Tim đập chậm, nhịp không đều gây nguy hiểm tới người bệnh. Do đó, biết các cách làm tăng nhịp tim sẽ giúp bạn phòng ngừa những tình trạng nguy hiểm kéo theo như choáng, ngất, mệt mỏi triền miên.
1. Cách đo nhịp tim
Tự đo nhịp tim của chính bạn bằng việc bắt mạch. Bạn phải bắt mạch lúc đang nghỉ ngơi, sẽ không chính xác nếu bắt mạch sau khi vận động hoặc vừa mới thức giấc. Khi bắt mạch, cần ngồi xuống sao cho thư giãn và thoải mái nhất. Tiếp theo, xác định vị trí có mạch nảy lên ở phía cạnh ngoài của cổ tay. Sau đó, dùng đồng hồ đã cài đếm ngược 1 phút để đếm số lần mạch nảy lên khi bạn đang nghỉ ngơi. Khi nhẩm đếm cần hít thở đều, để có kết quả chính xác nhất.
Ngoài ra, còn có một số vị trí khác có thể đo được, như là: Vùng cổ (động mạch cảnh), vùng bẹn (động mạch đùi), bàn chân (động mạch chày sau hoặc động mạch mu bàn chân). Nhịp tim bình thường của người lớn khi hoàn toàn nghỉ ngơi thoải mái là từ 60 đến 100 lần trong 1 phút. Trẻ em từ 1 đến 6 tuổi thì có nhịp tim bình thường từ 75 đến 120 lần trong 1 phút. Trẻ em độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi có nhịp tim bình thường từ 70 đến 110 lần trong 1 phút. Trẻ sơ sinh từ 0 đến 2 tháng tuổi có nhịp tim bình thường 100 đến 180 lần trong 1 phút. Trẻ nhỏ từ 2 đến 12 tháng có nhịp tim bình thường từ 80 đến 150 lần trên phút. Nhịp tim thấp là điều bình thường trong một số trường hợp như vận động viên, người thường xuyên tập thể thao,....
2. Nhịp tim chậm, nhịp tim không đều nguy hiểm không?
Khi nhịp tim đập nhanh trên 100 lần/phút và chậm dưới 60 lần/phút đều rất nguy hiểm. Bởi vậy mà người tim đập chậm cần biết cách làm tăng nhịp tim một cách tự nhiên, phòng ngừa tình trạng nguy hiểm kéo theo như choáng, ngất, mệt mỏi triền miên.
3. Nguyên nhân làm nhịp tim chậm
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến nhịp tim chậm:
- Rối loạn nhịp tim;
- Block tim, nhĩ thất, nhánh phải và trái;
- Ngoại tâm thu;
- Mất cân bằng nồng độ chất điện giải.
Nếu để nguyên mà không được xử lý tốt có thể dẫn đến biến chứng như: Choáng ngất, tim ngừng đột ngột, thậm chí nguy hiểm nhất là tử vong. Vì vậy, người bệnh cần biết cách tăng nhịp tim để tránh biến chứng nguy hiểm.
4. Triệu chứng của nhịp tim chậm
Nếu nhịp tim của bạn chậm hơn so với bình thường ở cùng lứa tuổi, não và các cơ quan khác không nhận đủ oxy có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Hoa mắt, mất ý thức, đau tức ngực;
- Khó kiểm soát hành vi, ngất xỉu hoặc bất tỉnh;
- Khó thở, cảm giác mất sức và yếu dần đi;
- Đau cánh tay;
- Thay đổi thị giác;
- Đau đầu và bụng, da niêm xanh nhợt nhạt.
5. Những cách làm tăng nhịp tim
5.1. Thay đổi lối sống và cách sinh hoạt
Bạn có thể bắt đầu bằng việc thay đổi cách ngồi, thay vì ngồi bằng ghế như bình thường thì hãy ngồi lên bóng cao su, để cho nhiều múi cơ được hoạt động. Không nên ngồi yên một chỗ, mà hãy đi lại, đạp xe, chạy bộ hay tập ngồi thiền, yoga, các bài thể dục nhịp điệu để cơ thể dẻo dai, trái tim khỏe.
5.2. Ăn gì để tăng nhịp tim?
Chế độ ăn cũng rất quan trọng trong việc làm tăng nhịp tim. Bạn nên giảm bớt đồ ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế sử dụng mỡ động vật để chiên rán, nên bổ sung nhiều vitamin, các loại thực phẩm nhiều khoáng chất như rau lá xanh, các loại hạt đỗ, sữa đậu, hạt điều,...
Trên đây là một số cách làm tăng nhịp tim mà Vinmec đã tổng hợp được. Sau khi áp dụng các phương pháp trên mà triệu chứng không cải thiện hoặc diễn biến nặng hơn, người bệnh nên đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.