Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Ngày nay, tần suất chỉ định các loại phẫu thuật phụ khoa khác nhau ngày một tăng, trong đó nổi trội lên một số loại như phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín hay làm đẹp vùng kín, phù hợp với nhu cầu của xã hội. Thông thường, phụ nữ thường được bác sĩ phẫu thuật hướng dẫn cách chăm sóc sau khi phẫu thuật. Những hướng dẫn này nhằm giúp hạn chế hoặc nhận biết sớm các biến chứng, cũng như hỗ trợ cho quá trình hồi phục. Thông tin trong bài viết cung cấp để giúp giải đáp những thắc mắc thường gặp về chăm sóc sau phẫu thuật phụ khoa nói chung và cách vệ sinh vùng kín sau phẫu thuật nói riêng.
1. Cách vệ sinh vùng kín sau phẫu thuật
Ngay khi tỉnh dậy sau phẫu thuật, người bệnh thường vẫn được đặt ống dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang vào túi đựng, có hoặc không phối hợp với tấm lót hoặc băng vệ sinh để thấm dịch và máu chảy ra từ âm đạo. Bác sĩ thường có chỉ định yêu cầu người bệnh nằm nghỉ ngơi tại giường trong một khoảng thời gian, tùy từng trường hợp, thường từ 8 đến 24 tiếng. Trong khoảng thời gian hậu phẫu, việc tự vệ sinh vùng kín có thể gặp phải nhiều khó khăn. Người bệnh nên được chăm sóc bởi người thân hoặc nhân viên y tế tại bệnh viện. Các việc cần làm trong khoảng thời gian này nên bao gồm:
- Rửa sạch vết thương tại vùng kín bằng nước muối sinh lý, theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Lau khô nhẹ nhàng bằng khăn sạch.
- Thay băng vệ sinh hoặc tấm lót thường xuyên, khoảng 2-3 lần/ ngày, tránh để lâu tạo mùi hôi và tăng nguy cơ nhiễm trùng tại vùng kín.
- Quan sát tình trạng vết thương (màu sắc, chỉ khâu, dịch tiết) và dịch chảy từ âm đạo (màu sắc, lượng)
Dấu hiệu chảy máu âm đạo sau phẫu thuật là bình thường. Ban đầu, máu có màu đỏ tươi, sau chuyển sang màu đỏ sẫm và nâu đậm. Lượng máu chảy ra có thể thay đổi từ ngày sang ngày. Khi đi lại, người bệnh có thể cảm nhận được máu ra nhiều hơn. Điều này là bình thường nếu không có máu đỏ tươi. Triệu chứng chảy máu sẽ giảm dần trong vài tuần sau phẫu thuật. Nếu thấy máu đỏ tươi, với lượng nhiều người bệnh cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Việc vệ sinh vùng kín nên được duy trì trong khoảng thời gian này với các nguyên tắc tương tự. Vệ sinh vùng kín bằng nước sạch và lau khô bằng giấy mềm sau mỗi lần đi vệ sinh hoặc khi cần thay băng vệ sinh. Không nên sử dụng các loại giấy thô, chà xát tại vùng kín đang có tổn thương sau phẫu thuật.
Khi giảm chảy máu, người bệnh có thể nhận thấy một ít chất tiết màu trắng dạng kem thay thế. Chúng có thể xuất hiện trong khoảng 8 tuần sau đó. Chất tiết này là do chỉ khâu vết thương tại âm đạo tan ra tạo thành. Lưu ý không sử dụng tampons trong 6 tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Hãy sử dụng băng vệ sinh.
Sau các phẫu thuật tại âm đạo, phụ nữ có thể phải khâu bên trong âm đạo. Chúng không cần phải được loại bỏ vì chỉ khâu sẽ tự tiêu, thường trong vòng sáu tuần. Bình thường có một số trường hợp, chảy máu âm đạo nhẹ hoặc dịch tiết âm đạo màu hồng hoặc nâu, và chuyển sang màu vàng khi chỉ khâu tan ra. Khi đó, bạn có thể thấy những mảnh chỉ khâu trên quần lót hoặc khăn giấy vệ sinh. Việc của bạn lúc này là loại bỏ chúng và vệ sinh vùng kín sạch sẽ.
2. Một số vấn đề khác sau phẫu thuật vùng kín
2.1 Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
Nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu (cục máu đông trong tĩnh mạch ở chân) tăng lên khi người bệnh không hoạt động trong một thời gian dài, chẳng hạn như trong và sau phẫu thuật. Để giảm thiểu nguy cơ này, bạn có thể có các thiết bị đặc biệt ở cẳng chân để thường xuyên bóp chân, giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân hoặc phổi. Bạn cũng có thể được tiêm thuốc làm loãng máu và có thể được chỉ định mang vớ áp lực ở cẳng chân. Khi nằm trên giường sau phẫu thuật, hãy cố gắng thực hiện các bài tập đơn giản như xoay tròn mắt cá chân, gập và duỗi thẳng chân vài lần mỗi giờ. Tránh bắt chéo chân. Cách để ngăn ngừa hình thành cục máu đông ở chân / phổi của bạn sau khi phẫu thuật là đứng dậy và rời khỏi giường càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật. Cố gắng đi bộ 3-4 lần mỗi ngày.
2.2 Đau sau phẫu thuật
Sau cuộc phẫu thuật tại vùng kín, bạn có thể bị đau hoặc khó chịu ở háng, âm đạo và bụng dưới. Bạn cũng có thể cảm thấy đau nhói sau ở mông. Cơn đau sẽ giảm dần sau từng tuần và sẽ mất vài tuần để mất hoàn toàn. Lúc này bạn sẽ được cho thuốc giảm đau. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc giảm đau nhưng cũng đừng đợi cơn đau trở nên quá nghiêm trọng rồi mới dùng thuốc. Nếu bạn bị đau dữ dội và không giảm chút nào sau khi dùng thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn. Bác sĩ có thể tư vấn các biện pháp phòng ngừa bổ sung dựa trên nguy cơ hình thành cục máu đông của cá nhân bạn.
2.3 Chức năng bàng quang sau phẫu thuật
Khoảng 5-10% phụ nữ gặp khó khăn trong việc làm rỗng bàng quang hoàn toàn sau khi phẫu thuật. Điều này có thể do sưng nề hoặc các nguyên nhân khác và thường biến mất sau vài ngày đến 2 tuần. Vì bàng quang vẫn cần được làm trống trong thời gian hồi phục, bạn sẽ được đặt ống thông tiểu hoặc được dạy cách tự đặt ống thông tiểu trong thời gian này. Thông thường bạn có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường để làm rỗng bàng quang so với trước khi phẫu thuật.
2.4 Chức năng tiêu hóa sau phẫu thuật
Táo bón là một vấn đề phổ biến sau phẫu thuật. Điều quan trọng là tránh rặn quá mức khi đại tiện vì điều này sẽ gây áp lực lên các vết khâu trong âm đạo. Cố gắng ăn nhiều trái cây và chất xơ và uống nhiều nước để giữ cho phân mềm sau khi phẫu thuật. Thuốc làm mềm phân và thuốc nhuận tràng thường được kê đơn sau khi phẫu thuật nhằm giúp ngăn ngừa táo bón.
2.5 Tắm sau khi phẫu thuật
Bạn có thể tắm ngay khi có nhu cầu. Nhiều người tắm vào ngày ngay sau khi phẫu thuật. Tránh ngâm vùng phẫu thuật trong nước quá lâu. Nên tắm vòi hoa sen trong 6 tuần đầu sau phẫu thuật khi vết khâu âm đạo vẫn còn mới.
2.6 Ăn uống sau phẫu thuật
Bạn có thể ăn uống như bình thường ngay khi cảm thấy thèm ăn trở lại sau ca mổ. Bạn có thể ăn bất kỳ loại thực phẩm nào bạn muốn, tuy nhiên, hãy hướng đến những thực phẩm bổ dưỡng giúp cơ thể bạn mau phục hồi. Cố gắng ăn thực phẩm giàu protein và chất xơ. Uống nhiều nước để giữ cho phân mềm (khoảng 2 lít mỗi ngày).
2.7 Tập thể dục sau phẫu thuật
Đi bộ là một hình thức luyện tập tốt vì ít gây căng thẳng cho vết thương sau phẫu thuật, rèn luyện sức khỏe cho phổi và có thể ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu. Bắt đầu bằng cách đi bộ bên ngoài phòng bệnh của bạn vào ngày sau khi phẫu thuật. Sau khi bạn xuất viện, hãy tiếp tục đi bộ hàng ngày quanh nhà hoặc khu vực lân cận.
Bài tập sàn chậu thường là an toàn để bắt đầu các bài tập sàn chậu khi bạn cảm thấy sẵn sàng, thường là 1 đến 2 tuần sau khi phẫu thuật. Thảo luận điều này với bác sĩ của bạn.
Bài tập khác: Không cố gắng tập thể dục để tăng cường thể lực trong ít nhất 6 tuần sau khi phẫu thuật. Tránh mang hoặc nâng đồ vật nặng hơn 9kg (ví dụ như trẻ em, túi nặng, v.v.) và tránh các bài tập có tác động mạnh (tức là chạy, tập gym, cử tạ, cưỡi ngựa, v.v.). Những hoạt động này gây áp lực lên vết mổ trước khi nó lành hẳn. Điều này có thể ngăn cản quá trình chữa lành vết thương và làm tăng nguy cơ tái phát sa tạng.
2.8 Giao hợp sau phẫu thuật
Tránh giao hợp bằng đường âm đạo hoặc đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo ít nhất 6 tuần sau khi phẫu thuật. Các vết khâu trong âm đạo có thể bị tổn thương nếu bạn chèn bất cứ thứ gì vào âm đạo trong thời gian này. Bác sĩ sẽ đánh giá bạn tại buổi khám hậu phẫu và cho bạn biết khi nào thì an toàn để tiếp tục giao hợp qua đường âm đạo. Khi bạn tiếp tục giao hợp qua đường âm đạo, bạn có thể hơi khó chịu khi bắt đầu, vì vậy hãy thực hiện mọi thứ từ từ và nhẹ nhàng. Việc sử dụng chất bôi trơn âm đạo được khuyến khích. Nếu giao hợp vẫn không thoải mái sau 3-4 tháng giao hợp thường xuyên, hãy tìm lời khuyên từ bác sĩ.
2.9 Trở lại làm việc sau khi phẫu thuật
Hầu hết bệnh nhân trở lại làm việc sau khoảng 6 tuần. Điều này thay đổi và tùy thuộc vào phẫu thuật, khả năng phục hồi và loại công việc mà bạn làm. Bạn có thể cố gắng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhẹ nhàng khi bạn mới đi làm trở lại, đặc biệt nếu công việc của bạn liên quan đến việc đứng lâu hoặc khuân vác nặng. Đội ngũ y tế của bạn sẽ thảo luận điều này với bạn.
=> Lời khuyên từ Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long: Sau phẫu thuật 24 giờ, nếu bệnh nhân còn đau vết mổ nên việc sinh vùng kín cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Thực tế để việc phẫu thuật vùng kín được an toàn, ít tồn tại rủi ro thì việc phẫu thuật đòi hỏi phải được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn vững, đảm bảo các điều kiện tốt. Vì vậy, bạn nên chọn những bệnh viện, cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có chuyên môn giỏi để thực hiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.