Cây cứt quạ là 1 loại cây thân thảo thường mọc hoang ở những bãi đất trống hoặc rừng. Do đó nhiều người xem chúng như cây cỏ dại. Tuy nhiên, ít ai biết răng cây cứt quạ là một vị thuốc quý trong Đông y, có tác dụng giải nhiệt, giảm đau, mát gan và chữa nhiều căn bệnh khác ở phụ nữ sau sinh.
1. Những đặc tính chung của vị thuốc cây cứt quạ
Cây cứt quạ hay còn được biết đến là khổ qua rừng, thuộc nhóm cây thân thảo mọc bò, phân thành nhiều nhánh. Đây là một loại cây phát triển tốt ở rừng, có thể dài tới 1 – 2m. Lá cây cứt quạ dạng nhám, 5 cạnh ở phiến lá và dài khoảng 4 – 6cm. Cuống lá thường có lông rậm khoảng 3 – 4cm kèm theo tua cuốn đơn.
Ở mỗi vùng nách lá phát triển hoa đực mọc thành từng cụm đôi, riêng hoa cái chỉ xuất hiện một bông riêng lẻ có cuống ngắn. So với hoa đực, hoa cái cây cứt quạ có đặc tính nhỏ hơn. Quả của cây có hình bầu dục, màu đỏ và hạt nâu. Quả dây cứ quạ có mũi và gồm 10 cạnh chứa nhiều hạt, phần gốc thon hẹp dần.
Cây cứt quạ có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á, điển hình như Ấn Độ, Mã Lai. Cây có thể sử dụng được mọi bộ phận và thu hoạch trong năm. Thông thường, người dân dùng cây khổ qua rừng để nấu canh, nhưng trong Đông y, đây còn là vị thuốc quý giúp điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau cực hữu hiệu.
2. Cây cứt quạ có tác dụng gì?
Từ lâu, cứt quạ hay khổ qua rừng đã nổi tiếng trong Đông y với nhiều công dụng khác nhau đối với sức khỏe. Theo Lương y Đinh Công Bảy chia sẻ trên Báo Sức Khoẻ và Đời Sống, cây cứt quạ thường được phối hợp với rau đắng để đẩy lùi nhanh chóng tình trạng sỏi mật.
Đặc điểm chung của cây cứt quạ là tính lạnh, vị đắng, không độc, giúp tiêu độc, giải nhiệt và trừ đờm. Hiện nay, loại cây leo này được sử dụng mọi bộ phận và kết hợp cùng những vị thuốc khác giúp cải thiện các cơn đau nhức toàn thân và hỗ trợ bồi bổ cơ thể.
Do sở hữu khả năng khử độc nên cây cứt quạ có thể làm sạch nước miếng, giúp chức năng tiêu hoá hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, dược điển Thái Lan cũng cho biết, quả cứt quạ sau khi đun sôi có thể điều trị được tình trạng sốt cao. Thậm chí, người ta còn lấy dây cứt quạ để làm thành phần chính trong những phương thuốc chữa nọc độc của rắn.
Trong cây cứt quạ có chứa hợp chất đắng Diglyceride cucurbitane monodesmosidic và một số chất khác như Axit béo, Neolignan, Terpenoid, Axit nucleic, Cerebros và các hợp chất Phenolic. Với một loạt các thành phần hoá học nổi bật trên, đây thực sự là một loại dược liệu quý giúp ích cho sức khoẻ của con người. Không chỉ dùng để nấu canh hay luộc rau, cây cứt quạ còn được nhiều thầy thuốc bào chế thành loại thuốc bồi bổ dành riêng cho phụ nữ sau sinh đẻ.
3. Cây cứt quạ chữa bệnh gì?
Cây cứt quạ có tác dụng giải khát, thanh nhiệt, tiêu độc, bài nùng, thoái ban, trừ đờm và chỉ khái cực hữu hiệu. Dưới đây là những tác dụng chữa bệnh gắn liền với cây cứt quạ hay khổ qua rừng đã được lưu truyền rộng rãi trong Đông y:
Giảm đau bụng kinh và điều trị bế kinh:
Trong Y học cổ truyền, cây khổ qua rừng thường có mặt trong những bài thuốc chữa đau bụng kinh hoặc bế kinh ở phụ nữ. Cụ thể, dây cứt quạ tươi sau khi rửa sạch sẽ đun cùng nước dừa (khoảng một trái), sau khi sôi chắt thuốc ra uống. Chỉ cần kiên trì áp dụng phương thuốc này, chứng đau bụng nguyệt san hay tình trạng bế kinh sẽ sớm được giải quyết.
Giúp mát gan và xóa mờ nám da do máu nóng:
Nám da có lẽ là nỗi ám ảnh lớn của người phụ nữ, đặc biệt là những đối tượng bước vào độ tuổi trung niên. Theo kinh nghiệm dân gian, việc uống dây cứt quạ thường xuyên giúp mát gan, thải độc và cải thiện tình trạng nám da do máu nóng vô cùng hiệu quả. Cách áp dụng bài thuốc này cũng cực đơn giản, chỉ cần lấy khoảng một nắm dây cứt quạ tươi, rửa sạch và thái nhỏ, sau đó đem sắc lấy nước uống hằng ngày. Sau một khoảng thời gian thực hiện, bạn sẽ nhận thấy da dẻ hồng hào, không còn nám sạm như trước.
Khử độc, thanh lọc cơ thể:
Trong Đông y, uống nước quả cứt quạ đun sôi được coi là vị thuốc đắng bổ dưỡng giúp khử độc cơ thể. Uống nước quả khổ qua rừng không chỉ giúp trung hòa (hoặc vô hiệu hoá) độc tố trong cơ thể mà còn hỗ trợ tăng cường chức năng tiêu hoá thức ăn.
Không chỉ vậy, uống nước cây cứt quạ còn giúp nuôi dưỡng làn da, thanh lọc các tạp chất có hại ra bên ngoài cơ thể. Chính vì khả năng tiêu độc mà dây cứt quạ thường được người dân dùng để trung hoà nguồn nước bị nhiễm độc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhất là nước giếng.
Giúp chữa các chứng bệnh ở phụ nữ sau sinh:
Không chỉ mang lại tác dụng khử độc, mát gan và bổ khí huyết, cây cứt quạ còn có khả năng chữa trị hiệu quả những trường hợp viêm tử cung hay hư thai ở phụ nữ. Sau sẩy thai, chị em có thể uống nước dây cứt quạ nhằm giúp hỗ trợ phục hồi tử cung, đồng thời kích thích ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra, cây cứt quạ cũng được dùng trong những bài thuốc bồi bổ cơ thể cho phụ nữ sau sinh, người mắc bệnh tử cung sau khi sinh con thiếu tháng hoặc bị sốt sau sinh.
Hỗ trợ cải thiện tình trạng liệt sau tai biến:
Đối với những bệnh nhân bị tê liệt chân tay sau khi đột quỵ có thể áp dụng bài thuốc từ cây cứt quạ sau đây để sớm cải thiện sức khỏe:
- Dây cứt quạ tươi với lượng vừa phải, đem băm nhỏ.
- Hạt mã tiền tươi (khoảng 4 – 8 hạt), thái mỏng và băm nhỏ, sau đó trộn cùng với dây cứt quạ.
- Giấm tưới đều lên lá thuốc nhằm tạo độ ẩm vừa đủ.
- Cho các dược liệu đã chuẩn bị vào chảo gang, đảo nóng nhưng tránh để thuốc quá khô.
- Đổ thuốc vào khăn sạch, quấn gọn và bó vào phần cơ thể đang bị tê liệt. Tránh để thuốc quá nóng vì nguy cơ gây bỏng cho người bệnh.
- Sau khi thuốc nguội, bạn có thể làm nóng lại để sử dụng cho lần tiếp theo.
- Áp dụng mỗi liệu trình kéo dài từ 3 – 5 ngày, mỗi ngày dùng 3 lần để sớm đạt kết quả.
Mỗi liệu trình dùng thuốc cây cứt quạ và hạt mã tiền tươi trị liệt sau đột quỵ cần cách nhau một ngày. Kiên trì thực hiện bài thuốc trên cho tới khi khỏi hoàn toàn. Thông thưởng, người bệnh sẽ có những cải thiện rõ rệt sau khoảng 9 ngày sử dụng. Các chức năng cũng dần được hồi phục tích cực. Tuy nhiên, cần lưu ý bài thuốc này chỉ được đắp ngoài, không nên uống bởi hạt mã tiền chứa độc, có thể gây chết người.
Giúp giảm cơn đau và hạ sốt:
Từ xưa tới nay, cây cứt quạ còn được lưu truyền trong dân gian với tác dụng hạ sốt, cắt cơn sốt tái đi tái lại nhiều lần không dứt và giảm đau nhanh chóng. Uống nước cây cứt quạ giúp bệnh nhân nhiễm sốt rét cải thiện các triệu chứng, đồng thời giúp ăn ngon miệng hơn.
Nhiều người còn sử dụng dung dịch nước ép cây cứt quạ làm thuốc chữa đau mắt. Thậm chí, cây cứt quạ sau khi rã nát và pha với nước nóng có thể xoa đều lên người để làm giảm cơn đau nhức và teo chân tay. Ngoài giảm đau, nước sắc cây cứt quạ cũng giúp trừ đờm, cắt cơn ho ở những bệnh nhân mắc bệnh phổi.
4. Một số lưu ý khi sử dụng cây cứt quạ trị bệnh
Mặc dù dây cứt quạ có nhiều công dụng chữa bệnh, tuy nhiên người dùng cần thận trọng và lưu ý một số điều sau đây để đảm bảo an toàn sức khỏe:
- Cần tham khảo sự tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ bài thuốc nào làm từ cây cứt quạ.
- Tránh lạm dụng dùng cây cứt quạ trong thời gian dài, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến sức khoẻ trong suốt quá trình điều trị.
- Nên áp dụng đúng bài thuốc và dùng đúng cách nhằm phòng trừ những nguy cơ có hại cho sức khoẻ khác.
- Vì vị cây cứt quạ hơi đắng, do đó bạn nên dùng chung với nước dừa để dễ uống hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.