Cách lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm là kỹ thuật lấy một lượng máu, dịch tiết, chất thải hoặc tổ chức mô của bệnh nhân chuyển đến khoa xét nghiệm. Các kết quả xét nghiệm có ý nghĩa rất quan trọng trong chẩn đoán điều trị chăm sóc bệnh nhân.

1. Quy trình lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm

Độ chính xác của kết quả xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào quy trình lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm. Do vậy cần lưu ý và tuân thủ cách lấy mẫu bệnh phẩm và quy trình xử lý bệnh phẩm xét nghiệm để có kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

1.1. Nguyên tắc lấy mẫu bệnh phẩm

Việc lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vô cùng quan trọng, quyết định tới chất lượng mẫu bệnh phẩm trong xét nghiệm giải phẫu bệnh và tế bào, ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả chẩn đoán. Dù là mẫu tế bào, mẫu dịch hay mô thì khi thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm cần đảm bảo các yếu tố: Lấy trúng và lấy đủ.

  • Lấy trúng: Lấy bệnh phẩm ở đúng vùng tổn thương
  • Lấy đủ: Lấy đủ thành phần, đủ số lượng mẫu bệnh phẩm cần thiết để chẩn đoán.

Các mẫu bệnh phẩm thường được thu thập là mẫu máu, dịch mũi, dịch tỵ hầu, dịch hầu họng, dịch rửa mũi, súc họng, dịch phế quản, dịch phế nang, đờm, dịch não tủy, dịch nội khí quản, dịch phết trực tràng, phân, tinh dịch, nước tiểu, nước bọt, nốt phỏng, mảnh sinh thiết da.

Riêng với các bệnh phẩm xét nghiệm vi sinh thì có thêm các nguyên tắc thêm:

  • Lấy bệnh phẩm đúng thời điểm
  • Lấy theo đảm bảo vô trùng với những bệnh phẩm ở vị trí vô trùng
  • Lấy bệnh phẩm trước khi dùng kháng sinh
  • Gửi bệnh phẩm đến khoa xét nghiệm càng sớm càng tốt, trong vòng 2h.

1.2 Lấy bệnh phẩm máu

Tùy mục đích xét nghiệm như xét nghiệm hóa sinh, huyết học hay cấy máu thì sẽ yêu cầu dụng cụ chứa mẫu, ống chứa mẫu riêng. Ví dụ lấy máu để xét nghiệm công thức máu thì cần lấy vào ống tím có chất chống đông là EDTA, hóa sinh và miễn dịch vi sinh thì dùng ống chống đông Heparin, còn cấy máu tìm vi khuẩn thì cần lấy máu vào chai cấy máu chuyên biệt.


Lấy mẫu dịch ngoáy họng làm xét nghiệm
Lấy mẫu dịch ngoáy họng làm xét nghiệm

1.3 Lấy mẫu dịch tỵ hầu

Bước 1: Yêu cầu người bệnh ngồi yên, hơi ngửa mặt. Nếu là trẻ nhỏ thì cần có người lớn giữ.

Bước 2: Người lấy mẫu bệnh phẩm nghiêng đầu bệnh nhân ra sau khoảng 70 độ, đỡ tay phía sau cổ bệnh nhân.

Bước 3: Tay còn lại đưa tăm bông nhẹ nhàng vào mũi, vừa đẩy vừa xoay tăm bông đi nhẹ vào khoảng 1⁄2 độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía. Giữ tăm bông tại vị trí lấy mẫu dịch trong vòng 5 giây để lấy đủ dịch thấm tối đa.

Bước 4: Từ từ xoay và rút tăm bông ra. Đặt que tăm bông đã thấm dịch vào trong tuýp chứa 3ml môi trường vận chuyển và đem đi bảo quản.

1.4 Lấy mẫu dịch nội khí quản

Bước 1: Chỉ áp dụng cho những bệnh nhân đang thở máy và đặt nội khí quản

Bước 2: Dùng ống hút dịch đặt theo đường nội khí quản, và dùng bơm tiêm hút dịch nội khí quản theo đường ống đã đặt.

Bước 3: Chuyển dịch nội khí quản vào tuýp nhựa chứa môi trường vận chuyển vi rút.

1.5 Lấy mẫu dịch ngoáy trực tràng và mẫu phân

Bước 1: Yêu cầu người bệnh nằm nghiêng 1 bên sang trái, gập đùi sát bụng.

Bước 2: Thấm ướt tăm bông bằng nước muối vô trùng, luồn tăm bông qua khỏi cơ vòng hậu môn và xoay nhẹ nhàng.

Bước 3: Rút tăm bông ra và kiểm tra để bảo đảm đầu tăm bông có dính phân. Nếu là phân sệt thì lấy khoảng 4-5g (bằng đầu ngón tay cái), nếu là phân lỏng thì lấy khoảng 5ml bệnh phẩm.

Bước 4: Đặt tăm bông vào tuýp chứa môi trường vận chuyển và bảo quản. Lưu ý nhớ bẻ phần trên tăm bông để không chạm vào tuýp và xoáy chặt nút

1.6 Lấy mẫu dịch não tủy

Riêng mẫu dịch não tủy phải cần nhân viên y tế có kinh nghiệm lâu năm lấy mẫu. Dịch não tủy sẽ được hứng trực tiếp vào các tuýp có nắp xoáy. Thường sẽ cần ít nhất 0,5 ml dịch não tủy trong một tuýp và thu thập ra làm 3 tuýp riêng biệt.


Công đoạn lấy mẫu dịch não tủy
Công đoạn lấy mẫu dịch não tủy

1.7 Lấy mẫu nước tiểu

Bước 1: Bệnh nhân được hướng dẫn cụ thể cách lấy mẫu nước tiểu. Người bệnh nên rửa qua cơ quan sinh dục ngoài bằng xà phòng, nước muối hoặc nước sạch trước khi lấy mẫu.

Bước 2: Dùng lọ để lấy nước tiểu và chỉ lấy nước tiểu vài giây sau khi bắt đầu. Bệnh nhân đi tiểu trực tiếp vào lọ nhựa, tránh không chạm vào bên trong hoặc vành của lọ nhựa.

Bước 3: Nhân viên y tế dán nhãn lọ đựng nước tiểu. Bảo đảm lọ đựng nước tiểu sẽ không bị rò rỉ.

1.8 Lấy nốt phỏng, vảy trên da

Đối với vảy da, nhân viên y tế lấy vảy da tại nơi tổn thương (vết loét) chuyển vào dung dịch Phosphate buffered saline (PBS) hoặc nước muối sinh lý.

Đối với dịch tại nốt phỏng, nhân viên thực hiện theo các bước:

Bước 1: Dùng bông thấm cồn lau sạch nhẹ nhàng vùng da quanh các nốt phỏng.

Bước 2: Làm vỡ các nốt phỏng hoặc miết nhẹ đầu tăm bông, lấy mẫu bệnh phẩm vùng viền hoặc đáy của tổn thương.

Bước 3: Đặt que tăm bông có bệnh phẩm vào môi trường vận chuyển, vặn chặt nắp và bảo quản.

Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, cần ghi rõ họ tên, tuổi, số giường, tên khoa vào ống đựng bệnh phẩm của người bệnh trước khi gửi đến phòng xét nghiệm. Sau đó nhân viên y tế ghi thông tin vào bệnh án bao gồm: ngày, giờ thực hành kỹ thuật, tình trạng bệnh nhân trước, trong và sau khi thực hiện kỹ thuật, ký tên xác nhận.


Hình ảnh vảy trên da
Hình ảnh vảy trên da

2. Quy trình bảo quản mẫu bệnh phẩm

Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm, bệnh phẩm cần được bảo quản đúng quy trình bởi nếu bảo quản sai có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

  • Bệnh phẩm tế bào phết lam cần được để khô hoàn toàn trước khi vận chuyển, tránh sự ẩm mốc, bám bẩn vào lam kính, nhất là mặt lam có bệnh phẩm. Nên dùng hộp inox có rãnh để cố định 2 đầu lam kính, tránh rơi vỡ, va đập trong quá trình vận chuyển. Lam kính và lọ đựng bệnh phẩm cần dán đúng mã, ghi đầy đủ thông tin nhận biết để tránh nhầm lẫn.
  • Bệnh phẩm dịch cần được đựng trong lọ chịu được va đập, có nắp đậy để tránh tràn đổ và mất bệnh phẩm. Không cần cố định bằng formol nếu được phết lam trong vòng 12h. Nếu bảo quản bệnh phẩm trong tủ lạnh 2 - 4 độ C thì để được trong vòng 72h. Nếu cần bảo quản thời gian dài có thể cố định bằng Ethanol 50% tỷ lệ 1:1 tùy theo thể tích.
  • Bệnh phẩm là mẫu mô (sinh thiết hoặc bệnh phẩm mổ) cũng cần phải được cố định bằng formol ngay sau khi lấy. Formol giúp ngấm nhanh vào các tổ chức, tế bào, giúp bảo toàn hay chỉ làm thay đổi rất ít cấu trúc cơ bản của tổ chức và tế bào, chống lại sự tiêu hủy do men nội bào và chống được sự nhiễm trùng.

Bệnh phẩm được bảo quản theo quy trình
Bệnh phẩm được bảo quản theo quy trình

3. Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm

Việc thu thập lấy mẫu bệnh phẩm phải bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu, người được lấy mẫu, nhân viên y tế và những người xung quanh. Trước khi tiến hành lấy mẫu cần chuẩn bị dụng cụ lấy mẫu phù hợp, xác nhận và điền đầy đủ thông tin bệnh nhân.

3.1 Đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu

  • Lựa chọn và sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp (găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ..v.v.)
  • Rửa/sát khuẩn tay trước và sau khi lấy mẫu (tiếp xúc với bệnh phẩm).
  • Được đào tạo/ tập huấn kỹ năng lấy mẫu chuyên nghiệp, thành thục.
  • Thực hiện đúng quy trình lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định.
  • Thu dọn và xử lý dụng cụ đúng quy định.

3.2 Đảm bảo an toàn cho người được lấy mẫu

  • Sử dụng dụng cụ lấy mẫu dùng 01 lần.
  • Khử trùng dụng cụ trước khi lấy mẫu bệnh phẩm.
  • Sát khuẩn trước dụng cụ bằng cồn.
  • Lấy mẫu ở khu vực riêng biệt, riêng tư, đảm bảo sạch sẽ.

3.3 An toàn cho nhân viên y tế

Thực hiện đóng gói, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm phù hợp.


Phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Vinmec
Phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Vinmec

3.4 An toàn cho những người xung quanh (cộng đồng)

  • Thu gom và xử lý chất thải bệnh phẩm từ phòng xét nghiệm theo cách phù hợp.
  • Khử nhiễm thích hợp.
  • Xử lý sự cố tràn đổ (nếu có) đúng quy trình.

Có nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm thu được. Tuy nhiên, cách lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu là 3 yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng mẫu bệnh phẩm và ảnh hưởng chính tới kết quả chẩn đoán.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe