Cách ăn khi bạn khó thở

Một trong các triệu chứng của COPD- bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là khó thở. Tình trạng khó thở gây cản trở nhiều hoạt động sống của người bệnh, kể cả ăn uống. Người bệnh có thể cảm thấy cạn kiệt năng lượng và suy dinh dưỡng vì chứng khó thở khi ăn. Vậy khi bị khó thở khi ăn bạn nên làm gì?

1. Ăn gì khi bị khó thở?

1.1 Ưu tiên ăn thực phẩm bổ dưỡng

Vì một số người bị COPD thường gầy hoặc thậm chí bị suy dinh dưỡng do phải sử dụng lượng calo gấp 10 lần so với người thường, nên tốt nhất bạn nên chọn thực phẩm chứa nhiều calo để giữ cho mức năng lượng của bạn luôn cao, điều này sẽ tác động tích cực đến nhịp thở của bạn, giúp bạn cải thiện tình trạng khó thở khi ăn. Hãy thử lấp đầy đĩa thức ăn với chất béo thực vật như dừa, các loại hạt, trái cây, rau củ để cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cần thiết giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng và viêm nhiễm.

1.2 Bổ sung protein

Protein đóng một vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của mọi người, nhưng điều đó đặc biệt đúng khi bạn bị COPD. Cố gắng ăn một thực đơn lành mạnh ít nhất hai lần một ngày để tăng cường cơ thở và ngăn ngừa nhiễm trùng. Các loại thức ăn giàu protein gồm trứng, thịt nạc, cá, thịt gia cầm, các loại đậu và các loại hạt.

1.3 Ăn nhiều chất xơ hơn

Táo bón có thể gây đầy hơi và gây thêm áp lực lên cơ hoành. Thực phẩm giàu chất xơ như rau, các loại đậu khô, ngũ cốc nguyên hạt, gạo, ngũ cốc và trái cây tươi hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa nhờ tác dụng nhuận tràng tự nhiên của chúng giúp giảm tình trạng ăn vào khó thở. Bạn nên bổ sung từ 20 đến 35 gam chất xơ mỗi ngày.

1.4 Ăn thức ăn dễ nhai

Thức ăn khó nhai, khó nuốt khi ăn vào khó thở sẽ càng nhiều hơn thậm chí là nghẹt thở. Nhai quá nhiều cũng có thể làm giảm mức năng lượng của bạn trong bữa ăn, khiến bạn không thể hoàn thành bữa ăn của mình. Ăn những thức ăn dễ nhai sẽ giúp bạn tiết kiệm năng lượng để bạn giữ lại nhiều hơn cho quá trình thở. Ăn thức ăn mềm và được nấu chín kỹ, hoặc ăn thức ăn lỏng vào những ngày bạn cảm thấy đặc biệt mệt mỏi.

1.5 Giảm muối

Quá nhiều natri có thể làm giữ lại nước và điều này có thể ảnh hưởng đến hô hấp. Vì thế bạn nên ăn chế độ giảm muối bằng cách không thêm muối trong khi chế biến thức ăn và không ăn muối kèm các thực phẩm, hạn chế tiêu thụ những thực phẩm nhiều muối. Ngưng thói quen ăn những thức ăn chứa nhiều muối như: Dưa cà muối các loại, mắm tôm, mắm tép, đồ ăn đóng hộp...

1.6 Uống nước nhiều hơn

Ngoài việc để tâm đến phải ăn gì khi bị khó thở bạn còn cần lưu ý đến lượng nước uống vào để bổ sung cho cơ thể, đây cũng là một điều quan trọng để giữ cho đờm loãng và giảm bớt tình trạng khó thở khi ăn. Cố gắng uống nhiều nước trung bình từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên bạn nên hạn chế uống nước trong bữa ăn, vì sẽ khiến bạn cảm thấy no nhanh, đầy hơi, sau đó dẫn đến khó thở. Tránh các đồ uống có ga vì sẽ gây viêm và quá trình cacbonat hóa có thể làm bạn khó thở nhiều hơn.


Ăn vào khó thở bạn nên bổ sung đầy đủ lượng nước cho cơ thể
Ăn vào khó thở bạn nên bổ sung đầy đủ lượng nước cho cơ thể

2. Ăn như thế nào để cải thiện tình trạng khó thở khi ăn?

2.1 Ăn nhiều bữa hơn

Lượng thức ăn nạp vào quá nhiều trong một lần ăn sẽ tạo áp lực lên phổi và cơ hoành của bạn, khiến bạn khó thở khi ăn hơn. Thay vì ăn một ngày ba bữa chính, hãy ăn năm hoặc sáu bữa nhỏ. Điều đó cũng sẽ cung cấp cho bạn một nguồn năng lượng liên tục để bạn không cảm thấy mệt mỏi, giúp bạn dễ thở hơn đồng thời giảm nguy cơ ợ chua.

2.2 Ăn chậm

Ăn quá nhanh không chỉ cản trở quá trình tiêu hóa mà còn khiến bạn ăn nhiều hơn mức cần thiết, làm tiêu hao năng lượng thiết yếu của bạn, khiến bạn khó thở khi ăn nhiều hơn. Lần ăn tới hãy cố gắng kéo dài bữa ăn ít nhất 20 phút. Ăn chậm và nhai kỹ thức ăn, cố gắng hít thở có ý thức trong khi đang ăn.

2.3 Làm thông thoáng đường thở trước bữa ăn

Nếu bạn bị khó thở khi ăn ngày càng nhiều, hãy làm sạch đờm (chất nhầy) ra khỏi phổi khoảng một giờ trước khi ăn, đây là một phần quan trọng trong quản lý những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và có thể đặc biệt có lợi trước bữa ăn. Một số kĩ thuật để khai thông đường thở như: ho có kiểm soát, dẫn lưu tư thế, vỗ rung ngực để làm loãng đờm và đẩy nó ra.

2.4 Ngồi thẳng

Nằm, ngả người hoặc chùng người có thể gây áp lực lên phổi của bạn. Thay vào đó, ngồi thẳng người, giữ hai chân trên sàn nhà giúp giảm tình trạng khó thở khi ăn. Điều đó cho phép phổi của bạn mở rộng hoàn toàn và có thể hỗ trợ cả hô hấp và tiêu hóa.

2.5 Tập các phương pháp thở

Một trong các phương pháp tập thở cho bệnh nhân COPD là thở chúm môi, đây là một kĩ thuật thở hữu ích được sử dụng khi bạn khó thở. Nó có thể giúp bạn giảm lo lắng và hoàn thành bữa ăn của mình. Thực hiện thở chúm môi khi bạn cảm thấy khó thở khi ăn và bạn sẽ ngạc nhiên về sự khác biệt mà nó tạo ra.

Thả lỏng vai, sau đó khép miệng, hít thở bình thường bằng mũi trong 2 giây. Chu môi giống như bạn chuẩn bị thổi tắt một ngọn nến rồi thở ra bằng miệng từ từ trong 4 giây.


Phương pháp tập thở có thể giúp bạn giảm khó thở khi ăn
Phương pháp tập thở có thể giúp bạn giảm khó thở khi ăn

2.6 Nghỉ ngơi

Nếu bạn có xu hướng mệt mỏi khó thở khi ăn nhiều, hãy chợp mắt một chút trước khi ăn. Việc làm này có thể cung cấp cho bạn năng lượng cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy mệt sau khi ăn, tuyệt đối không nên nằm xuống nghỉ, ít nhất là 30 phút sau đó. Vì nó có thể khiến cơ thể bạn khó tiêu hóa thức ăn hơn.

2.7 Sắp xếp thời gian ăn uống

Sắp xếp các bữa ăn của bạn vào khoảng thời gian bạn có nhiều năng lượng nhất. Nếu bạn có xu hướng mệt mỏi vào lúc 5 giờ chiều, hãy dời giờ ăn tối lên một giờ. Và bữa tối không nhất thiết phải là bữa ăn chính trong ngày của bạn. Nếu mức năng lượng của bạn giảm dần trong ngày, hãy lên kế hoạch ăn nhiều hơn vào bữa sáng.

Với những cách ăn khi bị khó thở trên, bạn có thể áp dụng để giúp cho quá trình ăn uống trở nên dễ dàng hơn đối với người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe