Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Hồng cầu niệu là tình trạng bất thường tại hệ tiết niệu khi các tế bào hồng cầu đi vào nước tiểu. Hồng cầu niệu có thể được phát hiện khi quan sát thấy nước tiểu chuyển màu đỏ hoặc xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính. Người bệnh có hồng cầu niệu cần được khảo sát kỹ lưỡng để phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.
1. Hồng cầu niệu là gì?
Hồng cầu niệu là thuật ngữ nhằm mô tả tình trạng xuất hiện tế bào hồng cầu trong nước tiểu. Hồng cầu là một trong ba loại tế bào máu, có nhiệm vụ vận chuyển khí oxy đến các tế bào trong cơ thể cũng như vận chuyển CO2 từ các mô trở về phổi để đào thải ra khỏi cơ thể. Sự hiện diện của hồng cầu trong nước tiểu là một tình trạng bất thường biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, phổ biến nhất là nhiễm trùng đường tiểu.
Khi số lượng tế bào hồng cầu tăng cao, nước tiểu có thể chuyển sang màu đỏ mắt thường có thể quan sát được, còn được gọi là tiểu máu đại thể. Ngược lại, khi số lượng tế bào hồng cầu trong nước tiểu thấp, nước tiểu vẫn giữ nguyên màu sắc bình thường hay còn gọi là tiểu máu vi thể. Xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính là phương pháp chẩn đoán chắc chắn nhất sự có mặt của hồng cầu trong nước tiểu, thay vì chỉ quan sát nước tiểu bằng mắt thường.
2. Nguyên nhân của hồng cầu niệu
Nước tiểu có chứa hồng cầu do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, bao gồm:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Thận, niệu quản, bàng quang hay niệu đạo mắc phải tình trạng nhiễm trùng cấp tính đều có thể gây kích ứng lớp tế bào nội mô lót đường tiểu gây xuất hiện hồng cầu niệu. Ở nam giới, tình trạng viêm tuyến tiền liệt , viêm nhiễm bao quy đầu cũng có thể là một nguyên nhân của hồng cầu niệu.
- Quan hệ tình dục: Khi quan hệ tình dục một cách thô bạo, vùng mô hệ tiết niệu xung quanh có khả năng cao bị tổn thương gây chảy máu khiến nước tiểu chứa tế bào hồng cầu.
- Tập luyện thể dục thể thao gắng sức: Các hoạt động thể lực được thực hiện ở cường độ cao như ở các vận động viên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến biểu hiện hồng cầu niệu. Tuy nhiên bất thường này thường không kéo dài lâu và có khả năng tự hồi phục khi nghỉ ngơi.
- Phụ nữ đang trong giai đoạn kinh nguyệt
- Chấn thương tại vị trí đường niệu ngoài cũng có thể làm tổn thương dẫn đến xuất hiện tế bào hồng cầu trong nước tiểu.
Đó là những nguyên nhân có tính cấp tính gây nên sự xuất hiện của hồng cầu niệu trong nước tiểu, và thường sẽ hết sau một thời gian nhất định. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác gây nên tình trạng xuất hiện hồng cầu niệu mãn tính trong cơ thể như:
- Sỏi hệ tiết niệu: Sự xuất hiện sỏi ở bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu đều có thể gây tổn thương và xây xát các tế bào biểu mô xung quanh. Chính điều này dẫn đến biểu hiện tiểu máu trên lâm sàng và xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính.
- Bệnh lý thận đa nang: Đây là tình trạng rối loạn phát triển của thận, nhu mô thận bình thường được thay thế bởi các tổ chức dạng nang. Chúng có khả năng vỡ và gây xuất huyết vào đường niệu và đưa đến xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính.
- Bệnh lý ác tính đường tiết niệu: Ung thư thận hay ung thư bàng quang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tiểu máu đại thể. Người bệnh tìm đến cơ sở y tế với lý do tiểu máu và xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính.
- Các bệnh lý về máu: Bất thường trong các phản ứng đông cầm máu như bệnh ưa chảy máu, máu khó đông hemophilia , bệnh hồng cầu hình liềm gây ra tình trạng hình dạng hồng cầu không đều là những điều kiện khiến người bệnh dễ xuất huyết hay chảy máu. Hồng cầu niệu xuất hiện trong bối cảnh này có đặc điểm kéo dài và tái đi tái lại nhiều lần.
- Thuốc: Một số loại thuốc đã được chứng minh là nguyên nhân gây xuất hiện hồng cầu niệu như aspirin và một số loại kháng sinh. Người bệnh cần lưu ý các loại thuốc đã dùng trong khoảng 1 đến 2 tháng gần đây để cung cấp gợi ý về nguyên nhân của hồng cầu niệu.
Tóm lại, hồng cầu niệu là một triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau trên lâm sàng, bao gồm cả những bệnh lý ác tính như ung thư thận và ung thư bàng quang. Bệnh nhân có xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính có thể là kết quả của một hoặc nhiều bệnh lý đã nêu trên.
3. Xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính cần phải làm gì?
Ngay khi xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính được xác lập, bác sĩ sẽ khai thác và thăm khám lâm sàng để phát hiện thêm nhiều triệu chứng khác định hướng nguyên nhân gây bệnh. Một số xét nghiệm khác sẽ được chỉ định thực hiện bổ sung tùy thuộc vào từng bối cảnh cụ thể. Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu (thường bao gồm 10 thông số ) phát hiện bạch cầu niệu, nitrit niệu, các tế bào lạ trong nước tiểu, soi tươi nước tiểu, cấy nước tiểu tìm vi khuẩn gây bệnh là những xét nghiệm phổ biến.
Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cũng được thực hiện để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh hoặc loại trừ các bệnh lý cấp tính như:
- Chụp X-quang hệ tiết niệu
- Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng
- Nội soi bàng quang
- Chụp hệ tiết niệu có thuốc cản quang
- Sinh thiết mẫu mô làm giải phẫu bệnh.
Thông thường, hồng cầu niệu là dấu hiệu phổ biến của bệnh lý nhiễm trùng đường tiểu. Khi đã chẩn đoán xác định nguyên nhân, phương pháp điều trị chính là nội khoa với thuốc kháng sinh đặc hiệu. Lựa chọn thuốc kháng sinh nên được thực hiện dựa trên kết quả kháng sinh đồ có được từ xét nghiệm cấy nước tiểu. Thời gian sử dụng thuốc cho các trường hợp nhiễm trùng mức độ nhẹ và trung bình khoảng 1 tuần. Nếu bệnh lý diễn tiến nặng hơn cần kéo dài thuốc lâu hơn và sử dụng theo đường tĩnh mạch. Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý có tỷ lệ tái phát cao, đặc biệt ở những bệnh nhân có u, sỏi tiết niệu hoặc dị dạng đường tiết niệu. Người bệnh cần được theo dõi và cấy lại nước tiểu trước khi quyết định kết thúc liệu trình điều trị. Nguyên nhân và yếu tố gây nhiễm khuẩn cũng cần được giải quyết một cách triệt để.
Hồng cầu niệu dương tính là triệu chứng của nhiều bệnh lý, vì thế khi có xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị bệnh, tránh để các biến chứng nguy hiểm xảy ra.