Nhiều người bị ám ảnh bởi những cơn đau nhức kéo dài do mọc răng khôn. Cơn đau khiến bạn khó chịu, không thể ăn uống bình thường và về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe răng miệng. Dưới đây là một số cách giảm đau khi mọc răng khôn đơn giản, hiệu quả.
1. Triệu chứng mọc răng khôn là gì?
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 và thường mọc ở độ tuổi 17 - 25, đôi khi mọc muộn hơn hoặc không mọc. Khi mọc răng khôn bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như sau:
- Nướu răng sưng tấy: Cũng giống như những răng khác, mọc răng khôn có thể khiến nướu sưng đỏ. Đối với răng khôn hàm dưới, dấu hiệu này có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Còn đối với hàm trên, bệnh nhân chỉ có thể cảm thấy nướu bị sưng và tấy nhẹ.
- Đau nhức răng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất khi mọc răng khôn. Cơn đau thường dữ dội hơn so với khi mọc các răng khác. Do lúc này xương hàm đã phát triển và các răng khác đã mọc hoàn thiện nên khi răng khôn mọc lệch sẽ đau nhức hơn bình thường.
- Sốt, khó chịu: Khi mọc răng khôn nhiều người sẽ bị sốt, có thể là sốt cao hoặc sốt âm ỉ khiến cơ thể rất mệt mỏi. Răng đau khiến bệnh nhân không thể ăn uống thoải mái và cơn sốt kéo dài càng khiến bệnh nhân suy nhược.
- Đau đầu: Khi đau răng, các dây thần kinh khác cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng và khiến bệnh nhân bị đau đầu, tạo ra cảm giác rất khó chịu và thậm chí là mất ngủ.
2. Nguyên nhân gây đau khi mọc răng khôn
Đau răng khôn là một tình trạng thường gặp ở độ tuổi trưởng thành. Những chiếc răng khôn thường mọc lệch, tạo sức ép lên các răng khác và gây ra những cảm giác khó chịu, đau đớn cho người bệnh. Tình trạng đau răng khôn xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm:
- Trong quá trình mọc lên, bề mặt nướu bị răng khôn phá vỡ, dẫn tới chảy máu và tạo ra những cơn đau nhức dai dẳng.
- Vì răng khôn mọc khi các răng trưởng thành đã hoàn thiện và phát triển đầy đủ nên răng khôn đã mất chỗ để mọc và có nguy cơ mọc lệch, thậm chí có thể chèn ép vào các răng kế tiếp. Ngoài ra, răng khôn cũng có thể mắc kẹt ở nướu, khiến cho phần nướu trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
- Răng khôn mọc cũng tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, nếu bệnh nhân vệ sinh răng miệng không cẩn thận, trong khoang miệng còn sót thức ăn thừa sẽ khiến cho các vi khuẩn sinh sôi một cách nhanh chóng và có thể dẫn tới các nguy cơ mắc phải các bệnh nha chu như nhiễm trùng, u nang, áp xe,...
3. Cách giảm đau khi mọc răng khôn
3.1 Súc nước muối
Nước muối không chỉ giúp hỗ trợ làm sạch khoang miệng, hạn chế vi khuẩn phát triển mà còn làm giảm triệu chứng đau nhức răng khôn một cách hiệu quả. Theo một số nghiên cứu, nước muối có tác dụng khử trùng. Do vậy súc miệng bằng nước muối thường xuyên hằng ngày giúp hỗ trợ việc giảm thiểu các vi khuẩn có hại trong khoang miệng.
Bệnh nhân cần pha nước muối đúng cách để mang lại hiệu quả tốt nhất. Bạn có thể hòa tan một thìa muối vào một cốc nước mới đun. Đợi cho đến khi nước nguội, hãy súc miệng và ngậm nước vài phút rồi nhổ ra. Bạn nên duy trì việc này khoảng 2 đến 3 lần trong một ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
3.2 Trị đau do mọc răng khôn bằng lá bạc hà
Trong thành phần của lá bạc hà có chứa các hợp chất có tác dụng giảm đau và kháng viêm. Chính vì vậy lá bạc hà thường được sử dụng trong sản xuất kem đánh răng hoặc nước súc miệng. Cách làm giảm đau khi mọc răng khôn bằng lá bạc hà là một phương pháp vô cùng đơn giản và lành tính, không gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bạn nên xay nhuyễn lá bạc hà và chiết lấy nước. Sau đó nhúng một miếng bông gòn vào hỗn hợp dịch chiết, tiếp theo đắp trực tiếp miếng bông lên vị trí răng khôn.
3.3. Giảm nhức răng khôn bằng dầu đinh hương
Sử dụng dầu đinh hương cũng là một cách giảm đau khi mọc răng khôn tại nhà hiệu quả. Dầu đinh hương có công dụng giảm đau, kháng khuẩn, giúp giảm thiểu các nguy cơ bị nhiễm trùng răng miệng. Để giảm đau nhức răng khôn bằng dầu đinh hương, bạn có thể nhỏ trực tiếp vào vị trí răng khôn hoặc đun sôi dầu đinh hương và chế biến thành dung dịch giảm đau.
3.4. Chườm đá
Bệnh nhân có thể chườm lạnh để giảm nhanh triệu chứng đau nhức do mọc răng khôn. Bạn nên lấy một ít đá bọc vào một chiếc khăn sạch rồi chườm ở bên ngoài vùng mọc răng khôn để giảm đau tạm thời.
3.5. Liệu pháp nhiệt
Bên cạnh cách chườm đá giảm đau, bệnh nhân cũng có thể áp dụng phương pháp chườm nóng. Phương pháp này giúp giãn nở các mạch máu, tăng cường lưu lượng máu và làm giảm viêm sưng hiệu quả. Bạn cũng có thể kết hợp cả 2 phương pháp chườm nóng và lạnh, điều trị thay phiên liên tục để giúp chữa trị đau nhức răng khôn.
3.6. Dùng tinh dầu tràm trà
Cách giảm đau do mọc răng khôn bằng tinh dầu tràm trà cũng được nhiều người áp dụng vì cách làm đơn giản và hiệu quả cao. Tinh dầu tràm trà chứa các thành phần có tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ, vì vậy trước khi sử dụng bạn nên pha loãng với một ít nước rồi bôi lên răng. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp tinh dầu tràm trà với dầu dừa và bôi trực tiếp lên vị trí răng khôn. Lưu ý nên cẩn thận khi sử dụng để tránh nuốt phải hỗn hợp này và súc miệng bằng nước thật sạch sau khi điều trị.
3.7. Tinh dầu kinh giới
Tinh dầu kinh giới có tác dụng giảm đau, sưng viêm một cách nhanh chóng. Để sử dụng tinh dầu kinh giới, bạn nên pha loãng, sau đó hãy sử dụng bông gòn sạch chấm vào dung dịch rồi bôi lên vị trí mọc răng khôn. Nên thực hiện 2 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả cao nhất.
3.8. Giảm đau do răng khôn bằng tỏi và gừng
Tỏi và gừng không chỉ là nguyên liệu phổ biến trong nấu nướng mà còn có công dụng kháng khuẩn rất tốt. Ngoài ra tỏi cũng có tác dụng kháng viêm. Hai loại nguyên liệu này kết hợp với nhau có thể trở thành một cách chữa đau nhức răng khôn hiệu quả. Cách tốt nhất để sử dụng tỏi và gừng trong giảm đau khi mọc răng khôn là nghiền nát hỗn hợp, sau đó đắp lên một miếng dán và dán vào vị trí nướu răng.
3.9. Sử dụng hành tây
Hành tây có đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm rất mạnh, giúp diệt trừ vi khuẩn trong khoang miệng, ngăn ngừa nguy cơ sâu răng và chảy máu nướu răng. Cách làm giảm đau răng khôn bằng hành tây là nhai cho đến khi mùi hăng.
3.10. Đắp túi trà
Sử dụng túi trà để giảm đau khi mọc răng khôn là một cách đơn giản và dễ thực hiện hàng ngày. Túi trà có tác dụng giảm đau là vì trong trà có chứa một chất chống viêm rất tốt là axit tannic. Bạn chỉ cần ngâm túi trà, sau đó cho túi trà vào tủ lạnh, khoảng vài tiếng sau đắp túi trà lên vùng nướu bị sưng tấy do mọc răng khôn.
3.11. Sử dụng thuốc giảm đau
Trường hợp răng khôn đau nhức dữ dội, bạn có thể uống các thuốc giảm đau như Ibuprofen hoặc Paracetamol. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi dùng để phòng ngừa tác dụng phụ. Thuốc giảm đau chỉ có tác dụng tạm thời, bạn cần đặt lịch hẹn với nha sĩ càng sớm càng tốt để xem có cần nhổ răng khôn hay không.
Trên đây là một số cách giảm đau khi mọc răng khôn hiệu quả. Tuy nhiên nếu bệnh nhân bị đau nhức dữ dội, kèm sốt cao thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.