Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Tăng huyết áp ác tính hoặc cao huyết áp ác tính có những triệu chứng nguy hiểm như mờ mắt, không tập trung được, lo lắng, suy yếu cơ tay chân. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể sẽ xuất hiện những cơn đột quỵ, đau thắt ngực (nhồi máu cơ tim cấp) hay nặng hơn là suy tim - phù phổi cấp. Chính vì vậy mà nó được mệnh danh là “kẻ sát nhân thầm lặng”.
1. Tăng huyết áp ác tính là gì?
Bạn sẽ được chẩn đoán bị tăng huyết áp nếu một hoặc cả hai trường hợp sau xảy ra (theo tổ chức y tế thế giới WHO ) :
- Chỉ số đo huyết áp tâm thu (SBP) lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg;
- Chỉ số đo huyết áp tâm trương (DBP) lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg.
Tăng huyết áp ác tính chính là tình trạng tăng huyết áp cấp cứu và có tổn thương cơ quan đích , chiếm 1% số người tăng huyết áp; thường gặp ở người trẻ, người Châu Phi, người có tiền căn suy thận hoặc hẹp động mạch thận... Bệnh sẽ tác động lên các cơ quan nhạy cảm với huyết áp cao như: não, tim mạch, thận, mắt.
Một cơn tăng huyết áp ác tính cần phải được chữa trị ngay lập tức vì các triệu chứng đều biểu hiện bằng việc cơ quan nội tạng đang bị tổn thương trầm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, bạn có khả năng phải đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe như suy tim, nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ, mù lòa, suy thận... Thực tế là tăng huyết áp ác tính có thể trực tiếp đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được chữa trị kịp thời
2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp ác tính
Tăng huyết áp ác tính xảy ra chủ yếu ở những người có tiền sử bị cao huyết áp. Nó cũng phổ biến ở nam giới và những người hút thuốc. Mặt khác, những người có chỉ số huyết áp trên 140/90 mmHg có nguy cơ rất cao phải đối mặt với tăng huyết áp ác tính. Theo một đánh giá lâm sàng năm 2012, có khoảng 1-2% trường hợp người bị tăng huyết áp phát triển thành tăng huyết áp ác tính.
Bên cạnh đó, một số tình trạng sức khỏe cụ thể cũng có khả năng gây nên tăng huyết áp ác tính như:
- Rối loạn chức năng thận hoặc suy thận;
- Sử dụng các loại thuốc như cocaine, amphetamine, thuốc ngừa thai hoặc thuốc ức chế monoamin oxydase;
- Tiền sản giật thường gặp ở mẹ bầu mang thai tuần thứ 20, nhưng đôi khi có thể xảy ra sớm hơn trong thai kỳ hoặc thậm chí sau khi sinh;
- Chấn thương tủy sống;
- Hẹp động mạch thận;
- Hẹp van động mạch chủ;
- Không dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.
Nếu bạn đang bị tăng huyết áp mà xuất hiện bất cứ triệu chứng nào khác thường, hãy tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và cấp cứu kịp thời.
3. Triệu chứng của tăng huyết áp ác tính
Nhiều người hay ví von rằng tăng huyết áp là “kẻ sát nhân thầm lặng”, bởi vì nó không hề có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào rõ ràng nhưng lại gây ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Tuy nhiên, khác với các loại tăng huyết áp thông thường, tăng huyết áp ác tính có những triệu chứng rõ ràng gồm:
- Tầm nhìn bị thay đổi, đồng thời mắt nhiều khi bị mờ;
- Tức ngực, có cảm giác bị đè nén hay bị áp lực lên ngực;
- Hay quên, giảm khả năng tập trung;
- Buồn nôn và nôn mửa;
- Tê cứng cơ mặt và tứ chi;
- Khó thở;
- Đau đầu;
- Đi tiểu khó khăn và tiểu ít.
Tăng huyết áp ác tính cũng có thể là hệ quả của một ca bệnh não do tăng huyết áp. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ của bạn, bao gồm các triệu chứng như:
- Đau đầu dữ dội;
- Nhìn mờ;
- Sa sút trí tuệ;
- Thờ ơ với mọi thứ;
- Co giật.
- Tê hoặc yếu, liệt nửa người.
Trường hợp tăng huyết áp hạ kali máu:
Đây là một thể lâm sàng khá thường gặp phải đặc biệt lưu ý. Người bệnh gặp phải tình trạng này sẽ rất khó kiểm soát huyết áp và dễ xảy ra những biến cố nguy hiểm như:
- Biến cố do huyết áp khó kiểm soát như đột quỵ;
- Biến cố do hạ kali máu như: rối loạn nhịp, liệt 2 chi dưới đột ngột...;
Ban đầu các bác sĩ có thể không đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề, nghĩ đến hạ kali do các nguyên nhân đơn giản hơn như do xét nghiệm, dùng thuốc lợi tiểu, ăn uống không đủ...).
Vì vậy, cần có cái nhìn đúng, nhanh và toàn diện về tình trạng này, tránh bỏ qua những trường hợp có thể chữa khỏi hoàn toàn; tránh để xảy ra các biến chứng, biến cố đáng tiếc mà lẽ ra có thể phòng ngừa được cho người bệnh.
4. Biến chứng của tăng huyết áp ác tính
Tăng huyết áp ác tính có thể gây nhiều biến chứng nặng nề lên ba cơ quan chính yếu là tim mạch, thận và não. Nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện tăng huyết áp khi có biến chứng ở một trong các cơ quan này, nhưng lúc đó thì đã khá muộn.
- Ở tim, tăng huyết áp có thể gây phì đại thất trái, suy tim, bệnh mạch vành, phình động mạch chủ, loạn nhịp, đột tử;
- Ở thận, tăng huyết áp có thể gây suy thận;
- Ở não, tăng huyết áp có thể gây đột quỵ (thường là nhồi máu não, ngoài ra có thể xuất huyết não, xuất huyết dưới màng nhện).
Chưa hết, tăng huyết áp còn là nguyên nhân đưa đến hội chứng chuyển hóa (một hội chứng gồm các bất thường trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, là nguy cơ của tiểu đường, bệnh mạch vành, đột quỵ), tổn hại thị lực, giảm sút trí tuệ... Huyết áp càng cao thì nguy cơ xảy ra biến chứng càng lớn.
5. Điều trị tăng huyết áp ác tính
Tăng huyết áp ác tính có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh và cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt để giảm huyết áp xuống mức lý tưởng một cách an toàn và tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Phương pháp điều trị thường được sử dụng đó là dùng thuốc kiểm soát huyết áp đường tĩnh mạch. Điều này giúp thuốc phát huy được tác dụng ngay lập tức. Quá trình điều trị sẽ diễn ra trong phòng cấp cứu, sau đó người bệnh sẽ được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt.
Khi huyết áp ổn định, bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống kiểm soát huyết áp. Loại thuốc này sẽ hỗ trợ bạn ổn định mức độ huyết áp tại nhà.
Nếu được chẩn đoán tăng huyết áp ác tính, bạn cần phải tuân thủ theo tất cả khuyến nghị từ bác sĩ bao gồm thường xuyên tái khám để theo dõi huyết áp và sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp đúng liều lượng.
6. Phòng ngừa cơn tăng huyết áp ác tính
Nếu như bạn bị tăng huyết áp, điều quan trọng là phải kiểm tra huyết áp thường xuyên. Kiểm tra huyết áp cũng rất quan trọng trong việc duy trì sử dụng thuốc mà không bị quá liều. Ngoài ra bạn cũng nên cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh và làm theo lời khuyên của bác sĩ.
Dưới đây là một số biện pháp giúp hỗ trợ hạ huyết áp mà bạn có thể tự áp dụng:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy thử sử dụng chế độ ăn uống dành cho người tăng huyết áp (DASH). Nó bao gồm trái cây, rau quả, các sản phẩm từ sữa ít béo, thực phẩm giàu kali và ngũ cốc nguyên hạt; tránh và hạn chế các chất béo bão hòa;
- Hạn chế sử dụng muối: Nên dùng dưới 1,5g mỗi ngày nếu bạn trên 50 tuổi hoặc mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hay các bệnh lý mạn tính. Hãy nhớ rằng những thực phẩm chế biến sẵn luôn có hàm lượng muối rất cao;
- Tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày;
- Giảm cân nếu như bạn thừa cân;
- Tập yoga, thiền định giúp quản lý căng thẳng;
- Bỏ hút thuốc lá;
- Hạn chế đồ uống có cồn;
- Theo dõi huyết áp tại nhà.
Hãy tới cơ sở y tế ngay lập tức nếu bạn cảm thấy mình xuất hiện những triệu chứng bất thường để được cấp cứu kịp thời, tránh các biến chứng làm tổn thương nặng nề tời các cơ quan khác.
Để phòng ngừa tăng huyết áp ác tính một cách tốt nhất, những người đã bị cao huyết áp hoặc nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ bị cao huyết áp nên đăng ký cho mình một Gói khám huyết áp tại bệnh viện để được thực hiện đầy đủ các biện pháp chẩn đoán từ tổng quát đến nâng cao.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp