Cần làm xét nghiệm nào để phát hiện bệnh sùi mào gà?

Xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán sùi mào gà gồm một số phương pháp được sử dụng để phát hiện bệnh kịp thời. Người bệnh sau khi xét nghiệm cần được can thiệp y tế kịp thời để điều trị hiệu quả và dứt điểm. Nếu không, bệnh sùi mào gà sẽ rất dễ lây lan trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng cho bệnh nhân.  

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Trần Thị Vượng - Bác sĩ Vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Dấu hiệu phát hiện bệnh

Sùi mào gà là một bệnh nhiễm trùng do Human Papillomavirus (HPV) gây ra và là một trong những bệnh lây qua đường tình dục khá phổ biến. Dù nhiều người có thể nhiễm HPV nhưng đa số các ca nhiễm không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Thống kê cho thấy khoảng 90% các ca nhiễm HPV có thể tự khỏi hoặc biến mất mà không cần can thiệp trong khoảng từ 6 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, nếu virus HPV tồn tại lâu dài, có thể làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư.

Bệnh sùi mào gà thường được biểu hiện qua các nốt u nhỏ, mụn cóc hoặc mụn thịt trên da và niêm mạc, đặc biệt là ở vùng sinh dục. Những tổn thương này thường không gây đau và không phải lúc nào cũng cần điều trị y tế. Tuy nhiên, các vết sùi mào gà này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người bệnh.  

Việc điều trị bệnh sùi mào gà không chỉ nhằm loại bỏ các tổn thương trên da mà còn hỗ trợ tích cực cho sức khỏe tâm lý của người bệnh, giúp họ giải tỏa lo lắng và sống khỏe mạnh hơn.

1.1 Thời kỳ ủ bệnh

Thời điểm nhiễm HPV ban đầu thường rất khó xác định chính xác. Trong khi đó, thời kỳ ủ bệnh sẽ kéo dài từ 3 tuần cho đến 8 tháng, thời gian trung bình thường là từ 2 tháng cho đến 3 tháng.

1.2 Thời kỳ ủ bệnh

Bệnh sùi mào gà thường khởi phát bằng các u nhú màu hồng tươi, mềm, có cuống hoặc không chân, không đau nhưng lại rất dễ chảy máu. Những u nhú này có thể phát triển lớn dần, mọc thành những gai hoặc lá và đôi khi dài tới vài cm. Các u nhú này liên kết với nhau tạo thành một mảng lớn giống hình mào gà hoặc hoa súp lơ màu trắng hồng.

  • Ở phụ nữ: Các u nhú thường xuất hiện ở các vùng như âm vật, môi nhỏ, xung quanh lỗ niệu đạo và vùng tầng sinh môn. Bệnh cũng có thể xuất hiện trên cổ tử cung và hậu môn.  
  • Đối với nam giới: Sùi mào gà thường xuất hiện ở rãnh quy đầu, bao quy đầu và trên thân dương vật và có khi xuất hiện trên da bìu, miệng sáo và hậu môn.

Mặc dù thường không gây đau, các vết u nhú do bệnh sùi mào gà khi phát triển to vẫn có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến việc đi lại. Nếu bị trầy xước hoặc chảy máu, các u nhú có thể bị bội nhiễm, tạo mủ và khiến các hạch bạch huyết ở vùng bẹn sưng to, đặc biệt khi có sang chấn hoặc kích thích mạnh. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể sốt cao và cảm thấy đau đớn. 

Bệnh sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do virus HPV gây ra.
Bệnh sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do virus HPV gây ra.

2. Một số kiểm tra cần thực hiện trước xét nghiệm bệnh sùi mào gà

Trước khi xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán sùi mào gà, bác sĩ sẽ thực hiện một số kiểm tra và đánh giá sau:

Nam giới:

  • Kiểm tra các nốt sần trên bộ phận sinh dục để xác định liệu đây có phải là mụn cóc sinh dục không.
  • Đánh giá chức năng của bộ phận sinh dục và trực tràng.
  • Lấy mẫu dịch từ bộ phận sinh dục để kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu và chlamydia.
  • Thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra giang mai và HIV, virus gây ra bệnh AIDS.

Nữ giới:

  • Đánh giá các nốt sần trên bộ phận sinh dục để xác định xem đây phải là mụn cóc sinh dục không.
  • Kiểm tra tổng quan vùng khung xương chậu và trực tràng.
  • Lấy mẫu dịch từ bộ phận sinh dục để kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu và chlamydia.
  • Lấy máu để xét nghiệm giang mai và HIV.
  • Thực hiện xét nghiệm Pap hoặc xét nghiệm HPV để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý có thể liên quan đến virus HPV. 
Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán sùi mào gà để biết bệnh nhân có mắc bệnh hay không.
Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán sùi mào gà để biết bệnh nhân có mắc bệnh hay không.

3. Xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán sùi mào gà

Sùi mào gà, một bệnh lý do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra, có thể được chẩn đoán chính xác thông qua việc quan sát trực tiếp các tổn thương đặc trưng, điển hình.  

Đối với tổn thương ở vùng cổ tử cung, bác sĩ thường sử dụng phương pháp xét nghiệm Papsmear để phát hiện những tổn thương giải phẫu bệnh, phương pháp này có thể thực hiện đơn độc hoặc kết hợp với xét nghiệm HPV trong cùng 1 lần khám.

Xét nghiệm gen HPV là một xét nghiệm sùi mào gà, được áp dụng rộng rãi để xác định chủng loại HPV nhiễm. Đây là một bước quan trọng trong việc chẩn đoán nhiễm HPV ở người bệnh sùi mào gà cũng như người bị tổn thương cổ tử cung.  

Xét nghiệm gen HPV thường dùng kỹ thuật PCR hoặc lai màng để xác định cụ thể các type HPV. Có khoảng 200 type HPV khác nhau, trong đó type 6 và 11 thường gây ra 90% các trường hợp bệnh sùi mào gà và thường là lành tính. Trong khi đó, các type như 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66 và 68 là những type nguy cơ cao có liên quan đến 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm HPV genotype không chỉ giúp xác định nguyên nhân gây bệnh mà còn là một công cụ sàng lọc hiệu quả để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, nhờ khả năng phân biệt các chủng HPV nguy cơ cao và thấp. Hiện nay, nhiều bộ kit chẩn đoán đã được phát triển để giúp phát hiện sớm các loại HPV gây ung thư cổ tử cung

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe