Cắt và nạo quanh chóp răng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Viêm quanh chóp răng là tình trạng phá hủy mô quanh chóp răng kèm viêm nhiễm do đáp ứng đề kháng của cơ thể với sự xâm nhập của vi khuẩn từ hệ thống ống tủy, nếu không được điều trị sẽ gây phá hủy xương hàm và mất răng. Vì vậy, cắt và nạo quanh chóp răng là phương pháp phẫu thuật giúp bảo tồn răng, đồng thời loại bỏ mô bệnh quanh chóp tạo điều kiện lành thương của xương hàm.

1. Chỉ định cắt và nạo quanh chóp răng khi nào?

Cắt nạo quanh chóp răng là phẫu thuật loại bỏ phần chóp răng bị viêm và nạo sạch tất cả các tổ chức viêm hoại tử quanh chóp răng. Phương pháp cắt nạo quanh chóp răng này được chỉ định trong các trường hợp:

  • Dụng cụ chữa tủy bị gãy, kẹt trong ống tủy hoặc gãy chân răng.
  • Điều trị nội nha không có kết quả với các trường hợp nhiễm khuẩn quanh chóp.
  • Ống tủy bị canxi hóa hoặc cong quá mức, tủy bị tổn thương.
  • U hạt, nang chân răng.

Các trường hợp chống chỉ định cắt nạo quanh chóp răng gồm:

  • Chống chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân có bệnh toàn thân
  • Các tình trạng đặc biệt: Mang thai, cho con bú.
  • Viêm nhiễm vùng miệng.
  • Chân răng quá ngắn: Vì sau khi cắt chóp răng, chân răng còn lại không bằng 2/3 chiều dài cũ khiến răng bị lung lay không chắc.

Chóp răng bị viêm nhiễm cần được loại bỏ
Chóp răng bị viêm nhiễm cần được loại bỏ

2. Quy trình cắt và nạo quanh chóp răng

Quy trình cắt và nạo quanh chóp răng sẽ được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Kiểm tra tổng quát: Người bệnh sẽ được khám sức khỏe và nha khoa tổng quát để xác định tình trạng sức khỏe cũng như vị trí cần cắt nạo chóp.

Bước 2: Chụp X-quang toàn hàm: Chụp phim toàn hàm sẽ giúp xác định cấu trúc xương hàm, tình trạng bệnh lý của các răng trên hai hàm đang gặp phải để được lên phác đồ cụ thể.

Bước 3: Vệ sinh răng miệng

Bước 4: Các bước phẫu thuật cắt nạo chóp răng

  • Phương pháp vô cảm: Gây tê vùng răng cần phẫu thuật.
  • Thiết kế vạt phù hợp tùy thuộc vào vị trí của răng, túi nha, diện tích tổn thương quanh chóp răng để.
  • Ở mặt nghiêng 45 độ so với trục răng, lật vạt và dùng mũi khoan trụ cắt chóp răng khoảng 2 - 3 mm.
  • Nạo và lấy hoàn toàn các mô bệnh, đặc biệt là vùng phía sau của chóp răng.
  • Thực hiện trám ngược nếu ống tủy chưa được trám bít hoàn toàn hoặc trám thiếu.
  • Rửa vết thương và khâu đóng vạt.

Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về răng

Răng là bộ phận quan trọng, giúp một người sử dụng miệng để ăn, nói, cười và tạo hình dạng cho khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, có những sự thật thú vị về răng mà có thể bạn chưa từng biết. Hãy cùng trả lời nhanh 9 câu hỏi trắc nghiệm sau để thử hiểu biết của bạn về răng.

Bài dịch từ: webmd.com

3. Theo dõi sau phẫu thuật cắt nạo chóp răng

Sau phẫu thuật bệnh nhân cần được chăm sóc vết mổ như sau:

  • Chườm đá nhẹ nhàng lên vùng phẫu thuật, cách nhau 10 phút, vài lần trong ngày đầu.
  • Dùng kháng sinh, giảm đau trong 5 ngày.
  • Theo dõi sự chảy máu để được cầm máu kịp thời, nếu do đứt chỉ khâu thì cần phải được khâu lại.

Nên chườm đá nhẹ nhàng lên vùng chóp răng sau phẫu thuật
Nên chườm đá nhẹ nhàng lên vùng chóp răng sau phẫu thuật

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe