Cần làm gì nếu trẻ tiếp xúc phải chất độc?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hầu hết trẻ em đều có tính tò mò và muốn khám phá thế giới xung quanh mình bằng tất cả các giác quan, kể cả mùi vị. Do đó, môi trường xung quanh trẻ có thể là một nơi nguy hiểm khi trẻ có thể vô tình tiếp xúc với các chất độc hại. Mức độ nhiễm độc phụ thuộc vào loại tiếp xúc, bản chất và liệu lượng của chất độc.

1. Thế nào là ngộ độc?

Ngộ độc là khi các tế bào bị tổn thương hoặc bị phá hủy bởi chất độc hại do bệnh nhân hít phải, nuốt phải, tiêm hoặc hấp thu vào người.

Các yếu tố chính để tiên lượng mức độ nghiêm trọng của ngộ độc đó là:

  • Bản chất, liều lượng và công thức của chất độc.
  • Đường phơi nhiễm chất độc.
  • Đồng tiếp xúc với các chất độc khác.
  • Tình trạng dinh dưỡng của trẻ (lúc trẻ đói hay no).
  • Tuổi của trẻ.
  • Tình trạng sức khỏe từ trước của trẻ.

2. Các tác nhân phổ biến nhất liên quan đến ngộ độc ở trẻ em

Có nhiều tác nhân gây ngộ độc trẻ em tồn tại trong nhà và môi trường xung quanh trẻ, nhưng không phải ai cũng biết rằng chúng có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Các tác nhân phổ biến nhất liên quan đến ngộ độc trẻ em gồm có:

  • Nicotine lỏng: chỉ với một lượng nhỏ nicotine lỏng có thể gây tử vong cho trẻ nếu nuốt phải hoặc đổ ra da. Nicotine lỏng thường được sử dụng để làm đầy thuốc lá điện tử.
  • Thuốc không kê đơn: như Paracetamol, thuốc ho, thuốc chữa cảm lạnh, vitamin, sắt, thuốc kháng histamin, thuốc chống viêm,...
  • Thuốc kê đơn: như thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau,...
  • Các sản phẩm gia dụng như: chất tẩy trắng, chất khử trùng, chất tẩy rửa, mỹ phẩm,...
  • Dầu hỏa, xăng, dầu động cơ, chất đánh bóng đồ đạc, chất pha loãng sơn.
  • Thuốc trừ sâu bao gồm: thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt chuột và thuốc diệt cỏ.
  • Rượu.
  • Ma túy.
  • Các loại thực vật có độc.
  • Động vật hoặc côn trùng cắn.

Côn trùng cắn cũng có thể là nguyên nhân gây ngộ độc ở trẻ
Côn trùng cắn cũng có thể là nguyên nhân gây ngộ độc ở trẻ

3. Các yếu tố rủi ro khiến trẻ bị ngộ độc

  • Trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc do ăn phải chất độc, đặc biệt là chất lỏng, vì chúng rất tò mò, đưa hầu hết các thứ vào miệng mà không biết trước hậu quả.
  • Thanh thiếu niên có nhận thức rõ hơn về hậu quả của hành động mà chúng thực hiện. Nhưng chúng lại có thể bị bạn bè rủ hoặc ép buộc dẫn đến lạm dụng rượu bia, ma túy,... Do đó tỷ lệ tử vong do ngộ độc ở thanh thiếu niên cao hơn trẻ nhỏ.
  • Trẻ càng nhỏ càng dễ bị ngộ độc do cơ thể nhỏ hơn, mà đa phần độc tính của hầu hết các chất độc đều liên quan đến liều lượng trên mỗi kilogam trọng lượng cơ thể.
  • Trẻ em trai có tỷ lệ ngộ độc cao trẻ em gái ở tất cả các khu vực trên thế giới.
  • Ngộ độc gây tử vong và không gây tử vong có mối liên quan chặt chẽ với tình trạng kinh tế xã hội.
  • Mức độ phổ biến của các loại ngộ độc khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Mức độ này phụ thuộc vào tốc độ phát triển công nghiệp, hoạt động nông nghiệp, văn hóa xã hội. Ví dụ, thuốc chữa bệnh là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc không tử vong ở trẻ em ở các khu vực, các nước có thu nhập cao. Trong khi đó việc sử dụng nhiên liệu như dầu hỏa là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc cho trẻ em ở các vùng, các nước có thu nhập thấp.
  • Các yếu tố nguy cơ gây ngộ độc khác bao gồm những yếu tố liên quan tới chính tác nhân gây ngộ độc gồm có: độc tính, bản chất chất độc, ngoại hình và lưu trữ chất độc, thời tiết, các chính sách, tiêu chuyển và quy định liên quan đến sản xuất, dán nhãn, phân phối, lưu trữ và thải bỏ của các chất gây ngộ độc.

Trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc do ăn phải chất độc, đặc biệt là chất lỏng, vì chúng rất tò mò, đưa hầu hết các thứ vào miệng mà không biết trước hậu quả
Trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc do ăn phải chất độc, đặc biệt là chất lỏng, vì chúng rất tò mò, đưa hầu hết các thứ vào miệng mà không biết trước hậu quả

4. Phải làm gì khi trẻ tiếp xúc với chất độc?

Khi phát hiện trẻ tiếp xúc với chất độc, bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay. Cần gọi cấp cứu ngay lập tức nếu con bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Khó thở.
  • Đau cổ họng dữ dội.
  • Bỏng trên môi hoặc miệng.
  • Co giật.
  • Mất nhận thức.
  • Buồn ngủ cực độ.

Nếu con bạn không có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào kể trên, bạn có thể đưa con đến các trung tâm kiểm soát chất độc tại địa phương. Đừng cho rằng trẻ vẫn ổn, bởi một số chất nguy hiểm sẽ không gây ra phản ứng ngay lập tức.

Khi đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế địa phương, các y bác sĩ sẽ cần thông tin về trẻ và chất độc trẻ đã tiếp xúc, do đó bạn hãy chuẩn bị để trả lời một số câu hỏi sau:

  • Các thông tin về trẻ:
    • Tuổi của con bạn
    • Cân nặng của con bạn
    • Thời gian tiếp xúc với chất độc
    • Địa chỉ hoặc vị trí của bạn: trong trường hợp bạn gọi cấp cứu.
    • Bất kỳ điều kiện y tế nào mà con bạn có.
    • Tất cả các loại thuốc mà con của bạn đang dùng.
  • Thông tin về chất độc:
    • Thành phần của chất độc: nếu bạn có hộp đựng của chất độc (thuốc, các sản phẩm gia dụng,...), bạn hãy mang theo hoặc chụp ảnh để đọc các thành phần được liệt kê trên nhãn cho bác sĩ.
    • Mô tả: nếu con bạn đã nuốt một thứ gì đó giống như một phần của cây, hãy mô tả nó một cách đầy đủ nhất có thể. Nếu con bạn bị rắn cắn, và bạn không biết tên của loại rắn đó, bạn cần mô tả chi tiết về hình dáng, màu sắc để bác sĩ có thể tìm xem đó là loại rắn nào.
    • Số lượng: nếu con bạn bị ngộ độc bởi các loại thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn, bạn cần phải ước tính số viên thuốc tối đa mà con bạn đã nuốt phải bằng cách lấy số lượng thuốc ban đầu trừ đi bất kỳ viên thuốc nào bạn có thể tính được.

Nếu con bạn bị ngộ độc bởi các loại thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn, bạn cần phải ước tính số viên thuốc tối đa mà con bạn đã nuốt phải
Nếu con bạn bị ngộ độc bởi các loại thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn, bạn cần phải ước tính số viên thuốc tối đa mà con bạn đã nuốt phải

5. Các việc cần làm tại nhà khi phát hiện trẻ bị ngộ độc

Khi phát hiện trẻ bị ngộ độc cần gọi điện cấp cứu ngay, đồng thời cần thực hiện một số biện pháp sơ cứu để giúp làm giảm nhẹ mức độ ngộ độc của trẻ, tùy theo đường tiếp xúc với chất độc.

5.1. Cần làm gì khi trẻ nuốt phải thứ gì đó có độc?

Khi phát hiện trẻ đã nuốt phải thứ gì đó có độc, bạn cần làm ngay các việc sau đây:

  • Lấy phần còn lại của bất cứ thứ gì con bạn đã nuốt ra.
  • Cố gắng khiến trẻ khạc ra bất cứ thứ gì còn sót lại trong miệng.
  • Giữ một mẫu hoặc những gì còn lại trong hộp (nếu có) để phòng trường hợp cần xác định chất độc.

Vậy bạn có nên cố gắng làm cho con nôn ra hay không? Câu trả lời là không. Nếu con của bạn đã nuốt phải một loại axit mạnh, chẳng hạn như chất tẩy rửa bồn cầu, hoặc một chất kiềm mạnh, chẳng hạn như chất tẩy rửa cống hoặc lò nướng, việc nôn mửa có thể làm trẻ bị tổn thương thêm khi đưa các chất chảy ngược lên cổ họng và miệng của trẻ.

5.2. Cần làm gì khi trẻ bị dính chất độc trên da?

Khi phát hiện trẻ bị dính chất độc trên da, ngay lập tức bạn cần làm các công việc sau:

  • Cởi bỏ quần áo bị dính chất độc.
  • Rửa sạch vùng da tiếp xúc với chất độc bằng nước ấm.
  • Nếu thấy da bị bỏng, hãy tiếp tục rửa ít nhất là trong vòng 15 phút.
  • Gọi cấp cứu hoặc cơ quan kiểm soát chất độc để được tư vấn thêm.

5.3. Cần làm gì khi trẻ bị bắn chất độc vào mắt?

Khi phát hiện trẻ bị bắn chất độc vào mắt, ngay lập tức bạn cần làm các việc sau đây:

  • Rửa ngay mắt bằng nước ấm trong 15 phút bằng cách đổ nước ấm nhẹ nhàng vào góc trong mắt.
  • Cố gắng giữ mí mắt mở hoặc để con bạn chớp mắt.
  • Nếu con bạn làm văng chất độc lên các bộ phận cơ thể khác, hãy cho con vào phòng tắm.
  • Sau khi rửa mắt hãy gọi điện đến trung tâm kiểm soát chất độc.

5.4. Cần làm gì khi trẻ tiếp xúc với khói độc?

Khi phát hiện trẻ tiếp xúc với khói độc, bạn cần đưa con bạn vào vùng không khí trong lành càng nhanh càng tốt. Nếu con bạn dường như không bị ảnh hưởng bởi khói độc, bạn hãy trao đổi với bác sĩ xem bạn cần phải làm gì tiếp theo.

Nếu con bạn tiếp xúc với khói độc sau đó ngừng thở, bạn cần nhờ ai đó gọi cấp cứu ngay, đồng thời bắt đầu hô hấp nhân tạo. Nếu chỉ có một mình bạn ở đó, bạn hãy thực hiện hô hấp nhân tạo cho bé trong vòng hai phút trước, sau đó gọi cấp cứu.

Các nguồn khói độc phổ biến gồm có:

  • Khói ô tô, xe máy trong nhà để xe đóng kín cửa.
  • Lỗ thoát khí
  • Bếp củi
  • Máy sưởi bằng ga, lò nướng, bếp lò hoặc máy nước nóng.

Nếu con bạn dường như không bị ảnh hưởng bởi khói độc, bạn hãy trao đổi với bác sĩ xem bạn cần phải làm gì tiếp theo
Nếu con bạn dường như không bị ảnh hưởng bởi khói độc, bạn hãy trao đổi với bác sĩ xem bạn cần phải làm gì tiếp theo

Ngộ độc carbon monoxide là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong hơn bất kỳ vụ ngộ độc nào khác ở Mỹ. Carbon monoxide là một chất khí không màu, không mùi, có thể xâm nhập vào nhà bạn từ một thiết bị bị hỏng hóc hoặc không được lắp đặt đúng cách.

Nếu như cùng tiếp xúc với khí carbon monoxide thì trẻ con sẽ có các biểu hiện ngộ độc trước người lớn. Các biểu hiện ban đầu đó là:

  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Buồn ngủ

Nếu vẫn tiếp tục tiếp xúc với khí carbon monoxide, trẻ sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng sau:

Ngộ độc cấp tính ở trẻ em vẫn là một vấn đề đáng quan tâm trong sức khỏe cộng đồng. Đây là nguyên nhân thường xuyên khiến cho trẻ phải nhập viện cấp cứu. Cách bạn xử trí ban đầu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tổn thương sau khi trẻ tiếp xúc với chất độc. Chính vì vậy hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể xử lý kịp thời, làm giảm tổn thương do nhiễm độc gây ra cho con bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, who.int

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe