Cây mần tưới có tác dụng gì?

Cây mần tưới có công dụng điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau, trong đó tiêu biểu là chứng đau bụng kinh, rong kinh, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt, mệt mỏi ở phụ nữ sau sinh. Ngoài ra, theo tây y cây còn có tác dụng trong điều trị huyết áp cao.

1. Cây mần tưới là cây gì?

Hình ảnh cây mần tưới rất quen thuộc trong các loại dược liệu nhưng đối với nhiều người có thể xa lạ. Cây mần tưới (Eupatorium Fortunei Turez) còn có nhiều tên gọi khác như hương thảo, trạch lan, bội lan, co phất phứ, vv.

Cây mần tưới là loài cây sống lâu năm, mọc đối xứng, cao trung bình 30 - 100cm, phần thân và lá có màu tím, chạy dọc 2 bên có lớp lông. Lá dải rộng, đầu hơi nhọn có răng cưa dài 5 - 10cm, rộng 2.5 - 4.5cm. Hoa mọc thành cụm màu tím nhạt, nở từ tháng 7 - tháng 11. Quả có năm cạnh màu đen, mọc từ tháng 9 - tháng 12.


Cây mần tưới với đặc điểm hoa màu tím nhạt mọc thành cụm cùng với lá có răng cưa
Cây mần tưới với đặc điểm hoa màu tím nhạt mọc thành cụm cùng với lá có răng cưa

2. Bộ phận nào của cây mần tưới được sử dụng làm thuốc?

Lá và thân của cây mần tưới là bộ phận được sử dụng làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, mùa hè là thời điểm tốt nhất để thu hoạch vì thời điểm này hoạt chất chứa trong cây đạt đỉnh điểm. Bên cạnh đó, cây non không nên hái vì không có nhiều dược tính, hiệu quả điều trị sẽ không cao.

Sau khi thu hái, rửa sạch lá và thân cây, dùng tươi hoặc phơi khô chế biến thuốc hoặc làm gia vị cho các món ăn. Sau khi phơi khô cần bảo quản nơi thoáng mát, tránh bị ẩm mốc làm mất dược tính bên trong.

3. Cây mần tưới có tác dụng gì?

Trong nhiều tài liệu Y Học Cổ Truyền và một số nghiên cứu về tây y đã chứng minh được công dụng của cây mần tưới như sau:

  • Công dụng của cây mần tưới theo Y Học Cổ Truyền: Cây mần tưới có tính ấm, vị cay và hơi đắng, mùi khá thơm nên được quy vào hai kinh Can và Tỳ. Tác dụng dược lý phổ biến của nó là thông kinh, hoạt huyết, lợi tiểu, phá ứ huyết, chuyên trị các chứng kinh nguyệt không đều, mệt mỏi, ăn uống kém, ăn không ngon, mất ngủ, điều trị mụn nhọt, chữa ho và diệt một số loại côn trùng ký sinh tại động vật như rệp, chấy rận, bọ chét, mọt.
  • Công dụng của cây mần tưới theo tây y: Các thành phần trong tinh dầu cây mần tưới gồm có lindelofline, taraxasteryl palmitate, o-coumaric acid, methyl thymol ether neryl acetate, x p-cymene, vv được chứng minh là có tác dụng tốt trong điều trị cao huyết áp.

4. Các bài thuốc chữa bệnh từ cây mần tưới

4.1. Trị rong kinh

Sử dụng cây mần tưới điều trị rong kinh bằng cách:

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 20g lá mần tưới, 15g mã đề, 15g chỉ thiên, 15g ké hoa vàng, rửa sạch tất cả các nguyên liệu với nước, rồi để ráo
  • Cho tất cả nguyên liệu vào ấm sắc với 600ml nước đến khi sôi thì để nhỏ lửa trong 20 phút thì tắt bếp
  • Đổ nước sắc ra bát, chia ra uống trong ngày

4.2. Trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều

Sử dụng cây mần tưới điều trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều bằng cách:

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 15g mần tưới, 15g hương phụ, 15g ngải cứu, 15g nhọ nồi, 15g ích mẫu, rửa sạch tất cả các nguyên liệu rồi để ráo nước
  • Cho vào ấm đun với lượng nước vừa đủ với lửa nhỏ từ 20 - 25 phút rồi tắt bếp
  • Đổ nước sắc ra bát, chia ra uống trong ngày; uống liên tục trong 1 tháng để đạt hiệu quả điều trị cao.

Cây mần tưới có một số công dụng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh lý
Cây mần tưới có một số công dụng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh lý

4.3. Trị tức ngực, đầy bụng

Sử dụng cây mần tưới điều trị tức ngực, đầy bụng bằng cách:

  • Chuẩn bị nguyên liệu gồm 12g mần tưới, 12g đại phúc bì, 12g hoắc hương, 12g bán hạ, 8g hậu phác, 8g lá sen và 6g trần bì, rửa sạch tất cả các nguyên liệu rồi để ráo nước
  • Cho vào ấm đun với 800ml nước trên lửa nhỏ đến khi dưỡng chất ngấm ra hết thì tắt bếp.
  • Đổ nước sắc ra bát, chia ra 2 - 3 phần uống trong ngày

4.4. Trị mụn nhọt, bầm tím

Cây mần tưới có tính mát nên có tác dụng tốt trong việc chữa trị một vài căn bệnh ngoài da như mụn nhọt, bầm tím. Sử dụng cây mần tưới điều trị mụn nhọt, bầm tím bằng cách:

  • Chuẩn bị 50g mần tưới dạng tươi
  • Rửa sạch mần tươi và ngâm qua nước muối loãng, rồi để ráo nước
  • Tiến hành giã nát mần tươi, thêm một chút muối, đắp trực tiếp lên vùng da đang bị mụn nhọt, bầm tím, kiên trì thực hiện đến khi hết mụn và vết bầm.

4.5. Trị bệnh cảm mạo

Cảm có thể được chữa trị bệnh cảm mạo an toàn và hiệu quả bằng cây mẫn tưới, cách thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị 100g mần tưới non
  • Nấu mần tưới thành canh để sử dụng trong bữa ăn
  • Ăn liên tiếp khoảng 3 ngày

4.6. Kích thích tiêu hóa, giải nhiệt

Sử dụng cây mần tưới để kích thích tiêu hóa, giải nhiệt cơ thể bằng cách:

  • Chuẩn bị 20g mần tưới sấy khô
  • Rửa sạch mần tươi với nước rồi để ráo
  • Cho vào ấm sắc với 400ml nước trên lửa nhỏ đến khi cạn còn khoảng 100ml thì tắt bếp.
  • Đổ nước ra bát uống trực tiếp; uống đều đặn mỗi ngày trong 2 tuần mới có tác dụng

4.7. Trị kém ăn, mất ngủ, mệt mỏi sau sinh

Sử dụng cây mần tưới điều trị kém ăn, mất ngủ, mệt mỏi sau sinh bằng cách:

  • Chuẩn bị nguyên liệu gồm 20g cây mần tưới, 20g mạch môn, 10g ngải cứu, 6g nhân trần, 4g rẻ quạt, 4g bưởi đào khô, rửa sạch các nguyên liệu với nước để ráo nước
  • Cho các nguyên liệu vào ấm rồi đun với 800ml nước trong vòng 20 phút thì tắt bếp.
  • Đổ nước sắc ra, chia thành 2 – 3 phần để uống trong ngày.

4.8. Trị gàu ở da dầu

Sử dụng cây mần tưới điều trị gàu da đầu bằng cách:

  • Chuẩn bị nguyên liệu gồm 25g câu mần tưới tươi, 20g lá bưởi và 3 – 5 quả bồ kết
  • Rửa sạch các nguyên liệu với nước
  • Cho vào ấm đun cùng với nước để lấy nước gội đầu
  • Duy trì đều đặn 2 lần/tuần mới có tác dụng

Cây mần tưới còn được sử dụng để trừ bọ chét, mạt gà, rệp, chấy rận. Trừ mọt gà, bọ chét bằng cách hái cành cho vào ổ chó, ổ gà sau khi đã dọn sạch ổ, cứ 3 - 4 ngày thay một lần đến khi hết bọ, mọt. Trừ rệp bằng cách hái cành tươi, đặt dưới chiếu hoặc gầm giường.


Cây mần tưới cần được sơ chế trước khi sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền
Cây mần tưới cần được sơ chế trước khi sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền

5. Lưu ý gì khi sử dụng mần tưới chữa bệnh?

Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị cao nhất thì các bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua ngoài
  • Chống chỉ định với người bị huyết nhiệt và âm hư; đối với phụ nữ có thai, mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng
  • Không tự ý uống cùng với các loại thảo dược hoặc thuốc tây y khác khi chưa được chỉ định
  • Dùng ấm đất hoặc ấm sứ để sắc thuốc, hạn chế dùng ấm kim loại vì giảm dược tính của thuốc
  • Tránh một số loại thực phẩm cần kiêng trong khi sử dụng cây mần tưới chữa bệnh để tăng hiệu quả điều trị.

Trên đây là những công dụng chính của cây mần tưới, bạn có thể tham khảo và áp dụng theo để thấy được hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe