Người bệnh sốt rét cần phải được chăm sóc kỹ lưỡng, đặc biệt là trong chế độ ăn uống. Ngoài việc được nghỉ ngơi, chăm sóc tốt thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, cũng như nâng cao thể trạng giúp bệnh nhân mau chóng phục hồi hơn.
1. Bệnh sốt rét nguy hiểm như thế nào?
Bệnh sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác khi những người này bị muỗi đốt.
Mọi người đều có thể nhiễm bệnh sốt rét. Khả năng miễn dịch với sốt rét không đầy đủ và ngắn do vậy có thể bị tái nhiễm bệnh ngay. Không có miễn dịch chéo nên một người có thể nhiễm đồng thời hai ba loại ký sinh trùng sốt rét khác.
Khi được điều trị và chăm sóc đúng cách, người bị sốt rét thường có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển cực kỳ nhanh chóng và gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Đối với hầu hết các ca bệnh nặng phải có chế độ chăm sóc và điều trị đặc biệt thì mới có thể tránh khỏi các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh sốt rét ở trẻ em gây mất máu và gây tổn thương não trực tiếp và có nguy cơ bị suy giảm thần kinh và nhận thức, rối loạn hành vi và động kinh.
2. Chăm sóc người bệnh sốt rét
Người bị sốt rét thường có các triệu chứng điển hình như: sốt cao, rét run, vã mồ hôi, tiêu chảy. Do vậy, việc chăm sóc bệnh nhân phải dựa vào các triệu chứng.
- Tránh để muỗi tiếp tục cắn người bệnh: Điều cơ bản nhất trong khâu chăm sóc người bệnh sốt rét là tránh để muỗi cắn người bệnh để hạn chế lây truyền bệnh cho cộng đồng.
- Hạ sốt: Khi nhiệt độ trên 39 độ C, người bệnh dễ bị kích thích, vật vã, mê sảng, nôn... Trẻ em thì bị co giật. Do vậy cần được hạ sốt bằng các biện pháp như cơi nới bớt quần áo, nằm nơi thoáng mát, lau người bằng khăn ấm... Khi sốt quá cao trên 40 độ C có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol.
- Phòng ngừa thiếu máu: Khi sốt dai dẳng, nhất là phụ nữ có thai và trẻ em. Thiếu máu ở người bị sốt rét thường do giảm hồng cầu và huyết cầu tố) do vỡ hồng cầu, rối loạn chuyển hóa sắt và thiểu dưỡng. Do vậy, khi bị sốt rét cần được bổ sung sắt, tăng cường các vitamin, nhất là vitamin A, các thuốc có Zn (kẽm, giúp chuyển hóa sắt) và axit folic. Khi người bệnh thiếu máu nặng cần được truyền máu.
- Tránh mất nước: Người bị sốt rét thường sốt cao, vã nhiều mồ hôi và đặc biệt là tiêu chảy, vì vậy, cần bổ sung nước đầy đủ trong thời gian điều trị và chăm sóc người bệnh. Nước còn có tác dụng loại bỏ dễ dàng nhanh hơn các độc tố trong cơ thể. Bạn có thể thay nước lọc bằng nước đun sôi để nguội pha với hydrit hoặc oresol để bù điện giải.
- Nghỉ ngơi khi điều trị bệnh: Trong quá trình điều trị phục hồi bệnh, người bệnh cần nghỉ ngơi thật nhiều, không hoạt động quá mạnh, bởi các loại thuốc điều trị sốt rét gây ra các tác dụng phụ khác nhau.
- Vệ sinh: Người bệnh cần vệ sinh răng miệng, cơ thể, giường và gối thường xuyên; mặc quần áo thoáng mát.
- Nơi ở: Nơi ở của người bệnh cần sạch sẽ, phòng thông thoáng, đảm bảo đủ không khí lưu thông.
3. Dinh dưỡng cho người bệnh sốt rét
3.1. Bị sốt rét nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ cũng như nâng cao thể trạng giúp người bị bệnh sốt rét mau chóng phục hồi hơn để không gây hại cho các cơ quan khác như thận, gan hay hệ tiêu hóa. Vậy khi bị sốt rét ăn gì? Theo đó, người bệnh nên ăn theo chế độ sau:
Các thực phẩm giàu dinh dưỡng: Khi bị sốt rét, cơ thể người bệnh sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch, do vậy một chế độ thực phẩm giàu dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh có sức đề kháng tốt chống lại vi khuẩn. Các thực phẩm nên ăn gồm: rau xanh (cà chua, rau mồng tơi, rau muống, rau cải, rau dền... chế biến dưới dạng luộc hoặc nấu canh); rong biển (tác dụng điều chỉnh ruột và thúc đẩy hồng cầu sinh sôi); khoai sọ, khoai lang... (chứa nhiều vitamin C giúp hấp thu chất khoáng và đẩy mạnh sinh sản hồng cầu); hải sản (có nhiều chất sắt, vitamin B12, A, C, giúp máu và gan khỏe mạnh).
Tăng cường protein: Các loại thực phẩm giàu protein bao gồm: Sữa và các chế phẩm từ sữa, táo, quả bơ, các loại hạt (hạt điều, hạnh nhân, óc chó,...), thịt (thịt gia cầm, thịt bò).
Bổ sung vitamin C: Khi bị sốt rét nên ăn các loại quả như cam, quýt, bưởi... vì chúng chứa nhiều vitamin C, giúp tăng sức đề kháng và bổ sung nước cho cơ thể.
Ăn thức ăn lỏng và mềm: Soup, phở, đồ ăn loãng, mềm dễ nuốt nên nấu cùng với thịt gà, thịt heo, thịt bò sẽ góp phần giúp người bệnh bổ sung được dinh dưỡng cho cơ thể và hạn chế cơn khó chịu.
3.2. Bị sốt rét không nên ăn gì?
Khi bị sốt rét, người bệnh nên hạn chế:
Ăn quá nhiều chất béo: Sử dụng quá nhiều chất béo sẽ làm tăng nguy cơ buồn nôn, khó tiêu và đi phân lỏng
Trứng gà: Trứng làm tăng nhiệt độ trong cơ thể, do vậy người bị sốt rét không nên ăn.
Đồ uống có cồn, trà, caffeine và nước lạnh: Các thực phẩm này gây hại cho gan dẫn đến hệ miễn dịch suy yếu. Uống nước lạnh gây viêm họng.
Thức ăn cay, nóng: Các gia vị cay, đồ ăn cay làm tăng nhiệt trong cơ thể, vì vậy những người đang bị sốt nên hạn chế các thực phẩm cay nóng.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY
XEM THÊM: