Cảnh giác vàng da ở người trưởng thành

Không chỉ trẻ em mà chứng tăng bilirubin huyết dẫn tới vàng da cũng có thể xảy ra ở cả người lớn. Mặc dù không hẳn là tình trạng nguy hiểm nhưng biểu hiện vàng da ở người lớn rất có thể là dấu hiệu của một bệnh khác nghiêm trọng cần phải điều trị, ví dụ như vàng da do bệnh gan hoặc tổn thương đường mật.

1. Nguyên nhân gây vàng da ở người lớn

Có nhiều nguyên nhân gây nên chứng vàng da ở người lớn, chủ yếu là do chức năng của các bộ phận gan, mật, tụy hoạt động bất thường. Ví dụ khi tế bào gan bị tổn thương, đường mật bị vỡ hay bị viêm, bị chèn ép do sỏi mật, giun chui ống mật gây tắc nghẽn, polyp hoặc u... hoặc chứng xơ gan, ung thư gan, tụy... đều là những bệnh lý khiến nồng độ Bilirubin trong máu tăng lên gây tình trạng da, niêm mạc mắt, lưỡi, gan bàn tay, bàn chân bị nhuộm vàng do sắc tố mật.

Các bệnh viêm gan cấp tính hoặc mãn tính do virus A, B, C, D, E, G hoặc rượu, hóa chất, thuốc (ví dụ như clopromazin, paracetamol, thuốc chống lao, thuốc tránh thai...) cũng là tác nhân khiến gan tổn thương trầm trọng gây vàng da da vàng ở người lớn.

Ngoài các vấn đề về gan, mật, các bệnh lý khác như u đầu tụy, ung thư tụy cũng là tác nhân làm cản trở sự lưu thông của Bilirubin khiến da vàng hơn.

Bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn đường ruột như Salmonella, E.coli, vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) hay trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) đều có khả năng gây tổn thương gan gây vàng da.

Vàng da ở người lớn cũng có thể do bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh tự miễn, bệnh tan máu do lạnh, bệnh Cooley hoặc mắc bệnh sốt rét, sốt vàng da, chảy máu (Leptospira) cũng là những nguyên nhân khiến người trưởng thành có dấu hiệu vàng da.


Bệnh bệnh tan máu bẩm sinh gây vàng da ở ngươi trường thành
Bệnh bệnh tan máu bẩm sinh gây vàng da ở ngươi trường thành

Tóm lại, các nguyên nhân phổ biến dẫn đến vàng da ở người lớn bao gồm:

  • Vàng da do viêm gan: Viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B và C mãn tính
  • Các vấn đề về đường mật: Sỏi mật, viêm túi mật, ung thư túi mật
  • Viêm tụy
  • Tự miễn dịch hoặc rối loạn di truyền
  • Nhiễm trùng virus Epstein-Barr (EBV) hoặc tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng
  • Do cơ thể tiêu thụ rượu bia quá nhiều
  • Do tác động của một số thuốc như acetaminophen, penicillin, thuốc ngừa thai dạng uống và steroid cũng khiến vàng da ở người lớn.

Viêm tụy gây có thể gây ra hiện tượng vàng da
Viêm tụy gây có thể gây ra hiện tượng vàng da

2. Nhận biết vàng da ở người lớn

Bác sĩ có thể chẩn đoán vàng da ở người lớn bằng cách tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh gan như vết thâm tím, u mạch máu hình sao, lòng bàn tay, bàn chân ngả vàng, màu vàng ở niêm mạc mắt, lưỡi; bệnh tắc đường mật khi thấy nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu... và thực hiện xét nghiệm, siêu âm, chụp CT/MRI, sinh thiết để xác nhận thêm kết quả chẩn đoán, từ đó có chỉ định điều trị đúng, kịp thời.

Thường kết quả xét nghiệm máu ở bệnh nhân vàng da sẽ cho thấy lượng Bilirubin trong máu tăng cao ở cả 3 loại: Bilirubin toàn phần, trực tiếp, gián tiếp. Đồng thời lượng men gan AST và ALT cũng tăng cao trên gấp đôi so với thông thường cho thấy chức năng gan, mật, tuyến tụy của cơ thể đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Xét nghiệm máu giúp tìm nguyên nhân gây vàng da
Xét nghiệm máu giúp tìm nguyên nhân gây vàng da

3. Phương thức điều trị

Tùy theo từng nguyên nhân bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định điều trị khác nhau. Nếu được điều trị đúng và kịp thời thì tình trạng bệnh và triệu chứng vàng da cũng thuyên giảm theo. Việc điều trị nguyên nhân gây nên vàng da còn tùy theo từng bệnh, có thể điều trị bằng cách dùng thuốc nhưng với một số bệnh đặc thù cần phải can thiệp bằng phẫu thuật mới có thể giải quyết được căn nguyên gây vàng da. Dưới đây là phương thức điều trị vàng da ở người lớn phân loại theo từng nguyên nhân:

  • Điều trị vàng da do viêm gan

Đa số các trường hợp viêm gan là do tác nhân virus gây ra. Có 5 loại viêm gan thường gặp là A, B, C, D, E với những đặc điểm khác nhau. Tùy vào nhóm virus gây viêm gan và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị khác nhau. Thông thường loại thuốc sử dụng để điều trị trong trường hợp này là nhóm thuốc ức chế virus hoặc nhóm thuốc tác động lên hệ miễn dịch giúp chống lại sự nhân lên của virus, đào thải virus và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Có thể cân nhắc sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng như: thuốc lợi mật, lợi tiểu, truyền dịch khi da vàng đậm; bổ sung vitamin K khi có hội chứng xuất huyết, bổ sung các vitamin B nhưng phải theo chỉ định và liều lượng cụ thể của bác sĩ.


Có nhiều phương pháp điều trị vàng da do viêm gan
Có nhiều phương pháp điều trị vàng da do viêm gan

  • Điều trị vàng da do bệnh về đường dẫn mật

Nếu người bệnh đã có tiền sử mắc các bệnh về đường dẫn mật (kể cả bệnh túi mật) thì cần phải ưu tiên điều trị dứt điểm trước. Để làm tốt việc này người bệnh cần điều trị theo đúng chỉ định và lời khuyên của bác sĩ. Đồng thời nên thường xuyên tẩy giun định kỳ để tiêu diệt giun và trứng giun, nhất là các loại giun đũa để tránh trường hợp sỏi mật hình thành do giun chui ống mật để lại.

4. Phòng ngừa chứng vàng da ở người lớn

  • Phòng ngừa virus viêm gan

Chứng viêm gan do virus là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh vàng da ở người lớn. Việc tránh tối đa khả năng tiếp xúc với loại virus này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan và chứng vàng da. Bạn có thể phòng tránh viêm gan siêu vi A, B bằng cách thực hiện tiêm chủng. Bất kỳ trẻ em hay người lớn cũng đều có thể tiêm loại vắc-xin này.

Viêm gan siêu vi A thường lây lan vào cơ thể người bệnh khi họ vô tình ăn phải lượng nhỏ chất bài tiết thường có trong thực phẩm bẩn. Do vậy bạn nên thận trọng khi ăn ngoài hàng vì có thể những thực phẩm đó không được chế biến và nấu đúng cách.

Viêm gan siêu vi B và C lại lây lan qua đường máu và dịch tiết cơ thể của người mắc bệnh nhưng không lây qua những tiếp xúc thông thường. Do vậy tuyệt đối tránh sử dụng lại bất kỳ loại kim tiêm nào từ kim xăm cho đến kim tiêm y tế để ngăn ngừa virus lây truyền.


Tiêm phòng vắc-xin viêm gan giúp phòng tránh viêm gan siêu vi A, B
Tiêm phòng vắc-xin viêm gan giúp phòng tránh viêm gan siêu vi A, B

  • Giới hạn tiêu thụ lượng rượu bia ở mức cho phép

Do gan có nhiệm vụ xử lý rượu bia, các chất có cồn và là nơi khởi nguồn của bệnh vàng da nên bạn cần giới hạn lượng rượu bia tiêu thụ ở trong mức khuyến cáo (phụ nữ là 20-30ml cồn nguyên chất, với đàn ông là 30-40 ml/ngày). Việc này không chỉ giúp loại trừ triệu chứng vàng da mà còn giúp bạn phòng tránh các bệnh về gan liên quan đến rượu bia. Đồng thời cũng không nên uống các loại rượu, bia kém chất lượng như rượu tự pha chế, rượu tự nấu. Tốt nhất là nên hạn chế hoặc không uống rượu, bia.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe