Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Văn Lộc - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Cắt Amidan được coi là những tiểu phẫu, các can thiệp không mấy phức tạp, tuy nhiên phẫu thuật cắt Amidan cho trẻ luôn là nỗi lo lớn đối với nhiều bậc phụ huynh.
1. Viêm Amidan là gì?
Viêm Amidan mạn tính là hiện tượng họng bị viêm thường xuyên gây ra khó chịu, đau đớn, viêm đi viêm lại nhiều lần Amidan khẩu cái vào mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể. Amidan khi bị viêm có thể phát triển to lên (hay còn được gọi là viêm quá phát) thường gặp ở đối tượng trẻ em và người trẻ tuổi hoặc Amidan có thể nhỏ lại (gọi là viêm xơ teo).
Viêm amidan có thể xuất hiện ở mọi đối tượng và khiến người bệnh rất khó chịu. Đây là căn bệnh lành tính và có nhiều cách chữa nhưng cắt amidan là phương pháp được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người bệnh cũng nên cắt amidan. Để bảo vệ sức khỏe của mình, tốt nhất bạn chỉ nên thực hiện phẫu thuật cắt amidan khi:
- Người bệnh bị viêm amidan mãn tính, đã uống thuốc một thời gian dài nhưng vẫn chưa khỏi bệnh.
- Amidan bị viêm, sưng to khiến người bệnh hít thở khó khăn.
- Bệnh nhân bị viêm amidan do liên cầu trùng.
- Bệnh tái phát nhiều lần.
Khi nào nên cắt Amidan ở trẻ em?
Các bậc cha mẹ thường lo lắng sau khi cắt Amidan hay nạo VA thì khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ suy giảm. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng VA và amidan chỉ có vai trò nhất định trong hàng rào miễn dịch của cơ thể, còn nhiều cơ quan quan trọng khác cùng tham gia hệ thống miễn dịch. Viêm amidan tái phát nhiều lần không chỉ làm chúng mất đi vai trò miễn dịch mà thậm chí còn trở thành một ổ vi khuẩn tiềm tàng, sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn. Vì vậy, đối với một số trường hợp, việc chỉ định cắt amidan là hết sức cần thiết.
Cắt amidan sẽ được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Viêm amidan tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm) làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khỏe và chất lượng sống của trẻ
- Viêm amidan gây các biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim, viêm cầu thận, viêm khớp,...
- Amidan phì đại gây tắc nghẽn đường thở, khó nuốt, khó nói, ngủ ngáy hay thậm chí ngưng thở.
2. Cắt Amidan cho trẻ có gây mê không?
Để cắt Amidan thành công, có sự phối hợp được từ trẻ 1 cách tốt nhất, tránh đau đớn thì bác sĩ sẽ lựa chọn gây mê nội khí quản.
Công tác chuẩn bị tư tưởng cho cha mẹ cùng trẻ là rất quan trọng, tạo tâm lý thoải mái sẽ giúp dễ dàng hơn cho cả bé và người thân trước khi phẫu thuật cắt Amidan.
Con bạn cần chuẩn bị những gì trước khi gây mê?
Trước khi gây mê, con bạn sẽ cần kiểm tra tổng quát sức khỏe. Tại thời điểm này, Bác sĩ gây mê sẽ xem xét quá trình bệnh sử từ nhỏ và tình trạng sức khỏe hiện tại của con bạn. Điều này có thể diễn ra ngay trước hoặc vào ngày trẻ cần phẫu thuật, xét nghiệm hoặc điều trị. Điều quan trọng là bạn nên nói với Bác sĩ về bất kỳ điều nào sau đây nếu con bạn có chúng:
- Dị ứng với thực phẩm, thuốc hoặc cao su.
- Tất cả các loại thuốc con bạn đang sử dụng.
- Các vấn đề về hô hấp. Bao gồm suyễn, viêm thanh khí phế quản hoặc khò khè. Ngoài ra, cũng nên thông báo nếu trẻ ngáy hoặc cơn ngưng thở trong khi ngủ.
- Những bệnh trẻ mắc phải gần đây, đặc biệt là cảm lạnh hoặc sốt.
- Các vấn đề mà con bạn gặp phải khi mới sinh. Ví dụ sinh non, ở trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh hoặc dị tật bẩm sinh.
- Bệnh lí về tim.
- Các vấn đề y tế khác mà con bạn đã từng mắc phải. Đặc biệt là nếu trẻ cần phải đến Bác sĩ hoặc nằm viện.
- Trẻ đã được sử dụng thuốc mê cho một phẫu thuật hoặc xét nghiệm trước đây. Những triệu chứng liên quan với gây mê hoặc phẫu thuật như khó thở hoặc buồn nôn và nôn
- Tiền su gia đình có vấn đề với gây mê, bệnh lí dễ chảy máu.
- Nếu con bạn có răng bị lung lay. Đôi khi, răng lung lay phải được loại bỏ trong quá trình gây mê. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho con bạn.
- Điều dưỡng của phòng mổ sẽ đưa bạn và con của bạn vào phòng tiền mê. Con bạn có thể mang theo đồ chơi hoặc vú giả để ngậm.
- Có thể là con bạn sẽ hít thở khí mê hoặc sẽ được tiêm chích thuốc mê qua ống thông tĩnh mạch
- Nếu cả hai phương pháp đều an toàn cho con bạn, thì bạn có thể chọn sẽ sử dụng phương pháp nào?
- Nếu gây mê bằng khí, khí gây mê có mùi giống như mùi bút nỉ.
- Bác sĩ gây mê thường úp mặt nạ để gây mê bằng khí.
- Nếu gây mê bằng khí, thì phải mất ít phút trẻ mới mê. Trẻ có thể trở nên kích động khi khí mê bắt đầu tác dụng.
- Nếu gây mê bằng đường tĩnh mạch, thường mê sẽ nhanh hơn. Một số cha mẹ lo ngại về chuyện bé đau khi phải chích.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
- Con bạn sẽ được đưa vào phòng mổ để được thực hiện phẫu thuật hoặc kiểm tra.
- Bác sĩ gây mê sẽ giám sát chặt chẽ huyết áp, mạch, nhiệt độ và nhịp thở của con bạn trong suốt quá trình gây mê, bảo đảm cháu an toàn và hoàn toàn mất nhận thức. Khí gây mê và/ hoặc thuốc được truyền qua tĩnh mạch sẽ giữ cho con bạn ở trạng thái mê.
3. Thời gian phục hồi sau khi cắt Amidan là bao lâu?
Cắt Amidan cũng được coi là phẫu thuật, gây đau đớn và căng thẳng nhiều hơn cho cơ thể trẻ. Vì vậy, cần khoảng 2 tuần để họng phục hồi hoàn toàn và trẻ trở lại bình thường.
Trẻ có thể bị biến đổi giọng tạm thời do kích thước và hình dáng của khoang miệng thay đổi sau phẫu thuật cắt Amidan. Sau khi mổ giọng mũi của trẻ có thể tồn tại vài tuần tới vài tháng, sau đó sẽ trở lại bình thường sau một thời gian nên cha mẹ có thể yên tâm khi thấy trẻ bị đổi giọng.
4. Chăm sóc trẻ trước khi cắt Amidan
Để cuộc tiểu phẫu được tốt nhất, cha mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ như sau:
4.1 Trước khi cắt Amidan cho trẻ
- 7-10 ngày trước phẫu thuật, cha mẹ không tự ý cho trẻ dùng các thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Indomethacin và Naproxen, trừ khi có chỉ định từ bác sĩ. Nếu có, cần liệt kê thuốc trẻ đang sử dụng trong thời gian 10 ngày trước khi phẫu thuật.
- Tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ về thời điểm cuối cùng trẻ được phép ăn hoặc uống trước khi tới bệnh viện để phẫu thuật cắt Amidan. Sau thời điểm này tuyệt đối không cho trẻ ăn hay uống thêm gì.
- Tạo tư tưởng thoải mái cho trẻ
4.2 Quá trình phẫu thuật cắt Amidan
Cắt Amidan thường kéo dài trong thời gian từ 30 tới 60 phút. Trẻ được gây mê qua lớp mặt nạ, sau đó đặt nội khí quản vào họng và được điều dưỡng viên theo dõi cẩn thận trong suốt quá trình phẫu thuật. Amidan được cắt bỏ qua đường miệng nên các cha mẹ có thể yên tâm rằng sẽ không có vết rạch ở mặt hay ở cổ.
Lượng thuốc mê sẽ được cho ở mức độ phù hợp với cuộc phãu thuật cắt Amidan. Sau khi phẫu thuật kết thúc và trẻ sẽ tỉnh , ổn định, bác sĩ gây mê sẽ Nội khí quản, trẻ sẽ được tiếp tục theo dõi tại phòng hậu phẫu.
Sau khi hoàn thành phẫu thuật gây mê trẻ sẽ tiếp tục được theo dõi trong phòng hậu phẫu 1-2 giờ cho tới khi thật tỉnh táo và ổn định sẽ chuyển sang phòng bệnh thông thường hoặc có thể về nhà.
Trẻ có thể nôn ra chất dịch đặc màu nâu vì trẻ đã nuốt một ít máu trong và sau khi phẫu thuật. Điều này là bình thường. Còn nếu trẻ tiếp tục nôn thì cần báo ngay bác sỹ.
4.3 Chăm sóc sau khi cắt Amidan cho trẻ
- Cho trẻ uống nhiều nước để tránh tình trạng thiếu nước, khô họng khiến đau của trẻ.
- Sau khi uống hay ăn đồ lỏng không bị nôn thì có thể chuyển sang thức ăn đặc và dần dần trẻ có thể chuyển về chế độ ăn bình thường.
- Hạn chế tối đa cho trẻ ăn các loại bánh cứng như bánh quy, bánh mì nướng,... để tránh làm xước vùng sau phẫu thuật
- Không ăn, uống đồ lạnh,...
- Hạn chế nói, nghỉ ngơi trong vài ngày đầu.
Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật cắt Amidan cho trẻ rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều tới khả năng hồi phục của người bệnh.