Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Chí Quang, Khoa Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Vì những nguyên nhân bất khả kháng nhiều chị em vẫn còn trong độ tuổi sinh hoạt tình dục phải cắt bỏ buồng trứng, điều này gây tâm lý lo sợ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt tình dục của hai vợ chồng sau này, thực tế thì việc cắt buồng trứng còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác trước khi quyết định rằng có ảnh hưởng nặng nề đến chức năng sinh sản và sinh dục của người phụ nữ hay không.
1. Chức năng của buồng trứng
Buồng trứng có hai chức năng chính là chức năng ngoại tiết sản sinh trứng và chức năng nội tiết là tiết ra các hormon giúp người phụ nữ phát triển và duy trì giới tính nữ, ham muốn tình dục. Các tế bào của buồng trứng chế tiết ra 3 hormon sinh dục bao gồm: vỏ nang trong chế tiết ra estrogen, các tế bào hạt của hoàng thể chế tiết progesteron, các tế bào của rốn buồng trứng chế tiết androgen (tên gọi chung của testosterone - một hormon giới tính nam).
Vai trò của hormon do buồng trứng tiết ra:
- Estrogen có vai trò hình thành đặc điểm giới tính thứ cấp của nữ ở tuổi dậy thì và cho sự trưởng thành và duy trì các cơ quan sinh dục ở trạng thái chức năng trưởng thành của các cơ quan này.
- Progesterone tạo sự chuẩn bị cho tử cung mang thai, và tiết sữa ở tuyến vú. Các chức năng của progesterone cùng với estrogen làm thúc đẩy những thay đổi của nội mạc tử cung trong một chu kỳ kinh nguyệt
- Trong đó, testosterone là yếu tố chính quyết định ham muốn tình dục.
Cắt buồng trứng là một thủ thuật ngoại khoa để loại bỏ một hoặc cả hai buồng trứng, có hai cách để thực hiện phẫu thuật cắt buồng trứng là phẫu thuật mổ mở, hoặc mổ nội soi cắt buồng trứng xâm lấn tối thiểu, ít đau hơn và dễ phục hồi hơn. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sỹ lựa chọn phương pháp phù hợp.
Thủ thuật cắt buồng trứng do hệ quả của các vấn đề với cơ quan sinh sản như ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, khối u hoặc u nang, áp xe buồng trứng v.v... Những người có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nhờ thủ thuật này.
2. Những ảnh hưởng của việc cắt buồng trứng
Cắt buồng trứng có ảnh hưởng gì không là điều các chị em quan tâm khi sau khi tiến hành cắt buồng trứng, cắt buồng trứng có thể gây ảnh hưởng tới kinh nguyệt, khả năng mang thai và gây ra một số triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh.
2.1 Ảnh hưởng đến kinh nguyệt
Nếu cắt một bên buồng trứng do các bệnh như u nang buồng trứng, áp xe buồng trứng... sau khi cắt một bên thì bên buồng trứng còn lại vẫn đảm bảo khả năng tiết hormon và người phụ nữ vẫn có kinh nguyệt hàng tháng.
Tuy nhiên do một số nguyên nhân như ung thư buồng trứng, dự phòng nguy cơ cao bị ung thư vú hay ung thư buồng trứng mà phải cắt cả 2 bên buồng trứng thì sẽ không có kinh nguyệt mỗi tháng.
Cắt bỏ cả hai buồng trứng sẽ gây hiện tượng mãn kinh ngay lập tức. Kết quả là người phụ nữ có thể đột ngột phải trải qua các triệu chứng điển hình của mãn kinh như: bốc hỏa, vấn đề về trí nhớ, thay đổi tâm trạng, khô âm đạo...hay vì sự chuyển tiếp tự nhiên và dần dần. Trong trường hợp khó chịu nhiều, liệu pháp thay thế hormon có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng.
2.2 Khả năng mang thai sau khi cắt buồng trứng
Khả năng mang thai sau khi cắt buồng trứng một bên là vẫn còn nguyên vẹn. Vì 2 buồng trứng hoạt động độc lập nên khi cắt một bên thì bên còn lại vẫn có khả duy trì khả năng sinh sản.
Cắt bỏ 2 buồng trứng không có khả năng thụ thai tự nhiên thành công. Nếu muốn có con mẹ vẫn có thể mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách xem xét việc trữ trứng trước khi tiến hành phẫu thuật cắt buồng trứng hay xin trứng.
2.3 Cắt hết buồng trứng ảnh hưởng gì tới đời sống tình dục?
Việc cắt cả 2 buồng trứng làm giảm đáng kể ham muốn tình dục, tuy hormon testosteron mới là hormon duy trì ham muốn tình dục ở cả nam và nữ không chỉ có buồng trứng tiết ra mà tuyến thượng thận cũng tiết ra hormon này, nhưng việc thiếu hụt estrogen do buồng trứng đã bị cắt, sẽ làm khô và teo âm đạo sẽ ảnh hưởng nhiều đến ham muốn tình dục
Ngoài ra trong một số trường hợp có khối u lành buồng trứng 2 bên, thầy thuốc không cần cắt hai buồng trứng mà chỉ mổ bóc khối u, vẫn cố gắng bảo tồn mô lành của buồng trứng để duy trì chức năng nội tiết. Mô lành còn lại vẫn có thể hoạt động bù, không gây thiếu hụt về nội tiết và không ảnh hưởng đến đời sống tình dục.
Sau khi cắt buồng trứng do hiện tượng thiếu hụt hormone sinh dục nữ có thể gây ra hiện tượng khô âm đạo, đau khi giao hợp. Để hạn chế tình trạng này có thể sử dụng những chất giúp bôi trơn thay thế.
Việc cắt hết buồng trứng là phẫu thuật chẳng đặng đừng thường chỉ áp dụng hạn hữu khi bị ung thu phụ khoa. Tuy nhiên sau cắt 2 buồng trứng, người phụ nữ vẫn có thể dung liệu pháp hormone thay thế, nhằm cung cấp nội tiết bổ sung duy trì vóc dáng phụ nữ tránh khô teo âm đạo, tránh loãng xương, và duy trì ham muốn tình dục. Tuy nhiên việc sử dụng liệu pháp hormnon thay thế ( HRT: hormonal replaced therapy) tương đối phức tạp, có tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung, phụ nữ có thể đến khám và được tư vấn đầy đủ lợi ich và nguy cơ với các BS chuyên khoa Sản. Tại BV Vinmec có đầy đủ Phương tiện để tầm soát sớm ung thư vú, tử cung, và cung cấp đầy đủ thuốc nội tiết bổ sung trong trường hợp phụ nữ bị cắt 2 buồng trứng.
Trước khi trở thành Bác Sĩ chuyên ngành Sản Phụ Khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, BS Nguyễn Chí Quang từng công tác tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh. Bác sĩ Quang đã có nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn sâu sắc và thế mạnh trong điều trị các bệnh lý sản phụ khoa như:
- Phẫu thuật nội soi U xơ tử cung
- Phẫu thuật nội soi u buồng trứng
- Phẫu thuật nội soi sa sinh dục
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.