Ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến và nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Trong các phương pháp điều trị, cắt dạ dày do ung thư được nhiều bác sĩ chỉ định thực hiện cho bệnh nhân.
1. Tìm hiểu chung về ung thư dạ dày
1.1 Ung thư dạ dày là gì?
Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10.000 người tử vong do ung thư dạ dày.
Dạ dày là cơ quan tiêu hóa, nằm ở vị trí cầu nối giữa thực quản và ruột non. Sau khi đi qua thực quản, thức ăn đi xuống dạ dày và được nghiền nhỏ, đẩy xuống ruột non để hấp thu các chất dinh dưỡng.
Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào cấu trúc bình thường trong dạ dày trở nên bất thường, tăng sinh một cách không kiểm soát, tạo thành một khối u ác tính trong dạ dày, có thể xâm lấn các cơ quan lân cận hoặc di căn tới các cơ quan khác trên cơ thể. Ung thư dạ dày có thể tiến triển dọc theo thành dạ dày, đi tới thực quản hoặc ruột non. Ngoài ra, khối u ác tính cũng có thể lan rộng qua thành dạ dày, xâm lấn sang hạch bạch huyết, tuyến tụy, gan, phổi, đại tràng, các hạch thượng đòn, buồng trứng,...
Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày bao gồm:
- Phân lẫn máu: Là dấu hiệu cho thấy có hiện tượng sưng viêm từ khối u trong dạ dày;
- Đau dạ dày thường xuyên: Chủ yếu đau ở vùng thượng vị, các cơn đau thường dữ dội;
- Ợ nóng: Triệu chứng ợ nóng đi kèm cảm giác nóng rát, buồn nôn và đau ngực là một trong những dấu hiệu cơ bản của bệnh ung thư dạ dày;
- Chán ăn: Nếu một người thích ăn uống đột nhiên thấy chán ăn thì có thể là do có khối u ở dạ dày;
- Nhanh no: Thường xuất hiện ở giai đoạn muộn của ung thư dạ dày do khối u trong dạ dày khiến bụng bị chướng, người bệnh nhanh thấy no;
- Khó nuốt: Khi khối u trong dạ dày xâm lấn thực quản sẽ khiến người bệnh bị khó nuốt, có cảm giác như cổ họng bị tắc nghẽn, ho sặc,...;
- Sụt cân đột ngột: Hiện tượng chán ăn kết hợp với tình trạng khối u ác tính phát triển nhanh khiến người bệnh bị sụt cân đột ngột.
Nguyên nhân gây ung thư dạ dày chủ yếu đến từ các tổn thương tiền ung thư (viêm dạ dày mạn tính), nhiễm vi khuẩn HP, thói quen sinh hoạt (ăn thực phẩm ướp muối, chế biến sẵn), béo phì, di truyền,...
1.2 Điều trị ung thư dạ dày như thế nào?
Mặc dù là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nhưng bệnh nhân ung thư dạ dày hoàn toàn có cơ hội được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Cụ thể, nếu phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn 1, 80% bệnh nhân có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu phát hiện, điều trị bệnh ở giai đoạn cuối thì tỷ lệ chữa khỏi chỉ còn 5%.
Việc điều trị bệnh ung thư dạ dày phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thông thường, ung thư dạ dày được điều trị bằng một hoặc nhiều phương pháp sau:
- Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị chủ yếu đối với ung thư dạ dày giai đoạn sớm, có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Với bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối, có thể phẫu thuật tạm thời để lập lại lưu thông của đường tiêu hóa, kéo dài thời gian sống;
- Hóa trị: Là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Ở giai đoạn sớm, hóa trị làm nhiệm vụ hỗ trợ cho phẫu thuật hoặc xạ trị để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, tránh tái phát;
- Xạ trị: Là biện pháp sử dụng các tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể kết hợp với phẫu thuật, thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc sử dụng cùng với hóa trị để thu nhỏ kích thước khối u, giảm nhẹ triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.
2. Tổng quan về phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư
2.1 Lựa chọn phương pháp và phạm vi phẫu thuật
Bệnh nhân ung thư dạ dày thường chỉ được phát hiện khi khối u đã lớn, tế bào ung thư đã di căn với mức độ khác nhau nên phẫu thuật triệt căn trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trước tình hình đó, bác sĩ phải lựa chọn phương pháp và phạm vi phẫu thuật sao cho phù hợp với từng bệnh nhân. Sau khi mở ổ bụng, bác sĩ phải kiểm tra tổn thương của dạ dày, thăm dò các tạng khác, phán đoán và lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Để xác định phương pháp và phẫu thuật, ung thư dạ dày được chia thành 3 thời kỳ là: thời kỳ đầu, thời kỳ phát triển và thời kỳ cuối. Phẫu thuật ở thời kỳ đầu rất tốt nhưng tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và điều trị trong giai đoạn này rất ít. Ở thời kỳ cuối, lựa chọn phẫu thuật chỉ còn phương pháp phẫu thuật tạm thời để giảm nhẹ triệu chứng vì trong giai đoạn này bệnh nhân rất yếu, ung thư xâm lấn nhiều, di căn xa. Vì vậy, phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư chủ yếu được thực hiện trong thời kỳ phát triển của ung thư dạ dày.
2.2 Tìm hiểu 2 phương pháp cắt dạ dày do ung thư
Phương pháp 1: Cắt toàn bộ dạ dày
Cắt toàn bộ dạ dày theo nguyên tắc cắt dạ dày cùng với một số tạng lân cận như: lách, thân đuôi tụy, mạc nối lớn, mạc nối nhỏ,...
Phương pháp này có ưu điểm là không bỏ sót tế bào ung thư ở thành dạ dày, cắt bỏ trên diện rộng các tổ chức quanh dạ dày khi không thể xác định tế bào ung thư đã di căn tới mức độ nào. Nói cách khác, đây là phương pháp có khả năng điều trị triệt căn ung thư dạ dày tốt nhưng lại tiềm ẩn khá nhiều hạn chế như: tỷ lệ tử vong cao, làm mất chức năng chứa đựng và co bóp thức ăn của dạ dày, gây rối loạn dinh dưỡng sau mổ nặng hơn. Do vậy, phương pháp này chỉ được chỉ định khi tổn thương rộng, tổ chức lành không còn nhiều nên buộc phải cắt hết.
Phương pháp 2: Cắt đoạn dạ dày
Khi phần lành của dạ dày còn cho phép thì chỉ cần cắt một phần của dạ dày cùng với nạo vét hạch ung thư (hoặc nghi ngờ ung thư di căn đến). Nhược điểm của phương pháp cắt đoạn dạ dày là khả năng điều trị triệt căn ung thư dạ dày thấp hơn so với cắt toàn bộ dạ dày. Chính vì vậy, việc xác định đường cắt dạ dày và công việc nạo vét hạch ung thư càng trở nên quan trọng.
Lưu ý về mở rộng phẫu thuật: Để tăng khả năng điều trị triệt căn ung thư dạ dày, có trường hợp buộc phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ các tạng lân cận đã bị tổ chức ung thư xâm lấn. Đó là: cắt lách, cắt đại tràng ngang, cắt thùy gan trái, cắt thân và đuôi tụy. Các hạch bị di căn ở mặt sau tụy hoặc nghi ngờ có tế bào ung thư di căn cũng phải được loại bỏ. Ở phụ nữ, ung thư dạ dày có thể di căn xuống buồng trứng, nếu có phải cắt bỏ cả 2 bên buồng trứng.
2.3 Thực hiện cắt dạ dày do ung thư
Lựa chọn kỹ thuật
Cắt dạ dày được thực hiện sau khi gây mê toàn thân. Có 2 kỹ thuật cắt dạ dày được thực hiện là:
- Cắt dạ dày mổ mở: Bác sĩ rạch một đường dài ở giữa bụng, lấy đi một phần hoặc toàn bộ dạ dày;
- Cắt dạ dày nội soi: Bác sĩ cắt nhiều vết nhỏ, sử dụng ống soi đặc biệt và các dụng cụ nhỏ để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
Bệnh nhân phẫu thuật nội soi thường hồi phục nhanh hơn và ít đau hơn so với phẫu thuật mở. Tuy nhiên, cắt dạ dày mổ mở thường hiệu quả hơn so với nội soi trong điều trị ung thư dạ dày tiến triển.
Chuẩn bị trước phẫu thuật
- Bệnh nhân khám tiền mê vài ngày trước phẫu thuật: Xét nghiệm máu, đánh giá sức khỏe tổng quát tùy độ tuổi và bệnh lý kèm theo, đảm bảo đủ sức khỏe khi phẫu thuật;
- Bệnh nhân nên tắm vào đêm trước ngày mổ và sáng ngày mổ bằng dung dịch sát trùng Betadine;
- Từ đêm trước ngày mổ, bệnh nhân phải nhịn ăn uống, trừ các loại thuốc được bác sĩ cho phép sử dụng với ít nước vào sáng ngày mổ. Với bệnh nhân bị hẹp môn vị (tắc đường ra của dạ dày) thì cần phải rửa dạ dày.
Thực hiện phẫu thuật
- Cắt đoạn dạ dày:
- Bác sĩ lấy đi phần dưới của dạ dày và các hạch lân cận;
- Khi cắt đi phần dưới dạ dày và tá tràng thì phần đầu ruột non sẽ được bộc lộ, khâu lại. Phần dạ dày còn lại được kéo xuống nối với ruột non;
- Cắt dạ dày toàn bộ:
- Bác sĩ lấy đi toàn bộ dạ dày;
- Nối thực quản trực tiếp với ruột non.
2.4 Biến chứng sau mổ cắt dạ dày do ung thư
Giống như bất kỳ phẫu thuật nào khác, cắt dạ dày tiềm ẩn nguy cơ biến chứng (viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhồi máu cơ tim,...). Bệnh nhân ung thư dạ dày có nguy cơ biến chứng cao hơn so với các loại phẫu thuật khác vì phần lớn người bệnh thường lớn tuổi và có thể trạng chung kém. Các biến chứng thường gặp gồm:
- Chảy máu;
- Nhiễm trùng vết mổ;
- Bung thành bụng;
- Tỷ lệ rò miệng nối thực quản, ruột non cao, có thể gây tử vong sau mổ;
- Áp xe (ổ tụ mủ) trong ổ bụng;
- Hẹp miệng nối;
- Nhiễm trùng vết mổ;
- Rối loạn dinh dưỡng sau mổ (hay gặp ở trường hợp cắt dạ dày toàn bộ).
2.5 Tái phát sau phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư
Tái phát tại phần dạ dày còn lại
- Tái phát sớm: Tái phát sớm trong 1 - 2 năm đầu sau mổ do cắt không hết tổ chức ung thư trong thành dạ dày. Để tránh tái phát sớm, bác sĩ phải xác định đường cắt trên và dưới khối ung thư chính xác khi phẫu thuật;
- Tái phát muộn: Là ung thư phần dạ dày còn lại nhưng xuất hiện từ năm thứ 3 sau mổ. Tái phát trong năm thứ 3 và 4 sau mổ có thể do lần mổ trước chưa cắt hết, còn sót tế bào ung thư ở thành dạ dày hoặc do khối ung thư mới hình thành ở phần dạ dày còn lại, phát triển biệt lập với khối u ác tính đã được cắt bỏ. Tái phát muộn hơn sau 5 năm là do khối ung thư mới hình thành (tế bào ung thư đã được loại bỏ hết nhưng phần dạ dày còn lại vẫn còn mầm mống gây ung thư).
Tái phát ngoài phần dạ dày còn lại
Là tái phát do tế bào ung thư di căn và xâm lấn sang các tổ chức quanh dạ dày. Di căn theo hệ bạch huyết, sau đó di căn theo đường máu đến các cơ quan khác như gan, não, phổi,... Do vậy, khi mổ cắt dạ dày do ung thư, công việc nạo vét hạch là vô cùng quan trọng. Các nhóm hạch cần nạo vét tốt gồm: nhóm hạch vành vị, nhóm hạch lách, nhóm hạch gan.
2.6 Lưu ý sau phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư
Sau mổ
- Bệnh nhân được đặt thông mũi dạ dày (một ống nhỏ đi từ mũi xuống dạ dày hoặc ruột non) để dẫn lưu dịch dạ dày ra ngoài đều đặn;
- Bệnh nhân cần được nuôi bằng đường tĩnh mạch cho tới khi ăn uống lại bình thường. Hầu hết bệnh nhân ung thư dạ dày sau mổ có thể bắt đầu ăn nhẹ sau 4 - 5 ngày hậu phẫu;
- Bệnh nhân cần dùng thuốc giảm đau vài ngày và nếu thấy giảm đau không hiệu quả có thể thông báo cho bác sĩ để dùng loại thuốc khác;
- Sau khi cắt dạ dày khoảng 1 - 2 tuần, bệnh nhân có thể xuất viện.
Chế độ ăn uống
- Thay đổi chế độ ăn, loại bỏ một số loại thức ăn gây khó tiêu;
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (6 - 8 bữa/ngày) trong thời gian dài sau mổ. Theo thời gian, phần còn lại của dạ dày hoặc ruột non sẽ giãn ra, bệnh nhân có thể ăn ít bữa hơn và mỗi bữa ăn nhiều hơn;
- Ăn chậm, nhai kỹ để giúp tiêu hóa dễ dàng hơn;
- Người bệnh nên tránh ăn thức ăn nhiều sợi ngay sau mổ vì sẽ gây đầy bụng. Sau đó có thể ăn được loại thức ăn này nhiều hơn;
- Ăn thực phẩm giàu protein: Gồm thịt, gia cầm, trứng, cá, bơ, phô mai,... vì chúng cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của người bệnh, làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa bệnh tiêu chảy;
- Tăng cường ăn ngũ cốc ít chất xơ để thư giãn đường tiêu hóa;
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh: Rau xanh nên ăn chín, trái cây nên gọt vỏ trước khi ăn và bỏ hạt. Chuối, dưa hấu là 2 loại hoa quả tốt nhất cho bệnh nhân nên cần bổ sung cho phù hợp;
- Bổ sung sữa vào chế độ ăn, nên chọn sữa đã tách béo hoàn toàn;
- Nên ăn đồ ăn có nhiều canxi, sắt, vitamin C và D sau mổ cắt dạ dày vì dạ dày có vai trò quan trọng trong hấp thu vitamin B12, C, D,...
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm lên men như dưa chua, hành muối hoặc các loại hoa quả chua, gia vị cay nóng, chất kích thích và đồ ăn cứng,...
Khám định kỳ
Khám 3 tháng/lần, kiểm tra nếu có vấn đề gì bất thường hoặc bệnh tái phát. Các xét nghiệm gồm khám lâm sàng, nội soi dạ dày, xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính.
Phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư dạ dày là phương pháp điều trị mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân. Trong và sau khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để mau chóng phục hồi bệnh và tránh được các biến chứng có thể xảy ra.
Việc tầm soát ung thư dạ dày là rất quan trọng nhằm phát hiện sớm bệnh, giúp quá trình điều trị ít phức tạp hơn. Điều này đặc biệt cần thiết với những người có nguy cơ cao mắc ung thư, người có tiền sử gia đình có bệnh lý ung thư.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất:
Phẫu thuật robot điều trị ung thư dạ dày tại Bệnh viện Vinmec
XEM THÊM:
- Cắt toàn bộ dạ dày
- Phẫu thuật nội soi cắt dạ dày và nạo vét hạch
- Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày