Đầy hơi và chướng bụng là những hiện tượng xảy ra nhiều ở trẻ sơ sinh, khiến cho phụ huynh - đặc biệt là các ông bố/bà mẹ trẻ tuổi vô cùng lo lắng. Hơn nữa, tình trạng quấy khóc liên tục mà không thể giao tiếp của các em bé càng khiến nhiều gia đình bối rối hơn. Ở bài viết này, lý do khiến em bé bị đầy bụng và nôn sốt sẽ được giải đáp, đồng thời cung cấp thêm một số cách xử trí cho bạn.
1. Tìm hiểu tổng quan về tình trạng đầy hơi ở trẻ nhỏ / trẻ sơ sinh
Ở độ tuổi càng nhỏ, hiện tượng chướng bụng và đầy hơi sẽ càng xảy ra nhiều hơn, và đặc biệt thường xuyên ở trẻ sơ sinh. Khi em bé bị đầy hơi, các bé sẽ rất khó chịu bên trong cơ thể, dẫn đến việc quấy khóc liên tục và không ăn / không bú sữa. Nếu như để tình trạng kén ăn này kéo dài, bé sẽ đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
2. Dấu hiệu nào cho thấy em bé bị đầy hơi?
Khi bị đầy hơi, mặc dù không thể giao tiếp với ba mẹ bằng lời nói, nhưng bé vẫn cho ta biết thông qua một số dấu hiệu của cơ thể như sau:
- Phần bụng của bé luôn trong hình dạng căng và tròn sau lần ăn cuối từ 1 đến 2 tiếng.
- Khi vỗ nhẹ vào bụng của bé, bạn sẽ nghe âm thanh tương tự như khi gõ trống.
- Ợ hơi và ợ chua sau các bữa ăn là tình trạng phổ biến khi em bé bị đầy hơi.
- Bé quấy khóc liên tục sau khi ăn, có dấu hiệu biếng ăn / lười bú sữa mẹ.
- Phân của bé có thể rất bón hoặc rất lỏng, bé không xì hơi.
Khi có một hay một vài dấu hiệu trong nhóm trên, điều này thông báo bé đã bị đầy hơi. Một số bé bị đầy bụng và nôn sốt nếu tình trạng tiêu hóa này có liên quan đến các bệnh lý, hoặc chỉ đơn giản là vì bé quấy khóc quá nhiều làm nhiệt độ cơ thể có xu hướng tăng.
3. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng đầy bụng / đầy hơi ở trẻ nhỏ
3.1 Hội chứng Colic có thể là tác nhân gây đầy hơi ở trẻ
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tồn tại một mối quan hệ mật thiết giữa hiện tượng đầy hơi và chướng bụng ở trẻ nhỏ với hội chứng Colic. Hội chứng này xảy ra ở 20% trẻ sơ sinh và thường bắt đầu chủ yếu trong thời gian 3 tuần tuổi đầu tiên, kéo dài khoảng 3 giờ mỗi ngày và 3 ngày 1 tuần. Hội chứng này sẽ đạt đỉnh vào tuần thứ 6 - giai đoạn khó chịu nhất của trẻ và sau đó thuyên giảm dần đến tuần 16 thì kết thúc.
Các nhà khoa học giải thích sự liên quan này là do áp lực ở bụng sẽ tăng mạnh khi em bé bị đầy hơi, khiến dịch dạ dày cũng như hơi trong bụng phải tìm một chỗ nào đó để thoát ra ngoài. Trong khi đó tâm vị thực quản của trẻ vẫn chưa có khả năng tự đóng - mở tốt, khiến áp lực này càng đè nặng và làm trẻ kém hấp thu, đồng thời khiến bé bị đầy bụng và nôn sốt nghiêm trọng.
3.2 Vấn đề kém hấp thụ dinh dưỡng từ sữa
Hiện tượng này xảy ra nhiều đối với bé dùng sữa công thức hoặc sữa có vấn đề do chế độ dinh dưỡng từ người mẹ có quá nhiều thực phẩm gây khó tiêu, đầy hơi. Bên cạnh đó, bé cũng có thể bị kém dung nạp lactose có trong sữa mẹ / sữa công thức. Điều này có nguyên nhân do cơ thể trẻ không sản xuất enzyme tiêu hóa đối với lactose, dẫn đến đầy chướng bụng, nôn và sốt.
3.3 Do tác dụng của thuốc
Các loại thuốc điều trị bệnh, đặc biệt là thuốc kháng sinh, có nhiều tác dụng tiêu cực đến trẻ nhỏ. Hệ vi sinh đường ruột của trẻ em / trẻ sơ sinh vẫn chưa hoạt động ổn định, nếu như sử dụng kháng sinh, hệ lợi khuẩn của ruột sẽ bị tiêu diệt và làm mất cân bằng hệ vi sinh tổng thể, khiến sức khỏe đường ruột suy giảm.
3.4 Trẻ bị đầy bụng và nôn do ăn dặm sớm
Ăn dặm quá sớm khi hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện sẽ khiến đường ruột của trẻ phải tiếp xúc với các loại thực phẩm khác nhau. Khi chưa kịp thích ứng và tiêu hóa, lượng thức ăn này có thể tồn đọng lại trong dạ dày, sau đó lên men và tạo ra hơi trong dạ dày, dẫn đến tình trạng đầy bụng của trẻ.
Bên cạnh đó, khi bước vào chế độ ăn dặm, nếu bạn thiết kế các bữa ăn có thời gian quá gần nhau, hoặc mỗi lần ăn đều ép trẻ ăn quá nhiều cũng có thể gây tình trạng quá tải trong hệ tiêu hóa.
4. Xử trí như thế nào khi bé bị đầy bụng và nôn sốt?
Khi xác định con đang bị đầy hơi thông qua các dấu hiệu, trước mắt bạn hãy thử một số giải pháp để cải thiện các triệu chứng của con.
4.1 Xoa vùng bụng cho trẻ sau khi bé bú sữa mẹ hoặc ăn
Sau khi hoàn thành bữa bú / bữa ăn, mẹ có thể đặt các ngón tay lên giữa bụng của bé và xoa nhẹ nhàng theo chiều của kim đồng hồ. Động tác này có thể giúp bé từ từ tiêu hóa và cảm thấy dễ chịu hơn.
4.2 Hỗ trợ bé thực hiện động tác giống như đạp xe
Đầu tiên, hãy đặt bé nằm ngửa và lần lượt kéo chân trái - chân phải của bé một cách nhẹ nhàng, tương tự như động tác đạp xe bình thường của người lớn. Khi thực hiện động tác này, phần khí dư thừa trong dạ dày trẻ sẽ được đẩy ra ngoài từ từ.
4.3 Kiên nhẫn vỗ ợ hơi cho trẻ sau khi bú sữa mẹ
Sau khi bé hoàn thành bú sữa, bạn hãy ôm bé và vỗ nhẹ nhàng vào vỗ vào lưng của bé để giúp bé ợ hơi. Việc này có tác dụng đẩy phần hơi bên trong dạ dày ra ngoài và khiến bé không còn khó chịu bởi chứng đầy bụng nữa.
4.4 Cho trẻ dùng men vi sinh
Sữa chua và một số sản phẩm men vi sinh lành tính có khả năng cải thiện tình trạng đầy bụng và nôn sốt của trẻ sơ sinh.
5. Khi nào cần đưa bé đến gặp bác sĩ khi em bé bị đầy hơi?
Hầu hết trường hợp trẻ bị đầy hơi và nôn đều không cần can thiệp y tế mà chỉ cần một số thao tác nhẹ nhàng xử lý hơi trong bụng của trẻ. Tuy nhiên, nếu bé có thêm các dấu hiệu sau, bạn cần tìm đến bác sĩ Nhi khoa sớm nhất để có hướng hỗ trợ:
- Trẻ bị tiêu chảy / táo bón kéo dài mà không có nguyên nhân.
- Trẻ liên tục bỏ bú và quấy khóc, không vào giấc ngủ.
- Phân của bé có máu hoặc có màu lạ.
Có thể nói, trong vấn đề chăm sóc trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, tình trạng đầy hơi gần như xảy ra thường xuyên. Vì vậy, bạn cần nắm rõ các phương thức xử trí để giúp bé dễ chịu hơn. Ngoài ra, khi trẻ bị đầy bụng và nôn sốt nhiều ngày hoặc ở mức độ nghiêm trọng, bạn nên gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.