Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Thu - Trưởng khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng bệnh lý nguy hiểm gặp ở phụ nữ mang thai cần nhận được những sự chăm sóc đặc biệt để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến cả mẹ và trẻ.
Khi được chẩn đoán tiểu đường, người phụ nữ dễ bị sang chấn tinh thần vì lo sợ, tuy nhiên đa phần tiểu đường thai kỳ sẽ biến mất sau khi sinh, nhưng cũng có một số trường hợp duy trì sau sinh và trở thành tiểu đường thực sự.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào gặp trong thời kỳ mang thai của phụ nữ. Đây là một thể bệnh của tiểu đường và chỉ tồn tại trong thời kỳ mang thai và tự khỏi sau sinh. Nếu sau 6 tuần sau sinh mà tình trạng tiểu đường vẫn còn thì lúc này không chẩn đoán là tiểu đường thai kỳ nữa mà thuộc các thể bệnh tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Vì vậy chẩn đoán tiểu đường thai kỳ chắc chắn nhất là chẩn đoán hồi cứu tại thời điểm 6 tuần sau sinh.
2. Tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng như thế nào?
Bị tiểu đường khi mang thai có thể dẫn tới các hậu quả rất nghiêm trọng với cả mẹ và thai nhi kể cả trước, trong và sau sinh.
2.1 Đối với thai nhi
- Tiểu đường thai kỳ dễ gây ra những bất thường bẩm sinh. Trong 6 tháng cuối của thai kỳ nếu người mẹ bị tăng đường huyết thì thai nhi cũng sẽ bị tăng đường huyết cho đến khi sinh ra, đứa trẻ không được cung cấp đủ lượng đường như khi còn trong bụng mẹ dẫn tới sự dư thừa insulin, làm cho đường máu trẻ dưới mức bình thường hoặc gây sau sinh con bị tiểu đường.
- Hạ đường máu ở trẻ rất dễ dẫn tới các tổn thương tế bào thần kinh não bộ nếu không được điều trị kịp thời.
- Thai của những bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ cũng có xu hướng to hơn so với bình thường, dễ dẫn tới sinh non và hệ lụy là các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.
2.2 Đối với phụ nữ mang thai
- Tiểu đường thai kỳ dễ dẫn tới các biến chứng sản khoa ở phụ nữ như sản giật, tiền sản giật nếu không kiểm soát tốt đường huyết.
- Ngoài ra còn có thể làm tăng nồng độ ceton máu gây ra sự bất lợi cho quá trình phát triển bình thường của thai nhi.
3. Chăm sóc bà bầu bị tiểu đường thai kỳ như thế nào?
Ba yếu tố cơ bản để quản lý tốt một trường hợp tiểu đường thai kỳ là theo dõi đường máu, chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực.
3.1 Chăm sóc ở giai đoạn mang thai
Quản lý đường huyết:
- Ban đầu có thể quản lý tiểu đường thai kỳ với chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên.
- Một số phụ nữ cần dùng insulin để kiểm soát đường máu tốt hơn nhưng sau sinh sẽ không cần dùng nữa. Quản lý đường máu sẽ an toàn cho cả bà mẹ và thai nhi.
- Theo dõi mức đường máu thường xuyên để đảm bảo các chỉ số luôn nằm trong mục tiêu điều trị, bà bầu cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn và hiểu rõ về con số đường máu nhằm giúp đảm bảo điều trị hiệu quả và điều chỉnh quá trình trị liệu kịp thời.
Quản lý chế độ ăn:
- Ăn uống trong thai kỳ cần được quan tâm, ăn uống đúng cách là một phần quan trọng giúp kiểm soát mức đường huyết nhưng vẫn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
- Phụ nữ bị tiểu đường được khuyến khích chia nhiều bữa trong ngày và mỗi lần chỉ nên ăn lượng nhỏ nhằm duy trì mức cân nặng khỏe mạnh.
- Thêm một số thực phẩm chứa carbohydrate trong mỗi bữa ăn chính và phụ (gạo lức, gạo mầm, một số loại đậu,...).
- Lựa chọn thực phẩm đa dạng và đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu canxi, sắt và axit folic.
- Ăn nhiều chất xơ và hạn chế các thực phẩm, thức uống chứa nhiều đường.
- Ăn các loại hạt có chỉ số đường thấp.
- Thức uống tốt nhất là trong thời kỳ này là nước sôi để nguội, các loại thức uống ngọt dành cho người ăn kiêng thực sự không vô hại như người ta vẫn nghĩ, nên hạn chế sử dụng.
Quản lý vận động trong thai kỳ:
- Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ nên vận động ở mức độ trung bình nhằm duy trì mức đường máu ổn định, tốt nhất nên tham khảo bác sĩ sản khoa trước khi có bất kỳ chế độ tập thể dục nào.
- Hoạt động thể chất sẽ giúp cơ thể giảm sức đề kháng insulin, hoàn thiện thể lực và chuẩn bị sẵn sàng cho việc sinh nở. Hoạt động thể chất nên được duy trì như là một thói quen hàng ngày giúp cải thiện tổng trạng sức khỏe.
3.2 Chăm sóc ở giai đoạn sau sinh
- Tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau sinh, phụ nữ nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường máu ở 6 tuần sau sinh để khẳng định chẩn đoán.
- Nếu không có kết quả tiểu đường thì phụ nữ có thể duy trì cuộc sống như trước khi mang thai.
- Nếu có kết quả tiểu đường tuýp 1 hoặc 2 thì cần tham khảo các bác sĩ chuyên khoa cho một chế độ sinh hoạt cũng như điều trị mới.
- Bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ vẫn có thể cho con bú hoàn toàn bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.