Bài viết do Bác sĩ Nội trú Nguyễn Thị Hồng Tho – Chuyên khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Khi trẻ đi du lịch nước ngoài, môi trường, nước uống và thực phẩm có thể không phù hợp mà cơ thể trẻ chưa thích nghi được hoặc sức đề kháng yếu, trẻ rất dễ nhiễm bệnh. Do đó, cha mẹ cần lưu ý phòng ngừa để con đảm bảo sức khỏe trong những chuyến đi chơi cùng gia đình.
1. Chuẩn bị trước khi đi du lịch
a. Nắm thông tin về các vấn đề y tế tại địa điểm du lịch
- Nếu du lịch trong nước, bạn có thể đọc hoặc nghe tin tức thời sự về những dịch bệnh trên báo, đài, tivi hay trên các website chính thức của Bộ Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tại các địa phương bạn sẽ tới, ví dụ: dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng,..
Nếu khu vực đó đang có dịch bệnh tốt nhất, bạn hãy đổi điểm đến hoặc tạm hoãn lại chuyến đi để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với trường hợp nơi đang có dịch COVID- 19.
- Khi du lịch nước ngoài, bạn nên tìm kiếm thông tin liên quan đến y tế hiện tại của quốc gia sắp đến thông qua các website như Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bạn có thể gõ các từ khóa tìm 2 website sau: Centers for Disease Control and Prevention và World Health Organization
Hãy tra cứu các dịch bệnh mới xuất hiện gần đây cũng như những yêu cầu về tiêm chủng nếu con bạn cần đến đó.
Nghiên cứu trước các vấn đề liên quan đến điểm đến cũng giúp bạn và trẻ chuẩn bị hành lý phù hợp.Ví dụ bạn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng ra tham quan tại Sa Pa, Lào Cai để đón tuyết rơi vào tháng 12, sự chênh lệch nhiệt độ tới gần 20 độ mà bạn không có biện pháp giữ ấm cho trẻ có thể khiến cho trẻ bị sốc lạnh dẫn đến viêm phổi cấp.
b. Kiểm tra lại sức khỏe cá nhân
- Để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho chuyến đi, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát cũng như tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt khi đi ra nước ngoài. Lưu ý tới các thông tin về các vùng đang có dịch sốt rét, sốt xuất huyết hay lưu hành dịch cúm mùa... Cần chuẩn bị màn để tránh muỗi đốt hay tiêm phòng những vắc-xin cần thiết trước vài tuần để đảm bảo vắc xin có tác dụng khi bạn đã đi du lịch.
- Trường hợp trẻ có các bệnh lý mạn tính hen suyễn, động kinh... thì nên tái khám trước chuyến đi và chuẩn bị các thuốc cần thiết cho trẻ. Hãy hỏi bác sĩ về những việc cần làm, cần tránh khi trẻ đi du lịch để không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khi đi từ ngoài trời về phòng ở, không nên tắm cho trẻ ngay mà nên đợi trẻ hết mồ hôi, đỡ mệt mỏi. Đồng thời tắm nước ấm thật nhanh, lau người thật khô để tránh nhiễm lạnh.
Nêu có thể, bạn chia sẻ với bác sĩ về nơi dự kiến đến, với các thông tin về y tế và hiểu biết về địa điểm đến, bác sĩ có thể kê đơn thuốc đủ dùng hoặc dư ra vài liều phòng trường hợp khó khăn khi mua thuốc tại nơi bạn đến. Khi cần sử dụng thuốc, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn về thời gian và cách dùng thuốc. Bởi một số thuốc nên uống cách nhau khoảng thời gian nhất định tránh quá liều thuốc.
c. Chuẩn bị các loại thuốc cần thiết khi trẻ đi du lịch
Ngoài những thuốc theo đơn dùng để điều trị bệnh lý hiện tại của trẻ (nếu có), bạn có thể chuẩn bị một số thuốc không kê đơn cần thiết khác như:
- Thuốc kháng histamin (chống dị ứng)
- Thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol
- Thuốc mỡ hay kem bôi ngoài da trị côn trùng/muỗi đốt
- Thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi
- Các vật dụng sơ cứu cơ bản như băng keo cá nhân, bông gạc, kéo...
Hãy nhớ mang theo đầy đủ đơn thuốc và có thể sao chụp vào điện thoại để tránh trường hợp bị thất lạc hành lý làm mất các thuốc mang theo.
d. Chuẩn bị một số kỹ năng sơ cứu cơ bản. Nếu bạn sẽ đi du lịch ở những xa, hãy bổ túc hoặc kiểm tra kỹ năng sơ cứu của bạn thông qua đọc sách hoặc tham gia một lớp học sơ cứu khi đuối nước, sốc nhiệt do nắng... chẳng hạn.
e. Mua bảo hiểm du lịch. Loại bảo hiểm du lịch phù hợp dự trên chính sách bảo hiểm y tế cá nhân, điểm đến và các hoạt động trong chuyến đi. Điều này sẽ rất hữu ích nếu con bạn cần sử dụng và chi trả các khoản phí cho y tế khi bị bệnh trong quá trình đi du lịch.
2. Chăm sóc sức khỏe trong quá trình trẻ đi du lịch
2.1. Phòng ngừa Tiêu chảy
Đây là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhiều du khách hay gặp phải. Các bệnh khác như dịch tả hoặc kiết lỵ cũng do ăn phải thức ăn và nước bị ô nhiễm. Bạn hãy lưu ý các vấn đề sau:
a. Thực phẩm
Chỉ cho trẻ ăn thực phẩm đã đun sôi và bóc vỏ. Hạn chế ăn rau sống hoặc salad nếu bạn chưa thực sự tin tưởng về bếp nấu ăn tại đó. Đối với trái cây, chỉ ăn loại đã rửa và bóc vỏ. Nếu trái cây không thể gọt vỏ, bạn nên ngâm chúng trong dung dịch nước muối hoặc iốt khoảng 15 phút trước khi cho trẻ ăn.
Nên ăn thức ăn nóng, yêu cầu cung cấp đồ ăn mới nấu để tránh các vấn đề về tiêu hóa.
Tránh dùng các loại sản phẩm làm từ sữa cho bé, đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới, bởi quá trình thanh trùng các loại sản phẩm này có thể không đảm bảo.
Uống men vi sinh acidophilus. Men vi sinh acidophilus là loại men sữa chua tự nhiên có thể giúp cơ thể phòng ngừa vi khuẩn. Hoặc đơn giản hơn, hãy ăn sữa chua mỗi ngày khi đi du lịch.
Nếu như hợp khẩu vị, bạn cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều vì thực phẩm lạ sẽ khiến cho bé đầy bụng, khó tiêu sẽ nôn ói hoặc tiêu chảy ngay lập tức.
b. Nước uống:
Mỗi ngày, trẻ cần uống 1-1,5 lít nước. Thiếu nước có thể khiến cơ thể kiệt sức, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chuyến đi.
Chỉ uống nước đun sôi, đã thanh lọc/ khử trùng, tốt nhất là bạn nên mua nước uống đóng chai. Nếu không, hãy đun sôi nước trước khi uống. Không nên cho trẻ uống nước đá phòng ngừa trường hợp nước không được đun trước khi làm đá. Luôn đánh răng hàng ngày cho trẻ trước khi đi ngủ.
Khi mua nước đóng chai, hãy kiểm tra phần nắp để phòng trường hợp chai đã được mở và đổ lại bằng nước máy. Các loại nước khoáng có ga là ít bị làm giả nhất.
2.2. Nghỉ ngơi điều độ
Việc di chuyển giữa các địa điểm khác nhau về múi giờ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Tình trạng này sẽ giảm bớt khi trẻ dần thích nghi với nhịp sinh học mới. Do đó, với những chuyến đi tham quan dài ngày, cha mẹ nên có chế độ ngủ nghỉ hợp lý. Không nên cho trẻ ở lại muộn trong cuộc vui đến gần sáng, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt khi trẻ bị say máy bay hoặc say tàu xe, trẻ càng cần thời gian nghỉ ngơi, phục hồi lại sức khỏe trước khi tận hưởng chuyến du lịch.
2.3. Tìm thông tin y tế địa phương phòng ngừa các tình huống khẩn cấp
Để chủ động hơn khi gặp các tình huống cần cấp cứu như trẻ bị té ngã, dị ứng do côn trùng đốt, tiêu chảy, dị ứng thức ăn hay thậm chí nguy hiểm tới tính mạng bạn cần tìm hiểu về y tế nơi bạn đến và phương thức liên hệ với họ khi cần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.