Cảnh giác các kháng sinh làm hỏng, xấu răng

Thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ do tác dụng trên răng. Sự kéo dài lắng đọng của một số loại thuốc kháng sinh sẽ gây nên hiện tượng xỉn răng sau khi uống kháng sinh và hủy hoại sự phát triển của xương.

1. Một số loại kháng sinh làm hỏng, xấu răng

Có nhiều nguyên nhân gây làm hỏng và xấu như do sâu răng, vệ sinh không sạch sẽ, viêm quanh răng hoặc có thể do sử dụng thuốc kháng sinh.

Thuốc kháng sinh làm đổi màu răng là tình trạng răng bị nhiễm màu, sự nhiễm màu này có thể xảy ra trên toàn bộ mặt răng hoặc chỉ ở vùng răng bị yếu, vùng răng có rãnh,... khiến cho mặt răng hình thành các dải màu khác nhau, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Một số những thuốc kháng sinh có thể khiến hỏng men răng, đen răng,...gồm:

Thuốc kháng sinh tetracycline gây hỏng, xấu răng

Thuốc kháng sinh tetracycline là một kháng sinh phổ rộng, loại thuốc này có cơ chế tác dụng kìm hãm sự phát triển cũng như tiêu diệt vi khuẩn thông quan việc ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn.

Tetracycline là thuốc kháng sinh có giá rẻ, vì vậy thuốc thường được sử dụng để điều trị các bệnh tả, kiết lỵ, dịch hạch, vết thương, nhiễm khuẩn da, chốc lở, viêm mí mắt, viêm kết mạc dị ứng và viêm tai ngoài... Tuy nhiên, do thuốc có đặc thù kết hợp và tạo phức hợp bền với canxi và răng nên thuốc kháng sinh tetracycline dễ dàng tạo phức hợp bền với các yếu tố này.

Sự kéo dài lắng đọng này của kháng sinh tetracycline sẽ gây nên hiện tượng xỉn răng sau khi uống kháng sinh và hủy hoại sự phát triển của xương. Phụ nữ đang mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi có thể sử dụng kháng sinh tetracycline, tuy nhiên sau khi uống kháng sinh bị đen răng hoặc đổi sang màu sẫm. Mức độ răng bị đen còn phụ thuộc vào thời gian và liều lượng sử dụng kháng sinh.

Trong một số trường hợp kháng sinh tác động lên quá nặng sẽ làm hỏng men răng, từ đó những lỗ nhỏ li ti sẽ xuất hiện trên thân răng khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào răng gây sâu răng và mắc phải một số bệnh răng miệng hoặc gãy mất răng do răng bị yếu dần đi.


Thuốc kháng sinh làm đổi màu răng là tình trạng răng bị nhiễm màu
Thuốc kháng sinh làm đổi màu răng là tình trạng răng bị nhiễm màu

Một số loại kháng sinh khác gây hỏng, xấu răng

Ngoài thuốc kháng sinh tetracycline còn có một số loại kháng sinh khác sau khi sử dụng để chữa bệnh nhiễm khuẩn thì chúng còn gây ra các tác dụng phụ lên răng người sử dụng thuốc. Tùy thuộc vào thời điểm và liều lượng sử dụng thuốc mà những tác hại lên răng có thể sẽ không giống nhau.

Thuốc kháng sinh minocycline có thể gây biến đổi màu sắc của răng ở những người trưởng thành có bộ răng đã phát triển đầy đủ hoặc trong một số trường hợp thuốc kháng sinh ciprofloxacin có thể làm cho răng bị chuyển thành màu xanh lục nhạt.

Tuy nhiên, ngoài việc thuốc kháng sinh gây biến loạn màu sắc của răng xảy ra vĩnh viễn thì có một số trường hợp thuốc chỉ gây ra các biến loạn màu sắc răng tạm thời như chlorhexidine, xỉn răng sau khi uống kháng sinh amoxicillin - clavulanic acid, những biến loạn màu sắc này sẽ hết khi người dùng thuốc đánh sạch răng.

Sự tác động của thuốc kháng sinh tới răng có thể chỉ là tạm thời nhưng cũng có khi vĩnh viễn. Do đó, khi sử dụng kháng sinh cần theo dõi những ảnh hưởng của thuốc tới răng, nếu răng bị tác động do thuốc, nên hỏi ý kiến của bác sĩ để có hướng khắc phục.


Sự tác động của thuốc kháng sinh tới răng có thể chỉ là tạm thời nhưng cũng có khi vĩnh viễn
Sự tác động của thuốc kháng sinh tới răng có thể chỉ là tạm thời nhưng cũng có khi vĩnh viễn

2. Lưu ý khi sử dụng kháng sinh để tránh làm hỏng, xấu răng

Thuốc kháng sinh chính là “con dao hai lưỡi”, nếu sử dụng thuốc đúng cách và đúng nguyên tắc thì sẽ giúp người bị bệnh khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc sai cách hoặc sử dụng bừa bãi thì nó có thể gây ảnh hưởng xấu không chỉ cho riêng răng miệng mà cho cả sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, để tránh làm hỏng, xấu răng hay xỉn răng sau khi uống kháng sinh nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi thật sự cần thiết nhất: Thuốc kháng sinh chỉ định sử dụng khi có nhiễm trùng, do vậy chỉ khi thật sự bị nhiễm trùng hoặc có sự chỉ định của bác sĩ thì mới nên dùng. Đặc biệt không được tự ý mua và sử dụng kháng sinh không có đơn thuốc, vì hiện nay có nhiều loại kháng sinh rất mới, chỉ được dùng hạn chế trong bệnh viện.
  • Không được ngưng sử dụng kháng sinh nửa chừng hoặc tự ý dùng kéo dài: Kháng sinh dùng đủ liều trong một đợt điều trị khoảng từ 7-10 ngày, Một số trường hợp có thể kéo dài hơn tùy theo tình trạng của người bệnh cũng như vi khuẩn gây bệnh. Do đó, để hiệu quả điều trị cao, người bệnh cần phải dùng đúng liều và đủ thời gian theo đơn thuốc mà bác sĩ kê, không được tự ý ngưng sử dụng thuốc kháng sinh khi thấy bệnh thuyên giảm. Nếu người bệnh tự ý ngưng thuốc thì sẽ khiến cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hết, kháng lại thuốc kháng sinh và tái phát bệnh. Từ đó, đáp ứng với việc điều trị ở người bệnh kém hơn, bệnh cũng diễn tiến nặng hơn trước và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Không dùng lại thuốc kháng sinh đã hết hạn sử dụng: Các loại thuốc hết hạn sử dụng đều gây nguy hại cho người dùng. Trong thuốc kháng sinh, có nhiều loại gây ra độc tính cao khi đã hết hạn sử dụng. Một trong số đó là kháng Tetracyclin, khi hết hạn sử dụng sẽ gây độc cho thận.
  • Không tự kê đơn hoặc uống thuốc kháng sinh của người khác: Khi thấy triệu chứng bệnh tương tự nhau, nhiều người thường có một thói quen đó là uống thuốc theo kinh nghiệm của người khác. Tuy nhiên, việc này vô cùng nguy hiểm, bởi mức độ bệnh, tuổi tác hay bệnh lý kèm theo ở mỗi người khác nhau, do vậy dù bị giống bệnh với người khác thì cũng không nên uống thuốc theo đơn của họ. Việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng có thể gây thêm các biến chứng khác, tình trạng bệnh nặng hơn và vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh.

Bạn chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết
Bạn chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết

Ngoài việc sử dụng thuốc kháng sinh đúng nguyên tắc, để hạn chế tình trạng hỏng, xấu răng thì mọi người cũng cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày để vi khuẩn không tấn công và gây bệnh về răng miệng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe