Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Viêm tai có mủ, hay còn gọi là chứng chảy mủ tai, nghĩa là có chất dịch mủ chảy từ trong tai ra. Việc dịch bị chảy ra ngoài là một dấu hiệu cho thấy tai bạn đã bị tổn thương, hoặc viêm nhiễm nghiêm trọng cần có sự chăm sóc y tế.
1. Điều trị viêm tai giữa có mủ ở trẻ nhỏ
Viêm nhiễm tai giữa, u nang biểu bì, thủng màng nhĩ (đẩy tăm bông quá sâu vào tai, do tiếng ồn, đi máy bay/lặn dưới nước)... được xem là những nguyên nhân chính gây viêm tai giữa. Ngoài ra, viêm tai giữa còn có thể do rạn nứt sọ tuy nhiên nguyên nhân này ít phổ biến.
Việc điều trị viêm tai giữa có mủ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Trong một vài trường hợp, bạn không nhất thiết cần đến sự chăm sóc y tế. Việc điều trị viêm tai giữa có mủ cho trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cả độ tuổi và các triệu chứng của trẻ. Cụ thể:
Chờ đợi và quan sát diễn biến tiếp theo của bệnh
Các triệu chứng của viêm tai thường sẽ biểu hiện rõ trong một, hai ngày đầu, và hầu hết sẽ tự khỏi trong vòng một tới hai tuần mà không cần phải điều trị.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ và Học viện bác sĩ gia đình người Mỹ, việc chờ đợi và quan sát diễn biến bệnh được xem như một cách điều trị viêm tai giữa có mủ và cách điều trị này được khuyến cáo dành cho: Trẻ bị đau tai trong nhẹ, có thể một hoặc cả hai bên tai nhưng đau ít hơn 48 giờ và trẻ sốt dưới 39 độ.
Kiểm soát các cơn đau
Bác sĩ sẽ gợi ý một vài cách giảm đau khi bị viêm tai, bao gồm: Sử dụng túi chườm ấm, thuốc giảm đau. Với thuốc giảm đau cần lưu ý: Sử dụng thuốc theo hướng dẫn có trên nhãn dán. Cần phải thận trọng khi dùng aspirin cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Sử dụng liệu pháp kháng sinh
Có đến 2/3 các trường hợp viêm tai giữa do vi khuẩn, vì thế kháng sinh sẽ giúp điều trị hiệu quả trong trường hợp này. Sau một thời gian quan sát ban đầu, bác sĩ sẽ cấp cho bạn một vài loại thuốc kháng sinh để điều trị viêm tai giữa có mủ trong những trường hợp sau: Trẻ nhỏ 6 tháng tuổi và lớn hơn bị đau từ trung bình đến nặng một hoặc hai tai, trong vòng 48 giờ hoặc sốt cao 39 độ C hoặc cao hơn nữa
Lưu ý: Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi khi xác định là bị viêm tai giữa cấp tính có khả năng cao phải điều trị bằng thuốc kháng sinh mà không cần phải chờ đợi quan sát các triệu chứng ban đầu.
Khi các triệu chứng ngày một nặng hơn, cần phải sử dụng các thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn. Sử dụng kháng sinh sai cách có thể khiến cho bệnh viêm nhiễm tái đi tái lại và vi khuẩn lúc này cũng sẽ có hiện tượng kháng thuốc.
Ống thông tai
Nếu trẻ cứ bị viêm tai giữa hoặc viêm tai giữa có mủ tái diễn lặp đi lặp lại, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp để dẫn lưu mủ từ tai giữa. Trong quá trình phẫu thuật một ống nhỏ (ống nhĩ) được đặt ở lỗ mở màng nhĩ để giúp thông khí tai giữa và ngăn ngừa sự tích tụ của nhiều chất lỏng. Một số ống có thể được để trong tai sáu tháng đến một năm và sau đó tự rơi ra hoặc được lấy ra.
2. Viêm tai giữa có mủ mãn tính
Viêm tai giữa có mủ mãn tính có thể dẫn đến thủng màng nhĩ, việc điều trị viêm tai giữa có mủ mãn tính khá khó khăn, thường sẽ sử dụng thuốc kháng sinh loại nhỏ tai theo chỉ định.
3. Phòng tránh viêm tai giữa có mủ như thế nào?
- Để tránh viêm nhiễm tai, hãy cố gắng tránh xa những người đang bị bệnh.
- Theo Mayo Clinic, sữa mẹ có thể giúp bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bị viêm tai, vì trẻ sẽ được nhận các kháng thể có chứa trong sữa mẹ. Nếu đang cho con bú bình, nên cố gắng để trẻ uống sữa ở tư thế đứng và hạn chế để chúng uống ở tư thế nằm.
- Tránh để các vật thể lạ vào tai nhằm giúp tránh làm thủng màng nhĩ. Nếu phải ở trong một nơi quá ồn, hãy mang theo tai nghe hoặc mũ che tai để bảo vệ màng nhĩ.
- Việc điều trị viêm tai giữa có mủ nhanh chóng và kịp thời rất quan trọng và cần thiết. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng cần đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được tư vấn và điều trị để bảo vệ đôi tai luôn khỏe mạnh.
Chuyên khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ chuyên khám và điều trị viêm tai giữa cũng như các bệnh lý tai mũi họng thông thường, các khối u vùng đầu mặt cổ, các dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp ngoại khoa phổ biến như phẫu thuật, vá nhĩ qua kính hiển vi hoặc nội soi, mổ lấy rò, phẫu thuật Bondy, khí dung họng mũi, chích cuốn mũi, đốt cuốn mũi...
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.