Nổi mề đay là một bệnh da liễu rất phổ biến với mức độ nguy hiểm không nặng nhưng ảnh hưởng khá rõ ràng đến cuộc sống người bệnh. Hầu hết bệnh nhân gặp phải tình trạng này không biết cách trị nổi mề đay tại nhà như thế nào, đặc biệt là cách trị nổi mề đay cho trẻ.
1. Bản chất nổi mề đay là gì?
Nổi mề đay là một triệu chứng viêm da xảy ra dưới tác động của histamin, gặp ở mọi lứa tuổi và đặc biệt là ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng nổi mề đay như mề đay do dị ứng thuốc, dị ứng thực phẩm hay một số bệnh lý dị ứng khác... Cơ chế chung của tình trạng này là do kích hoạt quá trình sản sinh ra histamin.
Ngoài ra, tình trạng nổi mề đay còn xảy ra do các nguyên nhân khác như căng thẳng tinh thần, cơ thể phản ứng với ánh sáng mặt trời, nhiễm trùng hoặc nhiệt độ môi trường thay đổi bất thường. Biểu hiện chung của nổi mề đay là những mảng phát ban, mẩn ngứa kèm sưng, đỏ trên bề mặt da. Nếu không chữa trị, mề đay có thể mất dần theo thời gian và biến mất hoàn toàn sau một vài ngày. Tuy nhiên, những trường hợp nổi mề đay gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy hay đau nhức có thể áp dụng một số cách trị nổi mề đay tại nhà để rút ngắn quá trình lành bệnh.
Mề đay có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể, bao gồm môi, vùng mặt, cổ họng, lưỡi hoặc tai. Một số người hiểu lầm tình trạng nổi mề đay với tình trạng phù mạch vì cả 2 cùng có một số dấu hiệu và triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, phù mạch xảy ra dưới da trong khi mề đay xuất hiện trên bề mặt, bên cạnh đó những vị trí hay bị phù mạch bao gồm vùng da quanh mắt, bàn tay, bàn chân hoặc bộ phận sinh dục. Phù mạch có thể kéo dài lâu hơn mề đay nhưng nếu được điều trị đúng sẽ biến mất nhanh chóng trong vòng 24 giờ. Một điểm khác biệt nữa giữa phù mạch và mề đay chính là mức độ nghiêm trọng, một số người bị phù mạch lưỡi, cổ họng hoặc phổi có thể dẫn đến tình trạng khó thở, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được nhân viên y tế can thiệp kịp thời.
Mặc dù chứng mề đay có thể tự khỏi theo thời gian, nhưng một số trường hợp mề đay kéo dài sẽ chuyển sang dạng bệnh mãn tính và gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng như phổi và đường tiêu hóa. Khi đó một số triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em. Do đó, việc áp dụng cách trị nổi mề đay đúng và kịp thời đóng vai trò rất quan trọng.
Trong các nguyên tắc điều trị nổi mề đay, điều đầu tiên là cần loại bỏ các yếu tố có thể gây kích ứng cho cơ thể. Đồng thời, việc sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ các loại thuốc như thuốc kháng histamin, corticosteroid hay một số thuốc sinh học khác sẽ giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi những triệu chứng khó chịu trên da. Bên cạnh các cách trị nổi mề đay bằng thuốc, người bệnh có thể áp dụng thử những cách chữa mề đay tại nhà bằng các phương pháp tự nhiên.
2. Nổi mề đay và cách trị tại nhà
Dưới đây là một số cách trị nổi mề đay nhanh nhất bằng những nguyên liệu dễ kiếm, thực hiện dễ dàng và mang lại hiệu quả nhất định.
2.1. Chườm lạnh
Giai đoạn mề đay mới khởi phát, cơ thể trẻ xuất hiện những nốt mẩn đỏ, sau đó nóng và ngứa ngáy tăng dần, khiến bé cảm giác rất khó chịu. Lúc này, cha mẹ có thể sử dụng vài viên đá lạnh cho vào túi vải kín và đặt lên vùng da nổi mẩn. Cách trị nổi mề đay cho trẻ này phải đảm bảo túi vải sạch sẽ để tránh hiện tượng bội nhiễm cho vùng da tổn thương.
Chườm lạnh cần thực hiện 2 đến 3 lần trong ngày, mỗi lần khoảng 30 phút để giúp cảm giác ngứa ngáy khó chịu nhanh chóng biến mất và chờ mề đay lặn xuống theo thời gian. Tuy nhiên, đây không phải là cách trị nổi mề đay triệt để, do đó người bệnh cần kết hợp sử dụng một số loại thuốc để bệnh nhanh chóng thuyên giảm.
2.2. Cách trị nổi mề đay tại nhà bằng gừng
Gừng vốn là một loại gia vị quen thuộc trong gian bếp của người Việt vì mùi hương và khả năng kích thích vị giác. Ngoài ra theo Y học Cổ truyền, gừng là một vị thuốc chữa nhiều loại bệnh với khả năng chăm sóc sức khỏe rất tốt. Gừng làm ấm bụng, hỗ trợ điều trị tình trạng hạ huyết áp, có tính sinh, kháng viêm rất tốt, do đó nó được ứng dụng trong các bài thuốc điều trị các bệnh lý như nổi mề đay, viêm họng, viêm xoang, cảm cúm, cảm lạnh...
Người bệnh có thể áp dụng cách trị nổi mề đay nhanh nhất bằng gừng tại nhà theo các bước đơn giản như sau:
- Chuẩn bị: 50g gừng tươi đã được thái lát mỏng, 100g đường mía nguyên chất (cô đặc), 1⁄2 bát giấm;
- Tiến hành đun sôi hỗn hợp gồm giấm, đường mía và gừng tươi, sau đó để nguội;
- Mỗi lần sử dụng, người nổi mề đay lấy hỗn hợp nước như trên pha chung với nước ấm và uống 3-4 lần mỗi ngày sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
2.3. Cách trị nổi mề đay bằng nha đam
Nha đam là một nguyên liệu quý đối với phụ nữ trong lĩnh vực làm đẹp cũng như chăm sóc sức khỏe. Loại thảo dược còn mang lại hiệu quả rất tốt trong việc giữ ẩm và dưỡng da. Vì những tác dụng như trên, nha đam đã được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc hỗ trợ giảm kích ứng, nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy do nổi mề đay gây nên.
Thành phần nha đam có chứa hàm lượng cao các hoạt chất thiết yếu cho tế bào da như vitamin, acid cinnamic... Đồng thời, nha đam còn mang lại tác dụng kháng viêm, giảm ngứa ngáy và se khít lỗ chân lông.
Cách trị nổi mề đay bằng nha đam có thể áp dụng tại nhà một cách dễ dàng theo các bước như sau:
- Tiến hành loại bỏ phần vỏ xanh bên ngoài của nha đam, sau đó rửa sạch phần nhựa và giữ lại phần thịt trắng bên trong;
- Người bị nổi mề đay dùng phần thịt nha đam xoa nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương để giảm kích ứng, mẩn đỏ.
2.4. Cách trị nổi mề đay nhanh nhất bằng lá bạc hà
Theo y học cổ truyền, lá bạc hà có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau ngứa rất hiệu quả. Do đó, loại cây này thường xuất hiện trong các bài thuốc chữa viêm họng, viêm mũi xoang...
Trong cách trị nổi mề đay bằng lá bạc hà, người bệnh có thể thực hiện theo các bước sau:
- Lấy một ít lá bạc hà đem rửa sạch, sau đó chà xát cho lá hơi nát một chút;
- Sau đó cho lá bạc hà vào nước tắm hoặc đắp trực tiếp lên vùng da nổi mề đay.
2.5. Nổi mề đay và cách trị bằng lá khế
Lá khế được xem là một loại thảo dược trong các bài thuốc trị bệnh da liễu như ghẻ lở, viêm da cơ địa, nổi mề đay hay dị ứng da...
Thành phần lá khế có nhiều tinh chất có tác dụng chống oxy hóa, ức chế sự phát triển của vi khuẩn và thúc đẩy quá trình phục hồi da. Người bị nổi mề đay có thể lấy lá khế chữa bệnh theo 3 cách sau:
- Cách 1: Tắm nước lá khế: Đây là cách trị nổi mề đay bằng lá khế phổ biến nhất. Người bệnh lấy một nắm lá khế tươi, đem rửa sạch rồi đun lấy nước tắm cách mỗi 2 ngày, các ngày còn lại thì tắm nước sạch bình thường;
- Cách 2: Đắp lá khế nóng lên da: Lựa chọn những chiếc lá khế tươi đã rửa sạch, để ráo nước rồi đem rang nóng. Sau đó, người bệnh bọc những lá khế này trong vải mỏng rồi rồi đắp lên vùng da nổi mề đay. Lưu ý tránh làm bỏng da, lá khế nguội có thể rang nóng lại rồi đắp tiếp;
- Cách 3: Đắp lá khế với muối tinh: Giã nát lá khế tươi, thêm vào một chút muối tinh rồi trộn đều. Người nổi mề đay lấy hỗn hợp này đắp lên da khoảng 15 phút, sau đó rửa lại với nước sạch.
2.6. Cách trị nổi mề đay bằng lá trầu không
Sử dụng lá trầu không trị bệnh mề đay đã được áp dụng rộng rãi với hiệu quả tương đối cao. Loại thảo dược phổ biến này có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm nên được ứng dụng để chữa chứng mề đay, mẩn ngứa bằng các cách sau:
- Cách 1: Lấy một nắm lá trầu không tươi, ưu tiên lá sạch, không hỏng, không sâu, đem đi đun với nước, cho thêm 1 ít muối trắng. Người bệnh dùng hỗn hợp nước này để tắm mà không cần pha loãng;
- Cách 2: Sử dụng lá trầu không sạch sẽ, không sâu đem ngâm với nước muối pha loãng rồi để cho ráo nước. Sau đó tiến hành giã nát rồi đắp lên vùng da nổi mề đay trong thời gian 30 phút, đến khi lá khô thì bỏ đi và rửa da lại bằng nước sạch.
2.7. Lá trà xanh trị mề đay
Tương tự đặc điểm của lá trầu không, trà xanh cũng rất dễ kiếm và giá thành rẻ. Thành phần lá trà xanh bao gồm các hoạt chất chống oxy hóa (như polyphenol và catechin) và đặc biệt là hàm lượng cao EGCG mang lại khả năng kháng viêm, chống oxy hóa và bảo vệ tế bào da khỏi các gốc tự do.
Các cách trị nổi mề đay nhanh nhất bằng lá trà xanh:
- Cách 1: Lá trà xanh rửa sạch đem đun nước tắm mỗi ngày;
- Cách 2: Sử dụng lá trà xanh nấu nước uống thay thế cho nước lọc hằng ngày. Việc uống nước lá trà xanh mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng, giúp đẹp da và hạn chế các bệnh về da...
3. Một số biện pháp khác hỗ trợ điều trị nổi mề đay
3.1. Lựa chọn trang phục rộng rãi
Những người cơ địa hay bị nổi mề đay khi mặc đồ có thể gặp hiện tượng các sợi vải chà xát vào da và dẫn đến tăng dấu hiệu ngứa, nổi mẩn đỏ và còn làm tổn thương thêm tế bào biểu bì da. Do đó, người bệnh nổi mề đay nên lưu ý lựa chọn những bộ quần áo rộng rãi, thoải mái, thoáng mát để mặc hằng ngày.
3.2. Bổ sung chất xơ, vitamin A, C, E
Trong chế độ dinh dưỡng của người nổi mề đay nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ và các loại vitamin như rau xanh, hoa quả tươi để hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể và chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
3.3. Thoa kem làm dịu và giảm kích ứng da
Theo Y học, các loại thuốc mỡ hoặc kem bôi ngoài da có thành phần corticosteroid mang lại tác dụng làm dịu các cơn ngứa, hỗ trợ làm mềm da và hạn chế kích ứng. Tuy nhiên, các thuốc này cần được sử dụng hợp lý theo đúng sự chỉ định của bác sĩ da liễu để tránh tác dụng phụ.
3.4. Sử dụng kem dưỡng ẩm
Làn da thiếu ẩm rất dễ gặp hiện tượng khô và ngứa, đặc biệt nghiêm trọng hơn mỗi khi bị nổi mề đay. Để hỗ trợ tăng hiệu quả của các cách trị nổi mề đay tại nhà khác, người bệnh nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm, hỗ trợ bảo vệ tế bào da, giảm ngứa, chống lại tác nhân gây hại từ bên ngoài.
3.5. Sử dụng bột yến mạch
Bột yến mạch pha với nước được biết đến là một trong những hỗn hợp thiên nhiên có tác dụng giữ ẩm, giảm ngứa cho da. Mỗi khi nổi mề đay, người bệnh có thể sử dụng hỗn hợp này đắp lên da, từ đó cảm nhận da mềm và dễ chịu hơn nhiều.
3.6. Bôi giấm táo
Giấm táo chứa nhiều Axit Axetic, có khả năng kháng khuẩn và tiêu viêm rất tốt. Khi tình trạng nổi mề đay chưa khiến da bị thương tổn quá nhiều, người bệnh có thể dùng giấm táo pha với nước ấm theo tỉ lệ 1:1, sau đó bôi trực tiếp lên da và duy trì khoảng 5 – 10 phút rồi rửa sạch lại bằng nước ấm.
3.7. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ ăn khoa học cho người nổi mề đay rất đơn giản, chỉ cần bổ sung đủ nước để hỗ trợ giải độc, thanh lọc cơ thể và duy trì độ ẩm cần thiết cho tế bào da. Kết hợp bổ sung thêm các loại rau củ quả tươi có tính mát, tiêu độc, giải nhiệt an toàn và hiệu quả như mướp đắng, mồng tơi... Bên cạnh đó, người nổi mề đay nên hạn chế tiêu thụ những loại trái cây, rau củ quả gây nóng trong người để tránh tình trạng nổi mề đay nặng hơn.
Các cách trị nổi mề đay kể trên có thể hỗ trợ cải thiện hoặc điều trị triệt để tình trạng nổi mề đay nhẹ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài bạn nên đi thăm khám bác sĩ để được kê thuốc điều trị triệt để.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.