Phụ nữ khi mang thai là khoảng thời gian cơ thể thay đổi nhiều nhất. Thời gian này thường sẽ gặp tình trạng buồn nôn/nôn, tăng cân, chảy máu, chuột rút, đau lưng, đau bụng,... và phù. Vậy cách giảm phù mặt khi mang thai như thế nào?
1. Những bộ phận dễ bị phù khi mang thai
Theo các chuyên gia thì thời kỳ mang thai cơ thể sẽ sản sinh nhiều hơn khoảng 50% máu và thể dịch để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Điều này có thể khiến cho bạn cảm thấy khó chịu và nặng nề. Dưới đây là một số bộ phận trên cơ thể dễ bị phù khi mang thai:
- Bàn chân: Có đến khoảng 90% phụ nữ khi mang thai bị sưng bàn chân. Để giảm thiểu tình trạng này, bạn nên ngâm chân với nước ấm pha chút muối hoặc có thể giảm sưng bằng cách nâng cao chân và tập một số bài tập cho chân để lưu thông máu tốt hơn.
- Môi: Sưng môi cũng là tình trạng khá phổ biến và do sự thay đổi hormone. Tuy nhiên tình trạng này cũng sớm giảm dần bằng cách massage môi bằng bơ hoặc dầu oliu.
- Ngực: Đau hoặc sưng ngực cũng là những rối loạn phổ biến ở phụ nữ mang thai. Theo các chuyên gia tình trạng này có thể giảm sau khi sinh em bé.
- Mũi: Hiện tượng sưng mũi trong thời gian mang thai là do sự thay đổi của hormone, tình trạng này cũng sẽ giảm khi bạn sinh con.
- Mắt cá chân và cẳng chân: Ngoài sưng bàn chân khi mang thai thì việc sưng mắt cá chân và cẳng chân cũng gặp phải rất nhiều. Do những áp lực từ vùng bụng khiến cho vùng chân bị sưng phù lên.
- Mặt: Sưng mặt khi mang thai cũng do thay đổi hormone. Cách giảm phù mặt khi mang thai, bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống bằng cách bổ sung một số thực phẩm giàu vitamin C.
- Lợi: Rất nhiều phụ nữ khi mang thai gặp tình trạng viêm lợi gây chảy máu chân răng. Để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng này hãy dùng chỉ nha khoa và đánh răng 2 lần/ngày, sáng tối.
- Tĩnh mạch: Thường gặp nhiều nhất ở những người bị giãn tĩnh mạch nhẹ trên cơ thể. Cách tốt nhất để xử lý tình trạng này là tăng cường độ lưu thông máu tới chân bằng việc mặc quần áo thoải mái và đi giày dép rộng.
- Âm đạo: Âm đạo sưng nhẹ khi mang thai là do cân nặng và lượng dịch trong tử cung và sẽ kết thúc khi em bé được sinh ra.
2. Những nguyên nhân gây sưng phù khi mang thai
Do lượng máu và chất lỏng bổ sung đáp ứng cho nhu cầu thai nhi phát triển lớn hơn khoảng 50% nên gây ra hiện tượng phù nề cho bà bầu. Sự gia tăng này rất cần thiết để người mẹ làm mềm cơ thể và nở rộng cho phép cơ thể đáp ứng nhu cầu lớn lên của thai nhi. Ngoài ra, chất lỏng này còn giúp cho xương chậu và các mô tế bào giãn ra khi em bé ra đời và chiếm khoảng 25% trọng lượng tăng thêm trong thời gian mẹ mang thai.
Tùy từng cơ địa của mỗi người mà phù nề có thể xuất hiện bất cứ giai đoạn nào khi mang thai, tuy nhiên thường gặp nhiều nhất ở tháng thứ 5 và tăng lên vào 3 tháng cuối thai kỳ. Dưới đây là một số nguyên nhân được xem là phổ biến nhất gây phù nề khi mang thai:
- Đứng lâu.
- Chế độ ăn ít kali
- Tiêu thụ nhiều caffein.
- Ăn nhiều muối.
- Làm việc vất vả.
- Thời tiết nóng bức.
Tuy nhiên, phù khi mang thai là dấu hiệu hết sức bình thường. Nhưng nếu như bạn bị phù đột ngột ở mặt và tay thì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Trường hợp này bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.
3. Những cách làm giảm phù nề khi mang thai
Chắc chắn rằng khi cơ thể bị sưng phù bất thường sẽ khiến cơ thể mẹ bầu khó chịu, khó di chuyển. Vậy phải làm sao để giảm thiểu tình trạng phù khi mang thai?
Nếu bạn bị phù do thiếu kali thì hãy nhanh chóng bổ sung kali vào thực đơn hàng ngày. Một số loại thực phẩm giàu kali mẹ bầu có thể tham khảo như: hoa quả, thịt gà, cá, thịt đỏ, sữa, sữa chua, rau xanh, sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt đều cung cấp kali cho bà bầu rất tốt. Ngoài ra một số thực phẩm chứa hàm lượng kali rất cao như: khoai lang nướng cả vỏ, sữa chua chứa, nửa bát súp cà chua, quả chuối chứa, rau chân vịt, dưa hấu, quả mơ khô, nước cam,.... Dấu hiệu cho thấy mẹ bầu đang thiếu kali như: Nôn, tiêu chảy, táo bón mãn tính, mệt mỏi, nhịp tim bất thường. Tốt nhất bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định kịp thời.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể thử một số cách giảm phù nề khi mang thai như:
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể, điều này giúp cho các hệ tiêu hóa, tiết niệu,..hoạt động tốt hơn khi mang thai. Ngoài ra cũng phòng tránh được quá trình tích tụ chất lỏng gây ra phù nề.
- Ăn nhạt, ăn ít muối và đồ ăn mặn dễ làm cơ thể bị trữ nước. Vì thế, nếu bạn có thói quen ăn mặn thì nên hạn chế ăn mặn khi mang thai để tránh hiện tượng phù nề.
- Không nên mặc quần áo quá thật, tránh đi tất hoặc đi giày chật vì nó càng làm cho hiện tượng phù nề gia tăng.
- Mẹ bầu cũng nên thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng khi mang thai, vì điều này sẽ giúp giảm và phòng tránh được phù nề. Một số hoạt động như đi bộ, bơi lội, tập aerobic...được coi là an toàn cho thai phụ. Những động tác giãn cơ hoặc tập yoga cũng có tác dụng chống lại phù nề khi mang thai một cách hiệu quả.
- Khi đi ngủ hoặc nằm nghỉ ngơi nên dùng gối kê chân cao hơn tim so với mặt đất cũng giúp phòng ngừa tình trạng sưng phù ở những tháng cuối thai kỳ hiệu quả.
- Tránh dùng những chất kích thích đặc biệt là hút thuốc lá.
- Mẹ bầu nên để chân được nghỉ ngơi, tránh đứng lâu hoặc ngồi quá lâu để không bị phù chân. Khi ngồi, cần chắc chắn cơ thể được ngồi thoải mái nhất, có thể kê chân lên bục hoặc kê gối.
Ngoài những cách làm giảm phù nề khi mang thai kể trên, mẹ bầu có thể áp dụng các phương pháp massage chân và cơ thể để vừa cải thiện tình trạng sưng phù, vừa tạo cảm giác thư giãn thoải mái khi mang thai những tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, nếu sưng phù không giảm qua vài ngày hoặc sau vài tiếng phù và trở nên ngày càng nặng hơn thì bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và nhận được giúp đỡ kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.