Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chăm sóc cơ thể trẻ sơ sinh là chủ đề luôn được quan tâm trong những tháng đầu đời, trong đó việc chăm sóc da và vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh là việc các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý. Chăm sóc da cho trẻ sơ sinh cần được thực hiện tỉ mỉ và cẩn thận ở mọi khu vực trên cơ thể vì da của trẻ trong độ tuổi này thường khá mỏng và nhạy cảm.
1. Viêm da tiết bã nhờn
Viêm da tiết bã nhờn ở vùng da đầu, dân gian hay gọi là mảng cứt trâu, tuy các tổn thương do viêm da tiết bã nhờn trông không đẹp mắt nhưng chúng không gây hại đến sức khỏe của trẻ. Viêm da đầu tiết bã nhờn thường khá phổ biến ở các trẻ sơ sinh từ 0 đến 1 tuổi. Trẻ thường có các mảng da khô, bong tróc giống như gàu hoặc trong các trường hợp nặng hơn có thể thấy các mảng lớn, dày, màu vàng dạng bóng dầu.
Viêm da tiết bã nhờn có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào từ hai tuần đến ba tháng sau sinh và thường tự làm sau nhiều tháng sau đó mà không cần can thiệp điều trị. Sau 6 đến 7 tháng tuổi, căn bệnh này sẽ không còn là vấn đề nghiêm trọng với trẻ.
Viêm da tiết bã nhờn xuất hiện khi các tuyến sản xuất nhờn dưới da hoạt động quá mức, tiết ra nhiều bã nhờn. Sau đó, chúng khô lại, tạo thành nhiều mảng lớn và bong ra. Nhiều chuyên gia cho rằng một lượng hóc môn thừa từ mẹ sản xuất và truyền qua cho con từ giai đoạn bào thai khiến các tuyến bã nhờn hoạt động sớm hơn. Khi lượng hóc môn bên trong cơ thể trẻ sụt giảm sau những tháng đầu đời, tình trạng này sẽ dần biến mất.
Cách để làm sạch da đầu là tắm gội hằng ngày cho trẻ với các loại dầu gội nhẹ dịu. Cố gắng mát xa đầu em bé bằng các ngón tay hoặc vải mềm để khiến các mảng da đầu bong ra. Trước khi xả sạch xà phòng lại với nước, nên chải tóc cho trẻ bằng lượng mềm để giúp loại bỏ các mảng da khô dính vào tóc.
Một số phụ huynh có thể sử dụng các loại dầu đặc biệt dùng riêng cho trẻ sơ sinh để loại bỏ các mảng cứt trâu nhưng Hội đồng nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics – AAP) cho rằng phương pháp này không có hiệu quả và thậm chí có thể khiến bệnh nặng hơn do xuất hiện nhiều mảng da khô hơn.
Thực tế, viêm da tiết bã nhờn có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng bố mẹ cũng không nên chủ quan, tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Khi các mảng da đầu lan rộng ra hoặc trở nên tệ hơn, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định các loại dầu gội đầu đặc trị hoặc kem cortisone.
2. Chăm sóc móng tay cho trẻ
Móng tay của trẻ sơ sinh thường mềm và dễ uốn nắn hơn móng tay người lớn. Tuy nhiên, móng tay trẻ nhỏ thực sự sắc cạnh nên trẻ sơ sinh thường tự làm xước mặt chúng hoặc những người chăm sóc chúng khi chưa điều khiển tốt các cử động tay chân.
Móng tay của những trẻ sơ sinh dài rất nhanh và chúng cần được cắt thường xuyên, có thể vài lần một tuần. Trong khi đó, móng chân thường không cần chăm sóc quá thường xuyên.
Một số phụ huynh có thói quen dùng miệng để cắt ngắn móng tay, tuy nhiên AAP không khuyến cáo chăm sóc móng tay trẻ theo biện pháp này vì nguy cơ nhiễm trùng cao. Phương pháp hiệu quả nhất là sử dụng kéo nhỏ hoặc dụng cụ bấm móng tay. Khi cắt ngắn móng tay của trẻ, nên có thêm một người bế và giữ để trẻ không ngọ nguậy quá nhiều tương tự như khi cho ăn hoặc ru ngủ.
Ấn mô mềm tránh xa phần móng tay để tránh làm tổn thương vùng da và giữ chặt bàn tay của trẻ cũng như dụng cụ bấm móng tay. Nếu lo lắng trong khi thực hiện, bố mẹ có thể vô tình cắt phải ngón tay của trẻ thay vì móng tay.
3. Vệ sinh rốn cho trẻ
Sau khi sinh ra, dây rốn của trẻ sẽ được kẹp và cắt gần về phía chân dây rốn tạo ra phần gốc dây rốn sau này héo và rụng tạo thành lỗ rốn.
Vệ sinh rốn cho trẻ trong những ngày đầu sau sinh cần đảm bảo gốc dây rốn khô và sạch. Đoạn dây rốn thừa sẽ khô và rụng trung bình sau 10 đến 21 ngày. Sau đó, chúng sẽ để lại một vết thương nhỏ trên bụng và mất một vài ngày để có thể lành hoàn toàn. Khi dây rốn rụng, có thể quan sát thấy một ít máu chảy ra. Điều này hoàn toàn bình thường, bố mẹ không nên quá lo lắng.
Khi mặc tã cho trẻ, nên gấp phần rìa phía trên xuống dưới bụng để chân rốn không tiếp xúc với các chất thải của trẻ bao gồm nước tiểu và phân. Tương tự, hạn chế tiếp xúc với nước cho đến khi rốn rụng hoàn toàn. Những biện pháp này có vai trò phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh.
Khi thời tiết ấm, chỉ nên cho trẻ sơ sinh mặc tã và áo mỏng cộc tay, giúp cho không khí lưu thông và hỗ trợ việc khô dây rốn diễn ra thuận tiện hơn. Tránh cho trẻ mang những bộ quần áo ôm sát cơ thể như bodysuit cho đến khi rốn rụng hoàn toàn.
Ngày nay, các bác sĩ không khuyến cáo việc sử dụng cồn để chà xát lên dây rốn, vì nghiên cứu chỉ ra rằng quá trình liền vết thương diễn ra nhanh hơn mà không dùng nó. Để giữ cuống rốn sạch sẽ, cha mẹ nên vệ sinh bằng các miếng gạc sạch. Các triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng rốn bao gồm sưng nề hoặc đỏ vùng da chân dây rốn, chảy dịch mủ và sốt cao. Để tránh tình trạng này, cha mẹ có thể trang bị cho mình kiến thức về việc vệ sinh rốn cho trẻ và cách tắm trẻ an toàn.
4. Cắt bao quy đầu ở trẻ trai
Tất cả những việc cần làm để cắt bao quy đầu là giữ vệ sinh vùng da quy đầu sạch sẽ với nước và xà phòng mỗi khi tắm cho trẻ. Đối với những trẻ trai đã cắt hoặc chưa cắt bao quy đầu, không nên tắm trong bồn với quá nhiều bọt xà phòng vì chúng có thể kích ứng và khiến da vùng dương vật bị khô.
Trong những ngày đầu tiên sau khi cắt bao quy đầu, dương vật có thể hơi tấy và bố mẹ có thể quan sát thấy vùng mô màu vàng. Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng dương vật đang có tiền trình lành lặn tốt.
Vùng cắt bao quy đầu hiếm khi xuất hiện tình trạng nhiễm trùng. Các dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng bao gồm sưng đỏ kéo dài, phù nề đầu dương vật và vết thương tụ dịch vàng ở phía cuối dương vật. Khi phát hiện một trong các dấu hiệu này, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
5. Chăm sóc những trẻ sơ sinh chưa cắt bao quy đầu
Khi vệ sinh hoặc tắm cho bé trai chưa cắt bao quy đầu, cha mẹ không nên cố gắng kéo bao quy đầu hoặc làm sạch bên dưới. Điều cần làm là vệ sinh vùng ngoài dương vật, tương tự như khi chăm sóc các vùng da khác trên cơ thể.
Tùy từng trẻ khác nhau mà cần nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm cho da quy đầu tách hẳn khỏi dương vật và trở nên co giãn hơn.
6. Chăm sóc âm đạo trẻ gái
Khu vực âm đạo của mọi trẻ gái đều cần được vệ sinh bằng một miếng vải mềm, sạch, ẩm trong khi mặc tã và khi tắm. Khi lau chùi, cần lưu ý lau theo chiều từ trước ra sau để tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn đến âm đạo của trẻ. Cần chắc chắn vệ sinh nhẹ nhàng và sạch sẽ ở cả những nếp gấp da và hai bên vùng bẹn.
7. Chăm sóc da ở cơ quan sinh dục ngoài
Bất kể trẻ trai hay trẻ gái, nếu cơ quan có biểu hiện sưng và đỏ thì bạn có thể nhìn thấy ngay. Trẻ gái có thể có một ít dịch trắng trong hoặc dịch máu. Tất cả các biểu hiện này đều là bình thường trong những tuần tuổi đầu tiên do trẻ nhận một ít hóc môn từ mẹ trong suốt thai kỳ. Nếu những triệu chứng này không biến mất sau 6 tuần tuổi, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để theo dõi và điều trị.
Chăm sóc cơ thể trẻ sơ sinh là điều không dễ dàng, nhất là với những người lần đầu làm cha mẹ. Trẻ có thể dễ dàng mắc các bệnh lý khi cơ thể non yếu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện như người trưởng thành. Vì thế khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường thì các bậc cha mẹ cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com