Hen suyễn là một bệnh viêm mạn tính thường gặp của đường dẫn khí trong phổi. Tình trạng viêm phế quản này làm cho phế quản trở nên dễ phản ứng hơn với các yếu tố kích thích, từ đó gây ra cơn hen suyễn. Cơn hen nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn tới đột quỵ.
1. Đột tử vì hen suyễn
Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính thường gặp của đường dẫn khí trong phổi (phế quản). Tình trạng viêm phế quản này làm cho phế quản trở nên dễ phản ứng hơn với những yếu tố kích thích, từ đó gây ra những cơn hen suyễn. Các triệu chứng hen phế quản bao gồm khó thở, thở khò khè, nặng ngực và ho, triệu chứng thường xuất hiện về đêm và sáng sớm, tái đi tái lại. Nếu cơn hen không được can thiệp đúng cách, tình trạng sẽ xấu đi trong vài giờ, thậm chí có thể dẫn tới đột tử vì hen suyễn. Theo thống kê một số nguyên nhân tử vong do hen suyễn bao gồm:
- 57% số tử vong đã không được khám bệnh đánh giá hen phế quản trong năm trước.
- 47% số tử vong đã từng nhập viện vì hen phế quản trong năm trước.
- 45% số ca tử vong không tìm sự trợ giúp y tế hoặc chăm sóc khẩn cấp trong suốt đợt hen kịch phát dẫn đến tử vong.
- 20% số tử vong là người hút thuốc lá, hoặc những người hút thuốc lá thụ động tại nhà.
- 10% số ca tử vong trong vòng 1 tháng sau khi xuất viện do điều trị hen phế quản.
- Tình trạng phổ biến đó là lệ thuộc quá mức với thuốc cắt cơn tác dụng ngắn và dùng dưới mức thuốc kiểm soát hen.
- Nhiều bệnh nhân trong số tử vong đang được điều trị hen phế quản nhẹ hoặc trung bình. Các chuyên gia kết luận rằng hầu hết số ca tử vong kiểm soát bệnh kém, bệnh hen phế quản nặng, bệnh nhân dùng dưới mức thuốc kiểm soát hen.
- Chỉ có 23% số tử vong có kế hoạch hành động kiểm soát cơn hen cho cá nhân (Personal asthma action plans-PAAP).
XEM THÊM: Lên cơn hen suyễn có thể gây đột tử
2. Các yếu tố dẫn tới tình trạng hen suyễn nặng
2.1 Yếu tố bệnh
Hầu hết những trường hợp đột tử là hen phế quản nặng kinh niên. Một số ít đợt kịch phát hen phế quản gây ra tử vong xảy ra đột ngột ở bệnh nhân hen đang được xếp loại nhẹ hoặc trung bình.
2.2 Sử dụng thuốc
- Sử dụng thuốc quá liều hoặc tăng dùng thuốc cắt cơn tác dụng ngắn.
- Thuốc kiểm soát cơn hen phế quản không đủ tương xứng với bậc hen.
- Kê đơn không phù hợp các loại thuốc chẹn β (β-blockers) và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).
- Bệnh nhân có cơn hen suyễn cấp tính không nên dùng thuốc an thần trừ khi điều này cần thiết để tiến hành gây mê.
2.3 Yếu tố tâm lý xã hội và hành vi
Yếu tố tâm lý xã hội và những hành vi bất lợi được ghi nhận trong phần lớn số ca đột tử vì hen suyễn, quan trọng nhất gồm có:
- Người bệnh không tuân thủ điều trị hoặc theo dõi
- Bỏ các cuộc hẹn thăm khám lại với bác sĩ
- Trốn viện
- Rối loạn tâm thần, trầm cảm, các bệnh tâm thần khác hoặc cố tình tự hại bản thân.
- Gần đây hoặc hiện tại có sử dụng nhiều thuốc an thần
- Lạm dụng rượu hoặc thuốc
- Béo phì
- Khó giáo dục về bệnh hen phế quản
- Có vấn đề về việc làm
- Có vấn đề về thu nhập
- Cô lập về mặt xã hội
- Bị lạm dụng thời thơ ấu
3. Biện pháp phòng ngừa đột tử vì hen suyễn
Các biện pháp phòng ngừa cơn hen suyễn tránh tình trạng nguy kịch bao gồm:
- Giáo dục truyền thông tốt hơn để mọi người nhận thức được yếu tố làm tăng nguy cơ lên cơn hen cấp và tử vong.
- Mỗi bệnh viện cần phải thiết lập một bộ phận nhân sự được đào tạo chính quy chịu trách nhiệm trong việc quản lý người bệnh hen phế quản đợt cấp và ngoại trú.
- Bệnh nhân hen phế quản dùng hơn 12 ống hít thuốc cắt cơn tác dụng ngắn trong một năm nên có một đánh giá khẩn cấp tình trạng kiểm soát cơn hen của người bệnh.
- Sau khi xuất viện vì hen phế quản, người bệnh nên được tiếp tục theo dõi, tái khám và điều trị ngoại trú.
- Những người bị hen phế quản nên được đánh giá bởi thầy thuốc chuyên khoa ít nhất một lần một năm.
- Tất cả người bệnh bị hen phế quản nên được cung cấp kế hoạch hành động hen cho cá nhân (PAAP).
- Bệnh nhân hen phế quản còn đang hút thuốc lá cần được tư vấn và điều trị bởi chương trình cai thuốc lá.
- Bệnh nhân hen phế quản hút thuốc thụ động tại nhà nên được biết tác hại và cách phòng tránh.
- Cần có giáo dục truyền thông tốt hơn cho cha mẹ, người chăm sóc và trẻ em về việc quản lý hen phế quản. Mọi người trong gia đình cần biết "tại sao", "khi nào" và "làm thế nào" để dùng thuốc hen. Đồng thời, nhận ra tình trạng hen không được kiểm soát và biết khi nào, làm thế nào để tìm sự trợ giúp y tế khẩn cấp.
Tóm lại, hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính thường gặp của đường dẫn khí trong phổi. Tình trạng viêm phế quản này làm cho phế quản trở nên dễ phản ứng hơn với các yếu tố kích thích, từ đó gây ra cơn hen suyễn. Cơn hen nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn tới đột tử. Do vậy, người bệnh cần có biện pháp dự phòng kiểm soát cơn hen, thực hiện dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi có dấu hiệu cơn hen xấu đi, cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế để được can thiệp ngay lập tức.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.