Cái nhìn cận cảnh hơn về bệnh võng mạc tiểu đường gây mờ mắt

Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng nguy hiểm do bệnh đái tháo đường gây ra. Nó có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc tìm hiểu kỹ lưỡng về bệnh võng mạc tiểu đường gây mờ mắt sẽ giúp bạn sớm có biện pháp phòng ngừa tình trạng này một cách hiệu quả, từ đó hạn chế được những rủi ro về thị lực cũng như sức khoẻ tổng thể.

1. Thế nào là bệnh võng mạc tiểu đường?

Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường khi không được kiểm soát tốt. Tình trạng này phát sinh khi lượng đường trong máu tăng cao và làm hỏng các mạch máu nhỏ giữ chức năng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho võng mạc – một bộ phận giúp phát hiện ánh sáng của mắt.

Bệnh võng mạc tiểu đường có thể ảnh hưởng đến cả hai bên mắt, nó cũng làm phát triển các căn bệnh khác về mắt như tăng nhãn áp, làm tăng áp lực trong mắt và đe dọa nghiêm trọng đến thị lực của bạn. Nếu không được điều trị, bệnh võng mạc tiểu đường có thể dẫn đến mất thị lực tiến triển và không thể hồi phục lại như ban đầu. Đây cũng được xem là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người trong độ tuổi từ 20 – 60. Tuy nhiên, nếu bệnh võng mạc tiểu đường được chẩn đoán sớm có thể giúp người bệnh ngăn ngừa được rủi ro mù loà. Mặc dù, rất nhiều người mắc bệnh tiểu đường bị suy giảm thị lực, nhưng có ít hơn 5% số trường hợp bị mất thị lực nghiêm trọng.

Đối với một số người mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ phát triển bệnh võng mạc tiểu đường có liên quan trực tiếp đến thời gian mắc bệnh tiểu đường của họ. Cả bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 đều có thể dẫn đến những tổn thương ở võng mạc. Mặc dù, bệnh võng mạc tiểu đường thường không xuất hiện trong khoảng 5 năm sau khi được chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng nó có thể đã phát triển khi bệnh tiểu đường loại 2 được chẩn đoán. Sau khoảng 15 năm mắc bệnh tiểu đường, có khoảng 98% những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 và 78% những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 bị tổn thương võng mạc ở một cấp độ nhất định.

XEM THÊM: Chẩn đoán hình ảnh tổn thương mắt do đái tháo đường


Mất thị lực là một biến chứng của tình trạng võng mạc tiểu đường
Mất thị lực là một biến chứng của tình trạng võng mạc tiểu đường

2. Các triệu chứng điển hình của bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh võng mạc tiểu đường thường có diễn biến âm thầm theo thời gian. Tổn thương võng mạc nghiêm trọng và vĩnh viễn có thể xảy ra trước khi bạn nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào sau đây:

  • Mắt mờ, thậm chí không thể cải thiện được khi đeo kính
  • Thị lực có xu hướng xấu đi, ngay cả khi đã được khắc phục
  • Mất thị lực đột ngột, đặc biệt sau các hành động như hắt hơi hoặc ho
  • Nhìn thấy các đốm nổi hoặc lỗ hổng trong tầm nhìn của bạn
  • Đau mắt

XEM THÊM: Những điều cần biết về bệnh võng mạc tiểu đường

3. Những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường

Nếu lượng đường trong máu của bạn tăng lên cao trong một khoảng thời gian dài có thể làm ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ ở võng mạc của mắt bạn. Khi đó, các tân mạch máu trong mắt sẽ được hình thành và phát triển. Tuy nhiên, chúng thường rất yếu ớt và có thể gây rò rỉ máu cũng như các chất lỏng vào trong võng mạc, dẫn đến hiện tượng phù hoàng điểm – một tình trạng khiến cho tầm nhìn của bạn trở nên mờ đi.

Khi càng nhiều mạch máu trong mắt bị tắc nghẽn sẽ làm hình thành nên các mô sẹo và tăng thêm áp lực cho võng mạc. Đến một mức độ nào đó, áp lực này có thể làm rách hoặc bong võng mạc của mắt. Hơn nữa, nó cũng có thể kéo theo một số vấn đề về mắt khác, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp hoặc bệnh đục thuỷ tinh thể, làm tăng nguy cơ dẫn đến mù loà nghiêm trọng.


Lượng đường trong máu cao là nguyên nhân dẫn đến võng mạc tiểu đường
Lượng đường trong máu cao là nguyên nhân dẫn đến võng mạc tiểu đường

4. Bệnh võng mạc tiểu đường có ảnh hưởng như thế nào đến mắt?

Đối với dạng bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh (NPDR) có thể khiến cho các mạch máu bị phình ra và rò rỉ vào màng trong của mắt, hay còn được gọi là võng mạc. Ngoài ra, các dây thần kinh thị giác cũng bị sưng lên. Ban đầu, bạn có thể không cảm nhận được bất kỳ triệu chứng cụ thể nào, tuy nhiên nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường hoặc lượng đường huyết của bạn ở mức cao, bạn nên cố gắng kiểm soát chúng ngay từ sớm trước khi phát triển các biến chứng nguy hiểm tới thị lực.

Khi bị bệnh võng mạc tiểu đường tiến triển nặng, các mạch máu ở phía sau mắt bạn bắt đầu đóng lại, các tân mạch máu phát triển nhưng vô cùng mỏng manh và yếu ớt. Chúng có thể bị rò rỉ vào thuỷ tinh thể bất cứ lúc nào. Khi đó, bạn sẽ nhìn thấy những điểm hoặc vệt tối đang trôi nổi qua tầm nhìn của bạn. Nếu không được điều trị ngay lập tức, bệnh võng mạc tiểu đường tiến triển nặng có thể làm hình thành nên các mô sẹo, tạo tiền đề làm tách võng mạc ra khỏi đáy mắt, gây ra tình trạng bong võng mạc vô cùng nguy hiểm.

Trong một số trường hợp nhất định, bệnh võng mạc tiểu đường cũng có thể gây phù hoàng điểm, hay còn được gọi là điểm vàng, giúp bạn lái xe, nhận dạng khuôn mặt và đọc sách. Khi hoàng điểm bị sưng lên, tầm nhìn của bạn có thể bị mờ và mất đi một phần hoặc thậm chí toàn bộ thị lực. Theo thống kê cho thấy, có khoảng một nửa số người mắc bệnh võng mạc tiểu đường cũng sẽ bị bệnh phù hoàng điểm do tiểu đường (DME).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe