Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Mặc dù đái dầm có thể là triệu chứng của bệnh lý tiềm ẩn, nhưng phần lớn trẻ đái dầm đều khỏe mạnh. Trên thực tế, chỉ khoảng 1% trẻ thường xuyên đái dầm là triệu chứng của một số bệnh lý tiềm ẩn. Đái dầm không có nghĩa là đứa trẻ cố tình làm như vậy và trẻ cũng không lười hay cố ý không vâng lời bố mẹ.
1. Các loại đái dầm
Có 2 loại đái dầm: tiên phát và thứ phát.
- Đái dầm tiên phát là đái dầm khi ngủ xảy ra từ thời thơ ấu và diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí có những trẻ chưa bao giờ được ngủ với giường khô ráo vào ban đêm.
- Đái dầm thứ cấp là trẻ đã có khoảng ít nhất 6 tháng không đái dầm, nhưng sau đó trẻ lại bắt đầu đái dầm trở lại.
2. Nguyên nhân gây ra đái dầm tiên phát?
Nguyên nhân có thể do một hoặc sự kết hợp các nguyên nhân sau đây:
- Trẻ không thể nhịn tiểu cho cả đêm.
- Trẻ không thức dậy khi bàng quang đã đầy.
- Trẻ tăng sản xuất nước tiểu vào buổi tối và đêm.
- Trẻ có ít có thói quen đi vệ sinh vào ban ngày. Nhiều trẻ vì mải chơi mà có thói quen bỏ qua cảm giác buồn đi tiểu và nhịn đi tiểu cho đến khi nào không thể nhịn nữa thì mới chịu đi tiểu. Khi trẻ nhịn tiểu, bố mẹ sẽ thấy trẻ đừng bắt chéo chân, căng mặt, vặn vẹo, ngồi xổm và dùng tay để giữ háng để trẻ kìm nước tiểu.
3. Nguyên nhân gây đái dầm thứ phát là gì?
Đái dầm thứ phát có thể là một dấu hiệu của bệnh lý thực thể hoặc vấn đề về cảm xúc. Ngoài triệu chứng đái dầm ban đêm, trẻ có đái dầm thứ phát có nhiều khả năng có các triệu chứng khác, như trẻ đái dầm ban ngày. Các nguyên nhân phổ biến của đái dầm thứ cấp bao gồm:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: dẫn đến kích thích bàng quang khiến trẻ có triệu chứng đau hoặc khó chịu khi đi tiểu, mót tiểu liên tục và đi tiểu thường xuyên. Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em có thể chỉ ra các vấn đề khác, như giải phẫu bất thường của hệ tiết niệu.
- Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao do đó cơ thể tăng loại nước thông qua đường nước tiểu để cố gắng loại bỏ đường trong máu. Dẫn đến người bệnh phải đi tiểu thường xuyên là triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường.
- Cấu trúc giải phẫu bất thường: Sự bất thường ở các cơ quan, cơ bắp hoặc dây thần kinh tham gia vào quá trình sản xuất và đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể có thể gây ra tình trạng đái không tự chủ hoặc các vấn đề về bệnh lý đường tiết niệu làm khởi phát triệu chứng đái dầm.
- Các vấn đề về hệ thần kinh: Bất thường trong hệ thống thần kinh, chấn thương hoặc bệnh lý của hệ thống thần kinh, có thể làm mất cân bằng dây thần kinh kiểm soát việc đi tiểu.
- Vấn đề về cảm xúc: Trẻ sống trong gia đình có cuộc sống căng thẳng, như bố mẹ có mâu thuẫn và đôi khi điều này khiến trẻ đái dầm. Hoặc những thay đổi lớn, như bắt đầu đi học, gia đình có thêm thành viên hoặc chuyển đến nhà mới, là những căng thẳng thường gặp khác cũng có thể gây ra đái dầm. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý, trẻ đang bị lạm dụng về thể chất hoặc tình dục đôi khi cũng sẽ bắt đầu đái dầm mặc dù trước kia trẻ không có đái dầm.
4. Đái dầm có di truyền hay không?
Đái dầm không di truyền trong gia đình mặc dù bố mẹ của trẻ đái dầm cũng đã từng như vậy. Hầu hết trẻ sẽ dừng đái dầm vào đúng khoảng tuổi mà bố mẹ đã làm trước kia.
5. Khi nào bố mẹ cần đưa trẻ đi khám?
Hầu hết trẻ đái dầm đều không có triệu chứng khác. Tuy nhiên, nếu trẻ có các dấu hiệu sau đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở Y tế để khám:
- Tăng số lần đái dầm
- Trẻ cảm thấy khó chịu hoặc nóng rát hoặc khóc khi đi tiểu
- Trẻ không muốn đi tiểu do đau đường tiết niệu
- Nước tiểu đục hoặc màu hồng, hoặc có vết máu trên quần lót hoặc đồ ngủ của trẻ
- Trẻ vào nhà vệ sinh để đi vệ sinh nhiều hơn bình thường
- Trẻ hay cáu gắt
6. Trẻ đái dầm nhiều phải làm sao?
Nếu trẻ đã được xác định không có tình trạng bệnh lý tiềm ẩn gây ra tình trạng đái dầm, thì trẻ sẽ không cần phải điều trị. Sau này, triệu chứng đái dầm có xu hướng sẽ tự giảm dần và biến mất. Tuy nhiên, nếu sau khi nói chuyện với bác sĩ và bạn quyết định điều trị cho trẻ bằng thuốc thì sau đây là một số lựa chọn. Hiện nay, có hai loại thuốc được FDA phê chuẩn dành riêng cho việc điều trị đái dầm là DDAVP và Tofranil. Các loại thuốc khác đôi khi được sử dụng để điều trị đái dầm bao gồm Ditropan và Levsin.
Điều trị bằng thuốc không hiệu quả với tất cả người bệnh và những loại thuốc này có một số tác dụng phụ hay gặp. Do đó, bạn cần thảo luận kỹ với bác sĩ để cân nhắc xem liệu điều trị bằng thuốc có phù hợp với con bạn không.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com