Bài viết bởi Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Tổ chức Y Tế Thế giới ước tính rằng có gần 700 triệu người, gần một nửa trẻ em trên thế giới đang phải sống trong bầu không khí bị ô nhiễm bởi khói thuốc lá. Trong khói thuốc lá chứa hơn 4000 loại hoá chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Hàng năm thuốc lá, thuốc lào giết hại hàng triệu người trên thế giới. Hút thuốc là nguyên nhân gây bệnh và tử vong có thể tránh được. Với những ảnh hưởng trên cai thuốc lá là điều vô cùng cần thiết.
1. Tại sao không nên hút thuốc lá?
Hút 01 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 05 đến 08 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch.... Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao), số lượng thuốc hút trung bình với đơn vị là bao/năm tính bằng cách lấy số bao thuốc hút trung bình hàng ngày nhân với số năm hút (số lượng thuốc hút bao/năm càng lớn thì nguy cơ càng cao) và thời gian hút càng dài thì nguy cơ cũng càng lớn.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ bị mắc các bệnh sau:
- Tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp dưới (như viêm phế quản, viêm phổi) và viêm tai giữa
- Làm tăng các triệu chứng của bệnh đường hô hấp mãn tính (như hen)
- Làm giảm sự phát triển của phổi và làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi trưởng thành và suy giảm trung khu thần kinh chỉ đạo hành vi, trong khi đó những người phụ nữ không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.
2. Một số thay đổi về sinh lý và tinh thần sau khi bỏ thuốc
Triệu chứng | Nguyên nhân | Cách đối phó |
Đói thuốc | Cơ thể của bạn đã quen với 1 lượng nicotine, khi lượng đó giảm đi sẽ khiến bạn có cảm giác đói để bạn hút thuốc. | Cảm giác cực kỳ thèm thuốc thường chỉ kéo dài 1-5 phút. Hãy làm 1 cái gì đó đến khi cảm giác đó giảm đi – uống nước, tập thở sâu... |
Đầu bồng bềnh, mất tập trung | Điều này có thể do thiếu nicotine trong máu. Hãy nhớ là bộ não của bạn đã quen làm việc với sự có mặt của nicotine và bây giờ phải tập làm việc không có nicotine. | Hãy làm việc từ từ thôi, đừng quá cố gắng trong vài ngày. Tập thể dục nhiều hơn, làm việc thời gian ngắn hơn xen kẽ với thời gian giải lao nhiều hơn. Chú ý xem mình ăn uống có bình thường không? |
Ho | Đây là phản xạ tự làm sạch của phổi. Sau khi ngừng hút thuốc những lông mao giúp làm sạch phổi bắt đầu hoạt động trở lại sẽ đẩy đờm từ những phế quản nhỏ lên các phế quản lớn rồi được ho khạc ra ngoài. | Nhấp từng ngụm nước ấm sẽ có thể làm giảm ho và sẽ tự hết ho sau đó 1 thời gian sau 1 đến 2 tuần. |
Căng thẳng và cáu kỉnh | Bởi vì lượng nicotine trong máu giảm, thành phần hoá học trong người bạn thay đổi. Cơ thể bạn đang cố gắng đối phó với những sự thay đổi đó. Vì vậy nó làm cho bạn cảm giác căng thẳng và cáu kỉnh. | Đi bách bộ, ngâm trong nước ấm, và làm vài động tác thư giãn. Nói chuyện với ai đó về cảm giác của mình. |
Buồn rầu, trì trệ | Nicotine là chất hoá học kích thích tế bào não tạo nên cảm giác hưng phấn. Phải mất một thời gian để cơ thể của bạn sản xuất cân bằng chất hoá học gây hưng phấn tự nhiên thay cho chất nicotine. Trong thời gian điều chỉnh lại này bạn có thể có cảm giác buồn rầu. | Một bài tập đơn giản như là đi bộ nhanh 5-10 phút chẳng hạn có thể làm bạn thay đổi. Tình trạng này sẽ hết dần dần, không nên lo lắng. |
Cảm giác chóng đói | Chuyển hoá trong cơ thể bạn đang trở lại bình thường | Hãy ăn những bữa nhỏ ít năng lượng như là bỏng ngô, cà rốt, quả mận hay cái gì đó. Cố gắng ăn khoảng 6 bữa nhỏ và uống nhiều nước. |
Khó ngủ | Bộ não của bạn đang học cách làm việc không có nicotine. Chất gây ngủ trong não của bạn có thể đang bị ảnh hưởng trong quá trình tự điều chỉnh lại này. | Ngâm mình trong nước ấm, uống một cốc sữa nóng trước khi đi ngủ. Có thể đọc cái gì đó hoặc nghe nhạc. |
Một số triệu chứng khác cũng có thể gặp như khô miệng, rát họng, đau đầu, rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi, chảy nước mắt, loét miệng và tăng cân.
Điểm đáng chú ý nhất ở đây là tăng cân. Không phải tất cả mọi người đều tăng cân sau khi bỏ thuốc lá. Trung bình bỏ thuốc có thể làm tăng khoảng 2 kg. Nguyên nhân có thể là người bỏ thuốc hoạt động ít hơn, và hay gặp hơn là người bỏ thuốc thường lấy thức ăn thay cho hút thuốc. Rất may là sự tăng cân này có thể tránh được.
- Ăn 3 đến 6 bữa nhỏ hàng ngày chứ không ăn 1 bữa thật nhiều
- Tránh những chất béo
- Ăn nhiều hoa quả và rau tươi
- Vẫn giữ phong độ làm việc, tập luyện nhiều hơn (ví dụ đi bộ nhanh ...)
Nếu vẫn tiếp tục tăng cân cũng đừng lo sợ. Cơ thể của bạn có thể cần có thời gian quen dần với tình trạng không có nicotine. Nếu bạn ăn uống điều độ, tránh ăn quá nhiều, tập luyện đều đặn, bạn sẽ giảm cân. Và hãy nhớ rằng lợi ích của việc bỏ thuốc còn giá trị hơn rất nhiều so với cái hại do tăng vài kg.
Trên đây là những điều cần biết khi bỏ thuốc lá bạn có thể áp dụng theo để thấy được sự thay đổi và những cải thiện tích cực về mặt sức khỏe.
Nếu thuộc trường hợp nghiện thuốc lá nặng và không thể tự cai tại nhà, bạn có thể nhờ tới các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và tư vấn về việc cai thuốc sao cho hiệu quả và khoa học.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.