Sa nhân là hạt của quả cây sa nhân, gồm 16 loại nhưng điển hình là xanh, đỏ, tím. Dược liệu này có tác dụng chữa bệnh về dạ dày, bệnh về xương khớp, và đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai. Sa nhân được các bác sĩ sử dụng rất phổ biến trong Đông Y Việt Nam. Vậy cây sa nhân có tác dụng gì?
1.Cây sa nhân là gì?
Cây sa nhân có tên khoa học Amomum xanthioides thuộc họ Gừng. Sa nhân mọc tự nhiên dưới các tán rừng, được người dân thu hái khai thác khi quả chín. Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 16 loài Sa nhân khác nhau, trong số đó có 3 loại Sa nhân được trồng phổ biến, cho năng suất cao và chất lượng khá tốt:
- Sa nhân xanh (Amomum xanthioides): Hoa màu trắng, có đốm tím – Quả hình trứng, có màu xanh lục, trên quả có gai dầu – Hạt có nhiều u lồi.
- Sa nhân đỏ (Amomum villosum): Hoa có hai vạch màu đỏ và vàng – Quả có hình cầu, thường màu xanh lục hoặc đỏ. Quả chín khoảng tháng 7 đến tháng 8 hàng năm – Hạt có các u nhỏ.
- Sa nhân tím (Amomum longiligulare): Hoa có màu trắng, mép hoa màu vàng, có vạch đỏ tìm – Quả hình cầu, màu tím nhiều đốm trắng như mốc, thu hoạch quả chín vào mùa đông và hè – Hạt có 3 mảnh tù, có gân đều trên quả.
Cây sa nhân tự nhiên tại Việt Nam phân bố trên diện tích rất rộng, từ vùng Bảy Núi thuộc tỉnh An Giang, thuộc đồng bằng Nam Bộ (vĩ độ 8 độ Bắc) cho đến tận những tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc, huyện Nguyên Bình thuộc tỉnh Cao Bằng nằm ở vĩ độ 23 độ Bắc.
Nhiều người còn tìm thấy sa nhân cũng mọc tự nhiên ở vùng đồi cho đến các vùng cao nguyên như: Mộc Châu (Sơn La), Tây Nguyên, Đồng Văn (Hà Giang), cho đến tận các vùng núi cao trên 1000m trên mặt biển.
Nhưng trong số đó sa nhân phân bố tập trung nhiều ở các vùng có độ cao dưới hoặc bằng 800m và có lượng mưa trung bình mỗi năm từ 1500 đến 3000mm. Cây ưa đất tốt, giàu mùn, đạm và kali. Cây sa nhân là thuộc loại cây thân thảo sống lâu năm, mọc thành từng khóm nhỏ. Cây cao chừng 1,5m đến 2m. Lá có màu xanh đậm, dài chừng 25cm đến 35cm, rộng chừng 10cm đến 15 cm, mặt trên lá nhẵn đậm màu hơn mặt dưới. Thân ngầm dưới đất và rễ mọc tập trung ở tầng đất mặt dưới 15cm, rễ phát triển theo chiều nằm ngang, không ăn sâu dưới đất.
Mỗi bụi sa nhân hàng năm sinh ra khoảng 3 đến 5 tia thân ngầm nằm sâu từ 1cm đến 2cm dưới mặt đất. Các tia thân ngầm này xuyên sâu vào đất sau đó trồi lên mặt đất như các mầm nhỏ để phát triển thành một cây sa nhân con mới.
Thời điểm thu hoạch sa nhân lý tưởng nhất trong năm là vào mùa thu khoảng tháng 7 và tháng 8 hàng năm. Hạt thu được đem sấy khô hoặc phơi khô. Nhiệt độ phơi, sấy khô tốt nhất là 40 đến 50 độ C. Tuỳ theo thời điểm thu hái và giai đoạn sấy mà chia thành phẩm hạt thu được theo phân loại trên.
2. Cây sa nhân có tác dụng gì?
2.1. Tác dụng chữa các bệnh về đường tiêu hoá như: tiêu chảy, khó tiêu, đau dạ dày...
Tiêu chảy là tình trạng đi đại tiện phân lỏng nhiều lần trong ngày, có thể kéo dài liên tục trong vài ngày. Biểu hiện tiêu biểu của người bị tiêu chảy như sốt, buồn nôn, đau dạ dày, khát nước,... Nguyên nhân của tiêu chảy theo các bác sĩ cho biết là do ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng, do dùng thuốc hoặc mắc các bệnh về đường ruột.
Dược liệu sa nhân có tác dụng chữa trị tiêu chảy, hay ăn uống khó tiêu rất hiệu quả. Thành phần các hoạt chất có trong sa nhân giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể. Thêm nữa còn ức chế các loại vi khuẩn bất lợi trong đường ruột.
2.2. Sa nhân có tác dụng tốt cho bà bầu hay nôn
Việc hay nôn khi mang bầu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa và thay đổi khẩu vị dẫn đến việc ăn uống không ngon miệng. Và việc dùng thảo dược để cải thiện tình trạng này vẫn được các cụ ta từ xưa đến nay áp dụng để bổ sung chất dinh dưỡng và nguồn năng lượng dự trữ cho cả mẹ bầu và thai nhi.
Dược liệu sa nhân có vị ngọt, tính mát, và một số vitamin cần thiết giúp cho hệ tiêu hoá các bà bầu hoạt động hiệu quả hơn, và kích thích tiêu hoá. Thêm nữa còn ngăn ngừa các triệu chứng nôn khan, đầy hơi, ợ chua...
2.3. Tác dụng giảm đau nhức răng do sâu răng của sa nhân
Một trong số những bệnh răng miệng rất phổ biến hiện nay đó là sâu răng, gây không ít khó chịu cho người bệnh điển hình như triệu chứng đau răng, sốt dai dẳng trong thời gian dài.
Rất nhiều các loại vitamin có trong sa nhân giúp thúc đẩy sự phát triển răng chắc khỏe đồng thời ngăn ngừa sâu răng. Ngoài ra, còn giúp ngăn ngừa các bệnh răng miệng khác như chảy máu chân răng, viêm lợi,...
2.4. Tác dụng của sa nhân giúp hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày
Một bệnh hay gặp ở đường tiêu hoá là viêm loét dạ dày. Nguyên nhân là do nhiễm khuẩn, rượu bia, thuốc, hút thuốc, chế độ ăn uống không hợp lý. Những triệu chứng điển hình của bệnh này như chán ăn, buồn nôn, ợ chua, sụt cân,...
Nhiều bài thuốc Đông y điều trị viêm loét dạ dày có sự xuất hiện của Sa nhân. Dược liệu này có vai trò cải thiện khả năng trung hòa nồng độ axit vượt quá giới hạn trong dịch dạ dày từ đó cải thiện tiêu hoá rất tốt. Bởi vậy, sa nhân góp phần ngăn ngừa và điều trị bệnh viêm loét dạ dày rất hiệu quả và an toàn.
2.5. Công dụng của sa nhân trong điều trị phong thấp và giảm đau
Căn bệnh liên quan đến xương khớp điển hình là phong thấp gây đau nhức, sưng nóng và không ít khó chịu cho người bệnh. Hiện nay vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh của bệnh này.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh này như là sự rối loạn của hệ miễn dịch, yếu tố di truyền hoặc môi trường xung quanh. Bệnh phong thấp nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ càng trở nặng hơn dẫn đến tình trạng đau khớp tệ hơn khiến cuộc sống của bạn gặp nhiều khó khăn hơn.
Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia về Đông y cho thấy Sa nhân có tác dụng tốt với bệnh phong thấp. Do thành phần của quả sa nhân có chứa nhiều chất khoáng giúp tái tạo dịch khớp, nhờ vậy mà các ổ khớp được bôi trơn. Tạo điều kiện cho hoạt động dễ dàng hơn, và cũng khiến bệnh nhân bớt đau hơn.
3. Một số bài thuốc từ cây sa nhân
3.1. Chữa ăn không tiêu, đầy bụng trướng hơi, đại tiện khó
- Chuẩn bị: Sa nhân 7 gam, gạo tẻ 400 gam, sơn tra (táo mèo) 14 gam, cháy cơm 160 gam, kê nội kim 5 gam, thần khúc 14 gam, hạt sen 15 gam.
- Thực hiện: Tất cả các vị thuốc đem rửa sạch, rồi sao thơm, sau đó tán thành bột mịn, cho vào lọ đậy kín dùng dần. Dùng 2 - 4 lần mỗi ngày, mỗi lần chỉ sử dụng khoảng 14 gam hoà tan với nước ấm. Bạn có thể thêm đường theo ý thích cho dễ uống.
3.2. Chữa trị chứng buồn nôn khi mang thai
Buồn nôn khi mang thai là biểu hiện thường thấy của không ít các bà bầu. Bạn có thể áp dụng theo 2 cách sau đây để cải thiện tình trạng này:
Cách 1: Chuẩn bị khoảng 35 gam gạo tẻ để nấu cháo rồi trộn với 5 gam sa nhân đã sao vàng và được tán mịn. Tiếp tục đun nồi cháo ở lửa nhỏ khoảng 10 đến 20 phút. Nên ăn cháo khi còn nóng vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi ngủ sẽ có được hiệu quả tốt hơn.
Cách 2: Chuẩn bị 5 gam sa nhân và 1 con cá diếc cỡ vừa cùng với gia vị mắm muối, hành hoa, và củ gừng tươi. Cá diếc làm sạch ruột, đánh vảy, bỏ ruột, rửa sạch. Sau đó lấy sa nhân nhồi vào bụng cá và đem ninh nhừ, thêm gia vị nêm nếm cho vừa miệng, gần chín cho chút hành hoa và vài lát gừng.
Nên ăn khi còn nóng để tăng hiệu quả cao hơn. |Chỉ cần sử dụng trong thời gian ngắn, phụ nữ đang mang thai sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái hơn, cải thiện sức khỏe ăn uống cũng ngon miệng hơn.
3.3. Sa nhân hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày, tiêu chảy, khó tiêu
- Bài thuốc chữa tiêu chảy
Chuẩn bị nguyên liệu: Sa nhân 10 gam, trần bì 10 gam, can khương 10 gam, vỏ quế 10 gam, vỏ rụt 10 gam, phá cố 15 gam, đoạn 15 gam, củ mài sa và sâm bố chính mỗi vị 15g.
Các vị thuốc này rửa sạch, để ráo nước rồi đem tán thành bột mịn và trộn chung với nhau. Mỗi ngày dùng khoảng 25 gam hoà tan với nước rồi uống.
- Bài thuốc chữa viêm loét dạ dày
Chuẩn bị 8 gam sa nhân, 1 cái dạ dày lợn được bóp muối làm sạch sẽ và thái chỉ. Đem tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị này đi nấu canh. Thực hiện bài thuốc này cứ 10 ngày lại lặp lại một lần, sử dụng trong một thời gian sẽ thấy bệnh được thuyên giảm nhiều đi.
3.4. Hỗ trợ điều trị viêm đại tràng mãn tính
Chuẩn bị: Sa nhân đã tán bột 1 gam, mộc hương đã tán bột 1 gam, bột sắn dây 3 gam, đường cát theo nhu cầu.
Thực hiện: Đem sa nhân, mộc hương, sắn dây thêm chút nước ấm quấy đều, rồi cho thêm chút đường nấu cháo ăn trong ngày.
3.5. Sa nhân hỗ trợ chữa bệnh phong tê thấp
Chuẩn bị: Thân rễ sa nhân 12 gam, 200ml rượu nếp 40 độ C. Đem ngâm thân rễ sa nhân với rượu này trong 30 ngày.
Dùng rượu xoa bóp hàng ngày để giảm đau nhức. Hoặc bạn có thể dùng kết hợp với hồng bị dại sác với nước, ngâm chân khi nước còn ấm. Bên cạnh đó, dùng sa nhân tán thành bột chấm lên chỗ đau răng, sau vài ngày triệu chứng đau không còn.
Trên đây là những công dụng của cây và quả sa nhân, bạn có thể tham khảo, sử dụng nhằm mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.