Cần tây: Lợi ích sức khỏe & Thông tin dinh dưỡng

Rau cần tây nổi tiếng vì ít calo và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe do có chứa các chất dinh dưỡng thực vật hữu ích, vitamin và khoáng chất. Nó là một món ăn nhẹ rất thuận tiện khi di chuyển cũng như một loại rau có thể được kết hợp vào các món nấu chín, món xào và món salad. Vậy, cụ thể rau cần tây có tác dụng gì?

1. Thông tin dinh dưỡng của cần tây

Vì cần tây chủ yếu được làm từ nước (gần 95%), nên hàm lượng vitamin hoặc khoáng chất không cao. Tuy nhiên, theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cần tây là một nguồn cung cấp vitamin K dồi dào, với một cốc chứa khoảng 30% lượng khuyến nghị hàng ngày.

Cần tây cũng có thể giúp bạn có đủ folate, kali, chất xơ và molypden. Cần tây cũng chứa một lượng nhỏ vitamin C, vitamin A và một số vitamin B, có ít calo, carbohydrate, chất béo và cholesterol.

  • Carb

Người tiêu dùng thường lựa chọn cần tây trong chế độ ăn do thực phẩm này rất ít calo và carbohydrate. Với một chén cần tây đã được cắt nhỏ chỉ có 3 gam carbohydrate, trong đó hơn một nửa trong số đó đến từ chất xơ. Ngoài ra, cần tây cũng có 1,4 gram đường tự nhiên trong một cốc cần tây.

Chỉ số đường huyết của cần tây sống ở mức thấp, là 35. Tuy nhiên, khi được nấu chín thì sẽ làm tăng đáng kể chỉ số đường huyết của cần tây lên giá trị 85,2.

  • Chất béo

Cần tây tự nhiên không có chất béo, với rất ít axit béo.

  • Chất đạm

Với mỗi cốc cần tây có hàm lượng protein thấp, khoảng dưới 1 gam cho mỗi cốc.

  • Vitamin và các khoáng chất

Về thành phần dinh dưỡng, cần tây có hàm lượng calo thấp nhưng lại chứa rất giàu vi chất dinh dưỡng nhất định, như kali, folate, choline, vitamin A và vitamin K. Bên cạnh đó, cần tây cũng là nguồn cũng cung cấp một số natri và florua tự nhiên.


Cần tây chứa 95% là nước và có lượng lớn vitamin K
Cần tây chứa 95% là nước và có lượng lớn vitamin K

2. Lợi ích sức khỏe của cần tây

  • Giảm cân

Với thành phần dinh dưỡng chỉ chứa khoảng 10 calo trong một cọng cần tây và một chén cần tây cắt nhỏ chứa khoảng 16 calo. Nó cũng chứa chất xơ (1,6 gam mỗi chén), giúp hạn chế cảm giác thèm ăn vì cần tây đã hấp thụ nước trong đường tiêu hóa, khiến bạn cảm thấy no lâu hơn.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Annals of Internal Medicine cho thấy rằng chỉ cần bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống thì có thể góp phần quan trọng trong vấn đề giảm cân.

  • Chống viêm

Cần tây là một trong những loại thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa phytonutrient có đặc tính chống viêm. Một nghiên cứu trên tạp chí Nutrition and Cancer đã tiết lộ rằng, cần tây là một nguồn cung cấp flavonoids và chất chống oxy hóa flavone đáng kể ở người lớn Trung Quốc.

Một nghiên cứu khác được đăng tải trên tạp chí Molecular Nutrition & Food Research, các nhà nghiên cứu phát hiện nước ép cần tây và các sản phẩm chiết xuất từ ​​cần tây có thể giúp giảm hoạt động của yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-A) và yếu tố hạt nhân kappa B (NF-KB), đây đều là các protein có liên quan đến các vấn đề viêm nhiễm. Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Planta Medica cho thấy chất luteolin trong cần tây có thể ức chế sản xuất COX-2, một loại enzym gây viêm.

  • Cholesterol và huyết áp

Chất xơ của cần tây có thể giúp giảm mức cholesterol vì nó hấp thụ các hợp chất cholesterol dư thừa trong ruột và đẩy chúng ra ngoài trong quá trình đào thải.

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa cần tây và cholesterol ở người còn hạn chế, nhưng các nghiên cứu trên động vật cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.

Nghiên cứu khác đến từ Đại học Chicago khám phá ra chất phthalide có trong cần tây có tác dụng làm giảm 7% mức cholesterol xấu và giảm huyết áp xuống 14%. Phthalide có thể làm giảm các hormone căng thẳng trong máu, cho phép các mạch máu mở rộng, giãn và cho phép nhiều máu lưu thông hơn trong cơ thể.

Một nghiên cứu khác, được công bố trên Tạp chí Pharmacognosy, đã xem xét tác động của chiết xuất hạt cần tây ở trên chuột. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, cần tây mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm cholesterol LDL (xấu), chất béo trung tính và tăng mức độ HDL (cholesterol tốt) trong cơ thể.

Một nghiên cứu được thực hiện trên người, được công bố trên Tạp chí Y học Tự nhiên, đã xem xét chiết xuất hạt cần tây cho bệnh nhân tăng huyết áp từ nhẹ đến trung bình trong sáu tuần và thấy huyết áp giảm.

  • Tiêu hóa

Chất xơ nổi tiếng với lợi ích tiêu hóa. Nó giúp giữ cho nhu động ruột của bạn đều đặn, do đó làm giảm táo bón; giúp giữ cho ruột của bạn khỏe mạnh và hỗ trợ duy trì cân nặng. Một cốc cần tây cung cấp khoảng 6% nhu cầu chất xơ hàng ngày của bạn.


Cần tây chứa lượng lớn chất xơ giúp người dùng chống táo bón hiệu quả
Cần tây chứa lượng lớn chất xơ giúp người dùng chống táo bón hiệu quả

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, chất chống oxy hóa trong cần tây cũng có thể giúp cải thiện niêm mạc dạ dày và giảm nguy cơ viêm loét dạ dày. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pharmaceutical Biology cho thấy những con chuột trong phòng thí nghiệm tiêu thụ chiết xuất cần tây có ít vết loét hơn và niêm mạc dạ dày được bảo vệ tốt hơn. Có giả thiết cho rằng tác dụng này là nhờ apiuman, một polysaccharide dựa trên pectin được tìm thấy trong cần tây.

Hơn nữa, Trung tâm Y tế Đại học Maryland đề xuất ăn cần tây có thể giảm nguy cơ viêm dạ dày vì flavonoid trong rau có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn đường ruột không mong muốn gây viêm.

>>> 6 lợi ích bất ngờ của hạt cần tây

3. Ăn rau cần tây nhiều có tốt không?

Mỗi cốc cần tây có khoảng 88 miligam natri, đây là hàm lượng muối khá cao so với các loại rau khác. Tuy nhiên, điều này không làm cho cần tây trở thành thực phẩm có hàm lượng natri cao đến nỗi mà bạn phải lo lắng nhiều.

Các rủi ro khác khi ăn nhiều cần tây bao gồm suy dinh dưỡng và các vấn đề về dạ dày. Đặc biệt cần lưu ý với những người ăn kiêng càng nên thận trọng sử dụng và không nên lạm dụng cần tây vì nó rất ít calo và có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Và trong khi chất xơ rất tốt cho bạn, nhưng nếu có quá nhiều có thể gây đầy hơi, đầy hơi và tiêu chảy.

Trong trường hợp ăn cần tây sống hoặc chưa được nấu chín với số lượng rất lớn và với tần suất liên tục, cần tây có thể gây ra triệu chứng buồn nôn. Điều này là do một lượng lớn cần tây chưa nấu chín có thể cản trở quá trình hoạt động của iốt trong tuyến giáp.

Cần tây có chứa chất hóa học gọi là psoralens, nếu bôi trực tiếp lên da sẽ khiến da trở nên nhạy cảm tạm thời với tia cực tím. Điều này có nghĩa là nếu bạn thoa nước ép cần tây lên da và đi ra nắng, bạn có thể bị phát ban. Phát ban có thể kèm theo bỏng, sẽ xuất hiện trong vòng 12 đến 36 giờ và kéo dài từ ba đến năm ngày, mặc dù tình trạng tăng sắc tố (da sẫm màu) có thể kéo dài hơn.

Cần tây được biết đến là loại cây tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng bạn hãy nhớ rửa thật sạch cần tây hoặc mua cần tây hữu cơ nếu có thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: livescience.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe