Cảnh giác viêm cơ cắn vùng hàm mặt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Viêm cơ cắn vùng hàm mặt là một loại viêm nhiễm mô mềm vùng mặt thường gặp. Viêm cơ cắn đơn thuần không phải là tình trạng bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được điều trị phù hợp viêm cơ cắn có thể tiến triển đến nhiều biến chứng khác như áp xe cơ cắn, viêm tấy vùng hàm mặt hay nhiễm khuẩn huyết.

1. Viêm cơ cắn là gì?

Viêm cơ cắn là tình trạng viêm nhiễm vùng hàm mặt thường gặp khác cùng với các tình trạng viêm cơ mặt hay viêm góc hàm. Viêm cơ cắn nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như áp xe cơ cắn, áp xe vùng dưới hàm viêm mô tế bào vùng hàm mặt và nhiễm khuẩn huyết.

2. Nguyên nhân gây viêm cơ cắn

Viêm cơ cắn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, tuy nhiên thường được chia thành 2 nhóm lớn, bao gồm nguyên nhân do răng và không do răng. Nhóm nguyên nhân liên quan đến bệnh lý răng miệng chiếm đa số trong các trường hợp, bao gồm: Viêm răng không điều trị, viêm quanh chân răng không điều trị, răng khôn mọc lệch, nhiễm trùng sau nhổ răng. Viêm cơ cắn còn do một số nguyên nhân khác gây ra bao gồm chấn thương và nhiễm trùng các khu vực xung quanh.

3. Dấu hiệu nhận biết viêm cơ cắn


Bệnh nhân bị viêm cơ cắn thường dễ nhận biết với các triệu chứng tại chỗ như: Sưng đau vùng góc hàm, da vùng sưng nề nóng đỏ hoặc tím nề
Bệnh nhân bị viêm cơ cắn thường dễ nhận biết với các triệu chứng tại chỗ như: Sưng đau vùng góc hàm, da vùng sưng nề nóng đỏ hoặc tím nề

Bệnh nhân bị viêm cơ cắn thường dễ nhận biết với các triệu chứng tại chỗ như: Sưng đau vùng góc hàm, da vùng sưng nề nóng đỏ hoặc tím nề. Trong trường hợp viêm cơ cắn tiến triển thành áp xe cơ cắn hay áp xe vùng dưới hàm, vùng da sưng đỏ có thể lan tới vùng dưới hàm và mang tai, làm mất các rãnh tự nhiên trên mặt.

Khi khối áp xe hình thành ở vị trí nông dưới da, bác sĩ thăm khám có thể phát hiện được dấu chuyển sóng. Thăm khám phía bên trong miệng có thể phát hiện niêm mạc tương ứng vùng cơ cắn xung huyết phù nề lan theo ngành lên của xương hàm dưới, hơi thở có mùi, đôi khi có thể quan sát được các bất thường quanh răng nguyên nhân gây viêm cơ cắn. Các dấu hiệu lâm sàng toàn thân như sốt cao, mạch nhanh có thể gặp ở những bệnh nhân áp xe cơ cắn hay áp xe vùng dưới hàm.

Các phương tiện cận lâm sàng có vai trò giúp chẩn đoán nguyên nhân gây viêm cơ cắn. Phim X quang hàm mặt thường quy cho phép phát hiện các tổn thương liên quan đến răng nguyên nhân. CT scan cho hình ảnh chi tiết hơn, cũng như giúp đánh giá được ranh giới của vùng viêm nhiễm. Viêm cơ cắn cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như viêm tuyến mang tai, viêm vùng góc hàm, áp xe vùng má.

4. Các biện pháp điều trị viêm cơ cắn

Nguyên tắc điều trị của viêm cơ cắn bao gồm điều trị hỗ trợ giúp giảm triệu chứng viêm và điều trị giải quyết nguyên nhân.

Thuốc kháng sinh, giảm viêm giảm đau là những nhóm thuốc thường được ưu tiên lựa chọn trên lâm sàng. Bệnh nhân cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cải thiện tổng trạng để thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Nếu viêm cơ cắn tiến triển nặng nề hơn thành áp xe cơ cắn, cần cân nhắc chỉ định rạch dẫn lưu mủ theo đường niêm mạc miệng hoặc ngoài da vùng mặt. Vị trí thường được lựa chọn để rạch dẫn lưu là đường dọc vùng dưới hàm. Bệnh nhân được tiến hành vô cảm, rạch da và bóc tách các lớp đến khối áp xe, sau đó được bơm rửa rạch dịch viêm, mủ và đặt ống dẫn lưu.

Điều trị nguyên nhân thay đổi tùy theo từng trường hợp cụ thể. Thông thường răng nguyên nhân gây viêm sẽ được nhổ là cách điều trị triệt để, hạn chế tái phát viêm cơ cắn do răng ở những lần sau.


Thuốc kháng sinh, giảm viêm giảm đau là những nhóm thuốc thường được ưu tiên lựa chọn trên lâm sàng
Thuốc kháng sinh, giảm viêm giảm đau là những nhóm thuốc thường được ưu tiên lựa chọn trên lâm sàng

5. Dự phòng và tiên lượng viêm cơ cắn

Viêm cơ cắn nhìn chung thường có nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý răng miệng. Nếu viêm cơ cắn không được phát hiện và điều trị triệt để, bệnh có thể tiến triển nặng nề hơn thành nhiều biến chứng như áp xe cơ cắn, viêm mô tế bào, viêm tấy vùng mặt, nhiễm khuẩn huyết hay sốc nhiễm khuẩn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế người bệnh không nên chủ quan trước bệnh cảnh viêm cơ cắn. Nên lên lịch tái khám răng miệng định kỳ để kịp thời phát hiện răng sâu hoặc các tổn thương viêm quanh răng trước khi chúng kịp gây ra các biến chứng khác.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt tốt nghiệp cao học chuyên ngành Răng Hàm Mặt tại Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ Đạt có thế mạnh về: làm thủ thuật nhổ răng khôn, chữa tuỷ, lấy cao răng, hàn răng nhẹ nhàng, ít sang chấn, giúp người bệnh giảm cảm giác đau tối đa; Thiết kế và làm răng sứ đẹp. Hiện nay, nha sĩ Đạt đang công tác tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe