Cách giảm kích thước u xơ tử cung

U xơ tử cung là một bệnh lý lành tính thường gặp ở phụ nữ, nhất là trong độ tuổi sinh sản. Chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp có ảnh hưởng đến sự suy giảm kích thước của khối u xơ tử cung. Ngoài ra, sử dụng các loại thuốc hay thực hiện những bài tập giúp giảm kích thước u xơ tử cung cũng là một trong những phương pháp hỗ trợ cần được áp dụng.

U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung là một tân sinh tổ chức lành tính ở tử cung, chủ yếu là các nguyên bào sợi cơ sắp xếp một cách tự do, do sự phát triển quá mức của sợi cơ trơn và mô liên kết tại tử cung.

Các nghiên cứu in vitro chỉ ra rằng các thụ thể EstrogenProgesterone được tìm thấy trên các sợi cơ của tử cung có chứa u xơ nhiều hơn trên các sợi cơ của tử cung bình thường. Như vậy cả Hormone sinh dục Steroids như Estrogen và Progesterone đều có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của khối u xơ tử cung. Vì thế, hiện nay các thuốc có chứa thành phần 2 hormone này thường được chỉ định trong điều trị cũng như hỗ trợ làm giảm kích thước u xơ tử cung.

Vị trí thường gặp của khối u xơ tại tử cung thường là:

  • U xơ dưới niêm mạc.
  • U xơ trong cơ tử cung.
  • U xơ dưới thanh mạc.
  • U xơ tại cổ tử cung hoặc dây chằng rộng.

Yếu tố nguy cơ:

  • Chủng tộc: Người da đen thường nguy cao mắc bệnh u xơ tử cung.
  • Người có tiền sử mắc các bệnh lý phụ khoa như dậy thì sớm.
  • Người tiếp xúc với Diethylstilbestrol.
  • Rối loạn chuyển hóa: Béo phì, tăng lipid máu, tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang...
  • Các yếu tố di truyền như người mang gen HMGA2, CYP1B1, MED12, CYP1A1. Bệnh nhân có bất thường nhiễm sắc thể như Trisomy 12, mất đoạn hoặc đảo đoạn gen bẩm sinh.
  • Tiền sử có mẹ hay các chị em gái ruột bị u xơ tử cung.

2. Chẩn đoán u xơ tử cung

2.1. Chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng cơ năng:

  • Xuất huyết tử cung bất thường: Là tình trạng gặp ở khoảng 60% phụ nữ bị u xơ tử cung. Các biểu hiện chính là rong kinh kéo dài, ra nhiều máu, cường kinh...
  • Biểu hiện thiếu máu do rong kinh: Mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, da xanh xao, gầy sút...
  • Các triệu chứng do chèn ép vùng hạ vị như: Đau hạ vị, đau vùng hố chậu, nặng bụng. Khối u xơ chèn ép các tạng bên cạnh như đại tràng gây táo bón hoặc bàng quang gây bí tiểu, tiểu lắt nhắt...
  • Ra khí hư loãng do viêm âm đạo (hiếm gặp).

Triệu chứng thực thể:

  • Nhìn: Khối u xơ gồ lên ở vùng hạ vị thường là kích thước lớn.
  • Sờ: Sờ nắn bụng thấy khối u ở vùng hạ vị với mật độ chắc, có thể không đều và di động liên quan đến tử cung.
  • Thăm khám âm đạo kết hợp sờ nắn bụng có thể thấy kích thước tử cung to, mật độ chắc, ấn tức nhẹ tử cung, lay cổ tử cung thì khối u di động theo.
  • Đặt mỏ vịt: Phát hiện máu trong âm đạo do tình trạng rong huyết, thấy Polyp có cuống nằm ở ngoài cổ tử cung.

2.2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Các phương pháp chẩn đoán u xơ tử cung bằng phương pháp cận lâm sàng bao gồm:

  • Siêu âm: Là phương tiện chẩn đoán đầu tay có giá trị chẩn đoán u xơ tử cung cao. Siêu âm giúp xác định kích thước của khối u, vị trí khối u... Thực hiện siêu âm qua bơm nước vào buồng tử cung nếu có nghi ngờ Polyp buồng tử cung.
  • Chụp CT-scan hoặc MRI giúp chẩn đoán phân biệt u xơ tử cung với các bệnh lý vùng chậu khác như Adenomyosis, khối u vùng chậu, Sarcoma...
  • Soi buồng tử cung: Chẩn đoán và điều trị Polyp buồng tử cung.
  • Trong trường hợp có chèn ép đường tiết niệu thì có thể thực hiện thêm chụp thận có thuốc cản quang vào tĩnh mạch (UIV).
  • Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung để chẩn đoán tổn thương cổ tử cung kèm theo.

3. Diễn tiến tự nhiên của u xơ tử cung

Các khối u xơ tử cung có thể thu nhỏ hoặc phát triển theo thời gian. Chúng có thể thay đổi kích thước đột ngột hoặc ổn định trong thời gian dài. Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do, nhưng trong hầu hết các trường hợp, sự thay đổi kích thước khối u xơ này có liên quan đến lượng Hormone sinh dục trong cơ thể người phụ nữ. Khi người phụ có lượng hormone cao trong cơ thể (độ tuổi sinh sản hoặc khi mang thai), khối u xơ tử cung có thể lớn hơn.

Các khối u xơ tử cung cũng có thể co lại khi lượng hormone sinh dục trong cơ thể giảm xuống, điều này là phổ biến sau khi phụ nữ bước qua tuổi mãn kinh. Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, có khoảng 3 - 7% các khối u xơ tử cung sẽ thoái triển sau 6 tháng đến 3 năm.

Do khả năng u xơ sẽ thoái triển khi vào giai đoạn mãn kinh, nên nếu mức độ biểu hiện của các triệu chứng không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể chờ đến thời điểm bắt đầu mãn kinh để quyết định có điều trị hay không.

4. Cách giảm kích thước u xơ tử cung

4.1. Giảm u xơ tử cung bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh

4.1.1 Ăn gì để giảm kích thước u xơ tử cung?

Việc thực hiện chế độ ăn hợp lý có tác dụng làm chậm tăng trưởng kích thước của khối u xơ tử cung. Người bệnh nên thường xuyên thêm vào chế độ ăn uống các loại thực phẩm sau:

  • Thực phẩm nhiều chất xơ như các loại rau có màu xanh sẫm, trái cây tươi, yến mạch, lúa mạch, bánh mì nguyên cám... để giúp cân bằng nội tiết cho cơ thể, ngăn ngừa sự tái phát của khối u xơ tử cung.
  • Thực phẩm giàu Kali như bơ, cam quýt, chuối, dưa lưới, khoai tây... có tác dụng cung cấp Kali trong khẩu phẩn ăn. Lượng Kali này giúp cân bằng huyết áp của cơ thể (một bệnh lý thường đi kèm với u xơ tử cung).
  • Bơ, sữa: Các chế phẩm từ bơ sữa như sữa chua, phô mai chứa nhiều chất khoáng như Magie, Canxi và Phospho, là những chất có lợi cho bệnh nhân u xơ tử cung.
  • Trà xanh: Có tác dụng chống oxy hóa, làm chậm sự gia tăng kích thước của khối u xơ tử cung, đồng thời cân bằng nội tiết thông qua cơ chế kháng viêm và điều hòa mức Estrogen.
  • Các loại thực phẩm có chứa Vitamin D như ngũ cốc, nước ép cam, lòng đỏ trứng... có thể giảm nguy cơ mắc u xơ tử cung lên đến khoảng 30%.

4.1.2. Bệnh nhân u xơ tử cung cần tránh ăn gì?

Ngoài các loại thực phẩm giúp làm chậm sự phát triển của u xơ tử cung, bệnh nhân cũng cần tránh sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ làm tăng kích thước khối u như:

  • Thực phẩm chứa nhiều đường hoặc Carbohydrate như bánh mì trắng, cơm trắng, bột mì, nước ngọt, bánh ngọt, khoai tây chiên, nước ép trái cây có nhiều đường... có thể làm tăng nồng độ Glucose máu, từ đó kích thích tiết nhiều Insulin làm khối u xơ tử cung tăng kích thước nhanh hơn.
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm có chứa các thành phần tương tự Hormone Estrogen như quả mọng, quả đào, hạt lanh, đậu nành, chà là, mận mơ, hạt mè (vừng), thịt đỏ...
  • Tránh sử dụng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng.
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp.

4.1.3. Các phương pháp khác giảm kích thước u xơ tử cung

  • Nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách luyện tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng, kiểm soát huyết áp, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, tránh lo âu...
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá...
  • Bài tập giúp giảm kích thước u xơ tử cung như thiền, yoga hoặc điều trị tâm lý.

4.2. Thuốc làm giảm kích thước u xơ tử cung

Chỉ định điều trị u xơ tử cung bằng thuốc được đặt ra nhằm giải quyết các triệu chứng chính như đau bụng, biến chứng của chèn ép, xuất huyết tử cung bất thường hoặc ảnh hưởng đến kết cục sinh sản.

Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định điều trị u xơ tử cung đó là:

  • Progestins như Lynestrenol, Norethisterone, Dydrogesterone, Nomegestrol acetate... Giúp điều hòa giảm cả thụ thể Estrogen lẫn thụ thể Progesterone trong u xơ tử cung.
  • Dụng cụ tử cung có chứa nội tiết (Levonorgestrel) giúp giảm cường kinh, đồng thời có tác dụng ngừa thai.
  • Thuốc ngừa thai kết hợp: Có tác dụng làm teo nội mạc tử cung, từ đó giảm bớt tình trạng xuất huyết tử cung.
  • Các chất đồng vận GnRH như : Triptorelin, Goserelin, Leuprorelin acetat... có tác dụng ức chế buồng trứng sản xuất Estrogen, từ đó gây thoái triển các khối u xơ tử cung.

4.3. Giảm kích thước u xơ tử cung bằng phương pháp ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa là những phương pháp giúp loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn khối u xơ tử cung. Chỉ định điều trị ngoại khoa khi bệnh nhân có những yếu tố sau:

  • U xơ tử cung có kích thước lớn (≥ thai 12 tuần) và có triệu chứng.
  • Xuất huyết tử cung bất thường không đáp ứng với điều trị nội khoa.
  • U xơ tử cung dưới niêm mạc, rong kinh, rong huyết.
  • U xơ tử cung có biến chứng chèn ép nhiều.
  • U xơ tử cung bị hoại tử hoặc nhiễm trùng.
  • U xơ tử cung tăng kích thước nhanh, nhất là sau mãn kinh.
  • U xơ tử cung có kèm các bệnh lý khác như ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, sa sinh dục...
  • Bệnh nhân vô sinh hoặc có tiền sử sảy thai liên tiếp.
  • Các khối u vùng hạ vị không phân biệt được với u buồng trứng.

Các phương pháp điều trị ngoại khoa bao gồm :

  • Bóc u xơ tử cung: Được chỉ định can thiệp khi bệnh nhân chưa có đủ con và chưa hoàn thành kế hoạch sinh con.
  • Cắt tử cung bán phần hoặc toàn phần: Là cách duy nhất giải quyết vĩnh viễn u xơ tử cung ở phụ nữ.
  • Tắc chọn lọc động mạch tử cung: Là một phương pháp can thiệp tối thiểu giúp ngăn lượng máu đến nuôi khối u xơ tử cung, từ đó gây hoại tử và tiêu giảm khối u này. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra những biến chứng như hoại tử và xơ hóa toàn bộ nội mạc tử cung hay suy buồng trứng do tắc động mạch nuôi.
  • Nội soi buồng tử cung cắt u xơ tử cung dưới niêm mạc.

Nhìn chung, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị u xơ tử cung như không dùng thuốc, sử dụng các thuốc nội tiết cho đến phẫu thuật. Việc điều trị cần được cá nhân hóa và phải dựa trên những vấn đề mà bệnh nhân gặp phải. Bệnh nhân u xơ tử cung cần được thăm khám và xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe