Cây thuốc chữa tắc vòi trứng là các loại thảo dược tự nhiên có nguồn gốc từ Việt Nam. Các loại thảo dược này chứa nhiều hoạt chất có khả năng kháng viêm, diệt khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch, qua đó góp phần cải thiện các vấn đề phụ khoa, bao gồm cả tắc vòi trứng. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Các cây thuốc chữa tắc vòi trứng thường gặp
Một số chuyên gia đã chia sẻ về hiệu quả của việc sử dụng các bài thuốc thảo dược trong điều trị tắc vòi trứng. Dưới đây là một số loại thảo dược dân gian phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
1.1. Ngải cứu - Cây thuốc chữa tắc vòi trứng cơ bản
Ngải cứu là một vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền với tính chất đắng, cay và ấm. Theo Đông y, ngải cứu có tác dụng lưu thông khí huyết, đuổi hàn thấp, ấm kinh, ngừng máu, an thai, trị các chứng đau bụng do lạnh, tiêu chảy, nôn máu, máu cam, và kinh nguyệt không đều.
Ngải cứu còn được biết đến với khả năng hỗ trợ điều trị các vấn đề sinh sản như tắc vòi trứng, nhờ vào các hợp chất kháng sinh flavonoid, axit amin và absinthin có trong thành phần của bản thân, giúp tăng cường sức đề kháng và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn.
Cách sử dụng:
- Kết hợp ngải cứu với các vị thuốc Đông y khác như hương phụ, bạch thược, thục địa, tục đoạn, hồng hoa, đương quy, hoàng kỳ để điều trị.
- Bổ sung ngải cứu vào chế độ ăn uống hàng ngày qua các món như ngải cứu hầm bồ câu, hầm gà ác, hoặc đơn giản là ngải cứu chiên trứng.
Lưu ý khi sử dụng ngải cứu:
- Hạn chế sử dụng quá nhiều ngải cứu vì có thể gây ngộ độc.
- Tránh sử dụng ngải cứu cùng lúc với các thuốc điều trị tiểu đường, chống đông máu, kháng khuẩn và thuốc điều trị ung thư do nguy cơ tương tác thuốc.
- Nếu có cơ địa dị ứng với thảo dược, nên tham khảo ý kiến bác sĩ Đông y và cẩn trọng khi sử dụng.
1.2 Tỏi
Tỏi có vị cay và mùi đặc trưng, tính ấm. Trong y học cổ truyền, tỏi được sử dụng để giải cảm, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu, hạ khí, trừ giun và thông quan. Tỏi có đặc tính chống viêm, giúp giảm viêm trong hệ thống sinh sản và làm giảm các triệu chứng liên quan đến các bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung và bệnh viêm vùng chậu.
Một lượng tỏi khoảng 2g/ngày là an toàn và có thể thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý không sử dụng quá nhiều để tránh gây nóng trong, đầy hơi và rối loạn tiêu hóa.
1.3. Nghệ
Nghệ là gia vị có vị cay đắng, mùi thơm hắc, tính ấm. Theo y học cổ truyền, nghệ có khả năng hành khí, phá huyết, thông kinh, chỉ thống và tiêu mủ. Nghệ được dùng trong điều trị các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau ngực bụng, và viêm loét dạ dày. Curcumin, hoạt chất chính trong nghệ còn có tác dụng giảm viêm.
Nghệ có thể được tiêu thụ ở dạng tươi, bột, hoặc như một phần của các bài thuốc sắc. Liều dùng khuyến cáo là 2-6g mỗi ngày, chia làm 2-3 lần uống.
1.4 Gừng
Gừng là một loại thảo dược có tính nóng giúp tăng cường lưu thông máu và phá vỡ các tắc nghẽn. Nó được biết đến với các tác dụng như giảm viêm, chống oxy hóa.
Cách sử dụng: Gừng có thể được dùng như một gia vị trong các món ăn hàng ngày hoặc dùng dưới dạng nước ép, trà. Tuy nhiên, lưu ý không nên tiêu thụ quá nhiều gừng vì có thể gây nóng trong, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và không thích hợp cho phụ nữ có huyết áp cao.
1.5. Lá mâm xôi - Cây thuốc chữa tắc vòi trứng không đắt tiền
Lá mâm xôi không chỉ được dùng trong điều trị tắc vòi trứng mà còn giúp cải thiện khả năng sinh sản, đặc biệt trong việc điều trị hiếm muộn.
Cách sử dụng: Có thể pha trà từ lá mâm xôi khô hoặc sử dụng dạng nước sắc để uống hàng ngày. Các thành phần như pectin, tanin, vitamin C, magie và chất xơ trong lá mâm xôi có tác dụng hoạt huyết, tiêu trừ viêm nhiễm và hỗ trợ làm lành các tổn thương mô sẹo, từ đó giúp thông thoáng các ống dẫn trứng.
2. Các lưu ý khi sử dụng cây thuốc điều trị
Khi sử dụng cây thuốc để điều trị tắc vòi trứng, phụ nữ cần lưu ý những điểm sau để đảm bảo an toàn và tăng cường hiệu quả của phương pháp điều trị:
- Thăm khám và tư vấn bác sĩ: Trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ vị thuốc nào, bạn cần thăm khám và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền. Điều này giúp bạn hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình và cách sử dụng thuốc phù hợp.
- Tránh tự ý phối hợp thuốc: Không nên tự ý kết hợp nhiều loại thảo dược hoặc thuốc khác nhau mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy cơ tương tác thuốc, có thể gây hại cho sức khỏe.
- Chọn lựa nguồn gốc thảo dược: Đối với các loại dược liệu phổ biến như ngải cứu, trinh nữ hoàng cung, gừng, tỏi… hãy chọn những sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, không chứa hóa chất độc hại. Các loại thuốc khác nên mua tại các nhà thuốc Đông y uy tín.
- Theo dõi phản ứng cơ thể: Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, bạn cần ngừng sử dụng và đi khám để được kiểm tra kịp thời.
- Kiên trì và đúng phương pháp: Việc sử dụng thảo dược để điều trị tắc vòi trứng cần thời gian và kiên trì. Hãy tuân thủ đúng liều lượng và thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Kết hợp các phương pháp khác: Để tăng hiệu quả, có thể kết hợp sử dụng thảo dược với các phương pháp trị liệu cổ truyền khác như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt.
Những lưu ý trên sẽ giúp người bệnh sử dụng cây thuốc chữa tắc vòi trứng một cách an toàn và hiệu quả, hỗ trợ cải thiện sức khỏe sinh sản. Trong quá trình điều trị, việc thăm khám định kỳ tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa là rất quan trọng để theo dõi tiến trình của bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời nếu cần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.