Câu chuyện về đậu mùa - Từ dịch bệnh đến vắc-xin

Bệnh đậu mùa là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở con người. Nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có biện pháp điều trị cụ thể cho căn bệnh này, tuy nhiên bệnh đậu mùa hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua việc tiêm vắc-xin.

1. Tổng quan về căn bệnh đậu mùa

Đậu mùa là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở con người, nó có khả năng giết chết khoảng một phần ba số nạn nhân mắc phải nó, đồng thời làm biến dạng và gây tàn phế đối với những người may mắn sống sót qua bệnh dịch. Thông qua những hình ảnh trên mạng, bạn đã đủ hiểu được căn bệnh đậu mùa nó trông như thế nào và nghiêm trọng ra sao.

Bệnh đậu mùa hay còn được gọi là Variola vera (trong tiếng Latinh), hoặc Smallpox (Tiếng Anh) để phân biệt với bệnh giang mai (Great pox). Căn bệnh truyền nhiễm này được gây ra bởi hai loại virus, bao gồm Variola major và Variola minor.

Tổ chức Y tế Thế giới đã mô tả bệnh đậu mùa là một trong những căn bệnh truyền nhiễm kinh hoàng nhất mà lịch sử nhân loại từng biết đến. Trong nhiều thế kỷ, dịch bệnh lặp đi lặp lại, tràn qua các lục địa, tàn phá dân số và thay đổi cả tiến trình lịch sử.

Ngoài ra, WHO cũng lưu ý rằng, bệnh đậu mùa là căn bệnh gây tử vong ở trẻ sơ sinh nhiều nhất ở một số nền văn hoá cổ đại, thậm chí theo phong tục, người ta sẽ không đặt tên cho trẻ sơ sinh cho đến khi đứa trẻ này bị mắc bệnh và sống sót vượt qua bệnh tật.

Bệnh đậu mùa xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 10.000 năm Trước Công Nguyên (TCN). Người ta đã tìm thấy những chứng tích để lại của căn bệnh này là các nốt mụn mủ trên xác ướp của Pharaon Ramses V từ thời Ai Cập Cổ Đại. Trong những năm cuối thế kỷ 18, bệnh đậu mùa đã “cướp” đi tính mạng của gần 400.000 người dân tại Châu Âu vào mỗi năm.

Hơn nữa, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các trường hợp bị mù loà (chiếm khoảng 1/3). Trong số những người nhiễm bệnh, có tới hơn một nửa số ca mắc là trẻ em. Theo nghiên cứu cho biết, vào thế kỷ 20, số người tử vong do bệnh đậu mùa đã lên đến hàng trăm triệu người. Điều này đã cho chúng ta thấy căn bệnh này có mức độ nguy hiểm đến nhường nào.

Bệnh đậu mùa thường làm tổn thương đến các mạch máu nhỏ ở miệng, da và cổ họng. Đối với vùng da bị tổn thương do đậu mùa sẽ xuất hiện các vết phát ban với những nốt sần nổi lên và mụn nước chứa đầy mủ có thể để lại sẹo rỗ khi lành bệnh.

Thông thường, loại virus Variola major thường gây bệnh đậu mùa nghiêm trọng hơn so với virus Variola minor. Chúng có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.

Thậm chí, khi bị nhiễm virus Variola major, chúng có thể gây ra các tình trạng như sẹo rỗ ở mặt, hoặc sẹo giác mạc dẫn đến mù lòa. Đối với nam giới bị bệnh đậu mùa sẽ có nguy cơ cao bị hiếm muộn, khó có con. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh đậu mùa có thể gây biến dạng ở các chi do biến chứng viêm khớp hoặc viêm xương mãn tính.


Trong một số trường hợp nhất định, bệnh đậu mùa có thể gây biến dạng ở các chi do biến chứng viêm khớp hoặc viêm xương mãn tính
Trong một số trường hợp nhất định, bệnh đậu mùa có thể gây biến dạng ở các chi do biến chứng viêm khớp hoặc viêm xương mãn tính

2. Các triệu chứng thường gặp của bệnh đậu mùa

Nhìn chung, thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa thường kéo dài khoảng 12 ngày cho tới khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện rõ ràng. Một khi virus Variola major xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tấn công nhanh chóng đến các vùng như cổ họng, niêm mạc hô hấp, sau đó đi đến các hạch bạch huyết và bắt đầu tăng sinh và phát triển mạnh mẽ. Từ ngày thứ 12 trở đi, qua xét nghiệm chẩn đoán chúng ta có thể phát hiện ra một số lượng virus đậu mùa nhất định bên trong máu, tuỷ xương, lá lách và hạch bạch huyết.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa cũng giống như các triệu chứng của một số bệnh do virus khác, ví dụ như cảm cúm thông thường. Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đậu mùa, bao gồm:

  • Sốt trên 38.5 °C
  • Đau đầu, đau nhức cơ hoặc đau toàn thân
  • Cơ thể có cảm giác khó chịu và mệt mỏi
  • Khi hệ thống tiêu hoá của cơ thể bị ảnh hưởng sẽ khiến cho người bệnh có cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau lưng

Hết giai đoạn tiền bệnh, các nốt phát ban đỏ (enanthem) xuất hiện ở các khu vực điển hình như miệng, vòm miệng, lưỡi và cổ họng. Chúng hình thành nên các nốt sần trên bề mặt da cùng với nhiều mủ ở bên trong.

Trong khi đó, cơ thể đã hết sốt và trở về với thân nhiệt bình thường. Sau khoảng 3 tuần, những nốt sần này sẽ đóng thành vảy cứng và bong tróc, để lại các vết sẹo lõm trên da của bệnh nhân.


Sốt, đau đầu, đau lưng,... là những triệu chứng phổ biến của bệnh đậu mùa
Sốt, đau đầu, đau lưng,... là những triệu chứng phổ biến của bệnh đậu mùa

3. Phân loại bệnh đậu mùa

Tuỳ theo diễn biến mà bệnh đậu mùa sẽ được phân thành 4 loại khác nhau, bao gồm loại thông thường, giảm nhẹ, ác tính và gây xuất huyết. Đối với loại ác tính và gây xuất huyết thường dẫn đến nguy cơ tử vong cho bệnh nhân cao nhất.

Bệnh đậu mùa thông thường

Bệnh đậu mùa thông thường là loại bệnh đậu mùa phổ biến nhất, thường gặp ở những đối tượng chưa từng tiêm chủng vắc-xin đậu mùa. Đối với loại đậu mùa này, các vết phát ban sẽ phát triển thành những nốt sần vào ngày thứ hai, sau đó những nốt sần này sẽ chứa đầy các dịch mủ ở bên trong và biến thành mụn nước.

Trong vòng 24-48 giờ, các dịch mủ sẽ trở nên cô đặc hơn và chuyển sang màu đục. Trong khoảng 10 ngày, các nốt sần chứa dịch mủ sẽ phát triển đến một mức tối đa, khi chạm vào có cảm giác căng cứng giống như dưới da có các hạt nhỏ. Sau đó, chúng bắt đầu xẹp xuống, đóng vảy cứng, và bong tróc ra, gây nên các vết sẹo.

Đối với bệnh đậu mùa thông thường, các nốt phát ban thường phân bố nhiều nhất ở trên mặt, hoặc các chi. Nó cũng có xu hướng nổi nhiều hơn ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân của người bệnh.

Bệnh đậu mùa giảm nhẹ

Trái với bệnh đậu mùa thông thường, bệnh đậu mùa giảm nhẹ thường có tốc độ phát triển rất nhanh chóng, diễn ra chủ yếu ở những người đã từng tiêm chủng vắc-xin đậu mùa.

Bên cạnh đó, các triệu chứng của đậu mùa giảm nhẹ cũng thường ít nghiêm trọng hơn so với bệnh đậu mùa thông thường. Điều này có nghĩa là, mặc dù nó tiến triển rất nhanh chóng nhưng lại ít gây tổn thương ở da hơn, rất hiếm khi dẫn đến tử vong cho người bệnh. Đôi khi, dạng bệnh này có thể bị nhầm lẫn với căn bệnh thuỷ đậu.

Bệnh đậu mùa ác tính

Căn bệnh đậu mùa này thường xảy ra khá ít, chủ yếu ở trẻ em, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng mà nó đem lại cho sức khoẻ bệnh nhân thường rất cao. Đậu mùa ác tính có thể kèm theo các triệu chứng nguy hiểm như sốt kéo dài, nhiễm độc huyết, nổi ban trên lưỡi, hoặc vòm miệng.

Những tổn thương trên da do bệnh đậu mùa ác tính thường tiến triển khá chậm. Khi những nốt sần xẹp dần đi có thể dẫn đến sẹo rỗ. Khác với các nốt mụn nước của bệnh đậu mùa thông thường, mụn nước do đậu mùa ác tính thường chứa rất ít dịch mủ, có cảm giác mềm khi chạm vào và đôi khi có chứa cả máu. Tình trạng bệnh này gần như dẫn đến tử vong cho hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh.

Bệnh đậu mùa xuất huyết

Là một dạng đậu mùa nghiêm trọng, có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết nghiêm trọng ở dưới da, màng nhầy và trong ống dạ dày. Tuy nhiên, loại bệnh đậu mùa này thường chiếm tỷ lệ mắc bệnh rất ít và xảy ra chủ yếu ở người lớn.

Đối với bệnh đậu mùa xuất huyết thường không xuất hiện các nốt sẩn trên da, thay vào đó, bệnh nhân sẽ bị xuất huyết ở dưới da, nghĩa là vùng da trông như bị nám đen hoặc phỏng.

Chính vì vậy, bệnh đậu mùa xuất huyết còn có tên gọi khác là bệnh mụn đen. Ngoài ra, căn bệnh này có thể gây ra các đốm xuất huyết ở thận, lách, cơ, màng thanh dịch, đôi khi ở gan, buồng trứng, tinh hoàn và bàng quang. Đến ngày thứ 5 hoặc 7 mắc bệnh, bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột, trong khi các biểu hiện tổn thương lại diễn ra rất ít.


Bệnh đậu mùa sẽ được phân thành 4 loại khác nhau, bao gồm loại thông thường, giảm nhẹ, ác tính và gây xuất huyết
Bệnh đậu mùa sẽ được phân thành 4 loại khác nhau, bao gồm loại thông thường, giảm nhẹ, ác tính và gây xuất huyết

4. Bệnh đậu mùa lây truyền như thế nào?

Bệnh đậu mùa thường lây truyền thông qua việc tiếp xúc với các dịch từ mũi, họng, hoặc niêm mạc họng của người bị nhiễm bệnh. Nhìn chung, để bệnh có thể lan truyền từ người sang người thì thời gian tiếp xúc mặt đối mặt trực tiếp với người bệnh là tương đối dài, khoảng cách tiếp xúc thường là 1,8m.

Ngoài ra, virus đậu mùa có thể truyền nhiễm thông qua đường không khí trong các không gian công cộng đông người, như xe lửa, xe buýt hoặc cùng một tòa nhà. Đôi khi, nó cũng lây truyền thông qua đường sinh nở, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh của trẻ qua đường này là tương đối thấp.

Một điều cần lưu ý là virus đậu mùa không lây truyền trong thời gian tiền triệu chứng mà nó có xu hướng phát tán khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban, hoặc đồng thời có các tổn thương ở họng và miệng. Khả năng truyền nhiễm của bệnh sẽ giảm dần trong khoảng từ 7-10 ngày từ khi các nốt phát ban đóng vảy. Tuy nhiên, không vì vậy mà người bệnh trở nên chủ quan, vì bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho đến khi nốt sần cuối cùng bong vảy và rụng đi.

Nhìn chung, đây là một căn bệnh có khả năng truyền nhiễm rất cao, nhưng tốc độ lây nhiễm bệnh diễn ra khá chậm và ít rộng khắp hơn so với các bệnh lý truyền nhiễm khác cũng do một loại virus nào đó gây ra. Ở các nước ôn đới, bệnh đậu mùa có xu hướng phát triển nhiều nhất vào mùa đông và mùa xuân, trong khi đó, các nước nhiệt đới có thể phát triển bệnh quanh năm.

Ngoài ra, độ tuổi mắc bệnh đậu mùa còn phụ thuộc một phần vào sức khoẻ của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, việc tiêm chủng vắc-xin là một điều vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ tất cả chúng ta khỏi căn bệnh đậu mùa nguy hiểm này.

5. Sự ra đời của vắc-xin đậu mùa


Dù chưa thể điều trị bệnh nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa đậu mùa bằng việc tiêm vắc-xin
Dù chưa thể điều trị bệnh nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa đậu mùa bằng việc tiêm vắc-xin

Hiện nay, mặc dù vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào giúp điều trị được bệnh đậu mùa, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa được căn bệnh này thông qua việc tiêm chủng bằng vắc-xin.

Việc đưa vi trùng vào cơ thể để tăng cường khả năng miễn dịch có vẻ như là một ý tưởng mới mẻ đằng sau biện pháp tiêm chủng, nhưng thực chất nó đã có từ nhiều thế kỷ trước. Lịch sử của căn bệnh đậu mùa đã cho thấy ý tưởng này đã tồn tại từ rất lâu rồi.

Ở Trung Quốc, vào thế kỷ thứ 12, người ta nhận thấy rằng những đứa trẻ sống sót sau bệnh đậu mùa sẽ không bao giờ mắc lại căn bệnh này nữa. Để đối phó với trường hợp đậu mùa nhẹ và tạo ra khả năng miễn dịch chống lại căn bệnh đáng sợ này, người ta đã nảy ra ý tưởng hít một loại bột làm từ vảy đậu mùa.

Phương pháp này được gọi là chủng đậu, đã lan rộng ra khắp Châu Á và Châu Phi. Những phương pháp chủng đậu được thực hiện khác nhau giữa các vùng, chẳng hạn như người Ba Tư sẽ nuốt bột từ vảy đậu mùa, trong khi đó người Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi sẽ xoa mủ đậu mùa vào các vết xước trên da. Xét cho cùng, những phương pháp chủng đậu này đều cùng một mục đích là đối phó với bệnh đậu mùa.

Ngày này, các nhà khoa học đã điều chế ra loại vắc-xin đậu mùa, có tên là Vaccinia. Vắc-xin này chứa một loại virus có liên hệ với virus gây ra bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, khi sử dụng vắc-xin, nó sẽ không thể dẫn đến bệnh đậu mùa, thậm chí còn giúp hệ miễn dịch của cơ thể tăng khả năng chống lại căn bệnh này.

Nhìn chung, vắc-xin đậu mùa trong lần tiêm đầu tiên sẽ có khả năng bảo vệ chống lại virus gây bệnh trong khoảng 3-5 năm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe