Cắt u nang thừng tinh ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng.

Bệnh nang mào tinh và u nang thừng tinh ở trẻ là những bệnh khá phổ biến, vậy nên các bậc phụ huynh cần phải chú ý quan sát con nhỏ khi có những biểu hiện bất thường ở vùng bộ phận sinh dục của trẻ. Nếu có hiện tượng sưng, căng ở tinh hoàn thì nên đưa bé đi khám, điều trị và cắt u nang thừng tinh cho bé.

1. U nang thừng tinh ở trẻ là gì?

U nang thừng tinh ở trẻ được định nghĩa là một bệnh bẩm sinh tồn tại trong một ống nhỏ từ ổ bụng xuống bìu và tạo thành nang. Bình thường đối với trẻ em trai, khi vẫn còn là bào thai, tinh hoàn từ trong bụng di chuyển xuống bìu, kéo theo lớp phúc mạc tạo thành một ống phúc tinh mạc, thông từ bụng xuống tới bìu. Sau khi sinh ống này teo và đóng lại, trong trường hợp ống phúc màng tinh không bị teo lại sẽ có 3 dẫn hậu quả:

  • Nếu lỗ thông to: ruột sẽ xuống bìu trẻ sẽ mắc bệnh thoát vị bẹn.
  • Nếu lỗ thông nhỏ: chỉ có nước xuống bìu, em bé có nước trong màng tinh hoàn.
  • Nếu lỗ thông quá nhỏ: nước từ bụng xuống tụ lại dần thành u nang thừng tinh ở trẻ.

Bệnh u nang thừng tinh ở trẻ rất khó để tự khỏi, ngoài ra, sau 2 năm khối u nang thừng tinh không giảm và ngày càng to hơn thì phải phẫu thuật cắt u nang thừng tinh cho trẻ để bít lỗ thông xuống bìu. U nang thừng tinh là bệnh lý lành tính nguyên nhân do tình trạng ứ đọng, tắc nghẽn một hay vài ống dẫn tinh ở mào tinh gây tiết dịch và hình thành nang.


Bệnh u nang thừng tinh là một bệnh bẩm sinh ở trẻ em trai
Bệnh u nang thừng tinh là một bệnh bẩm sinh ở trẻ em trai

2. Khi nào cần cắt nang thừng tinh cho trẻ?

Bạn cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ và điều trị cắt u nang thừng tinh cho trẻ nếu trẻ bị sưng bìu. U nang thừng tinh ở trẻ nam có khả năng tự biến mất. Nhưng nếu tình trạng u nang của trẻ không biến mất sau một năm hoặc ngày càng to ra, phụ huynh hãy đi khám bác sĩ để kiểm tra lại nang nước thừng tinh và thực hiện phẫu thuật cắt u nang thừng tinh cho trẻ khi cần.

Phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay lập tức nếu trẻ bị đau hoặc sưng bìu đột ngột, đặc biệt là trong vài giờ sau chấn thương ở bìu. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể xảy ra với một số bệnh nhất định, bao gồm lưu lượng máu bị chặn trong tinh hoàn bị xoắn. Xoắn tinh hoàn phải được điều trị trong vòng vài giờ kể từ khi bắt đầu có dấu hiệu và triệu chứng để cứu tinh hoàn không bị hoại tử.

3. Cắt u nang thừng tinh cho trẻ

Để tiến hành cắt u nang thừng tinh cho trẻ ở mọi lứa tuổi, điều quan trọng là bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá tình trạng u nang thừng tinh ở trẻ vì nó có thể liên quan đến một số tình trạng bệnh tinh hoàn tiềm ẩn. Nếu bệnh u nang thừng tinh ở trẻ không thể tự biến mất thì để điều trị nang nước thừng tinh cho trẻ em có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ.

  • Phẫu thuật cắt u nang thừng tinh cho trẻ để loại bỏ u nang thừng tinh có thể được thực hiện bằng thuốc gây mê toàn thân đối với trẻ em hay gây tê tủy sống đối với người lớn.
  • Một vết mổ được rạch ở bìu hoặc bụng dưới để loại bỏ u nang thừng tinh.
  • Nếu u nang thừng tinh được tìm thấy trong quá trình phẫu thuật cắt u nang thừng tinh cho trẻ để điều trị khối thoát vị bẹn, bác sĩ phẫu thuật có thể cắt u nang thừng tinh cho trẻ ngay cả khi nó không gây khó chịu.
  • Điều trị phẫu thuật cắt u nang thừng tinh cho trẻ sẽ lấy bỏ triệt để đi nang nước, tránh tái phát.

Phẫu thuật cắt u nang thừng tinh cho trẻ đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm trong phẫu thuật vi phẫu, phẫu tích tỉ mỉ, độ chính xác cao, bởi phẫu thuật vùng ống bẹn, thừng tinh có bó mạch thừng tinh, ống dẫn tinh, bạch mạch, cơ nâng bìu, rất dễ gây ra tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Đặc biệt, trong quá trình tìm ống phúc tinh mạc, phẫu tích u nang, cần tránh tổn thương ống dẫn tinh, các mạch máu gây bầm tụ máu hoặc tổn thương động mạch tinh.


Sau phẫu thuật cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ
Sau phẫu thuật cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ

4. Chăm sóc trẻ sau khi cắt u nang thừng tinh

Sau phẫu thuật cắt u nang thừng tinh cho trẻ, trẻ được nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch, cho ăn lỏng, dễ tiêu. Ngoài ra, bác sĩ có thể kể thêm một số thuốc kháng sinh truyền tĩnh mạch trong 1 – 2 ngày đầu sau mổ và các ngày sau sử dụng thuốc theo đường uống. Các loại thuốc khác gồm giảm đau đường uống hoặc viên đặt hậu môn; thuốc giảm phù nề. Thay băng 2 ngày 1 lần và hẹn tái khám sau 1 tháng. Để giúp bé chóng lành, hạn chế tối đa các biến chứng, bố mẹ cũng cần lưu ý đến việc chăm sóc bé sau phẫu thuật cắt u nang thừng tinh cho trẻ.

  • Tránh tắm rửa cho bé trong ít nhất 2 ngày sau phẫu thuật. Chỉ dùng khăn thấm nước lau nhẹ nhàng cơ thể bé.
  • Không để con cưỡi hay ngồi lên đồ chơi, vật cứng trong vòng vài tuần liên tiếp. Bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé vui chơi trở lại với những trò chơi thông thường.
  • Cho bé mặc đồ thoải mái, đáy quần không được bó quá chật;
  • Cho bé uống bổ sung nhiều nước;
  • Không kiêng khem quá mức, cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, mau hồi phục sức khỏe;
  • Dùng tã lót nếu cần thiết, nhưng bố mẹ nên lưu ý phải thay thường xuyên thay tã lót cho con và thỉnh thoảng nên để bé “thông thoáng”...

Về cơ bản u nang thừng tinh ở trẻ có khả năng tự biến mất, nhưng sau một năm chúng vẫn tồn tại thì các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi khám để chẩn đoán, tư vấn điều trị, tránh để lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe