Cách giúp làm sạch sản dịch sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Văn Lịnh - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Sản dịch sau sinh khiến chị em vô cùng khó chịu, sản dịch nếu kéo dài, ra quá ít hoặc quá nhiều... sẽ gây nguy hiểm cho phụ nữ sau sinh. Vậy nên, các mẹ cần biết cách làm sạch sản dịch, cũng như lưu ý trong cách sinh hoạt, nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe sau sinh.

1. Sản dịch sau sinh là gì?

Sản dịch là dịch tử cung và đường sinh dục chảy ra ngoài trong những ngày đầu tiên của thời kỳ hậu sản. Sản dịch bao gồm máu cục và máu loãng chảy từ niêm mạc tử cung nhất là từ vùng rau bám, các mảnh ngoại sản mạc, các sản bào, các tế bào biểu mô cổ tử cung và âm đạo bị thoái hóa và bong ra.

Trong 3 ngày đầu, sản dịch sau sinh gồm toàn máu loãng và máu cục nhỏ nên có màu đỏ sẫm. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8, sản dịch loãng hơn, chỉ còn là một chất nhầy có lẫn ít máu nên có màu nhạt dần. Từ ngày 9 trở đi sản dịch không có máu chỉ là một dịch trong hoặc trắng chứa lượng lớn bạch cầu và mô màng vỏ bị hoại tử... Hiện tượng này kéo dài 2-3 tuần nữa.

2. Vì sao lại xuất hiện sản dịch sau sinh?

Sản phụ có thể hiểu đơn giản đây chính là quá trình đào thải các chất cặn bã tích tụ trong tử cung sau 9 tháng 10 ngày mang thai. Còn về mặt khoa học, nguyên nhân xuất hiện sản dịch sau sinh là do nhau thai bong ra từ tử cung. Trong quá trình tử cung co bóp để hồi phục, lượng máu ứ đọng cùng các niêm mạc hoại tử cũng bị đào thải ra ngoài. Cổ tử cung sưng phù sau khi chuyển dạ cũng có những chất thải nhất định. Tập hợp các chất thải này sẽ được đẩy ra khỏi cơ thể sản phụ giúp chị em nhanh chóng ổn định sức khỏe sau sinh, đặc biệt là các bộ phận như tử cung, âm đạo trở lại tình trạng ban đầu như trước khi mang thai.

3. Làm gì để nhanh hết sản dịch sau sinh

Đối với các sản phụ mới sinh, việc chăm sóc cơ thể để nhanh hết sản dịch sau sinh rất quan trọng, giúp các mẹ mau phục hồi và tránh các vấn đề hậu sản như nhiễm trùng, sa tử cung hay mất máu nhiều. Một số cách tống sản dịch sau sinh mà mẹ có thể áp dụng như sau:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Sau khi sinh, tử cung tiếp tục co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài. Lúc này, vi khuẩn bên ngoài có cơ hội xâm nhập vào tử cung qua đường sinh dục, tử cung lúc này trở thành môi trường thuận lợi để gây viêm nhiễm âm đạo.

Do vậy việc vệ sinh vùng kín sau sinh lúc này rất quan trọng, chị em nên thay băng vệ sinh 4 - 6 giờ/lần, mỗi lần thay cần vệ sinh vùng kín bằng nước ấm, sau đó thì lau khô. Tốt nhất nên dùng nước đun sôi để nguội, hoặc nước ấm. Tắm gội hàng ngày, nhưng tắm nhanh trong phòng kín gió, sau đó lau khô người, sấy tóc.

  • Vận động và nghỉ ngơi thích hợp

Sản phụ cần phải nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng. Tuy nhiên, cũng không nên nằm quá nhiều. Nếu mệt, bạn hãy cử động chân, tay nhẹ nhàng trước khi ngồi dậy. Khi đã đỡ mệt, nên vận động nhẹ nhàng, việc nằm nhiều khiến cho máu huyết khó lưu thông.

Đối với sản phụ sinh mổ, cách làm sạch sản dịch sau sinh mổ là ngay sau khi ống thông tiểu được lấy ra, sản phụ có thể bước xuống giường, tập đi bộ trở lại. Mặc dù khi sinh mổ, bạn sẽ rất đau vì vết thương ở vết mổ, nhưng bạn không nên lười vận động, lười vận động sau khi sinh mổ làm cho nhu động ruột chậm hồi phục, từ đó dẫn đến chứng táo bón rất khó chịu

Việc vận động đi bộ ngắn giúp sản phụ sinh mổ phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ mắc biến chứng sau phẫu thuật như dính ruột, viêm tắc tĩnh mạch...

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

Sản phụ nên ăn thức ăn được nấu chín, ăn đầy đủ các chất bổ dưỡng như rau, cá, thịt, trứng, sữa, trái cây...

Tuyệt đối không kiêng khem, không ăn quá mặn. Tốt nhất, sản phụ nên ăn các loại thức ăn quen thuộc, dễ tiêu, hợp vệ sinh và uống nước đủ theo nhu cầu, dùng thuốc theo toa của bác sĩ.

  • Bổ sung vitamin và khoáng chất đúng cách

Vitamin và khoáng chất là những yếu tố rất cần thiết, không thể thiếu đối với cơ thể. Lượng vitamin, khoáng chất cần thiết rất nhỏ và đa số phải đưa từ bên ngoài vào nên được gọi là vi chất dinh dưỡng. Việc cung cấp dưỡng chất từ nguồn thực phẩm thường không đủ, vì thế phải bổ sung thêm bằng thuốc hoặc thực phẩm chức năng.


Bổ sung vitamin và khoáng chất đúng cách là vô cùng cần thiết
Bổ sung vitamin và khoáng chất đúng cách là vô cùng cần thiết

Một số loại vitamin, khoáng chất cho sản phụ như:

Canxi: Việc uống canxi nên được tiến hành vào buổi sáng, sau bữa ăn sáng khoảng 1 giờ, hoặc buổi trưa với nhiều nước, giúp chúng ta có cơ hội tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, giúp hấp thu canxi hiệu quả cao hơn.

Sắt: Sắt hấp thu tốt nhất khi dạ dày rỗng, vì vậy nên uống viên sắt trước bữa ăn 30 phút.

Vitamin A, vitamin D: Nên uống trong bữa ăn vì lượng chất béo có trong bữa ăn sẽ hòa tan các chất này, giúp cơ thể hấp thu tối đa.

  • Hãy cho bé bú thường xuyên

Đối với sản phụ sinh thường: Bạn nên cho bé bú càng sớm càng tốt, ngay sau khi bạn đã đỡ mệt, ngay cả khi chưa sữa chưa kịp về, việc bé mút núm vú sẽ tạo điều kiện kích thích để tạo sữa, do sữa non trong thời điểm này chứa lượng kháng thể rất lớn và rất tốt cho bé.

Đối với sản phụ sinh mổ: Các sản phụ thường có suy nghĩ không nên cho con bú ngay sau sinh mổ vì sợ có hại cho bé, sữa không kịp về hay sữa còn chứa thuốc mê ảnh hưởng đến trẻ, ... Tuy nhiên, đây là suy nghĩ không đúng, các chuyên gia y tế khẳng định, mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú ngay trong 1 giờ đầu sau sinh mổ nếu dùng hình thức gây tê cục bộ. Với những sản phụ đẻ mổ bằng cách gây tê toàn thân, thời điểm thông thường có thể bắt đầu cho bé bú là sau khoảng 4 – 6 tiếng đồng hồ, khi thuốc gây tê bớt tác dụng.

  • Những sai lầm cần tránh sau sinh

Không nằm gác chân lên nhau: Nhiều mẹ cho rằng sau sinh nên nằm chéo chân, thực chất đây là cách ngăn sản dịch thoát ra ngoài. Khi sản dịch không thoát được ra ngoài, thì sẽ gây bế sản dịch, rất nguy hiểm.

Không nên nịt bụng quá chặt sau sinh: Nịt bụng quá chặt sau sinh làm áp lực bên ngoài thành bụng tăng, cản trở hồi phục thành bụng, cản trở cơ quan sinh sản trở về vị trí ban đầu. Khi vị trí của cơ quan sinh sản thay đổi, thì sản dịch sẽ không được thoát hết ra ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe các sản phụ.

4. Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

  • Sản dịch có mùi hôi khó chịu, kéo dài quá 45 ngày.
  • Bạn cảm thấy ớn lạnh hoặc sốt trên 38 độ C.
  • Màu của sản dịch vẫn đỏ tươi và nhiều như trong tuần đầu tiên.
  • Máu chảy nhiều hơn và làm đầy miếng băng vệ sinh mỗi giờ.
  • Máu chảy nhiều hơn và có màu đỏ tươi bốn ngày sau khi sinh ngay cả khi bạn đã nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Có quá nhiều cục máu, một miếng băng có thể thấy hơn 50 cục.
  • Bạn cảm thấy chóng mặt và cơ thể bắt đầu yếu ớt.
  • Nhịp tim của bạn không đều hoặc bắt đầu đập rất nhanh.

Nếu có những dấu hiệu trên, khả năng lớn là sản phụ đã bị bế sản dịch, sản dịch vẫn còn ứ đọng lại trong tử cung hoặc mắc phải một số bệnh lý trong giai đoạn hậu sản, vì thế chị em cần nhanh chóng đi khám sản phụ khoa để tìm hiểu nguyên nhân và xử lý kịp thời.

Bác sĩ Lê Văn Lịnh có 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa. Với thế mạnh chuyên môn như điều trị các bệnh lý về sản phụ khoa, sàng lọc ung thư phụ khoa, sàng lọc ung thư tuyến vú và theo dõi thai kỳ,... bác sĩ Lịnh từng giữ chức vụ Trưởng khoa Sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ). Hiện bác sĩ Linh đang công tác tại khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe