Catheter dùng trong thận nhân tạo

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Suy thận là một bệnh lý hệ nội tiết – tiết niệu rất phổ biến, gây ra cho người bệnh tình trạng khó khăn trong việc loại bỏ những chất thải và chất độc hại có trong máu. Phương pháp điều trị phổ biến hiện nay cho bệnh lý này đó là chạy thận nhân tạo. Việc đặt một catheter tĩnh mạch trung tâm cho lọc máu có thể hỗ trợ rất nhiều cho việc chạy thận nhân tạo.

1. Chạy thận nhân tạo

Thận là một cơ quan rất quan trọng trong cơ thể người, giữ nhiệm vụ lọc nước tiểu và máu, ngăn không cho những chất thải và chất độc hại đi vào máu cũng như nước tiểu. Ngoài ra, thận còn có thể điều chỉnh được lượng nước, khoáng chất bên trong cơ thể và sản xuất một số chất cần thiết trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, nếu trong một ngày thận bị tổn thương và không thể thực hiện được những chức năng của mình thì sẽ dẫn đến tình trạng chất thải độc hại sẽ tích tụ vào máu gây nên rất nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có thể gây ra hôn mê và cuối cùng là tử vong.

Chạy thận nhân tạo là một phương pháp điều trị tình trạng này với nguyên tắc ngăn không cho những chất thải tích tụ trong máu với lượng quá nhiều. Trong phương pháp này, máu bệnh nhân suy thận sẽ được đưa ra bên ngoài thông qua một catheter tĩnh mạch trung tâm để loại bỏ những chất thải trong máu, sau khi lọc thì máu sẽ được quay trở lại bên trong cơ thể qua một ống khác. Chạy thận nhân tạo thông qua catheter tĩnh mạch trung tâm thường được áp dụng khoảng 3 lần/ tuần đối với một bệnh nhân, mỗi lần chạy thận mất khoảng 3 đến 4 giờ đồng hồ.


Chạy thận nhân tạo thông qua catheter tĩnh mạch trung tâm thường được áp dụng khoảng 3 lần/ tuần
Chạy thận nhân tạo thông qua catheter tĩnh mạch trung tâm thường được áp dụng khoảng 3 lần/ tuần

2. Catheter tĩnh mạch trung tâm cho lọc máu

Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cho lọc máu được chỉ định cụ thể trong những trường hợp như sau:

  • Bệnh nhân suy thận cấp
  • Bệnh nhân ngộ độc cấp
  • Bệnh nhân có chỉ định thay huyết tương
  • Bệnh nhân đang ở giai đoạn 5 của bệnh lý thận mạn tính đang bắt đầu điều trị chạy thận nhân tạo
  • Bệnh nhân đang điều trị chạy thận nhân tạo chu kỳ bị hư hoặc bệnh nhân chống chỉ định với mổ Fistula, Graft...
  • Bệnh nhân có chỉ định thẩm phân phúc mạc
  • Bệnh nhân có chỉ định ghép thận, có thể là trong thời gian chờ ghép hoặc thải ghép.

Các loại catheter hay được áp dụng trên lâm sàng như:

  • Catheter 1 nòng, catheter 2 nòng
  • Catheter được làm từ polymer hoặc silicone
  • Chiều dài của catheter thay đổi khác nhau phụ thuộc vào vị trí tĩnh mạch đặt catheter, nếu ở tĩnh mạch đùi thì chiều dài catheter ≥ 20cm, tĩnh mạch cảnh trong phải thì chiều dài catheter = 15cm, trong trường hợp catheter được đặt ở tĩnh mạch cảnh trong trái thì chiều dài = 20cm
  • Catheter không cuff hoặc catheter có cuff

Kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm hay còn có tên gọi là kỹ thuật Seldinger được thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị tư thế bệnh nhân nghiêng vừa phải, không nên để cơ thể bệnh nhân quá nghiêng vì sẽ làm xẹp mạch.
  • Kê cao vai bệnh nhân
  • Xác định cơ ức đòn chũm và xương ức để tìm tam giác cảnh, bắt động mạch cảnh
  • Dùng kim thăm dò 22G để chọc vào bên ngoài của động mạch cảnh 1 góc 30° - 45°, hướng về núm vú của bệnh nhân, đồng thời thực hiện hút chân không.
  • Trong trường hợp không thấy máu trào ra bơm tiêm thì cần rút kim ra và chọc kim theo hướng ra ngoài, vào giữa so với vị trí ban đầu đến khi nào thấy có máu xuất hiện thì đánh dấu độ sâu và hướng của kim
  • Rút kim thăm dò
  • Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cần cho bệnh nhân đầu nằm dốc, nếu đặt ở đùi thì cho đùi bệnh nhân dạng ra 1 góc 30°

Kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm hay còn có tên gọi là kỹ thuật Seldinger
Kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm hay còn có tên gọi là kỹ thuật Seldinger

Một số biến chứng có thể xảy ra khi đặt catheter tĩnh mạch trung tâm đó là:

  • Chảy máu sau khi đặt
  • Rối loạn nhịp tim
  • Thuyên tắc khí
  • Tổn thương tĩnh mạch dưới đòn, tổn thương tĩnh mạch cảnh trong bên trái
  • Đặt catheter sai vị trí
  • Tràn khí màng phổi, tràn máu màng phổi
  • Tràn máu màng ngoài tim
  • Đặt catheter gây thủng hoặc hẹp tĩnh mạch trung tâm
  • Huyết khối: có thể là huyết khối ngoại sinh gồm huyết khối ở thành mạch, tĩnh mạch trung tâm, tâm nhĩ hoặc huyết khối nội sinh gồm huyết khối trong lòng ống catheter hoặc đầu catheter hoặc ở vỏ bao Fibrin quanh catheter.
  • Xuất hiện vỏ bảo Fibrin xung quanh catheter
  • Nhiễm trùng sau khi đặt catheter tĩnh mạch trung tâm: là biến chứng thường gặp, có thể là nhiễm trùng exit site khiến bệnh nhân có những triệu chứng lâm sàng như sưng, đau, đỏ vùng đặt catheter, đồng thời có thể có rỉ dịch viêm hoặc rỉ mủ ở lỗ ra của catheter, hoặc có thể là nhiễm trùng đường hầm dọc dưới da trung tâm. Một loại nhiễm trùng khác có thể gặp sau khi đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cho lọc máu đó là nhiễm trùng huyết do catheter, trong trường hợp này thì cần rút catheter ngay cho bệnh nhân vì tình trạng nhiễm khuẩn nặng, các vi khuẩn gây bệnh di chuyển từ da sang đầu nối, lòng ống catheter gây nhiễm khuẩn trên bệnh nhân và có thể dẫn đến tử vong trong trường hợp không điều trị kịp thời.
  • Catheter bị dính vào tĩnh mạch trung tâm

3. Kết luận

Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm trong chạy thận nhân tạo là một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân suy thận, giúp duy trì được khả năng lọc máu cũng như kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân. Tuy nhiên đây là một kỹ thuật có xâm lấn và có thể để lại một số biến chứng nên việc đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cho lọc máu cần được thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín, đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ y tế có kinh nghiệm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm. Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe