sức lưu ý để đưa bé nhập viện sớm:
- Sốt trên 39 độ liên tục quá 48 giờ. Hốt hoảng hoặc li bì, giật mình liên tục;
- Mệt, nôn nhiều, không ăn được, tình trạng mất nước hoặc nhiễm độc;
- Dấu hiệu thần kinh: run giật cơ, nhão cơ, thay đổi cảm giác, run chi, đi loạng choạng;
- Các bất thường tim mạch: Nhịp tim, tăng huyết áp, tim nhịp 3 (gallop rhythm);
- Khó thở, thở nhanh, thở bất thường, sốc, vân tím;
- Xét nghiệm:
- Bạch cầu tăng cao, đường máu tăng cao. Troponin máu tăng cao.
- Siêu âm tim: Suy chức năng thất trái.
- X-quang: Phù phổi, tim to.
- CT, MRI sọ não: Tổn thương thân não, phù não;
- Các dấu hiệu chuyển độ cần lưu ý:
- Dấu hiệu độ 1 chuyển độ 2: Giật mình
- Dấu hiệu độ 2 chuyển độ 3: Sốt cao khó hạ, tim nhanh, cao huyết áp, thở nhanh.
- Các tình trạng bệnh nặng/ biến chứng nặng: Suy hô hấp, phù phổi. Viêm màng não, sốc, cơ tim, suy tim, viêm não (thân não), tuỷ (li bì, rối loạn chi giác, run, giật cơ, co giật, liệt). Mất nước, điện giải (do tiêu chảy, đau họng, mệt mỏi, kém ăn).
1.2 Tiêu chuẩn nhập viện
Bệnh tay chân miệng độ 1, nhưng nhà xa hoặc không có điều kiện chăm sóc thì có thể theo dõi tại nhà
Bệnh tay chân miệng độ 2a đến độ 4 cần nhập viện.
2. Điều trị
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ. Cần theo dõi sát, phân độ, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho bé.
2.1 Điều trị cụ thể
Được áp dụng tuỳ mức độ bệnh dựa theo phân độ lâm sàng
2.1.1 Độ 1
Bệnh tay chân miệng độ 1 điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở:
- Dinh dưỡng đầy đủ. Trẻ bú mẹ cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Vệ sinh răng miệng, bôi mỡ giúp làm dịu da, niêm mạc, sát khuẩn. Nghỉ ngơi, tránh kích thích, cách ly tại nhà.
- Hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10 - 15 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ.
- Sau 1 - 2 ngày, bệnh nhân cần tái khám trong suốt 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
- Cần tái khám ngay khi có biểu hiện bệnh tay chân miệng từ độ 2a trở lên như:
+ Sốt cao ≥ 390C.
+ Thở nhanh, khó thở.
+ Run chi, giật mình, lừ đừ, quấy khóc, nôn nhiều, bứt rứt khó ngủ.
+ Đi loạng choạng.
+ Vã mồ hôi, da nổi vân tím, tay chân lạnh.
+ Co giật, hôn mê.
2.1.2 Độ 2
Bệnh tay chân miệng độ 2 điều trị nội trú tại bệnh viện:
Độ 2a
- Điều trị như độ 1. Trường hợp trẻ sốt cao không đáp ứng tốt với paracetamol có thể phối hợp với ibuprofen 5 - 10 mg/kg/lần lặp lại mỗi 6-8 giờ nếu cần (dùng xen kẽ với các lần sử dụng paracetamol), không dùng hạ sốt nhóm Aspirin. Tổng liều Ibuprofen tối đa là 40 mg/kg/ngày.
- Thuốc: Phenobarbital 5 - 7 mg/kg/ngày, uống khi trẻ giật mình hoặc quấy khóc
- Theo dõi sát để phát hiện dấu hiệu chuyển độ.
Độ 2b
Điều trị tại phòng cấp cứu hoặc hồi sức
- Nằm đầu cao 30°.
- Thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút.
- Nếu trẻ sốt cần được hạ sốt tích cực.
- Thuốc:
+ Sử dụng thuốc Phenobarbital 10 - 20 mg/kg truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau 8-12 giờ khi cần. (Cách dùng Danotan 100 mg/1ml: pha 1ml với 19 ml nước cất, lấy đủ liều cần dùng cho vào dung môi, truyền trong 30 phút).
+ Immunoglobulin: Nhóm 2: 1g/kg/ngày truyền tĩnh mạch chậm trong 6-8 giờ. Sau 24 giờ nếu còn dấu hiệu độ 2b thì dùng liều thứ 2. Nhóm 1: Không chỉ định Immunoglobulin thường quy. Nếu triệu chứng không giảm sau 6 giờ điều trị bằng Phenobarbital thì cần chỉ định dùng Immunoglobulin. Sau 24 giờ đánh giá lại để quyết định liều thứ 2 như nhóm 2.
- Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, tri giác, ran phổi, nước tiểu mỗi 1- 3 giờ trong 6 giờ đầu, sau đó theo chu kỳ 4-5 giờ.
- Đo độ bão hòa oxy SpO2 và theo dõi mạch liên tục.
2.1.3 Độ 3
Điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực, theo dõi sát diễn tiến biến chứng hô hấp tuần hoàn (6-8 giờ sau khi xuất hiện sốt cao + nhịp tim nhanh).
- Thở oxy qua gọng mũi 3 -6 lít/phút, giữ SpO2 94 – 96%. Đặt nội khí quản sớm khi thất bại với thở oxy. Tăng thông khí để giữ SpO2 đạt 94 đến 96%, PaCO2 từ 30-35 mmHg và duy trì PaO2 từ 90-100 mmHg.
- Chống phù não: nằm đầu cao 30°, đảm bảo đủ áp lực tưới máu não, hạn chế dịch (tổng dịch bằng 1/2-3/4 nhu cầu bình thường).
- Phenobarbital 10 - 20 mg/kg truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau 8-12 giờ khi cần.
- Immunoglobulin (Gammaglobulin): 1g/kg/ngày truyền tĩnh mạch chậm trong 6-8 giờ, dùng trong 2 ngày liên tục
- Dobutamin được chỉ định khi suy tim mạch > 170 lần/phút, liều khởi đầu 5μg/kg/phút truyền tĩnh mạch, tăng dần 1-2,5μg/kg/phút mỗi 15 phút cho đến khi có cải thiện lâm sàng; liều tối đa 20μg/kg/phút (không dùng Dopamin).
- Milrinone truyền tĩnh mạch 0,4 μg/kg/phút khi huyết áp cao, trong 24-72 giờ.
- Điều trị co giật nếu có: Midazolam 0,15 mg/kg/lần hoặc Diazepam 0,2-0,3 mg/kg truyền tĩnh mạch chậm, lập lại sau 10 phút nếu còn co giật (tối đa 3 lần).
- Hạ sốt tích cực.
- Thuốc kháng sinh chỉ được dùng khi bội nhiễm hoặc chưa loại trừ bệnh nhiễm khuẩn nặng khác.
- Theo dõi mạch, nhịp thở, ran phổi, nhiệt độ, huyết áp, tri giác, SpO2, mỗi 1- 2 giờ. Nếu có điều kiện nên theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn.
2.1.4 Độ 4
Bệnh tay chân miệng độ 4 được điều trị nội trú tại các đơn vị hồi sức tích cực
- Đặt nội khí quản thở máy: Tăng thông khí giữ PaCO2 từ 30-35 mmHg và duy trì PaO2 từ 90-100 mmHg.
- Chống sốc: Sốc do tổn thương trung tâm vận mạch ở thân não hoặc viêm cơ tim.
+ Nếu không có dấu hiệu lâm sàng của phù phổi hoặc suy tim: Truyền dịch Natri clorua 0,9% hoặc Ringer lactat: 5 ml/kg/15 phút, điều chỉnh tốc độ theo hướng dẫn CVP và đáp ứng lâm sàng. Trường hợp không có CVP cần theo dõi sát dấu hiệu quá tải, phù phổi cấp.
+ Dobutamin liều khởi đầu 5μg/kg/phút, tăng dần 2- 3μg/kg/phút mỗi 15 phút cho đến khi có hiệu quả, liều tối đa 20 μg/kg/phút.
+ Ngừng ngay dịch truyền nếu đang truyền dịch
+ Dùng Dobutamin liều 5-20 μg/kg/phút.
+ Furosemide 1-2 mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch chỉ định khi quá tải dịch.
- Điều chỉnh rối loạn kiềm toan, điện giải, hạ đường huyết và chống phù não.
- Lọc máu liên tục hay ECMO (nếu có điều kiện).
- Immunoglobulin: Chỉ định khi HA trung bình ≥ 50mmHg.
- Kháng sinh chỉ được dùng khi bội nhiễm hoặc chưa loại trừ bệnh nhiễm khuẩn nặng khác.
- Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác, ran phổi, SpO2, nước tiểu mỗi 30 phút trong 6 giờ đầu, sau đó điều chỉnh theo đáp ứng lâm sàng; Áp lực tĩnh mạch trung tâm mỗi giờ, nếu có điều kiện nên theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn.
3. Phòng bệnh
3.1 Nguyên tắc
Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
3. 2. Phòng bệnh tại các cơ sở y tế
- Cách ly theo nhóm bệnh.
- Nhân viên y tế: rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc. Mang khẩu trang.
- Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%. Lưu ý khử khuẩn các ghế ngồi của bệnh nhân và thân nhân tại khu khám bệnh.
- Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.
3.3 Phòng bệnh ở cộng đồng
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau chơi đồ chơi, sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt. Không dùng chung đồ dùng cá nhân.
- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa.
- Lau sàn nhà bằng dung dịch Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
- Cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà. Không để trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
Khi bé có những biểu hiện ban đầu của bệnh tay chân miệng, phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín khám và điều trị sớm, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm. Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
- Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
XEM THÊM:
- 3 dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng giai đoạn nặng ở trẻ nhỏ
- Chẩn đoán và điều trị tay chân miệng ở trẻ sơ sinh
- Bệnh tay chân miệng: Trẻ dứt sốt 48 giờ, đã yên tâm?
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.