Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS.BS Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Đây là một trong những chuyên gia hàng đầu về Nhi - Sơ sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 30 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh về nội tiết nhi, thận nhi khoa và các vấn đề Nhi - Sơ sinh khác
Kháng sinh là loại thuốc đang được sử dụng phổ biến để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Một trong những tác dụng phụ hay gặp nhất khi dùng kháng sinh là tiêu chảy (chiếm 20% các trường hợp dùng kháng sinh trị bệnh). Sau đây là nguyên nhân và cách điều trị tình trạng trẻ đang uống kháng sinh bị đi ngoài.
1. Tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh - hiện tượng phổ biến
Trung bình, cứ 5 trẻ sử dụng kháng sinh thì có 1 trẻ bị tiêu chảy (tỷ lệ 20%). Tiêu chảy là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi và có thể xảy ra khi trẻ sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào. Tuy nhiên, với hầu hết trẻ em, tiêu chảy cho kháng sinh thường nhẹ và không gây di chứng nghiêm trọng nếu được điều trị kịp thời.
Về nguyên nhân trẻ đang uống kháng sinh bị đi ngoài, thông thường, trong đường ruột luôn tồn tại các chủng vi khuẩn bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Hệ vi khuẩn có lợi nếu phát triển mạnh và đầy đủ sẽ đảm bảo chức năng tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất, loại bỏ chất độc hại và kiềm chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột.
Kháng sinh là chất có khả năng ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Khi sử dụng một hoặc nhiều loại kháng sinh mạnh có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn với liều cao và kéo dài, một số chủng vi khuẩn có lợi cũng bị tiêu diệt. Trong khi đó, các vi khuẩn có hại ít bị ảnh hưởng hơn vì nhiều chủng trong số chúng có khả năng kháng kháng sinh mạnh. Hệ quả là thế cân bằng giữa 2 nhóm vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại bị phá vỡ. Vi khuẩn có hại phát triển nhanh trong đường tiêu hóa tiết ra các độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột, kích hoạt các quá trình viêm nhiễm, phù nề, xuất huyết trong lòng ruột và gây hội chứng tiêu chảy do dùng kháng sinh. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tiêu chảy do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy do sử dụng kháng sinh ở mức độ nhẹ và có thể tự khỏi sau khi ngưng dùng kháng sinh. Tuy nhiên, có một số trường hợp biểu hiện nặng, gây ra các thương tổn viêm nhiễm phù nề ở đại tràng (viêm đại tràng giả mạc).
2. Tác nhân gây tiêu chảy do dùng kháng sinh
Có nhiều chủng vi khuẩn có thể gây hội chứng tiêu chảy do dùng kháng sinh nhưng vi khuẩn kỵ khí clostridium difficile là thủ phạm chính gây ra hầu hết các trường hợp viêm đại tràng giả mạc nặng. Tình trạng này hay gặp ở bệnh nhân trong các khoa hồi sức tích cực - nơi có nhiều chủng vi khuẩn kháng kháng sinh và lượng kháng sinh được sử dụng với liều cao trong thời gian dài.
Các kháng sinh có thể gây tiêu chảy đơn thuần hoặc hội chứng viêm đại tràng giả mạc là: clindamycin, erythromycin, ampicillin, amoxicillin, penicillin, nhóm cephalosporin (cefuroxim, cefixim, cefpodoxime), nhóm quinolones (ciprofloxacin, levofloxacin), và tetracycline (doxycycline, minocycline),... Người bệnh có thể bị tiêu chảy dù dùng kháng sinh đường uống hoặc đường tiêm.
3. Biểu hiện ở trẻ bị tiêu chảy do dùng kháng sinh
- Sau khi sử dụng kháng sinh khoảng 2 - 9 ngày, trẻ có biểu hiện sôi bụng, đau bụng, bụng trướng nhẹ;
- Trẻ bị đau bụng, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, có thể lên tới 15 - 20 lần/ngày;
- Phân lỏng lẫn nhầy hoặc phân xanh, vàng lổn nhổn, phân có bọt, phân sống, không thối, có lẫn thức ăn chưa tiêu, đôi khi có lẫn máu và chất nhầy;
- Trẻ phải rặn mỗi lần đi đại tiện;
- Vùng hậu môn của trẻ có thể bị hăm đỏ do tính chất axit của phân;
- Khi vi khuẩn có hại tăng sinh quá nhanh, có thể gây ra các triệu chứng của viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả mạc như: Sốt cao, buồn nôn và nôn mửa, đau quặn bụng, tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng có máu mủ.
Trong trường hợp bị tiêu chảy nhẹ, các triệu chứng bệnh thường tự khỏi trong vài ngày tới 2 tuần sau khi ngưng dùng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu tiêu chảy kéo dài có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân như: Rối loạn hấp thu và rối loạn chuyển hóa, trẻ bị mất nước kèm rối loạn điện giải, sụt cân nhanh và có thể bị suy dinh dưỡng. Một số trường hợp tiêu chảy nặng gây viêm loét, thủng ruột.
Ngoài ra, tiêu chảy kéo dài cũng có thể gây phình đại tràng nhiễm độc với biểu hiện đại tràng giãn to kèm theo viêm nhiễm, ứ đọng độc tố trong đại tràng, hấp thu qua thành ruột vào máu gây nhiễm độc toàn cơ thể, sốt, đau bụng, thủng vỡ đại tràng,...
4. Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy phải làm sao?
- Với trường hợp bị tiêu chảy nhẹ, các triệu chứng bệnh sẽ hết trong vòng vài ngày tới 2 tuần sau khi kết thúc phác đồ sử dụng kháng sinh;
- Với trường hợp tiêu chảy nặng, cần dừng ngay loại kháng sinh có liên quan đến tình trạng tiêu chảy. Kết hợp bù nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan. Nên sử dụng dung dịch oresol hoặc viên hydrite để bù nước cho trẻ. Phụ huynh chú ý nên pha dung dịch bù nước theo đúng hướng dẫn sử dụng, một lần pha hết 1 gói hoặc 1 viên với lượng nước chín được hướng dẫn, không được chia nhỏ gói hoặc viên ra. Dung dịch bù nước đã pha nếu để quá 24 giờ không uống hết cần phải bỏ đi. Việc cho trẻ uống bù nước cần duy trì đến khi trẻ đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần/ngày. Bên cạnh đó, thực hiện cấy phân, cấy máu để xác định chủng vi khuẩn gây bệnh. Với trường hợp bị viêm đại tràng giả mạc, loại kháng sinh được chọn là metronidazole hoặc vancomycin;
- Trường hợp bị loạn khuẩn nặng hoặc không thể ngưng kháng sinh, cần điều trị hỗ trợ thêm các chế phẩm vi sinh có chứa prebiotic và probiotic để cân bằng lại các chủng vi khuẩn đường ruột theo đúng chỉ định của bác sĩ. Các trường hợp kết hợp với chế phẩm vi sinh nhưng không có hiệu quả cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để thay thế bằng loại kháng sinh khác;
- Không sử dụng men tiêu hóa đối với các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh;
- Thay đổi chế độ ăn để làm giảm triệu chứng tiêu chảy: Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (khẩu phần nhỏ dễ tiêu hóa hơn), ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa (sữa chua, khoai tây, gạo và chuối), tránh ăn nhiều chất xơ và các chất lên men mạnh, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ, cung cấp đủ nước, tránh đồ uống có carbon, nước ép cam quýt và coca,... vì có thể làm triệu chứng nặng hơn.
5. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do uống kháng sinh
- Tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị tại nhà cho bé;
- Dùng kháng sinh chính xác theo đơn, không tăng liều, không dùng gộp cả liều đã bỏ lỡ hoặc dùng thuốc lâu hơn thời gian bác sĩ kê đơn;
- Không tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy vì các thuốc này có thể cản trở khả năng thải độc của cơ thể, gây ra nhiều biến chứng khó lường;
- Sau khi trẻ khỏi bệnh nên tránh sử dụng loại kháng sinh đã gây tiêu chảy trước đó. Ở các lần điều trị sau, nên báo cho bác sĩ biết loại kháng sinh gây tiêu chảy để có hướng thay thế loại thuốc khác khi kê đơn;
- Cho bé uống đủ nước, không uống đồ uống có ga, tránh ăn các loại đậu hạt vì loại thực phẩm này có thể sinh hơi ở ruột, hạn chế thực phẩm nhiều gia vị, cho trẻ bú hoặc uống sữa như bình thường để tránh tình trạng thiếu dinh dưỡng;
- Xử trí hăm tã: Trường hợp trẻ bị hăm quanh hậu môn hoặc vùng đóng bỉm do tiêu chảy, phụ huynh nên vệ sinh nhẹ nhàng khu vực này bằng nước sạch, lau khô rồi thoa lên đó một lớp vaseline, kem chứa kẽm như Penaten, Zincofax hoặc các loại kem chống hăm khác;
- Khi đã hết liệu trình kháng sinh có thể do trẻ sử dụng thêm các men vi sinh chứa lợi khuẩn để cân bằng lại các chủng vi khuẩn đường ruột theo chỉ định của bác sĩ.
Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy rất nặng, nhiều lần và liên tục, đau bụng dữ dội, đi ngoài ra máu, sốt cao, mệt lả, không muốn uống nước, không uống nước được hoặc không bú được, có dấu hiệu mất nước như tiểu ít, mệt mỏi, khô miệng, mắt trũng sâu,... cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán tình trạng tiêu chảy của trẻ để có phương hướng điều trị thích hợp, hiệu quả. Nếu tiêu chảy trầm trọng, bác sĩ có thể đổi loại kháng sinh đang sử dụng và truyền nước cho trẻ khi cần thiết.
Để phòng tránh trẻ bị tiêu chảy do uống kháng sinh, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong