Cây xuyên khung là một loại thảo mộc phổ biến, được sử dụng trong các bài thuốc dân gian và tạo hương vị cho thực phẩm nhờ tính ấm. Cây xuyên khung có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết, tán phong hàn, giảm đau nên có giá trị y học cao.
1. Nguồn gốc và thuộc tính cây xuyên khung
Cây xuyên khung là một loại thuốc mọc ở vùng khí hậu nhiệt đới. Loại dược liệu này có nguồn gốc từ Đông Á, bây giờ chúng được trồng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal.
Thân cây xuyên khung cao khoảng 40-70cm, mọc thẳng, rỗng, hình trụ, thân rễ được dùng làm thuốc. Đường viền của lá có hình tam giác thuôn dài, chiều dài lá 12-15cm, phiến rạch sâu, mọc so le. Hoa mọc thành cụm tán kép, mỗi tán 10-24 hoa. Hoa cây xuyên khung nhỏ màu trắng. Quả thuôn hình trứng.
Xuyên khung ưa đất tốt, có pha cát, nhiều mùn. Cắt mắt ở thân cây ra để trồng cây, mỗi bên mắt để chừng 1cm. Tốt nhất nên trồng cây vào cuối xuân, nếu trồng muộn quá cây chưa kịp tốt và khỏe trước mùa đông tới. Cây xuyên khung trồng sau 2 năm mới bắt đầu thu hoạch được.
2. Thành phần hóa học của cây xuyên khung
Hơn 170 hợp chất có đã được phân lập và xác định từ loài thực vật này. Các thành phần hiệu quả chính được chiết xuất từ cây này (chủ yếu từ thân rễ của nó) là phthalide, terpenes và enol, polysaccharid, alkaloid, axit hữu cơ và este, tinh dầu (EO), axit phenolic, phthalide lacton và các thành phần khác, có tác dụng giãn mạch, chống viêm, chống oxy hóa.
rong số đó, alkaloid tetramethylpyrazine là thành phần hóa học đặc trưng của cây xuyên khung. Nó có tác dụng bảo vệ các tế bào nội mô chống lại tổn thương do tái tưới máu, cải thiện vi tuần hoàn, thúc đẩy lưu lượng máu và loại bỏ máu ứ cũng như ngăn ngừa sự tăng sinh của các tế bào cơ trơn mạch máu. Cây xuyên khung và alkaloid tetramethylpyrazine đã được sử dụng trong điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ và cơn đau thắt ngực ở Trung Quốc từ những năm 1960. Alkaloid tetramethylpyrazine hoạt động theo 3 cách: Chất chống huyết khối, chất đối kháng co mạch và hợp chất chống viêm.
3. Công dụng xuyên khung theo đông y
Lần đầu tiên cây xuyên khung được ghi lại trong cuốn sách có tên Thần Nông Bản Thảo Dược, được biên soạn vào thời nhà Tần hoặc nhà Hán. Nó có vị cay nồng, tính ấm và tác dụng lên gan, túi mật và màng tim.
Cây xuyên khung có thể thúc đẩy tuần hoàn máu ở phần dưới của cơ thể, lưu thông máu, giảm đau. Nó là dược liệu chính để điều trị các bệnh phụ khoa và được sử dụng rộng rãi cho các trường hợp kinh nguyệt không đều, vô kinh và đau bụng kinh.
Bên cạnh đó, các thành phần hoạt chất của cây xuyên khung có thể tác dụng lên não. Xuyên khung được coi là loại thuốc hàng đầu để điều trị các loại đau đầu như do gió lạnh hoặc gió nóng, phong hàn ẩm thấp, huyết ứ, thiếu máu. Cây xuyên khung có tác dụng đáng chú ý đối với chứng đau khớp do thấp khớp và liệt nửa người vì đột quỵ.
4. Cây xuyên khung có tác dụng gì theo dược lý hiện đại?
Cây xuyên khung đã được sử dụng hàng ngàn năm để điều trị đau đầu, đau khớp do thấp khớp, rối loạn kinh nguyệt, sưng đau, các bệnh tim mạch và mạch máu não. Loại dược thảo này có thể hoạt động như:
- Thuốc giảm đau: Có khả năng làm giảm cường độ của các tín hiệu đau.
- Kháng khuẩn: Chống lại vi khuẩn gây bệnh bao gồm Pseudomonas aeruginosa, thương hàn, vi trùng lỵ và sinh mủ.
- Chống nấm: Tiêu diệt nấm bằng cách phá vỡ thành tế bào của nấm.
- Thuốc an thần: Cây xuyên khung giúp bệnh nhân giảm lo lắng và gây ngủ, làm dịu người.
- Phòng ngừa và điều trị xơ vữa động mạch, giảm mức cholesterol trong huyết thanh cũng như mật độ lipoprotein và mức độ xơ vữa động mạch.
- Cây xuyên khung tác dụng ức chế hình thành huyết khối tiểu cầu.
- Phthalide trong cây xuyên khung bảo vệ chức năng nội mô khỏi tổn thương do thiếu máu cục bộ và cải thiện tình trạng tưới máu cơ tim.
- Đối với mạch máu não: Làm giảm phù não và tăng lưu lượng máu não. Nhờ vậy, nó có tác dụng phòng thiếu máu não và chứng đau nửa đầu, điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Tác dụng hạ sốt, chống viêm.
5. Những lưu ý khi sử dụng cây xuyên khung
Khi sử dụng cây xuyên khung, người dùng cần lưu ý như sau:
- Thuốc này nên tránh trong thời kỳ nôn mửa, chóng mặt, mang thai và cho con bú.
- Các bệnh không nên dùng xuyên khung: Khí thăng, đờm suyễn, đầy bụng, tỳ hư, ăn ít; bệnh thượng thực hạ hư, âm hư hỏa vượng.
- Các vị thuốc không phối hợp với xuyên khung: Hoạt thạch, hoàng liên, sơn thù, lang độc, hoàng kỳ, tiêu thạch,...
6. Một số đơn thuốc có xuyên khung
Liều dùng nên được bác sĩ chỉ định. Thân rễ cây xuyên khung là bộ phận được dùng làm thuốc. Liều dùng: Hạ khô thảo 3–9 g ngày / người lớn, sắc lấy nước uống. Có thể dùng đơn độc hay kết hợp với các dược liệu khác.
- Bài thuốc giúp hoạt huyết, điều kinh: dương quy 12g, xuyên khung 8g. Sắc với rượu loãng uống.
- Trừ phong, giảm đau: Xuyên khung và bạc hà 6g, tế tân 3g, khương hoạt 8g, cam thảo 4g; bạch chỉ, phòng phong, kinh giới mỗi vị 12g. Nghiền thành bột, mỗi lần dùng 4g sắc nước uống.
- Bài thuốc trợ dương, ích khí, giải biểu: Hoàng kỳ 8g; cam thảo, đại táo 2g; thục phụ tử, tế tân, khương hoạt, phòng phong, nhân sâm, quế chi, thược dược, xuyên khung, gừng nướng mỗi vị 4g. Dùng sắc uống.
Cây xuyên khung được Đông y xem như một loại thảo dược quý. Tuy nhiên, việc sử dụng xuyên khung kéo dài có thể làm mất chân khí. Vì vậy, khi có bệnh bạn nên đi khám và tuân thủ dùng thuốc theo đúng liều lượng, thời gian được bác sĩ khuyến cáo.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.