Vỡ mạch máu dưới da là tình trạng mao mạch bị vỡ chảy vào các mô xung quanh do một lý do nào đó. Tình trạng này nếu xảy ra thường và không tìm thấy nguyên nhân thì nên cảnh giác các bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là ở người cao tuổi.
1. Hiện tượng vỡ mạch máu dưới da là gì?
- Vỡ mạch máu dưới da là tình trạng các mạch máu nhỏ, các mao mạch dưới da bị vỡ do các nguyên nhân bệnh lý hoặc các tác động vật lý, gây chảy máu vào các mô xung quanh. Lúc này, bề mặt da sẽ xuất hiện các đốm xuất huyết nhỏ màu đỏ hoặc tím, có thể tụ thành mảng bầm tím.
- Các vết bầm do Vỡ mạch máu dưới da đa số là lành tính, không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và sẽ tự biến mất trong vài ngày do cơ chế tái hấp thu máu và tự lành của mao mạch. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể và xuất hiện ở người cao tuổi thì cần thận trọng các bệnh lý của hệ mạch máu.
Một số nguyên nhân gây vỡ mạch máu dưới da:
- Phổ biến nhất là do chấn thương, va đập vào một vật thể cứng hay té ngã. Điều này hay gặp ở người do hệ mao mạch kém đàn hồi, lão hóa.
- Ban xuất huyết không giảm tiểu cầu (thường vỡ mạch tạo thành các chấm nhỏ dưới 2cm ở trên da), ban xuất huyết giảm tiểu cầu (tạo mảng xuất huyết màu tím đỏ kích thước từ 4-10cm).
- Bệnh lý bạch cầu làm tủy xương giảm sản xuất các dòng tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tụ cầu). Giảm sản xuất tiểu cầu làm máu khó đông, gây chảy máu dưới da tạo thành các đốm xuất huyết.
- Thiếu vitamin K hay mắc các bệnh lý tự miễn.
- Tình trạng nhiễm trùng máu làm hệ miễn dịch hoạt động quá mức gây vỡ các mạch máu nhỏ dẫn đến tình trạng xuất huyết dưới da.
- Tình trạng căng, lo âu kéo dài ở người già cũng làm Vỡ mạch máu dưới da.
2. Vỡ mạch máu dưới da ở người già có nguy hiểm không?
- Xuất huyết dưới da ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là ở người từ 50 tuổi trở lên; Ảnh hưởng đến 10% dân số, tỷ lệ này tăng dần theo độ tuổi. Vỡ mạch máu dưới da ở người già thường không nguy hiểm, nhưng cũng không nên bỏ qua, vì có thể là dấu hiệu sớm của một số bệnh lý.
- Nguyên nhân chính là do tình trạng lão hóa, khả năng sản sinh collagen suy giảm, lớp mỡ bảo vệ dưới da cũng ít dần đi, thành mạch không còn được chắc khỏe và dẻo dai.
- Nếu ở người trưởng thành khỏe mạnh những va đập, các tai nạn nhẹ thường không đáng ngại thì ở người già các tác nhân vật lý này có thể gây tình trạng vỡ mạch nhiều dưới da, thậm chí là cháy nắng cũng có thể gây vỡ mạch.
- Người cao tuổi bị tiểu đường có lượng đường huyết cao cũng làm cho hệ mạch máu và thần kinh suy yếu, dễ xảy ra tình trạng xuất huyết dưới da.
- Một số loại virus gây nhiễm trùng, sốt đốm Rocky Mountain hay viêm họng liên cầu cũng dễ xâm nhập vào cơ thể các bệnh nhân lớn tuổi suy giảm chức năng miễn dịch, gây tổn thương chức năng thành mạch.
- Các loại thuốc chống đông máu, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị ung thư, hóa trị, xạ trị... cũng gây tình trạng vỡ mạch dưới da.
Nếu tình trạng vỡ mạch máu với nhiều vết bầm tím ở người già trở nên đau nhức và khó chịu nên đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán rõ tình trạng bệnh lý và xử trí kịp thời.
3. Cách xử trí tình trạng vỡ mạch máu dưới da
Đa số tình trạng vỡ mạch dưới da sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng ở một số trường hợp vết bầm lớn, đau nhức nhiều có thể sử dụng một số biện pháp sau:
- Nếu vỡ mạch do chấn thương có thể sử dụng phương pháp chườm lạnh để co mạch, ngăn không cho máu tiếp tục chảy vào mô. Chườm lạnh 10 - 20 phút/ lần, thực hiện nhiều lần tại vùng tổn thương trong 48 giờ đầu tiên giúp giảm sưng viêm rất hiệu quả.
- Bổ sung các loại vitamin C từ trái cây hay một số loại rau củ, có thể sử dụng các dạng thuốc uống để tăng cường chức miễn dịch cơ thể.
- Bổ sung các loại thực phẩm chứa thành phần Rutin (có trong hoa hòe, cam, quýt,...) để tăng cường sự dẻo dai, độ bền của thành mạch.
- Bôi kem chống nắng bảo vệ da hàng ngày, kể cả không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
- Bôi kem chứa thành phần vitamin K tại vùng xuất huyết hoặc sử dụng vitamin K dạng uống để giảm tình trạng vỡ mạch. Tuy nhiên, sử dụng vitamin K để điều trị Vỡ mạch máu dưới da ở người già chưa được kiểm chứng đầy đủ.
- Bôi Retinoids tại chỗ để làm dịu da, tuy nhiên thuốc có thể gây một số tác dụng phụ và hấp thu toàn thân nếu có vết thương hở hoặc dùng liều lượng lớn, đặc biệt là dùng cho đối tượng người cao tuổi.
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau (Ibuprofen hay Paracetamol) nếu đau nhức nhiều. Sử dụng thuốc dưới chỉ dẫn của bác sĩ do người già chức năng gan thận suy giảm, lạm dụng thuốc giảm đau có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.
4. Một số biện pháp phòng ngừa tình trạng vỡ mạch dưới da ở người già
- Đồ đạc trong nhà, nơi sinh hoạt của người lớn tuổi nên được sắp xếp gọn gàng, đúng vị trí, dùng thảm chống trơn để tránh sự va đập hay té ngã.
- Bữa ăn hàng ngày nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và chất xơ, đặc biệt là vitamin nhóm C, K, B12 hay acid folic.
- Không tập các bộ môn thể thao mạnh để tránh các tai nạn hay chấn thương.
- Tránh tình trạng lo âu quá mức, hay căng thẳng kéo dài. Người cao tuổi nên tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh, tập luyện các bộ môn thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe và sự dẻo dai, cải thiện tâm trạng.
- Khám sức khỏe định kỳ mỗi 1 năm hoặc 6 tháng để phát hiện sớm tình trạng bệnh lý.
Tóm lại, vỡ mạch dưới da ở người già thường lành tính, không quá nguy hiểm nhưng cũng không được chủ quan cho qua. Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường tốt nhất nên đưa người bệnh tới cơ sở y tế để có biện pháp xử trí thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.