Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Thời điểm vào mùa nắng nóng sắp đến, mọi người thường dành thời gian cho việc đi bơi để rèn luyện sức khỏe cũng như giải nhiệt. Việc chăm sóc tai, chăm sóc mắt như thế nào cho hợp lý và bảo vệ tốt cho sức khỏe 2 cơ quan này tránh dẫn đến bệnh lý ở tai và mắt được rất nhiều người quan tâm.
Sau khi đi bơi, một số người, đặc biệt là trẻ nhỏ dễ gặp các triệu chứng đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt nhiều, cũng như các biểu hiện bất thường ở tai như đau tai, ù tai, dịch mủ chảy ra từ tai...Cũng giống như việc bảo vệ da khi ra nắng, mắt là bộ phận khá nhạy cảm cần được chú ý chăm sóc phù hợp để thị lực luôn sáng khỏe mỗi ngày.
Chất clo có tác dụng giúp giữ nước hồ bơi sạch, nhưng nó cũng có thể khiến người bơi dễ bị nhiễm trùng mắt do chất này kích thích niêm mạc mắt. Ngoài ra, nếu có quá nhiều người bơi hoặc việc làm sạch bể bơi không đúng cách có thể gây nhiễm trùng tai khi bơi.
1. Chăm sóc tai khi bơi như thế nào?
Nguyên nhân gây nhiễm trùng tai khi bơi chủ yếu là do vi khuẩn, một số trường hợp có thể là nấm hoặc virus gây ra. Ngoài ra, bản thân người bơi cũng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng như:
- Tai ẩm, ra mồ hôi nhiều, thời tiết ẩm ướt kéo dài hoặc nước đọng trong tai sau khi bơi có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Có vết xước trong ống tai do làm sạch tai bằng tăm bông hoặc dụng cụ ngoáy tai, dùng ngón tay gãi vào tai hoặc đeo tai nghe hoặc máy trợ thính kéo dài có thể gây ra những vết nứt nhỏ trên da cho phép vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
- Đôi khi các sản phẩm về tóc, mỹ phẩm và đồ trang sức có thể gây kích ứng da và làm tăng khả năng bị nhiễm trùng tai khi bơi lội.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo như sau để giúp người bơi hạn chế tránh nhiễm trùng tai như sau:
- Giữ cho tai khô ráo: Lau khô tai ngay sau khi bơi hoặc tắm. Chỉ lau khô tai ngoài của bạn, lau từ từ và nhẹ nhàng bằng khăn mềm hoặc vải.
- Nghiêng đầu sang một bên để giúp nước chảy ra từ ống tai. Bạn có thể làm khô tai bằng máy sấy đặt ở chế độ thấp nhất và giữ máy cách tai ít nhất 30 cm.
- Điều trị dự phòng tại nhà. Nếu khẳng định không bị thủng màng nhĩ, bạn có thể sử dụng nút tai phòng ngừa tự chế trước và sau khi bơi. Thực hiện bằng cách pha hỗn hợp gồm 1 phần giấm trắng với 1 phần cồn isopropyl có thể giúp thúc đẩy quá trình làm khô tai và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, nấm gây nhiễm trùng tai.
- Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo về chất lượng của hồ bơi như số lượng vi khuẩn cao hoặc quá đông khách thì không nên bơi vào những ngày đó.
- Tránh đặt vật lạ vào tai. Không bao giờ được gãi ngứa hoặc cạy ráy tai bằng các vật dụng như tăm bông, kẹp giấy hoặc kẹp tóc. Khi bạn sử dụng những vật dụng này có thể đẩy vi khuẩn vào sâu hơn vào ống tai và gây kích ứng hoặc tổn thương vùng da mỏng bên trong tai.
Nếu gần đây bạn bị nhiễm trùng tai hoặc phẫu thuật tai, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi bơi.
2. Chăm sóc mắt khi bơi
Bơi trong bể nước có chứa clo sẽ làm rửa sạch lớp màng ngoài của mắt, màng này giúp bảo vệ mắt chống lại nhiễm trùng. Ngoài ra, nếu có sử dụng clo thì cũng không đảm bảo hoàn toàn có thể loại bỏ tất cả bụi bẩn và vi khuẩn có chứa trong nước. Do đó, những người bơi có thể bị đau mắt đỏ hoặc nhiễm trùng mắt. Clo có thể gây kích ứng giác mạc và khiến mắt bị khô, ảnh hưởng đến tầm nhìn.
Các chuyên gia đã đưa một số lời khuyên để giúp người bơi ngăn ngừa hoặc giảm bớt các triệu chứng khó chịu này như sau:
- Để ngăn ngừa các vấn đề về mắt trong khi bơi, bạn hãy đeo kính bảo hộ che kín mắt.
- Tháo kính áp tròng khi bơi do khoảng cách giữa mắt và kính áp tròng là nơi lý tưởng cho vi khuẩn và virus sinh sản.
- Đối với mắt khô hoặc bị kích thích nên sử dụng dung dịch nhỏ mắt để bôi trơn.
- Rửa mắt bị kích thích hoặc nóng rát bằng dung dịch nước rửa mắt hoặc nước máy trong 15 phút sau khi bơi.
Mặc dù, các bước này có thể giúp giảm bớt đỏ và kích ứng nhẹ, tuy nhiên, người bơi cần nhận ra các dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng hơn để có hướng xử lý kịp thời. Nếu có các triệu chứng sau đây, người bơi nên đến cơ sở y tế ngay lập tức:
- Mắt đỏ và có chảy dịch.
- Tầm nhìn mờ hoặc bị bóp méo.
- Đau mắt dữ dội.
Chăm sóc mắt và tai khi đi bơi rất quan trọng để đảm bảo thính lực và thị giác của bạn. Vì thế, hãy chú ý những những cách chăm sóc mắt và tai trên để có những lần đi bơi an toàn nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.