Cách giãn cữ hút sữa mà không bị giảm sữa

Hút sữa là 1 phương pháp được nhiều mẹ bầu áp dụng nhằm cho bé ăn sữa ngay cả khi không có ti mẹ, đồng thời còn hỗ trợ điều chỉnh lượng sữa. Lúc mới sinh, sữa mẹ còn ít, nên cần tích cực hút để kích thích tiết sữa, về sau khi sữa mẹ tiết đều đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ, các mẹ có thể giãn các cữ hút sữa.

1. Thông tin chung về hút sữa

Hút sữa là phương pháp sử dụng máy hút để lấy sữa ra khỏi ngực của mẹ. Có 2 lý do phổ biến nhất của việc hút sữa ở các mẹ:

  • Nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và cho bé bú trực tiếp là cách tốt nhất để cung cấp sữa mẹ. Tuy nhiên trong thực tế, không phải lúc nào các bà mẹ cũng có thể ở cạnh trẻ và không phải lúc nào cũng có thể cho ti trực tiếp được. Việc hút sữa và trữ sữa nhằm mục đích cho bé bú ngay cả khi không có mẹ ở bên.
  • Sữa mẹ được tiết ra theo cơ chế cung và cầu, nghĩa là bé bú càng nhiều, vú mẹ càng mau trống thì tuyến sữa càng sản xuất ra nhiều sữa để có thêm sữa cho em bé tiếp tục sử dụng. Vì thế, trẻ bú nhiều hoặc mẹ hút sữa nhiều thì lại càng kích thích tăng lượng sữa. Vì thế, việc dùng máy hút sữa điều chỉnh được lượng sữa rất dễ dàng và chủ động.
  • Một số lý do ít gặp hơn như trẻ sinh non nằm trong khu vực chăm sóc đặc biệt nên không thể được ở cạnh mẹ, mẹ bị ốm phải cách ly với trẻ trong một thời gian ngắn, mẹ bị đau lưng sau sinh, trầm cảm sau sinh, mất ngủ hoặc chỉ đơn giản là muốn có giời gian nghỉ ngơi...

2. Cách hút sữa hiệu quả

Mặc dù máy hút sữa có các đặc điểm riêng, nhưng các bước cơ bản sẽ hầu như giống nhau. Các bà mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, nhất là những người sử dụng máy hút lần đầu tiên.

Sử dụng máy hút bằng điện:

  • Rửa tay thật sạch và kiểm tra các bộ phận của máy hút để đảm bảo nó hoạt động bình thường, đồng thời các bộ phận của máy đều sạch sẽ.
  • Chọn 1 tư thế ngồi thoải mái. Massage ngực bằng khăn ấm trước khi hút.
  • Đặt phễu hút vào quầng vú với núm vú phải ở giữa và ấn nhẹ vào vú. Phễu hút phải vừa vặn với núm vú tốt nhất phải lớn hơn núm vú từ 3 đến 4 mm, đồng thời không gây khó chịu cho mẹ.
  • Bật máy ở áp lực hút thấp, tăng dần đến khi đạt áp lực hút cao nhất mà các mẹ cảm thấy thoải mái. Hút mỗi bên vú khoảng 15 - 20 phút.
  • Sau khi hút sữa bằng máy, vắt sữa lại bằng tay để làm rỗng vú tốt hơn.
  • Nếu có thể hãy sử dụng máy hút đôi nhằm tiết kiệm thời gian.

Sử dụng máy hút bằng tay:

  • Rửa tay và máy hút để đảm bảo sạch sẽ.
  • Đầu tiên hãy vắt sữa bằng tay bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng từng bên, có thể dùng khăn ấm lau quanh vú trước khi xoa bóp.
  • Khi đã kích thích vú,đặt một núm vú vào giữa phễu của máy bơm và đặt nó nằm ngang so với vú.
  • Bóp máy vắt nhịp nhàng giống theo nhịp bú của trẻ.
  • Thực hiện các bước tương tự ở bên ngực còn lại.
  • Vắt sữa bằng tay cho đến khi cảm giác trống sữa.

3. Lịch hút sữa

Theo các chuyên gia, để đảm bảo cả nhu cầu của bé và cả thời gian cho sữa mẹ được sản xuất, các bà mẹ nên áp dụng lịch hút sữa theo nhiều thời gian khác nhau để đảm bảo đủ lượng sữa cho bé bú. Các chuyên gia có thể tư vấn cho mẹ bầu các lịch hút sữa L2, L3, L4, L5, L6... Tuy nhiên, hầu hết các mẹ thường áp dụng lịch từ L2 đến L5.

3.1. Lịch hút sữa L2 là gì?

Lịch hút sữa L2 tương ứng với thời gian cách nhau 2 tiếng đồng hồ giữa các cữ hút sữa. Điều này nghĩa là với mỗi ngày cần hút sữa từ 8 đến 10 cữ. Trên thực tế, lịch hút sữa L2 chỉ phát huy tác dụng tốt nhất với những bà mẹ mới sinh và đang trong thời gian nghỉ thai sản, bởi các mẹ hầu như phải dành cả ngày để hút sữa cho bé.

Thời gian của lịch hút sữa L2 như sau:

  • 7 giờ sáng (cữ đầu tiên);
  • 9 giờ sáng;
  • 11 giờ trưa ;
  • 13 giờ chiều;
  • 15 giờ chiều;
  • 17 giờ chiều;
  • 19 giờ tối;
  • 0 giờ sáng;
  • 3 giờ sáng;
  • 5 giờ sáng ngày hôm sau (cữ cuối cùng).

3.2. Lịch hút sữa L3 là gì?

Lịch hút sữa L3 tương ứng với thời gian cách nhau 3 tiếng đồng hồ giữa các cữ hút sữa. Điều này nghĩa là với mỗi ngày cần hút sữa 8 cữ. Trên thực tế, lịch hút sữa L3 phát huy tác dụng tốt nhất trong thời kỳ nuôi con từ 0 đến 2 tháng tuổi.

Thời gian của lịch hút sữa L3 như sau:

  • 7 giờ sáng (cữ đầu tiên);
  • 10 giờ sáng;
  • 12 giờ trưa;
  • 15 giờ chiều;
  • 18 giờ chiều;
  • 21 giờ tối;
  • 0 giờ sáng;
  • 4 giờ sáng hôm sau (cữ cuối cùng).

3.3. Lịch hút sữa L4 là gì?

Lịch hút sữa L4 tương ứng với thời gian cách nhau 4 tiếng đồng hồ giữa các cữ hút sữa. Điều này nghĩa là với mỗi ngày cần hút sữa từ 5 - 6 cữ. Nếu phân vân không biết nên áp dụng cách kích sữa L4 khi nào, thì hãy quan sát sức bú của bé và khả năng tiết sữa của mẹ. Sau khi trẻ 2 - 3 tháng tuổi, sức bú sẽ tăng rõ rệt. Khi mẹ áp dụng xong lịch hút sữa L3, sữa mẹ đã sản xuất ổn, sức bú của bé tăng rõ rệt thì có thể áp dụng lịch hút sữa L4

Thời gian của lịch hút sữa L4 như sau:

  • Đối với mẹ nghỉ thai sản: 8 giờ sáng - 12 giờ trưa - 16 giờ chiều - 20 giờ tối - 0 giờ sáng.
  • Đối với mẹ đã đi làm: 6 giờ sáng - 10 giờ sáng - 14 giờ chiều - 18 giờ tối hoặc 7 giờ sáng - 11 giờ trưa - 15 giờ chiều - 19 giờ tối.

3.4. Lịch hút sữa L5 là gì?

Lịch hút sữa L5 tương ứng với thời gian cách nhau 5 tiếng đồng hồ giữa các cữ hút sữa. Điều này nghĩa là với mỗi ngày cần hút sữa từ 4 - 5 cữ. Trên thực tế, lịch hút sữa L5 phát huy tác dụng tốt nhất khi bé ở sau 6 tháng tuổi.

Thời gian của lịch hút sữa L5 như sau:

  • 5 cữ mỗi ngày: 7 giờ sáng - 12 giờ trưa - 14 giờ chiều - 17 giờ chiều - 22 giờ tối.
  • 4 cữ mỗi ngày: 7 giờ sáng - 12 giờ trưa - 17 giờ chiều - 22 giờ tối.

4. Cách giãn cữ hút sữa mà không bị giảm sữa

Chắc hẳn nhiều bà mẹ nghĩ rằng nếu vẫn luôn duy trì 1 lịch hút sữa thì lượng sữa tiết ra càng nhiều hơn. Tuy nhiên, theo sự phát triển của trẻ, sức bú cũng sẽ dần tăng lên. Nếu mãi duy trì lịch hút sữa dày đặc sẽ làm giảm đi lượng sữa, khiến trẻ không sữa có để ti. Đồng thời, việc duy trì lịch hút sữa L2, L3 như khi mới sinh cực kỳ tốn thời gian khiến mẹ không có thời gian chăm sóc cho bản thân, gia đình, đặc biệt với những bà mẹ phải đi làm lại sớm.

Một trong các cách đơn giản để giãn cữ hút sữa là các mẹ hãy thay đổi lịch hút. Khi trẻ mới sinh, các mẹ sẽ áp dụng lịch hút sữa L2 trong khoảng 2 tuần. Sau đó điều chỉnh sang lịch hút sữa L3 trong 2 tháng tiếp theo. Khi lượng sữa đã ổn định, nhu cầu bú của bé cũng nhiều hơn, có thể điều chỉnh qua lịch hút sữa L4. Sau khi trẻ được 6 tháng, lịch hút sữa L5 sẽ phù hợp nhất đối với mẹ.

Cách giãn cữ này sẽ phù hợp với những bà mẹ ít bị tắc tia sữa. Do đó, với những người có cơ địa dễ tắc tia sữa hoặc có tiền sử bị tắc tia sữa, việc điều chỉnh lịch sẽ khiến cơ thể khó thích nghi hơn. Từ đó, gây ra tình trạng tắc tia mỗi lần các mẹ thay đổi lịch hút sữa, vì thế hãy nói chuyện với các chuyên gia chăm sóc để tránh gặp phải tình trạng này.

5. Khi nào nên giãn cữ hút sữa?

Nhiều bà mẹ nghĩ rằng khi trẻ càng lớn thì nên giãn cữ hút sữa. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo rằng nên giãn thời gian hút sữa dựa trên nhu cầu của trẻ chứ không nên dựa theo tuổi của trẻ. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy các mẹ nên giãn cữ hút sữa:

  • Trẻ bú mẹ nhiều hơn, lúc này nhu cầu của trẻ nhiều lên, mẹ không cần phải dành nhiều thời gian để hút sữa để trữ bên ngoài nữa. Thay vào đó hãy để sữa trong bầu ngực để trẻ bú ngay khi đói. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là mẹ bỏ hút sữa hoàn toàn mà chỉ nên giảm thời gian hút sữa trong ngày xuống bằng cách áp dụng lịch hút sữa L4 hoặc L5.
  • Việc hút sữa thường xuyên có thể giúp các tuyến sữa hoạt động hiệu quả, giúp cơ thể mẹ tiết sữa tốt hơn. Khi sữa mẹ đã được tiết đều đặn với lượng đủ đáp ứng đủ nhu cầu ti của trẻ, thì lúc này mẹ có thể giãn cữ hút sữa ra dài hơn. Đồng thời, đầu tư thời gian vào việc ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt và chăm sóc bản thân để có thể giúp tăng chất lượng sữa được tốt hơn.

Hút sữa là 1 phương pháp tuy đơn giản nhưng có thể mang lại những hiệu quả tích cực cho cả mẹ và bé. Việc giảm cữ hút sữa đúng cách và hợp lý vừa có thể giúp lượng sữa trong cơ thể mẹ không bị giảm đi, vừa có thể cho người mẹ nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc bản thân và gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe